1.
Ngôi biệt thự bề thế nằm trong một khuôn viên rộng lớn rợp bóng cây xanh. Với thế lưng tựa núi, mặt hướng thủy, lại nằm trên một thế đất khá đắc địa, kiến trúc duyên dáng hài hòa với cảnh sắc xung quanh, ngôi biệt thự như một viên ngọc long lanh tô điểm thêm cho vẻ đẹp của làng Đại Sơn, một làng quê nổi tiếng về cảnh đẹp sơn thủy hữu tình và là làng có mô hình du lịch cộng đồng sinh thái nổi tiếng của tỉnh.
Chủ nhân của ngôi biệt thự là bà Mai Anh, thường được mọi người gọi là mệnh phụ phu nhân bởi bà đúng là “mẫu dĩ tử quý” hay là mẹ quý nhờ con do có con trai lớn đang là một vị quan chức đứng hàng đầu của tỉnh nhà, cô con gái thứ hai là giám đốc một sở, còn cậu út đang là trưởng ban quản lí khu công nghiệp của tỉnh.
Bà Mai Anh năm nay đã gần bước sang cái tuổi bát thập, nhưng nhìn còn khá trẻ so với tuổi do có điều kiện chăm sóc sức khỏe và gu thẩm mĩ thời trang sang trọng tinh tế. Bà góa chồng khi mới ngoài sáu mươi tuổi, nhưng như để bù lại thì giời lại cho bà một sức khỏe dẻo dai cùng sự minh mẫn, tinh anh hơn người. Tuổi này mà bà vẫn lướt facebook, vào mạng đọc báo cập nhật tin tức thời sự trong ngoài nước, người dân đang quan tâm gì, thậm chí bà còn biết cả những câu đu trend đang nổi rầm rộ trên mạng của giới trẻ.
Ngôi biệt thự chỉ náo nhiệt vào những dịp lễ tết, hoặc thỉnh thoảng vào những dịp cuối tuần khi con cháu của bà Mai Anh từ tỉnh về thăm nhà, còn thường ngày thì vắng vẻ chỉ có chủ nhân cùng mấy người giúp việc.
2.
Đã thành lệ, hằng ngày bà Mai Anh thức dậy lúc năm giờ sáng. Công việc đầu tiên trong ngày của bà là đi lên điện thờ tại gia được đặt nơi cao nhất và trung tâm nhất của ngôi biệt thự. Tại đó bà gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Tiếng gõ mõ lóc cóc tụng kinh cùng mùi trầm hương lan tỏa rồi tràn ra khắp khu vườn, khuôn viên của ngôi biệt thự đón chào một ngày mới. Khi tiếng gõ mõ tụng kinh dừng là lúc bà Mai Anh ngồi thiền, lúc này sân vườn đã được mấy người giúp việc quét dọn sạch sẽ và bắt đầu vào chuẩn bị bữa sáng. Bà Mai Anh ăn uống không quá cầu kì nhưng phải luôn đảm bảo thực phẩm sạch có nguồn gốc và nóng sốt.
Dùng bữa sáng xong, bà Mai Anh thư thái ra vườn ngắm cảnh. Gió mai trong lành mát mẻ đưa bước chân bà lướt qua những viên đá được bao bọc bởi thảm cỏ mượt như nhung và đến bên hai gốc tùng la hán cổ thụ có những tán xòe rộng được cắt tỉa công phu tạo thế vũ trụ với các cành và lá xếp từng tầng theo kiểu vô tận, mà nói theo lời của bí thư huyện X khi biếu cặp cây này là nó sẽ đem tới phúc lộc vô tận cho gia chủ. Dừng chân bên cây cầu Kiều cong cong được bắc qua hồ bán nguyệt xinh xinh, nghe tiếng nước róc rách chảy êm tai, bà Mai Anh vui mắt ngắm nhìn đàn cá koi lượn lờ bơi lội, chơi đùa bên những hang đá nhân tạo. Rồi tiếng chim hót líu lo trên các tán lá gọi mời bà lại gần cây si xanh tốt với thế “long đàn phượng vũ”. Cây si này là quà biếu của tay trưởng công an huyện, tay này nhiều khi thô nhưng bà Mai Anh thấy hắn lại được việc, khi thấy bà thông tin xây nhà, ngay lập tức hắn đã cho người đến hỏi han rồi ùn ùn chở vật tư vật liệu tới. Hắn còn bảo bà Mai Anh: “Anh bận trăm công nghìn việc lớn, việc nhỏ này mẹ cứ để con lo.”
