Với những câu “ý tại ngôn ngoại” chúng ta sẽ không thể nào diễn giải với cách hiểu thông thường, bởi những câu ấy thường có nhiều tầng nghĩa khác đằng sau bề mặt câu chữ. Vậy “ý tại ngôn ngoại” là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây.
Ý tại ngôn ngoại là gì? “Ý tại ngôn ngoại” hiểu nôm nay là: Ý ở ngoài lời, nói ít gợi nhiều. Đây là một câu nói Hán Việt, chữ Hán là 意在言外. Trong đó, nghĩa của từng từ được giải thích như sau:
Ý (意): Có nghĩa là "điều suy nghĩ". Dịch Kinh có câu "Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý", nghĩa là "Sách không nói hết lời, lời không diễn hết ý". Tại (在): Có nghĩa là "ở" hoặc "tại". Ngôn (言): Có nghĩa là "lời" hoặc "lời nói". Ngoại (外): Có nghĩa là "bên ngoài". Ví dụ, trong thời thuộc Pháp, thầy giáo giảng bài ngụ ngôn: Con chó sói và con cừu non, nhưng ý tại ngôn ngoại là thầy muốn nói đến sự áp bức của bọn đế quốc đối với nhân dân ta.
Theo Từ điển Hán Nôm, “Ý tại ngôn ngoại” có nghĩa là điều nghĩ ngợi thì ở ngoài lời nói, không cần phải nói ra mà người nghe sẽ phải tự hiểu điều ấy.
Còn trong Chữ Nôm Việt Nam thì lý giải rằng, “ý tại ngôn ngoại” là cụm từ để diễn tả những điều thâm thúy, ý nằm ngoài lời, ngoài câu chữ. Người nghe phải tự ngẫm, tự suy mới thấu hiểu.
Ý tại ngôn ngoại - Đặc trưng tiêu biểu trong thơ Đường “Ý tại ngôn ngoại” là một trong những đặc trưng tiêu biểu nhất của thơ Đường. Không phải các nhà thơ Đường tiết kiệm ngôn từ hay không đủ năng lực diễn giải ý thơ của mình, mà một trong những yếu tố tạo nên “ý tại ngôn ngoại” trong thơ Đường chính là bởi sự gò bó trong luật lệ của thể thơ.
Vì thơ Đường luật luôn bị giới hạn bởi số câu, số chữ cho nên các tác phẩm thơ Đường thường sẽ được viết cô đọng, hàm súc hơn. Còn người đọc, tùy theo khả năng thẩm thấu văn chương của mỗi người để cảm nhận cái hay, cái đẹp trong từng tác phẩm.
“Thi tiên” Lý Bạch hay “thi thánh” Đỗ Phủ đều là những cái tên tiêu tiểu cho thể thơ Đường. Những bài thơ của Lý Bạch hay Đỗ Phủ đều vô cùng ngắn gọn, xúc tích thế nhưng để thẩm thấu những tầng ý nghĩa trong thơ tác giả thì lại không hề dễ dàng. Người đọc phải đọc thật kỹ, phải nghiền ngẫm thật lâu mới thấy được sự sâu sắc, thâm thúy trong từng ý thơ.
Vây nên mới nói “ý tại ngôn ngoại” chính là một trong những đặc trưng tiêu biểu kết đọng vẻ đẹp của thơ Đường. Vô hình trung, nó cũng trở thành nguyên lý của nhiều nghệ sĩ trong sáng tác văn chương.
Ý tại ngôn ngoại: Khi ngôn từ chỉ là sự đại diện của ý nghĩa Cụm từ “ý tại ngôn ngoại” tuy rất phổ biến trong sáng tác văn chương, đặc biệt là Thơ. Thế nhưng, trong đời sống hàng ngày cụm từ này lại không quá thông dụng và hầu như chỉ có những người dịch thuật mới thường xuyên gặp phải những câu “ý tại ngôn ngoại”.
