Màu sắc da là một tính trạng số lượng nên kiểu hình không chỉ chịu sự chi phối của kiểu gen mà còn có mối liên hệ mật thiết với chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng từ bên ngoài. Do đó, dù bạn có cơ địa da tối màu nhưng tích cực dưỡng sáng thì tông da cũng sẽ có nhiều cải thiện qua thời gian.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, kết quả dưỡng sáng lại không được như kỳ vọng ban đầu. Vậy tại sao da mặt khó trắng và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Tại sao da mặt khó trắng?
Nếu bạn đang băn khoăn với câu hỏi “Tại sao da mặt khó trắng?” thì hãy điểm qua những nguyên nhân dưới đây xem mình có phạm phải sai lầm nào không nhé!
Tác động của ngoại cảnh
Dù bạn có sử dụng phương pháp làm trắng da hiệu quả đến mức nào mà vẫn tiếp xúc với các yếu tố gây hại thường xuyên thì đừng mong tông da sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Thực tế cho thấy tia cực tím là “kẻ thù số một” của làn da. UVA, UVB sẽ kích thích quá trình sản sinh melanin của tế bào sắc tố và gây nên tình trạng thâm xỉn, sạm màu da. Không chỉ vậy, tác nhân này còn là “thủ phạm” gây nên tình trạng lão hóa sớm và làm gia tăng nguy cơ ung thư da.
Trong một diễn biến khác, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, laptop, desktop,... cũng là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến làn da của bạn, khiến da khó trắng dù được chăm sóc kỹ lưỡng.
Chưa hết, hóa chất và khói bụi cũng là những thành phần gây đầu độc da. Những thành phần này xâm nhập sâu vào lỗ chân lông, gây bít tắc, khiến da đen sạm, không đều màu và nổi nhiều mụn ẩn, mụn viêm.
Yếu tố cơ địa
Do ảnh hưởng của yếu tố di truyền, một số người có tốc độ và cường độ sản xuất melanin cực mạnh mẽ nên có nền da sậm màu hơn hẳn người bình thường. Trong khi đó hầu hết các sản phẩm dưỡng sáng đều hướng tới số đông nên có phần “nhẹ đô” so với đối tượng này. Kết quả là da vẫn khó trắng dù họ có che chắn kỹ càng hay sử dụng mỹ phẩm đúng cách.
Chăm sóc và dưỡng da sai cách
Đây cũng là một trong những vấn đề cốt lõi giải thích tại sao da mặt khó trắng. Một số sai lầm thường gặp bao gồm:
- Không dùng kem chống nắng hoặc dùng không đủ lượng và không dặm lại theo chu kỳ 2 - 3 giờ/lần.
- Không dùng kem dưỡng trắng hoặc dùng một cách ngẫu hứng, không thường xuyên, liên tục.
- Lạm dụng tẩy da chết khiến da bị bào mòn da, để lộ lớp tế bào mỏng yếu rất dễ bắt nắng và gây nên tình trạng tăng sắc tố.
- Không tẩy trang sau khi trang điểm hoặc dùng kem chống nắng. Điều này sẽ khiến các chất bẩn tồn ứ trong lỗ chân lông. Kết quả là làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất của da, sinh mụn và khiến da bị tối màu đi trông thấy.
Sản phẩm dưỡng trắng không phát huy hiệu quả
Không phải mỹ phẩm nào "gắn mác" dưỡng trắng cũng đem đến kết quả làm sáng da đúng như quảng cáo ban đầu. Nếu bạn sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoạt chất dưỡng da nghèo nàn cả về tỉ lệ lẫn thành phần thì chắc chắn hiệu quả làm trắng sẽ không được như mong đợi.
Rối loạn nội tiết
Sự rối loạn nội tiết có thể làm cản trở hành trình dưỡng trắng da của bạn. Nghiên cứu cho thấy ở nữ giới, có ba giai đoạn nội tiết tố có sự biến động lớn, đó là tiền mãn kinh, sinh nở và dậy thì. Khi đó, sự thay đổi thất thường về nội tiết sẽ kích hoạt phản ứng oxy hóa kim loại, làm tăng tiết bã nhờn, thúc đẩy quá trình sản sinh hắc sắc tố và gây ảnh hưởng tiêu cực đến làn da. Vậy nên da sẽ không còn duy trì được vẻ trắng sáng tự nhiên mà dần chuyển màu thâm xỉn.