Tiếp đó mấy tay lãnh đạo của các huyện, sở trong tỉnh đều biết tin là mẹ xây nhà, chúng con đều bận việc chỉ biết động viên mẹ chút quà thêm vào cho ngôi nhà tươm tất, mẹ nhất định phải nhận, không nhận thì ra là con có lỗi gì à… Thành ra khi xây xong ngôi biệt thự bề thế, rồi khuôn viên rợp bóng cây cảnh quý hiếm đắt tiền bà Mai Anh chẳng tốn một xu lại còn có thêm tiền trong tài khoản.
Thực ra nhìn thì vậy, nhưng mọi việc bà Mai Anh đều có tính toán kĩ từng đường đi nước bước. Đầu tiên bà vào các trang mạng kiểm tra xem các địa phương trong tỉnh có những lễ hội nào trong năm, rồi các đền phủ nổi tiếng thời điểm nào có những lễ trọng. Trước khi đi đến một lễ hội, đền phủ nào đó bà sẽ gọi cho tay thư kí của con trai bà, tay này sẽ liên lạc với các quan chức đầu huyện, ngành là có mẹ của sếp ngày nào, giờ nào đến lễ hội đó, để lựa bề đón tiếp chu đáo. Khi gặp gỡ nói chuyện với những vị quan chức trên bà tỏ vẻ quan tâm am hiểu tình hình, khen địa phương phát triển và có những đặc sản nào ngon, ăn một lần mà nhớ mãi. Đương nhiên là sau những cuộc du xuân, chơi hội đó là cốp xe ô tô đầy ắp quà biếu những thức ngon vật lạ của địa phương, rồi nó sẽ được chất đầy kho trong nhà của bà Mai Anh. Nhưng đó cũng chỉ là bước đầu, quan trọng là các lãnh đạo huyện, sở đều biết mặt bà Mai Anh và có số điện thoại của bà. Thỉnh thoảng xem tin tức nếu thấy địa phương nào có biến cố, hoặc thành tích gì bà Mai Anh nhắn tin, điện thoại thăm hỏi quan tâm, chúc mừng tới các vị lãnh đạo đó, lâu dần thành thân và không biết từ lúc nào họ đều gọi bà Mai Anh là mẹ. Đến khi mẹ thông tin xây nhà để các con có chỗ đàng hoàng qua lại, mẹ còn nửa đùa nửa thật chúng mày xem có hỗ trợ mẹ chút kinh phí nào không, các con lại đứng ngoài nhìn là sao, phải làm cho mẹ vui, mà mẹ vui thì là sếp vui…
Việc này con trai bà Mai Anh biết rõ, bảo bà “chút kinh phí đó có thấm gì, mẹ cứ để con lo, con không muốn mẹ phải lao tâm khổ tứ” nhưng bà kiên quyết theo ý mình. Bà muốn tỏ rõ cho mọi người xung quanh biết giá trị của bản thân.
Đến giờ phút này mọi việc trong gia đình, rồi họ mạc nội ngoại hai bên từ nhà thờ họ đến phần mộ và các việc to nhỏ khác bà Mai Anh đã chu toàn.
3.
Hiện tại còn một việc lớn mà bà Mai Anh cùng con trai bà đều chung một mối quan tâm và cần làm nhanh là việc làng, việc nước của cả vùng núi Đại Sơn này.
Ngôi làng của bà Mai Anh nằm giáp chân núi Đại Sơn, vì thế mà nó cũng được mang tên trùng với tên của núi. Núi Đại Sơn và khu vực đầm phá xung quanh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng khí hậu mát mẻ, hằng năm thu hút một lượng du khách trong tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây có ngôi chùa cổ trên núi, những năm 1930 là cơ sở cho Việt Minh hoạt động, rồi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, cũng là nơi cắm lá cờ Đảng búa liềm đầu tiên của tỉnh. Xa hơn nữa, núi Đại Sơn còn là nơi các bậc tao nhân mặc khách dừng chân nghỉ ngơi khi qua đây, mà bằng chứng là bài thơ chữ Hán cổ khắc trên vách núi trơ gan cùng tuế nguyệt vẫn đang hiện hữu. Gần đây người ta còn mới phát hiện, bài thơ đó là của nhà vua Lê Thánh Tông cùng câu chuyện nhà vua hành quân qua đây gặp mưa lớn nước lụt ngập trắng một vùng, nhờ kịp thời chạy được lên núi Đại Sơn đóng đại bản doanh mà đại quân không bị nước lũ cuốn trôi.
