Lá tía tô đỏ có tác dụng gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết, trong dân gian người ta phân biệt tía tô có hai loại: loại lá màu đỏ (Perilla ocymoides var.) và loại lá tía tô màu xanh (purpurascens). Hai loại có màu sắc khác nhau và công dụng khác nhau.
Tía tô là loại cây thân thảo sống hàng năm thuộc họ Lamiaceae, giống như hầu hết các loại cây thuộc họ Lamiaceae. Nó có tinh dầu thơm dễ bay hơi, thường được dùng để chiết xuất hương liệu, làm thuốc hoặc làm gia vị trong nấu ăn.
Theo lương y Tài, tía tô đỏ có hương vị đậm đà hơn nên ít người ăn sống trực tiếp mà hầu hết được người ra chế biến thành món ăn. Ngoài ra tía tô đỏ còn được dùng làm thành vị thuốc. Còn tía tô xanh được người ta ăn sống như một loại rau gia vị.
Tía tô đỏ giàu anthocyanin, hai mặt lá của nó đều có màu đỏ tím, mép lá hình cưa. Loại này có mùi thơm đậm đà đặc trưng. Trong y học cổ truyền dùng loại tía tô đỏ này để làm thuốc và là thuốc nhuộm thực phẩm tự nhiên. Ngoài ra, ở Nhật Bản còn dùng tía tô đỏ để làm nước giải khát có vị chua chua, ngọt ngọt vô cùng lạ miệng.
Có nên uống nước lá tía tô hàng ngày?
Tuy tía tô tốt cho sức khỏe nhưng các chuyên gia khuyên không nên uống quá nhiều nước tía tô trong thời gian dài. Nếu uống nước lá tía tô quá nhiều và trong thời gian dài sẽ dẫn tới đầy hơi, chướng bụng, cơ thể suy nhược.
Bạn nên chia nhỏ lượng nước tía tô cho từng lần uống, mỗi đợt uống nước lá tía tô không nên uống quá lâu.
Trong lá tía tô cũng chứa nhiều axit oxalic, nếu uống thường xuyên sẽ tích tụ một lượng lớn axit oxalic trong cơ thể. Lượng axit oxalic lắng đọng trong cơ thể nhiều dễ gây tổn thương hệ thần kinh và hệ tiêu hóa.
Ai không nên uống nước lá tía tô?
Lá tía tô có tính ấm, những người có biểu hiện nóng trong nhiều, tốt nhất không nên uống vì có thể làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra, cá chép và tía tô cũng không nên kết hợp cùng nhau, tránh gây nóng, sinh ra mụn nhọt.