Những năm qua, LLVT tỉnh Lào Cai luôn phát huy vai trò nòng cốt, cùng với hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, góp phần xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế-xã hội...
Dựa vào dân, lấy dân làm gốc, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong xây dựng và hoạt động KVPT là vấn đề cốt yếu. Nằm ở vị trí tiền tiêu biên giới phía Bắc, có 107 xã, phường, thị trấn là trọng điểm về quốc phòng... Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai luôn xác định việc xây dựng “thế trận lòng dân” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo điểm tựa xây dựng KVPT vững chắc.
Chốt dân quân thường trực canh biên, bám bản
Khi núi vẫn còn “quàng khăn mây”, đường vẫn đang “rửa mặt bằng sương”, các chiến sĩ trong Tiểu đội Chốt dân quân thường trực biên giới tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã cùng gia đình ông Phạm Đăng Lân vận chuyển hàng chục bao tải cây dứa giống lên sườn đồi Tà Lạt ở thôn Na Mạ 2, xã Bản Lầu. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Hoàng Mạnh Tiến, trong buổi sáng, các chiến sĩ dân quân đã biến sườn đồi Tà Lạt từ màu nâu của đất sang những hàng xanh đẹp mắt của vườn dứa.
Tiểu đội chốt Dân quân thường trực biên giới tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) bảo quản vũ khí trang bị.“Cảm ơn các đồng chí dân quân. 3 ngày qua, 2 vạn cây dứa của gia đình tôi đã được trồng. Nếu không có anh em làm giúp thì vợ chồng tôi có lẽ phải vật lộn gần nửa tháng mới xong và đến lúc ấy thì dứa giống đã bị khô héo. Không chỉ công việc này mà cứ đến mùa thu hoạch dứa, thu hoạch lúa hay có công việc gì cần là các chiến sĩ dân quân của chốt đều giúp đỡ bà con tận tình”, ông Phạm Đăng Lân bày tỏ cảm kích.
Tiểu đội Chốt dân quân thường trực biên giới tại xã Bản Lầu đóng quân cách biên giới hơn 3km, nơi có thể kiểm soát con đường huyết mạch nối liền cửa khẩu phụ Mường Khương-Kiều Đầu với trung tâm TP Lào Cai.
Qua tìm hiểu hoạt động của Tiểu đội Chốt dân quân thường trực biên giới tại xã Bản Lầu, chúng tôi thấy rằng, đây là một chủ trương đúng đắn trong xây dựng KVPT, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống, xử lý các tình huống, xa hơn nữa là góp phần giữ dân, giữ biên giới, giữ đất, giữ rừng; là chỗ dựa vững chắc của chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở biên giới chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp bà con vùng biên ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn...
Theo đồng chí Hoàng Trường Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương: “Tiểu đội Chốt dân quân thường trực biên giới xã Bản Lầu đã góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn và có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhất là nhiều mô hình làm kinh tế đã được tiểu đội tuyên truyền, hướng dẫn và nhân rộng trong xã, đem lại nguồn lợi kinh tế cao, giúp nhân dân thoát nghèo, như: Mô hình nuôi lợn rừng, ao cá, trồng cây sa nhân, các loại cây ăn quả... Ngoài ra, đây cũng là cái nôi rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cho địa phương. Sau quá trình thực hiện nhiệm vụ ở chốt, nhiều đồng chí phát huy tốt năng lực, phát triển, giữ các chức vụ của thôn, xã”.
Nắm chắc địa bàn, gắn bó máu thịt với nhân dân
Trung tá Giàng Diu Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Si Ma Cai là người con của dân tộc Phù Lá ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Gần 6 năm trên các cương vị ở Ban CHQS huyện Si Ma Cai, anh Thắng và cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên trèo đồi, vượt suối đến từng bản làng, phối hợp cùng các lực lượng nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ các hủ tục, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, giữ biên cương...
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lào Cai luôn chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi cùng Trung tá Giàng Diu Thắng xuống nắm địa bàn cụm xã Quan Hồ Thẩn, Cán Cấu, Lùng Thẩn (khu vực anh được giao phụ trách). Đi trên cung đường ngoằn ngoèo uốn lượn qua điệp trùng núi rừng, anh Thắng chia sẻ: "Năm 2000, huyện Si Ma Cai được tái lập, tách ra từ huyện Bắc Hà. Do địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất nông nghiệp nên Si Ma Cai là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của trên, chúng tôi phân công mỗi đồng chí chỉ huy của Ban CHQS huyện phụ trách cụm 3 xã; mỗi đồng chí trợ lý phụ trách một xã để nắm tình hình và kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh...".
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai là địa phương đa sắc tộc, đa tôn giáo, địa bàn rộng, một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí có mặt còn hạn chế, không đồng đều, dễ bị mua chuộc, lôi kéo, kích động, gây mất ổn định an ninh chính trị; các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái phép khó phát hiện. Bên cạnh đó, với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt mạnh gây khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ an sinh xã hội và thực hiện các chính sách sinh kế cho người dân vùng cao, dẫn đến sự phát triển chênh lệch giữa các vùng. Ngoài ra, Lào Cai là một trong những địa phương chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên xảy ra với nhiều loại hình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân. Bên cạnh đó, những năm gần đây, hàng loạt biện pháp thắt chặt quản lý biên giới từ phía nước bạn khiến nhiều bà con vùng biên thiếu việc làm, đặt ra vấn đề lớn trong giải quyết an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhân dân ở khu vực biên giới.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, tham mưu với địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm vững mạnh, rộng khắp; 100% thôn, bản, tổ dân phố có dân quân hoạt động. Các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh luôn bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng thực hiện “3 bám, 4 cùng” (3 bám: Bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương) để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, từ bỏ các phong tục lạc hậu, các loại tà đạo; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động cài cắm, móc nối của các đối tượng thù địch ngay tại cơ sở...
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số. Tổ chức hoạt động dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương khó khăn. Trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Lào Cai tổ chức hàng chục đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận kết hợp với xây dựng nông thôn mới, như: Sửa chữa, xây mới 150 căn nhà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vệ sinh, sửa sang hơn 100 nhà văn hóa; sửa chữa hơn 150km và làm mới gần 20km đường nông thôn; ủng hộ 90 tấn xi măng và 9.000m3 cát sỏi để xây dựng nhà văn hóa, xây dựng trường học, làm nhà bán trú và đường giao thông nông thôn; vận động gần 2.000 lượt học sinh đến trường đúng độ tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 2.500 lượt người; chủ động và tích cực tham gia phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai... Qua đó góp phần làm cho các bản làng biên giới ở Lào Cai từng ngày khởi sắc; góp phần nâng cao tiềm lực, xây dựng KVPT ngày càng vững chắc trong tình hình mới.
(còn nữa)
Bài và ảnh: SƠN BÌNH