Mệnh phụ phu nhân - Minh họa Phạm Hà HảiSau để cảm kích công lao, vua Lê Thánh Tông đã miễn thuế ba năm liền cho dân trong vùng và còn cấp tiền bạc xây dựng ngôi chùa trên núi thờ thần Phật đã cứu giúp trong lúc nguy nan, ngài còn đề thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi Đại Sơn và sai người khắc bài thơ đó trên vách đá.
Để làm rõ hơn vấn đề mới phát hiện trên, tỉnh đã mở một hội thảo mời các giáo sư sử học đầu ngành từ trung ương, các chuyên gia khảo cứu về văn hóa để đưa ra những đánh giá, kết luận. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, từ kết quả đó tỉnh đang tiến hành làm hồ sơ trình bộ văn hóa để khu vực núi Đại Sơn thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Giới am hiểu về văn hóa lịch sử trong tỉnh đều biết nếu như Đại Sơn không phải là quê hương của sếp lớn ở tỉnh, rồi không có tiền chi phí lót tay bồi dưỡng cho các chuyên gia lịch sử, văn hóa thì cũng không bao giờ có cái hội thảo khoa học thành công tốt đẹp đó, và có cái hồ sơ trình bộ văn hóa ấy.
Nhưng đó lại là tâm ước lớn của dân vùng Đại Sơn và nhân dân trong tỉnh. Việc này mà thành công thì tiếng thơm, công lao công đức với quê hương của gia đình bà Mai Anh sẽ được dân trong vùng, trong tỉnh lưu truyền mãi.
Dân vùng Đại Sơn ai cũng khấp khởi mừng, bởi tới đây khi nhận được bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì vùng quê của họ sẽ được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng khu di tích để xứng tầm, dân trong vùng sẽ được hưởng lợi, đời sống thay đổi tích cực, sẽ có nhiều công ăn việc làm từ du lịch dịch vụ.
4.
Sáng nay sau khi đã tụng kinh niệm Phật và thiền, bà Mai Anh xin đài âm dương bằng cách tung hai đồng xu có mặt âm và dương trên một cái đĩa nhỏ, đó cũng là thói quen yêu thích của bà. Cả ba đài bà Mai Anh xin sáng nay đều nhất âm nhất dương đúng ý kêu cầu, bà thấy rất vui. Với tinh thần phấn chấn đó bà Mai Anh thấy món phở chị giúp việc tên Xoan nấu sáng nay rất ngon, đến nỗi bà còn húp sạch cả nước.
Sau khi đã dạo khắp một vòng quanh khu vườn, bà Mai Anh dừng chân trước cây hồng Sa Pa cổ với những đóa hoa màu hồng phấn đua nhau nở rực rỡ trên những tán lá xum xuê tạo hình như một chiếc ô che, đang tỏa ra hương thơm dịu nhẹ quyến rũ. Bà Mai Anh nhắm mắt lại để tận hưởng và cảm nhận những tinh túy của đất trời buổi sớm mai. Bỗng có những âm thanh làm bà phân tâm, nhìn về phía có tiếng động bà Mai Anh giật mình thấy một con chó phốc đang đuổi theo con gì đó trong bụi hoa mẫu đơn. Bà Mai Anh ngạc nhiên, nhà mình đâu có nuôi loại chó đó, trước giờ chỉ có con chó becgie nuôi trông nhà, hiện đã được bác làm vườn kiêm bảo vệ nhốt tít vào cái chuồng cuối vườn, nó chỉ được thả ra vào ban đêm. Nhà kín cổng cao tường không thể có chó nhà dân xung quanh chạy vào được. Tò mò bà Mai Anh lại gần chỗ con chó nhỏ, con chó thấy thế chạy về khu vườn rau nơi có chị giúp việc tên Xoan đang lúi húi nhổ cỏ, chị này chuyên nấu ăn, dọn dẹp sân vườn, còn dọn dẹp trong nhà và giặt giũ quần áo mà thường là giặt bằng tay những quần áo đắt tiền là chị tên Thanh đã lớn tuổi.
