Chùa Bà tọa lạc tại thôn An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25 km về hướng đông bắc. Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn trên biển. Theo các nhà nghiên cứu, chùa Bà là minh chứng sinh động về thời kỳ phát triển phồn thịnh của cảng thị Nước Mặn trong suốt gần 4 thế kỷ (từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19).
Vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, người Hoa Minh Hương theo đường biển di cư đến Nước Mặn rất đông. Họ lập nên những phố xá buôn bán sầm uất, đồng thời mang theo tín ngưỡng của mình, trong đó có tục thờ Thiên Hậu và Quan Thánh. Chùa Bà được người Hoa dựng lên ở Nước Mặn vào giai đoạn này. Thật ra, công trình này vốn là miếu với tên gọi chữ Hán là “Thiên Hậu miếu” tuy nhiên, nó dần được thay thế bằng tên “Chùa Bà” bởi tên gọi này gần gũi với tâm thức văn hóa dân gian người Việt.
Chùa Bà - Nước Mặn.Chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “nhất”, mặt quay về hướng nam, trước chùa có một hồ nhỏ, sau hồ là một bức bình phong án ngữ trước cửa chính vào chùa. Chùa mang đậm kiểu kiến trúc của người Hoa với mái cong hình thuyền, mái tầng, đỉnh trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Chùa được thiết kế thành ba gian, gian chính thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, gian bên trái thờ Thần Hoàng làng, gian bên phải thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu. Trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Hộ quốc tý dân” (bảo vệ đất nước, che chở nhân dân) do triều Nguyễn ban tặng.
Không chỉ là dấu ấn của một thời đô thị Nước Mặn sầm uất, chùa Bà còn là minh chứng cho chính sách hòa hợp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đối với cư dân người Hoa nhập cư vào nước ta lúc bấy giờ. Hàng trăm năm qua kể từ khi được xây dựng, chùa Bà luôn là địa điểm sinh hoạt tâm linh chung của các cộng đồng cư dân người Việt, người Hoa tại vùng cảng thị Nước Mặn trước kia và huyện Tuy Phước bây giờ.
Trải qua gần 400 năm, sau những biến động thăng trầm của lịch sử và thời gian, chùa Bà đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được hình dáng ban đầu. Năm 2010, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đặc biệt, chùa Bà còn gắn liền với Lễ hội Nước Mặn (tổ chức tại chùa vào ba ngày cuối tháng Giêng âm lịch hằng năm) giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng cũng như văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Bên cạnh đó, chùa Bà còn nằm trên tuyến điểm gắn với nhiều điểm đến nổi tiếng của huyện Tuy Phước như Tiểu chủng viện Làng Sông nơi đặt nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên, Khu sinh thái Cồn Chim, Võ đường Phước Long Tự, Nhà lưu niệm Xuân Diệu… nên thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Phạm Tuấn