Bạn đang tìm cho mình những “mẹo ghi nhớ nhanh” cũng như những cách có thể học lý thuyết hiệu quả, vừa nhanh thuộc lại nhớ lâu. Bạn muốn cải thiện khả năng ghi nhớ vì chương trình học ngày càng nhiều hay muốn học “chữa cháy” cho bài kiểm tra đột xuất. Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một vài bí quyết học lý thuyết vừa nhanh vừa hiệu quả như sau.
1. Chia nhỏ bài học thành nhiều phần nhỏ
Với các môn xã hội, nội dung bài học thường rất dài, nhìn vào một bài dài bạn sẽ có cảm giác “ngán” không có chí để học. Trước một đống bài vở ngổn ngang như thế, nếu bạn học bài một cách không có kế hoạch, chắc chắn sẽ rất lâu thuộc và cho ra hiệu quả kém. Vì thế, để tránh tâm lý “choáng ngợp” với lượng kiến thức lớn, thì trước khi học bạn nên dành chút thời gian để tách nhỏ nội dung thành những phần nhỏ, đồng thời sắp xếp một cách có khoa học để tiếp thu bài vở nhanh hơn. Lúc này, sau khi chia bài ra thành các phần nhỏ, bạn sẽ thấy bài ngắn lại và cảm giác nhanh thuộc hơn. Có thể nói đây là cách cổ điển nhất nhưng cũng là cách học lý thuyết hiệu quả nhất.
Chẳng hạn với môn ngữ văn, nếu bạn phải học thuộc lòng bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” chỉ trong 1 tiếng chắc là sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu bạn chia nó thành 2 hoặc 3 phần nhỏ, và dành thời gian phù hợp để học từng phần, thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đơn giản hơn là nhồi nhét trong một khoảng thời gian ngắn đồng thời cũng ghi nhớ được lâu hơn.
Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng, đừng bao giờ học quá nhiều môn khác nhau trong một buổi học bài tại nhà. Nếu bạn cố gắng học thật nhiều môn một cách nhanh nhất trong khoảng thời gian ngắn, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lơ mơ và không thực sự nhớ hoặc hiểu về bài học vào ngày hôm sau.
Nếu bạn cảm thấy thiếu tập trung hoặc bế tắc trong khi học bài, thì đừng “quá sức”. Đơn giản thôi, hãy dành cho bản thân 5 - 10 phút thư giãn chẳng hạn như ăn vặt hay đi dạo đâu đó. Nhưng cần tuân thủ, không nghỉ lâu hơn, không trì hoãn, nếu quá mải mê vào các thú vui tiêu khiển giữa giờ chắc chắn hứng thú học bài của bạn cũng sẽ bay đi hết đó. Sau khi đã học thuộc các phần chia nhỏ thì tổng hợp học lại thành bài hoàn chỉnh.
2. Tóm tắt và highlight các ý chính trong bài
Việc tóm tắt các ý chính trong bài cũng là một mẹo ghi nhớ nhanh có hiệu quả, mẹo này giúp bạn học bài nhanh thuộc hơn. Trước tiên bạn cần nhớ tựa bài vì đây là ý chính của cả bài, tiếp theo là các mục lớn trong bài. Sau khi tóm tắt bạn hãy lọc và highlight các ý chính trong từng mục lớn để học.
Thay gì học thuộc lòng từng chữ thì bạn hãy học các ý chính này thì bạn đã nắm được nữa bài học và cũng giúp bạn nhớ bài lâu hơn. Khi học cần có cây bút và tờ giấy A4 bên cạnh, tập thói quen học tới đâu ghi ra các ý chính ra giấy tới đó, học bài kết hợp với ghi ra giấy cũng là cách giúp bạn nhớ lâu và mau thuộc hơn.
Sau khi học xong mỗi bài thì bạn đóng tờ giấy A4 vừa ghi xong thành cuốn riêng, đến lúc thi hoặc kiểm tra thì chỉ cần ôn lại trong cuốn này là có thể tự tin rồi đấy.