Thấy bà chủ đến, chị giúp việc tên Xoan dừng việc lễ phép chào. Bà Mai Anh hỏi:
- Sao lại có con chó nhỏ ở đâu ra thế nhỉ? Nó vừa quanh quẩn đâu đây.
Xoan tái mặt khi nghe bà chủ hỏi vậy, bởi con chó cô vừa về quê mang lên hôm qua, chưa kịp nói chuyện với bà xin phép được nuôi con chó trong vườn, chỗ kho chứa củi.
May cho Xoan, hôm nay bà Mai Anh đang vui nên khi nghe Xoan trình bày bà đồng ý ngay và còn khen con chó nom yêu quá, chỉ dặn cấm không được cho nó bén mảng vào nhà lớn.
Trước khi nhận Xoan vào nhà làm giúp việc bà Mai Anh đã biết sơ về lí lịch của Xoan. Nay sẵn đà vui vẻ, bà Mai Anh hỏi thăm thêm về gia cảnh của Xoan, lí do mà cô mang theo con chó nhỏ. Xoan cho biết quê cô ở huyện bên cách đây mấy chục cây số. Xoan có số khổ, cô làm mẹ đơn thân. Vậy mà định mệnh dường như không buông tha Xoan khi đứa con trai duy nhất mười lăm tuổi năm ngoái bị tai nạn giao thông qua đời. Nỗi đau tê dại khiến Xoan không thiết sống. Xoan ước như nếu có thể chết để đổi lấy mạng sống cho con. Vật vã đau khổ thời gian dài, lúc nào cũng rũ ra như tàu lá chuối sau bão. Nhưng người sống vẫn cứ phải sống, số kiếp vậy sao có quyền lựa chọn. Xoan dần nguôi ngoai nhờ có con chó phốc nhỏ của thằng con để lại là niềm an ủi động viên. Tháng trước do người quen giới thiệu, Xoan được nhận vào làm giúp việc cho bà Mai Anh, Xoan nhờ người bà con trông giúp con chó nhỏ, hôm qua cô về thăm nhà con chó cứ quấn quýt không rời. Xoan không nỡ xa con chó.
Sau khi biết được hoàn cảnh đầy bất hạnh của Xoan, bà Mai Anh thương cảm. Rồi bỗng dưng bà cao hứng:
- Tôi có một thằng cháu họ, năm nay gần bốn mươi cũng trạc tuổi chị, chưa vợ con, số phận nó cũng không được may mắn. Rất khỏe mạnh đẹp trai. Hiện đang làm trong trang trại của gia đình tôi cách đây năm cây số. Tôi thấy thằng cháu tôi và chị phù hợp để gá nghĩa với nhau.
Xoan ngại ngùng:
- Bà cứ trêu cháu, mà cháu chả thiết tha chuyện chồng con gì đâu, thôi bà ạ.
- Tôi mà lại đùa với chị à? Tuổi này còn trẻ chán, tôi bảo được là được.
Bà Mai Anh nói rồi bước lên nhà lớn. Tưởng bà chỉ đùa cho vui, nào ngờ câu chuyện mai mối trên lại làm cho bà hứng thú. Hôm sau, vừa chuẩn bị đi chợ, Xoan được bà Mai Anh gọi lên phòng khách. Rón rén bước vào Xoan thấy bà đang ngồi cùng một người đàn ông cao lớn, râu ria quai nón, dáng vẻ ngang tàng trong bộ quần áo rằn ri. Bà Mai Anh giới thiệu:
- Đây là cậu Đại cháu họ gọi tôi là cô, người mà hôm trước tôi có nói chuyện với cháu - Quay về phía người đàn ông bà bảo - Còn đây là cô Xoan.
Người đàn ông quay ra liếc xéo nhanh vào cơ thể gầy gò của Xoan sau lời giới thiệu rồi ngồi im vẫn không thay đổi tư thế.
Vừa ngồi xuống ghế, tai Xoan ù đi khi thấy bà Mai Anh bảo người đàn ông chở cô đi chợ, Xoan toan từ chối, nhưng nhìn ánh mắt nghiêm nghị của bà chủ, cô lại không dám, đành ngoan ngoãn đi theo người đàn ông đang dắt xe ra cổng.