Dịch thơ, văn hay các văn bản được viết bằng tiếng Hán hay chữ Nôm sang tiếng Việt các dịch giả sẽ gặp rất nhiều những câu có “ý tại ngôn ngoại” và lúc ấy, ngôn từ chỉ là sự đại diện của ý nghĩa mà thôi.
Nói về “ý tại ngôn ngoại” thì có một câu chuyện như sau: Ông Ngô Văn Lại (bút danh Thái Trọng Lai) là một nhà dịch thuật nổi tiếng cả nước. Khi ông dịch một bài thơ của vua Tự Đức đã phát hiện ra câu thơ “Gió thu rụng lá ngô đồng/ Mưa xuân ướt đầm lá hẹ” do vua Tự Đức) viết về chuyện vua phong tước vương trước thời hạn cho một ông chú nội được in trên một bản sách bằng đồng do Bảo tàng huyện Điện Bàn, Quảng Nam sưu tầm được.
Thế nhưng, phải đến 10 năm sau khi dịch được bài thơ, ông Lại mới hiểu được ý nghĩa câu thơ qua câu ca dao: “Mưa lâm thâm ướt đầm lá hẹ/ Ta thương người có mẹ không cha”. Câu thơ này được vua Tự Đức viết nhằm bày tỏ sự tiếc thương ông chú nội khi sinh ra chỉ còn mẹ, bởi khi ấy vua Gia Long đã quy tiên.
Bởi mới nói, với người dịch thuật, khám phá văn chương cũng giống như khám phá khoa học vì có khi vì một chữ, một câu hay một đoạn nào đấy họ phải nghiền ngẫm nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm mới hiểu được ý gốc mà tác giả muốn truyền tải.
Những câu nói hay, châm ngôn, danh ngôn về “Ý tại ngôn ngoại” Dưới đây là một số câu nói hay, châm ngôn, danh ngôn thể hiện “ý tại ngôn ngoại” mà không phải ai đọc cũng thấm ngay.
1. “Có nơm là vì cá, được cá hay quên nôm Có dò là vì thỏ, được thỏ hãy quên dò Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời Ta tìm đâu được người biết quên lời để cùng nhau đàm luận” - Trang Tử
2. “Vạn pháp duy tâm tạo; vạn pháp duy tuệ diệt."; "Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh; tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt."; "Ba cõi duy chỉ là tâm; muôn pháp duy chỉ là thức.” - Phật học
3. “Im lặng - đó không chỉ là sự thiếu vắng ngôn từ."”- Ngạn ngữ Ai Cập
4. “Bạn không thể ghi lại trên giấy một sự im lặng đầy ý nghĩa.” - Ngạn ngữ Italy
5. “Con mắt lặng im thì nói nhiều hơn là cái miệng đang huyên thuyên.” - Ngạn ngữ Nhật Bản
6. “Sự im lặng du dương hơn bất cứ bản nhạc nào.” - Christina Rossetti
7. “Người im lặng là người tốt nhất để ta lắng nghe.” - Ngạn ngữ Nhật Bản
8. “Không phải câu hỏi nào cũng đáng được trả lời.” - Khuyết danh
9. “Tôi sẽ nói gì đây một khi tốt hơn hết là đừng nói gì cả?” - Ngạn ngữ Italy
10. “Về cái mà người ta không thể nói thì người ta cần phải im lặng.” - L. Wittgenstein
11. “Nói nhiều cũng chẳng hết được, thà giữ lấy đạo trung.” - Lão Tử
12. “Hãy nhìn theo ngón tay chỉ trăng của ta để thấy mặt trăng, chứ đừng lầm tưởng ngón tay của ta là mặt trăng.” - Siddharth Gautama
“Ý tại ngôn ngoại” với một số người chính là chiếc cầu cầu nói đặc biệt để họ có thể tri âm với tác giả, dù họ có sống cách nhau hàng thế kỷ.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.