Vitamin B1 có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin này còn có nhiều tác động tích cực trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Cùng tìm hiểu về công dụng và cách dùng vitamin B1 qua bài viết dưới đây nhé!
1Công dụng vitamin B1
Vitamin B1 có vai trò lớn đối với cơ thể. Đặc biệt có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như:[2]
Điều trị bệnh Beri-Beri
Beri-Beri là bệnh lý gây tổn thương tế bào thần kinh do thiếu hụt vitamin B1. Người bệnh thường có biểu hiện tê bì, phù nề tay chân, đau tức ngực, thậm chí một số trường hợp nặng dẫn tới tràn dịch màng phổi, suy tim…
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối bệnh Beri-Beri là bổ sung đầy đủ và đúng cách vitamin B1. Bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân vitamin đường uống và gợi ý một thực đơn cung cấp đủ hàm lượng vitamin B1 cần thiết mỗi ngày.
Vitamin B1 có thể giúp điều trị bệnh Beri-beri gây tê bì tay chân
Điều trị hội chứng Wernicke-Korsakoff
Hội chứng Wernicke-Korsakoff là tình trạng rối loạn chức năng não bộ do thiếu vitamin B1. Thực chất đây là hai chứng rối loạn được đặc trưng bởi sự suy giảm trí nhớ, tổn thương thần kinh. Việc sử dụng vitamin B1 liều cao theo đúng phác đồ của bác sĩ có thể giúp cải thiện các triệu chứng này.
Bổ sung vitamin B1 có thể cải thiện tổn thương thần kinh trong hội chứng Wernicke-Korsakoff
Hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer
Alzheimer hay bệnh sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi làm giảm trí nhớ, nhận thức của người bệnh, gây nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung đầy đủ vitamin B1 đường uống sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Vitamin B1 có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer
Giảm nguy cơ đục thuỷ tinh thể
Đục thủy tinh thể là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi do thoái hóa. Tuy nhiên, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B9, vitamin B12 và các chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin E có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cung cấp đầy đủ vitamin B1 giúp để giảm nguy cơ đục thủy tinh thể
Giảm nguy cơ trầm cảm
Nồng độ vitamin B1 trong cơ thể quá thấp có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Do đó, bạn có thể bổ sung đầy đủ vitamin B1 từ thực phẩm hàng ngày như thịt bò, thịt lợn, bánh mì hoặc ngũ cốc để hạn chế nguy cơ trầm cảm.
Nồng độ vitamin B1 thấp có liên quan đến nguy cơ bệnh trầm cảm
2Liều dùng vitamin B1
Tùy vào từng độ tuổi, tình trạng thể chất mà nhu cầu vitamin B1 cần thiết mỗi ngày có thể khác nhau. Liều dùng vitamin B1 được khuyến cáo như sau:[3]
Đối tượng Liều dùng Trẻ emTừ 0 đến 6 tháng tuổi: 0.2mg/ngày.
Từ 7 đến 12 tháng tuổi: 0.3mg/ngày.
Từ 1 đến 3 tuổi: 0.5mg/ngày.
Từ 4 đến 8 tuổi: 0.6mg/ngày.
Từ 9 đến 13 tuổi: 0.9mg/ngày.
Nam giới Từ 14 tuổi trở lên: 1.2mg/ngày. Nữ giớiTừ 14 đến 18 tuổi: 1mg/ngày.
Từ 18 tuổi trở lên: 1.1mg/ngày.
Phụ nữ có thai và cho con bú: 1.4mg/ngày.
Nhu cầu vitamin B1 sẽ khác nhau với từng độ tuổi
3Cách dùng vitamin B1
Hầu hết mọi người đều nhận được vitamin B1 từ chế độ ăn cân bằng của họ. Các chuyên gia khuyên rằng ăn thực phẩm có nhiều vitamin B1 là cách tốt nhất để bổ sung vitamin B1 như:[4]
- Thịt heo.
- Ngũ cốc ăn sáng.
- Đậu Hà Lan
Với trường hợp cơ thể không thể tiếp nhận đủ lượng vitamin B1 từ thức ăn, bạn có tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các bổ sung lượng vitamin thiếu hụt bằng viên uống hỗ trợ.
Vitamin B1 là vitamin giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể. Cũng vì điều đó, bạn nên uống vitamin B1 vào buổi sáng, trước ăn 30 phút hoặc sau ăn hai giờ để có thể hấp thu tốt nhất.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin B1 là thông qua thực phẩm hàng ngày
4Một số lưu ý khác khi dùng vitamin B1
Nếu bạn không thể cung cấp đầy đủ lượng vitamin B1 qua bữa ăn thì cần bổ sung thêm vitamin B1 bằng một số loại viên uống hoặc thuốc có chứa vitamin này, chỉ sử dụng đường tiêm khi có chỉ định của bác sỹ trong trường hợp thật sự cần thiết. Tuy nhiên, để tránh dư thừa vitamin B1, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sỹ trước khi sử dụng.
Ngoài ra, trong trà và cà phê có chứa enzym thiaminase - có tác dụng phân hủy và làm giảm hàm lượng vitamin B1 trong cơ thể. Vì thế, bạn nên tránh dùng trà và cà phê chung với thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 hoặc thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B1.
Một số sản phẩm vitamin B1 đường tiêm có thể chứa nhôm. Do đó, các sản phẩm này nên được sử dụng thận trọng cho những người bị suy thận mạn, đặc biệt là ở trẻ sinh non, để tránh tích tụ nhôm và nhiễm độc nhôm sau này.
Vitamin B1 an toàn, thường ít có những tương tác với các thuốc khác. Ngoài ra, bạn nên thận trọng khi sử dụng một số thuốc có thể làm giảm nồng độ vitamin B1 trong cơ thể như: thuốc lợi tiểu furosemid hoặc hóa chất điều trị ung thư fluorouracil…[2]
Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung vitamin B1
Hy vọng bài viết này đã đem đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích trong việc bổ sung vitamin B1 hàng ngày, đặc biệt qua chế độ dinh dưỡng cân bằng. Nếu cần bổ sung vitamin B1 từ viên uống hoặc tiêm truyền thì bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để tránh tác dụng phụ nhé!