Xoan bẽn lẽn ngồi sau người đàn ông trên chiếc xe máy. Người đàn ông vẫn im lặng, đề máy và chạy xe từ tốn. Đến cổng chợ anh ta dừng xe và bỗng quay ra bảo Xoan:
- Chị vào chợ, tôi chờ ở đây. Tôi biết chị chẳng thích cái trò mai mối này, cả tôi cũng vậy. Nhưng chiều bà cô tôi cho nó lành. Chị yên tâm đi. Tôi không làm phiền chị đâu.
Thế rồi, liên tiếp mấy tuần sau cứ hôm nào Xoan phải đi chợ mua bán theo yêu cầu của bà chủ, cô đều được người đàn ông tên Đại đến chở đi. Dọc đường cả hai không ai nói gì, khoảng cách giữa họ vẫn là cái làn nhựa, nhưng có vẻ như họ đã đỡ ngại ngùng khi gặp ánh mắt trêu đùa của mấy người trong ngôi biệt thự. Điều đó khiến cho bà Mai Anh rất vui, bà mong cho chúng thành một đôi, hạnh phúc bên nhau để kịp sinh con đẻ cái trước khi quá muộn, rồi bà sẽ hỗ trợ nhà cửa công việc. Nghĩ đến viễn cảnh đó bà thấy phấn chấn. Bà thấy như mình đã làm được một việc tốt cho gia đình Đại, để bù lại những lỗi lầm của cha bà xưa kia.
5.
Nghĩ đến người cha, bà Mai Anh lại nhớ về những năm tháng tuổi thơ đói khổ đã hằn trong tâm trí của bà như một vết dao cứa sâu vào da thịt, nó ám ảnh đến mức cho đến bây giờ thỉnh thoảng bà vẫn hay mơ về những ngày tháng xa xưa ấy.
Gia tài của ông nội chia cho cha Manh (tên lúc bé của bà Mai Anh) cũng bằng đúng với gia tài chia cho người bác là anh trai ruột của cha gồm năm mẫu ruộng, nhà ngói sân gạch, hai con trâu…, không nhiều, nhưng ở thôn quê đủ để cho các con có cuộc sống no đủ sung túc. Nhưng gia tài đó lần lượt bị cha Manh ném dần vào các cuộc bài bạc sát phạt nhau thâu đêm suốt sáng, và cũng bị bốc hơi dần theo khói thuốc của những bộ bàn đèn thuốc phiện cùng nhịp trống chầu tom chát, đàn phách của những đêm hát cô đầu mỗi lần ông đi tỉnh. Và rồi người cha vô trách nhiệm đó đã đẩy vợ và năm đứa con ra đường sau một canh bạc cuối. Trong khi cũng được thừa kế như nhau nhưng nhờ làm ăn chăm chỉ, biết tính toán, người anh trai của cha Manh đã nhân được số tài sản lên gấp hai, gấp ba số ban đầu. Thấy tình cảnh gia đình người em trai như vậy, đau lòng, người anh ruột thương tình cắt một miếng đất, dựng một cái nhà tranh tre vách đất nhỏ cho gia đình người em ở, rồi cho cấy thuê một đám ruộng để gia đình người em rau cháo nuôi nhau.
Khỏi phải nói những cơ cực của năm tháng đó. Vào những lúc giáp hạt, lúa ngoài đồng chưa kịp gặt, năm chị em cô bé Manh lúc nào cũng thấy đói, đói hoa mắt mũi, đói toát mồ hôi, chân tay run rẩy. Tất cả những gì ăn được đều đã ăn, đầu tiên là cháo cám sậm sượng nghẹn cứng khi nuốt qua họng, rồi củ chuối ngoài vườn, đến rau má ngoài đồng đều kham cả nhưng nào có qua được những đêm đông cơn đói co quắp hành hạ, ôm nhau trong ổ rơm, mong ngủ được để cho qua cơn đói. Cha Manh muối mặt cầm bao sang nhà người bác vay gạo. Nhưng đã vay quá nhiều lần mà không có hồi âm, người bác dâu nhất quyết không giúp thêm nữa còn mát mẻ chuyện trước đây cha Manh đã chửi lại nhà bà khi được khuyên can không nên bài bạc. Cha Manh nuốt hận quay về. Bất ngờ buổi chiều người bác trai cho người gánh sang nhà Manh một gánh gạo cứu đói. Dè sẻn, rồi cả nhà cũng qua được đận đói năm ấy.
