Đau nhũ hoa (hay đau đầu ti, đau đầu vú) là hiện tượng xảy ra ở vú, riêng biệt không liên quan tới lồng ngực. Cơn đau thường ở mức độ vừa phải chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà không gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng đau đầu nhũ hoa thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi và có thể gặp ở những giai đoạn phát triển của cơ thể. Cụ thể đau nhũ hoa khi chạm vào là hiện tượng gì? Đau nhức đầu vú có nguy hiểm không? Mời bạn tìm hiểu 7 nguyên nhân thường gặp khiến nhũ hoa bị đau dưới đây!
Hiện tượng đau nhũ hoa là gì?
Đau nhũ hoa thường khiến bạn có cảm giác khó chịu, nhạy cảm, bị ngứa, mẩn đỏ hoặc thay đổi màu sắc ở vùng da xung quanh núm vú.
Trong hầu hết các trường hợp, đau núm vú là do thay đổi nội tiết tố do mang thai, sắp có kinh nguyệt, dị ứng hoặc ma sát với quần áo. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp khác, đau nhũ hoa cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Dấu hiệu đau đầu ti bạn có thể gặp phải
Song song với cảm giác đau nhũ hoa khi chạm vào, bạn có thể gặp thêm các dấu hiệu sau:
- Ngực đau nhói
- Ngực có cảm giác ngứa ran
- Chạm vào ngực thấy mềm và đau
- Da xung quanh ngực đỏ ửng và sưng tấy
7 nguyên nhân gây đau nhũ hoa thường gặp
1. Đau nhũ hoa ở tuổi dậy thì
Phát triển nhũ hoa là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì. Giai đoạn dậy thì đánh dấu thời điểm quan trọng của sự tăng trưởng và thay đổi nội tiết tố trong cơ thể nữ giới. Lúc này, tuyến vú và mô mỡ phát triển, nhũ hoa tăng kích thước và sưng lên. Những thay đổi nội tiết tố và vật lý có thể gây nên những cơn đau nhức và khiến nhũ hoa trở nên nhạy cảm.
2. Trong thời gian rụng trứng hoặc sắp tới kì kinh nguyệt
Đau đầu ti có phải sắp có kinh không? Nhũ hoa bị đau có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sắp tới ngày hành kinh. Nhiều phụ nữ đau nhức đầu vú trước, trong và sau khi rụng trứng, nguyên nhân là do tăng hormone estrogen và progesterone.
Trong thời gian rụng trứng, cơ thể có những chuẩn bị để có thể mang thai với việc mở rộng các tuyến vú - tuyến sản xuất sữa, và làm cho nhũ hoa đau nhức.
Nồng độ hormone progesterone tăng sau rụng trứng gây nên hiện tượng giữ nước trong cơ thể. Nước cũng được giữ lại trong các mô vú, làm cho chúng căng và đôi khi gây cảm giác căng tức ngực, khó chịu.
3. Đau nhũ hoa do mang thai
Đau hai nhũ hoa là hiện tượng gì? Đó có thể là dấu hiệu của mang thai. Nồng độ estrogen cao khi mang thai, tăng số lượng của các mô vú, gây nở ngực, trong khi mức progesterone cao làm cho ngực giữ nước. Những bước chuẩn bị bộ ngực cho con bú cũng khiến mẹ bị đau nhũ hoa.
4. Đau đầu ti do cho con bú
Một trong những khó khăn mà sản phụ thường gặp phải khi lần đầu cho con bú là việc đau đầu ti khi con bú. Nhiều lí do gây nứt núm vú đến từ cả mẹ và con. Thường là do cương sữa (bầu vú quá đầy sữa), hút sữa khó khăn, kỹ thuật cho con bú chưa đúng, v.v.
Để xử lý tổn thương ở núm vú, bạn có thể rửa đầu ti đau với nước ấm sau khi cho trẻ bú. Đắp gạc ẩm và ấm lên cũng giúp vết thương mau lành. Thoa tinh dầu bạc hà cũng được chứng minh là có hiệu quả trong quá trình chữa lành vết thương.
Nếu vú bị căng sữa hoặc núm vú dễ bị kích thích, bạn hãy vắt một ít sữa trước khi cho con bú và thoa nhẹ phần sữa đã vắt vào đầu ngực. Sữa mẹ giúp làm mềm núm vú, tạo lớp màng kháng khuẩn đồng thời giảm căng sữa và kích ứng ở khu vực này.