Căng thẳng thần kinh
Nhiều dẫn chứng khoa học đã chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Kết quả là da sẽ hứng chịu hàng loạt tác động gây hại đến từ môi trường bên ngoài (tia UV, ánh sáng xanh, hóa chất, khói bụi,...) và không thể nâng tông dù được chăm sóc kỹ lưỡng.
Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh
Thức khuya, thường xuyên tiếp xúc ánh sáng xanh, lười rèn luyện thân thể, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống ít nước,... là những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến hiệu quả dưỡng sáng da. Chúng vừa làm giảm tác dụng của hoạt chất làm trắng, vừa kích thích sản sinh melanin dưới da. Vậy nên nếu bạn không thay đổi lối sống theo hướng tích cực thì chăm sóc da sẽ hoàn toàn vô ích.
Phải làm gì khi da mặt khó trắng?
Trong trường hợp da mặt khó trắng, bạn hãy tìm hiểu xem nguyên nhân đến từ đâu, sau đó tác động vào căn nguyên cốt lõi để cải thiện tình hình. Cụ thể như sau:
- Duy trì thói quen dùng kem chống nắng hằng ngày, sử dụng đủ lượng và dặm lại sau mỗi 2 - 3 giờ. Đặc biệt đừng quên che chắn bằng áo chống nắng, kính, mũ, găng tay,... tuyệt đối không để da tiếp xúc nắng trực tiếp.
- Tẩy da chết 1 - 2 lần mỗi tuần, sử dụng sản phẩm dịu nhẹ, thành phần lành tính và không gây bào mòn da.
- Kiểm tra lại những sản phẩm dưỡng da đang sử dụng xem có phải hàng chính hãng hay không, thành phần dưỡng chất thế nào, sử dụng đúng cách hay chưa và có được người tiêu dùng phản hồi tốt không, sau đó điều chỉnh hoặc thay thế cho phù hợp.
- Xây dựng phác đồ dưỡng trắng chuyên nghiệp, có thể kết hợp cả serum, kem dưỡng, mặt nạ và viên uống trắng da từ bên trong.
- Sinh hoạt điều độ và lành mạnh: Ngủ trước 12 giờ, hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, ưu tiên rau củ quả trong chế độ ăn, tránh xa rượu bia và thuốc lá,...
- Giữ cho tinh thần luôn thư thái, tránh suy nghĩ tiêu cực. Trong trường hợp rối loạn nội tiết thì nên uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bật mí phương pháp làm trắng da hiệu quả
Việc dưỡng trắng da mặt thường được thực hiện theo ba cấp độ: Chăm sóc cơ bản, chăm sóc có định hướng và điều trị chuyên sâu. Việc lựa chọn phương pháp nào là tùy vào nhu cầu và tình trạng da của mỗi người.
- Chăm sóc cơ bản: Làm sạch da đúng cách bằng nước tẩy trang và sữa rửa mặt. Sau đó sử dụng toner để cân bằng ẩm, đắp mặt nạ và dùng thêm serum, kem dưỡng để hoàn thiện quy trình chăm sóc. Ngoài ra đừng quên thoa kem chống nắng mỗi ngày.
- Chăm sóc định hướng: Sử dụng serum, kem dưỡng và mặt nạ hàm chứa các thành phần dưỡng sáng da hiệu quả như: Vitamin C, glutathione, niacinamide, alpha arbutin, glycolic acid,...
- Điều trị chuyên sâu: Chiếu tia laser để cải thiện tông da, sử dụng liệu pháp thay da sinh học, tiêm meso, truyền trắng,...
Lời giải đáp chi tiết của câu hỏi: “Tại sao da mặt khó trắng?” đã được Nhà thuốc Long Châu phân tích chi tiết trong bài viết này. Mong rằng với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ, bạn đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm hay trong việc chăm sóc và làm đẹp da. Trân trọng!
Xem thêm:
- Vùng kín bị khô bong da: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp
- Da khô là gì? Tình trạng da thô ráp khiến bạn khó chịu