Vệ sinh tai không đúng cách, chọc, ngoáy tai bằng các vật dụng cứng hoặc không đảm bảo vô trùng có thể gây tổn thương dẫn đến nhiễm trùng, tạo mụn nhọt. Vậy mụn nhọt ở tai trẻ em là gì? Cần làm gì khi trẻ nổi mụn nhọt ở tai?
Mụn nhọt ở tai trẻ em là gì?
Mụn nhọt ở tai trẻ em là tình trạng da trẻ bị nhiễm trùng khu trú ở ống tai ngoài, dẫn đến sự hình thành các nốt sưng đỏ có chứa mủ, thường chỉ xảy ra ở một bên tai. Mụn nhọt ở tai có thể xuất hiện ở bất kỳ trẻ nào và thường kéo dài trong vài ngày khi được điều trị kịp thời và đúng cách. Trường hợp chậm trễ trong điều trị, trẻ có thể bị nhiễm trùng lan rộng, ảnh hưởng thính giác.
Nguyên nhân mụn nhọt ở tai trẻ em
Trẻ nổi mụn nhọt ở tai là do nhiễm trùng, thường gặp là vi khuẩn Staphylococcus aureus và Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA). Ngoài ra, virus, nấm và một số vi sinh vật khác cũng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng tạo mụn nhọt.
Khi tai trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, đây sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và các tác nhân khác sinh sôi, phát triển, gây bệnh cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ bị tổn thương, trầy xước bề mặt da. Bên cạnh đó, có một yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ nổi mụn nhọt ở tai:
- Tổn thương da vùng vành tai và ống tai do tăm bông hoặc các dụng cụ vệ sinh tai khác.
- Điều kiện môi trường sống kém, ô nhiễm;
- Bơi trong nước không sạch
- Trẻ bị viêm nang lông hay tuyến bã nhờn;
- Trẻ bị các bệnh khác chàm ống tai, tai chảy mủ;
- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh lý như thiếu máu, thiếu sắt, đái tháo đường, suy dinh dưỡng…
- Trẻ có chế độ ăn nhiều đồ ngọt.
- Sử dụng các dụng cụ như tai nghe, máy trợ thính nhưng không được vệ sinh đúng đầy đủ.
Dấu hiệu mụn nhọt ở tai trẻ em
Mụn nhọt nằm ở phần ngoài của tai như vành tai, ống tai ngoài, bố mẹ có thể nhận biết qua quan sát thông thường tuy nhiên đôi khi phải soi tai mới phát hiện. Trẻ có thể kèm triệu chứng sốt, mệt mỏi, trở nên cáu gắt, đau dữ dội khi chạm vào tai, có thể kèm theo ù tai, giảm thính lực. Cơn đau có thể lan ra vùng thái dương, gáy, cổ, gây đau đớn khi ăn nhai, há miệng khiến trẻ biếng ăn, mất ngủ. Nếu mụn nhọt ở trẻ bị vỡ, tai chảy mủ kèm máu.
Thông thường, mụn nhọt nằm ở phía ngoài sẽ không gây đau nhiều và nguy hiểm như mụn nhọt nằm sâu trong ống tai. Trẻ nổi mụn nhọt sâu trong ống tai, nếu phát hiện muộn, các triệu chứng biểu hiện ở mức độ nặng hơn khi viêm tấy nhiều và nhiễm trùng lan rộng, có thể thấy trẻ sốt cao, đau đớn dữ dội.
Chẩn đoán mụn nhọt ở tai trẻ em
Để hỗ trợ cho chẩn đoán mụn nhọt ở tai trẻ em, phụ huynh nên cung cấp một số thông tin về tiền sử bệnh của trẻ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cách vệ sinh tai cho trẻ, cũng như các thông tin về triệu chứng, bao gồm thời điểm xuất hiện, mức độ nghiêm trọng…
Khi soi tai, bác sĩ có thể phát hiện một nốt gờ có màu đỏ hồng, gây cảm giác đau nhức cho trẻ khi chạm vào. Nhọt lớn, sắp vỡ sẽ có đầu màu trắng hoặc vàng, không có ranh giới rõ ràng. Vùng da nổi mụn nhọt bị phù nề khiến lòng ống tai bị thu hẹp, gây khó khăn khi quan sát sâu bên trong.
Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện một số cận lâm sàng như xét nghiệm dịch tai, sinh thiết nếu nghi ngờ khối u… để xác định nguyên nhân chính xác gây nổi mụn nhọt nhằm xây dựng phác đồ điều trị tối ưu cho trẻ.
>>>Có thể bạn chưa biết về: Nguyên nhân và dấu hiệu nổi mụn nhọt ở mông trẻ em
Cách chữa trị mụn nhọt ở tai trẻ em
Tùy thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của mụn nhọt ở tai trẻ em, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Một số trường hợp, mụn nhọt có thể biến mất khi được chăm sóc đúng cách. Phần lớn, mụn nhọt ở tai có thể tự xẹp hoặc sẽ tự vỡ sau 4 - 5 ngày; mủ, máu và ngòi sẽ thoát ra ngoài qua cửa tai, các triệu chứng biến mất.
1. Điều trị bằng thuốc
Trẻ nổi mụn nhọt ở tai do nhiễm trùng vi khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc trị. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt cho trẻ.
2. Phương pháp điều trị khác
Làm sạch dịch tiết trong tai, nhét gạc dẫn lưu mủ ra ngoài… Bố mẹ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để thăm khám và điều trị mụn nhọt ở tai cho trẻ, đặc biệt khi có chỉ định chích rạch mụn nhọt ở tai.
>>>Có thể bạn chưa biết: Mụn nhọt ở đầu trẻ em là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh
Cách chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt ở tai
Khi phát hiện trẻ nổi mụn nhọt ở tai, hoặc có bất thường ở vùng tai, thường xuyên đau, nhức tai, điều đầu tiên là đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Tiếp đó, bố mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách nhằm rút ngắn quá trình điều trị, ngăn ngừa biến chứng cho trẻ:
- Dùng tăm bông, bông gòn và nước muối hay dung dịch sát khuẩn vệ sinh tai trẻ nếu có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó, dùng tăm bông, gạc sạch, khô lau cẩn thận vùng tai trẻ, để tai trẻ khô ráo.
- Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định về liều lượng, loại thuốc và cách dùng. Tuyệt đối không tự ý kết hợp, ngừng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị dân gian để trị mụn nhọt cho trẻ. (1)
- Dùng khăn sạch, mềm, thấm nước ấm rồi vắt ráo chườm lên khu vực bị đau sưng do mụn nhọt nhằm giúp giảm đau.
- Tránh để trẻ chạm tay, dùng tăm bông hoặc các vật dụng khác tác động lực vào mụn nhọt, nặn mụn nhọt bởi điều ngày có thể gây tổn thương bề mặt da, tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.
- Tuyệt đối không tự ý nặn mụn nhọt ở tai cho trẻ bởi điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan, xâm nhập vào sâu bên trong gây viêm nhiễm nghiêm trọng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, tăng cường thực phẩm giàu vitamin nhằm giúp trẻ được bổ sung dinh dưỡng và năng lượng, tăng cường đề kháng chống lại nhiễm trùng.
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
- Theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi phát hiện bất thường. Nếu đột nhiên dịch mủ chảy nhiều qua ống tai, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để rửa tai, dẫn lưu mủ và xác định xem nguyên nhân gây tình trạng này là do mụn nhọt bị vỡ hay do vấn đề sức khỏe khác như viêm tai giữa…
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Mụn nhọt ở tai trẻ em có thể tự lành nhưng nguy cơ tái đi tái lại cao, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ và không được xử lý đúng cách. Vì vậy, trẻ nổi mụn nhọt cần được điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để được bác sĩ đánh giá tình trạng, sức khỏe vùng tai cho trẻ.