Nhưng rồi thời cuộc thay đổi khi Manh thấy có đội cải cách ruộng đất về làng, họ tịch thu đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Gia đình người bác ruột Manh bị quy thành phần địa chủ do có nhiều ruộng đất, bóc lột dân cày và khốn nạn thay người đấu tố lại chính là em trai ruột của ông, người mà ông đã cưu mang cả gia đình, cho ở nhờ, cho ruộng cấy thuê và cứu đói những lúc nguy cấp nhất. Hai vợ chồng người bác ruột đã bị xử tử, con cái họ trước nay được ăn học đàng hoàng giờ không tấc đất dung thân đã phải bỏ làng đi biệt xứ.
Việc gia đình người bác ruột sự việc cũng không hoàn toàn do lỗi của cha Manh bởi nếu ông không đứng ra đấu tố thì người ta cũng tìm ra một người khác thay thế đấu tố, để khép tội. Nhưng thà là như thế thì ông đã không phải ân hận giày vò cho đến lúc chết.
Gia đình Manh nhờ có công đấu tố địa chủ được chia ruộng và một nửa ngôi nhà của người bác ruột. Manh nhờ là con của thành phần nông dân tốt, sau khi học xong được cho đi học lớp thương nghiệp. Khi làm hồ sơ đi học cô đã đổi cái tên Manh thô kệch thành Mai Anh. Học xong Mai Anh được tổ chức phân về làm tại cửa hàng lương thực của huyện, thời bao cấp là ước muốn của bao người.
Rồi Mai Anh gặp người chồng lúc trước làm lái trâu, nhưng do nhanh nhẹn thức thời, khi về làm trong hợp tác xã chiếu cói thảm đay xuất khẩu đã leo lên được chức phó chủ nhiệm.
Cuộc đời bà Mai Anh trôi đi êm ả, đầy đủ về vật chất cùng những đứa con ngoan ngoãn thành đạt. Rồi lần lượt các em của bà Mai Anh cũng có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định.
Nhưng gia đình con cái của người bác ruột bà Mai Anh số phận ngược lại, họ li tán lang bạt khắp nơi. Cái lí lịch là con địa chủ bị xử tử khiến họ không thể xin được việc làm ở đâu, có quê mà không thể về. Sau cùng những người con gái tha hương, mỗi người lấy chồng một phương, cuộc sống nghèo khó. Người con trai duy nhất của gia đình bác ruột bà Mai Anh không chịu nổi cú sốc sinh ra rượu chè, lang thang lên tận mạn ngược, lấy vợ trên đó sinh ra Đại. Khi Đại được hơn mười tuổi thì người bố bị ma men bắt đi sau một cuộc rượu.
Sống thiếu thốn từ nhỏ, Đại không được ăn học đến nơi đến chốn, thanh niên nghịch dại, thiếu hiểu biết, một lần bạn bè đánh nhau Đại vào bênh bạn không may lỡ tay làm chết người, ngồi tù hơn mười năm ra thì được bà Mai Anh đón về cho vào làm trong trang trại của gia đình bà.
Bà Mai Anh muốn bù đắp cho Đại là đứa cháu đích tôn duy nhất của người bác ruột để chuộc lại những lỗi lầm mà cha bà đã gây ra và cũng để an ủi phần nào vong linh gia đình người bác ruột nơi chín suối.
6.
Công việc làm hồ sơ trình bộ văn hóa để khu vực núi Đại Sơn thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đang tiến triển rất tốt đẹp, vậy mà đùng cái có kẻ ném đá hội thảo, mà người đó lại là con dân của làng Đại Sơn.