5. Đau nhũ hoa ở giai đoạn tiền mãn kinh
Đau đầu núm ti là biểu hiện gì? Đó có thể là dấu hiệu của tiền mãn kinh. Sự thiếu hụt estrogen và progesterone khiến nhũ hoa bị đau trong thời kỳ tiền mãn kinh. Trong giai đoạn này, hàm lượng progesterone trong cơ thể không đủ cao để cân bằng hormone estrogen, dẫn đến nhiều rối loạn, trong đó có nhũ hoa bị đau.
6. Thời kỳ mãn kinh gây đau đầu vú
Lúc này, hàm lượng hormone biến động mạnh, dẫn đến nhiều vấn đề thể chất và tâm lý như căng ngực, đau đầu vú, kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đau đầu, đầy hơi, thay đổi tâm trạng…
Thời kỳ mãn kinh rất ít progesterone được sản xuất trong cơ thể, trong khi sự quá tải estrogen là nguyên nhân khiến nhũ hoa bị đau.
7. Mặc áo quá rộng hoặc quá chật khiến đầu ti đau
Một chiếc áo bó sát hay áo ngực rộng có thể cọ xát vào núm vú của bạn và gây kích ứng da, đặc biệt là khi bạn thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại như chạy bộ. Quá nhiều ma sát có thể khiến cho núm vú của bạn bị tổn thương.
Thay vào đó, bạn hãy mặc áo và áo lót vừa vặn với cơ thể. Nếu bạn là người đam mê chạy, hãy che núm vú bằng gạc vô trùng chống thấm nước hoặc miếng dán bảo vệ đầu ngực để hạn chế va chạm. Nếu bị đau đầu ngực và có vết nứt, bạn hãy bôi thuốc mỡ kháng sinh, sau đó che lại bằng gạc vô trùng.
Đau nhũ hoa khi nào nên đi khám bệnh?
Đau nhũ hoa thường không phải là dấu hiệu đáng lo ngại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu các có các dấu hiệu dưới đây kèm cơn đau nhũ hoa khi chạm vào thì nên đi khám bệnh ngay.
- Cảm thấy có khối u ở vú
- Cơn đau dai dẳng hoặc không biến mất
- Núm vú chảy dịch (đó không phải là sữa mẹ)
- Cơn đau kèm theo sốt hoặc cảm giác cơ thể yếu ớt
Chẩn đoán và điều trị đau đầu ti
1. Chẩn đoán
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể xác định nguyên nhân gây đau nhức núm vú. Tuy nhiên, nếu tình trạng cơn đau nhức nhũ hoa kéo dài trong vài ngày, bạn cần đi khám sức khoẻ ngay.
Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến thời điểm cơn đau bắt đầu hoặc có xuất hiện các dấu hiều kỳ kinh nguyệt, quần áo hoặc chấn thương núm vú trước đó hay không. Nếu không thể xác định được nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm để kiểm tra vú của bạn.
2. Điều trị
Tuỳ vào từng nguyên nhân khiến nhũ hoa đau nhức, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị y tế dưới đây:
- Đau nhũ hoa tiền kinh nguyệt: Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen nếu đau nhũ hoa liên quan đến kinh nguyệt.
- Trong trường hợp ung thư hoặc các bệnh về vú khác: Bạn cần phải điều trị với phương pháp xạ trị, hóa trị , phẫu thuật hoặc phẫu thuật cắt bỏ vú.
- Đau nhũ hoa do mặc quần áo rộng: Thay vải hoặc mua quần áo mới kèm với đặt một miếng băng hoặc thuốc mỡ lên núm vú để giảm sự cọ xát khi mặc áo rộng.
- Nếu bạn đang cho con bú hoặc hút sữa mẹ: Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tư thế cho con bú và cách sử dụng máy hút sữa đúng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn thêm cách giảm đau núm vú là thoa thuốc mỡ lanolin hoặc chườm lạnh. Hoặc bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh nếu cơn đau do nhiễm trùng như tưa miệng hoặc viêm vú.
Như vậy, đau nhũ hoa ở nữ giới có thể chỉ do sự thay đổi nhất thời của các hormone trong cơ thể ở một giai đoạn nào đó nhưng cũng không loại trừ những nguyên nhân do bệnh lý. Tốt nhất, nếu tình trạng này kéo dài, cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và có cách điều trị, chăm sóc nhũ hoa kịp thời, đặc biệt là khi thấy đau và tiết dịch ở đầu nhũ hoa.
[embed-health-tool-ovulation]