3. Lựa chọn thời điểm học bài phù hợp
Thực sự sẽ không có một thời điểm cụ thể trong ngày giúp bạn học thuộc bài nhanh nhất. Mỗi người sẽ có khoảng thời gian phù hợp với riêng mình. Có bạn thì thích học bài vào sáng sớm, nhưng có bạn lại thích học bài sau khi ăn tối đến đêm khuya. Bài viết này chúng tôi sẽ không khuyên bạn phải học vào một khung giờ bắt buộc nào đó. Thay vì vậy, hãy tự tìm ra cho mình khoảng thời gian bạn thấy lý tưởng nhất cho việc học bài.
Nếu buổi sáng giúp bạn tỉnh táo và có nhiều năng lượng để học bài thì hãy cứ thức dậy để học bài. Còn nếu, ban đêm là khi bạn thấy mình có thể học bài tốt nhất hãy cứ tiếp tục. Tuy nhiên, đừng cố gắng thức quá khuya, vì ngủ muộn sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bạn nhé.
4. Học bài hiệu quả bằng sơ đồ tư duy
Một số môn học có nội dung khá dài dòng, thật sự không thể học hết theo khuôn khổ được khiến bạn mau chóng ngán ngẩm, nảy ra ý nghĩ không muốn học. Song nếu để ý những môn như là lịch sử, địa lý hay triết học, tuy nhiều chữ nhưng không đòi hỏi bạn phải nhớ nội dung chính xác đến từng chi tiết. Do đó, bí quyết để thuộc nhanh những bài học này chính là học ý nghĩa.
Cụ thể, các bạn hãy tóm tắt lại nội dung bài học bằng cách vẽ thành sơ đồ tự do theo ý thích của bạn, đánh dấu bằng những màu sắc, hình thù bắt mắt mà bạn thích để kích thích não bộ hoạt động, ghi nhớ tốt hơn. Sau đó học thuộc chúng và tự diễn giải mạch nội dung theo sự hiểu biết của bản thân. Với môn tiếng anh hoặc các môn ghi chép nhiều công thức như toán - lý - hóa, bạn có thể tóm tắt các công thức ngữ pháp hay tính toán theo chuỗi sơ đồ tư duy tương tự. Cách này vừa giúp nhớ nhanh lại tiện lợi cho việc tra cứu những lúc cần thiết khi làm bài tập.
5. Giữ tinh thần thoải mái
Trước khi bắt tay vào học bài phải ở trong trạng thái tinh thần thoải mái, không lo âu, buồn phiền. Chỉ tập trung vào việc học sẽ giúp bạn học bài nhanh thuộc và nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó thì lúc học cũng cần tẩm bổ cho mình, có thể là một ly sữa hoặc ly nước mát giải khát,… giúp bạn tỉnh táo hơn. Ngược lại, nếu bạn không cảm thấy thoải mái hay có việc phiền não thì không thể nào tập trung học bài được. Bạn sẽ không tự chủ mà nghĩ đến vấn đề mình đang mắc phải. Khi ấy vừa không giải quyết được vấn đề, không đạt được hiệu quả học lý thuyết mong muốn, lãng phí thời gian.
6. Tự kiểm tra nội dung mình đã học
Sau khi học xong, bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra nội dung mình đã học bằng cách tự lặp lại các nội dung đã học, cách vài tiếng lặp lại một lần xem có trôi chảy chưa. Hoặc bạn cũng có thể nhờ người thân, bạn bè dò nội dung giúp mình xem bạn đã đọc đúng hết hay chưa. Song song đó còn có một phương pháp khác giúp bạn tự kiểm tra được nội dung mình đã học có đủ chưa, vững chưa bằng cách đi họp nhóm. Trong quá trình học tập trao đổi với bạn khác bạn vừa có thể củng cố kiến thức, ghi nhớ lâu hơn vừa có thể biết được trình độ mình đang tới đâu.
Qua bài viết trên mà THPT FPT Cần Thơ cung cấp, mong rằng bạn có thể chọn được cho mình cách làm sao để học bài nhanh thuộc phù hợp với bạn nhất. Đồng thời sớm trau dồi tốt kỹ năng ghi nhớ trong tương lai.