Đó là nhà nghiên cứu văn hóa kiêm nhà thơ nổi tiếng của tỉnh Lê Văn, ông là người Đại Sơn nhưng hiện sống và làm việc ở thành phố trên tỉnh. Lê Văn đã có bài nghiên cứu và đưa ra những lập luận đanh thép cho rằng bài thơ khắc trên vách đá của núi Đại Sơn không phải là của nhà vua Lê Thánh Tông mà của một nhà thơ vô danh thời Nguyễn. Nhà thơ Lê Văn có bằng chứng, vật chứng rất chi tiết từ thể thơ, tứ thơ, nhịp thơ, cách đặt, cách gieo vần rất phổ biến của những bài thơ thời Nguyễn, từ lập luận của ông đem lắp vào bài thơ trên vách núi Đại Sơn thấy rất lô gíc, ngay cả đến những người ngoại đạo cũng thấy đúng. Lê Văn tiếp tục phân tích những bài thơ của nhà vua Lê Thánh Tông và các văn nhân thời đó trong cuốn lịch sử văn học Việt Nam thời Lê do nhiều soạn giả biên soạn trong vòng 200 năm nay không có một lần nhắc đến bài thơ này.
Nhà thơ Lê Văn cho rằng đây không chỉ là vấn đề đối với một vùng đất mà còn là lịch sử của dân tộc, trách nhiệm trước mọi thế hệ mai sau, đừng vì một cái lợi trước mắt mà tùy tiện kết luận khi mọi việc còn chưa rõ ràng, cần phải tiếp tục tìm kiếm thêm với một tâm trí khách quan, sự thực khoa học, đối chiếu minh bạch.
Lê Văn còn cho biết thêm, thời niên thiếu suốt ngày ông chăn bò trên núi Đại Sơn, gặp gỡ rất nhiều người già trong vùng và chưa nghe kể bất cứ chuyện gì liên quan đến nhà vua Lê Thánh Tông. Làm gì có chuyện nhà vua trên đường hành quân dừng chân trên núi Đại Sơn tránh lũ, ngủ lại và được dân làng giúp đỡ? Chính sử không ghi, dã sử cũng không. Lấy đâu ra câu chuyện hoang đường vậy?
Nếu bài thơ trên vách đá núi Đại Sơn không phải của nhà vua Lê Thánh Tông thì toàn bộ kết quả của hội thảo khoa học với đầy đủ chữ kí của các nhà sử học, chuyên gia văn hóa thành công cốc sao?
Tất nhiên đây mới là thông tin nội bộ, bài nghiên cứu trên được nhà thơ Lê Văn chuyển cho tạp chí văn nghệ tỉnh, rồi nó được chuyển đến nơi cần đến. Lập tức có lệnh không được in từ ban tuyên giáo tỉnh ủy. Chuyện đó đến tai bà Mai Anh khi con trai bà về thăm nhà thông tin lại.
Bà Mai Anh rất bức xúc. Bao công sức của con trai bỏ ra để lưu danh quê hương, tiếng thơm cho gia đình dòng tộc. Rồi còn cái trang trại hàng chục héc ta của gia đình bà sau này sẽ là khu du lịch sinh thái, đã đầu tư bao tiền của trong đó để đón đầu quy hoạch, giờ mà hỏng việc thì biết bao giờ mới hoàn vốn.
Ai chứ tay Lê Văn này bà Mai Anh chả lạ. Cùng trang lứa, cùng thời với bà, Lê Văn đẹp trai, học giỏi lại biết làm thơ tình từ rất sớm. Biết bao cô gái tuổi mới lớn thời đó mê Lê Văn trong đó có bà Mai Anh. May mà Lê Văn ngày đó không thích, chứ nếu đời bà mà dính vào bọn thơ văn hấp dở đó có mà nghèo rớt mồng tơi. Sau này Lê Văn sớm trở thành nhà thơ nổi tiếng của cả nước và là cán bộ nghiên cứu văn hóa nhưng nghe nói cuộc sống cũng đạm bạc lắm.
Bà Mai Anh quyết định đi gặp nhà thơ Lê Văn với tư cách là người dân Đại Sơn, hãy vì đại cục mà xóa bỏ bài nghiên cứu đó đi, cần điều kiện gì bà cũng sẽ đáp ứng.
Nhưng cuộc gặp gỡ không đạt được kết quả như bà Mai Anh mong muốn.
Trước giờ bà Mai Anh luôn nhận được vô số lời khen ngợi, nịnh nọt từ những người xung quanh, bà dần quen, dù biết rằng trong mắt những người tràn đầy ham muốn tiền bạc và danh vọng, bà không thể nhìn thấy bất kì dấu vết nào của cảm xúc hay sự chân thành, bà biết một khi mất đi những thứ mình đang có, họ sẽ quay lưng ngay. Nhưng bà Mai Anh đang có tất cả, đang ở trên đỉnh cao, bà không thể chấp nhận sự việc bị một nhà thơ cao ngạo từ chối yêu cầu. Để rồi xem tiếng nói lão nhà thơ ấy đi đến đâu. Bà Mai Anh thấy mình như bị sỉ nhục, bị xúc phạm đến tái mào.
Trên đường trở về ngôi biệt thự, bà Mai Anh cứ nghĩ mãi lí do vụ việc với lão nhà thơ gàn dở tưởng chừng như đơn giản mà lại không thành. Sáng ra, trước khi đi, bà đã xin đài âm dương, sấp ngửa cả ba đúng ý kêu cầu, giờ xuất hành khỏi nhà đã xem kĩ, vậy thì vì sao?
Bà Mai Anh bỗng nhớ ra sáng nay, bà vừa bước ra sân thì thấy con chó phốc nhỏ của Xoan nằm bên gốc xoài đang nhai, gặm thứ gì đó, bà tiến lại toan vuốt ve bỗng con chó quay ngoắt lại gầm gừ, ánh mắt dữ tợn đe dọa. Bà Mai Anh giật mình hoảng sợ rụt tay lại mà không nhớ rằng, mồm chó vó ngựa, nhất là khi chó đang ăn mà có người động đến nó ghen ăn tất sẽ có phản ứng, bà lại cho rằng chó mà cắn lại chủ là chó ngu, nuôi làm gì ngữ ấy. Bà Mai Anh rất không vui, nhưng mải đi nên quên. Giờ đi không được việc, nhớ lại sự việc với con chó lúc sáng, bà nổi giận cho rằng tại con chó mà mình hỏng việc, sáng ra đã làm bà bực mình, giờ sự bực mình còn tăng như cấp số nhân. Phải tống cổ nó đi.
Ngay lập tức bà gọi điện cho Xoan yêu cầu đem con chó đi ngay, muốn đem đi đâu thì đi, chỉ cần biết rằng trước khi bà về tới nhà con chó không còn ở đó nữa.
Về đến nhà, bà Mai Anh đã được chị giúp việc tên Thanh cho biết Xoan đã xin nghỉ việc rời nhà với túi quần áo và đem con chó đi theo. Người đưa Xoan ra bến xe là cậu Đại. Bà Mai Anh điên tiết:
- Ai cho phép nó nghỉ việc không báo trước, nó tưởng nhà này thích là đến không thích là đi sao? Phạt không trả lương cho nó tháng vừa rồi. Còn thằng Đại sao đang làm trong trang trại lại tự ý ra đây, đưa nhau ra bến xe là sao?
Chị giúp việc Thanh lễ phép:
- Dạ, con thấy cậu Đại cũng nói sẽ xin nghỉ việc. Cậu ấy bảo đã xin nghỉ với người quản lí trong trang trại. Mấy hôm nữa sẽ gặp trực tiếp bà xin nghỉ sau.
Bà Mai Anh thấy như máu dồn lên não, bà tăng xông tưởng như không thở nổi. Chị giúp việc vội đi lấy thuốc huyết áp và trợ tim. Uống cốc nước để đẩy cơn tức xuống, bà gằn giọng:
- Đúng là cái thằng ngu, đồ ăn cháo đá bát, ai lôi đưa nó từ cửa nhà tù về đây, cho đi học nghề cơ khí, tạo công ăn việc làm cho nó. Giờ vì một con đàn bà mà bỏ đi. Nhắn với nó đi thì đi luôn, đừng để cho già này nhìn thấy mặt nó nữa.
Liền mấy sáng nay, dân làng đi làm, đi chợ sớm không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh vang ra từ ngôi biệt thự. Rồi đến cuối tuần đường làng thấy tấp nập xe ô tô hướng về ngôi biệt thự.
Người làng Đại Sơn kháo nhau, chắc mệnh phụ phu nhân đang ốm đau gì đó, nghe nói chỉ cảm cúm qua loa thôi, cảnh này thấy quen rồi. Đúng là người giàu giẫm phải gai mùng tơi.
Báo Văn Nghệ số 26/2024