Thạc sĩ hay tiến sĩ? Theo đuổi các chương trình cao học đến mức nào là phù hợp? Trong con đường phát triển sự nghiệp, liệu học tiếp lên tiến sĩ hay dừng lại ở thạc sĩ sẽ tối ưu hơn? Bài viết sẽ gợi mở những vấn đề cốt lõi khi so sánh giữa 2 lựa chọn. Cùng SOM đi tìm câu trả lời cho riêng mình qua bài viết dưới đây nhé!
Thạc sĩ hay tiến sĩ: Khi nào chỉ học thạc sĩ là đủ?
Ở ngưỡng tuổi 30, với nhiều người, việc học tiến sĩ không phải lúc nào cũng là lựa chọn thường trực, đặc biệt là khi học viên cần tập trung vào công việc và đời sống cá nhân. Trong nhiều trường hợp, một tấm bằng thạc sĩ từ 1- 2 năm là đủ để có thể chinh phục những mục tiêu tiếp theo trong cuộc đời, bao gồm:
- Đảm bảo chỗ đứng và nâng cấp bản thân và khả năng thích nghi khi doanh nghiệp chuyển mình.
- Nâng cao năng lực quản lý bằng cách hoàn thiện các kiến thức chuyên môn ‘thiếu ở đâu, học bù ở đấy’, từ đó dễ để đánh giá, hướng dẫn và tối ưu công việc của đội ngũ.
- Cập nhật tư duy mới, xoá bỏ lối mòn cũ, từ đó dẫn dắt doanh nghiệp bắt kịp tốc độ phát triển của thời đại số
- Nâng cao chuyên môn so với mặt bằng chung, mở ra nhiều cơ hội việc làm với phúc lợi cao hơn, có khoảng trống để nhìn rõ hơn về định hướng của mình.
Ngay cả với cấp độ quản lý, đôi lúc, kiến thức tư các chương trình mba, emba cũng đủ để họ sử dụng và nghiền ngẫm trong thời gian dài trước khi vắt kiệt mọi mô hình, kinh nghiệm, lý thuyết. Với họ, việc bỏ thời gian 12-18 tháng để có kinh nghiệm của 10 năm và ‘kho kiến thức sống’ khai thác cả đời, đó là một món đầu tư có lời.
→ Tại sao nên học thạc sĩ càng sớm càng tốt
Nếu chỉ học thạc sĩ đã đủ giúp họ hiện thực hóa mục tiêu và sử dụng dài hạn, vậy đâu là lý do, động lực khiến một người ‘muốn bước thêm bước nữa’ trên con đường học tập?
Tiến sĩ hay Thạc sĩ: Khi nào phải học tiến sĩ mới là đủ?
Ở 30, kiến thức và mối quan hệ từ các chương trình thạc sĩ là điểm tựa hoàn hảo cho các bước tiến sự nghiệp. Nhưng ở độ tuổi ngoài 30 khi ở lâu trong nghề khiến bạn nhận thấy những giới hạn của bản thân, doanh nghiệp, những vấn đề không có câu trả lời chung hoặc những áp lực thời đại đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa tổ chức và phát triển năng lực đội nhóm… có thể đã đến lúc cần cân nhắc về cấp bậc đào tạo cao hơn.
Khác với chương trình thạc sĩ (phát triển tư duy từ các mô hình & kinh nghiệm được đúc kết), học tiến sĩ sẽ đi sâu vào bản chất vấn đề và tự tạo mô hình, ứng dụng riêng dựa trên việc quy nạp nhiều yếu tố thực nghiệm, thực chứng. Với vai trò là ‘điểm tựa’ cho đội nhóm, thay vì bắt tay vào công việc chuyên môn, nhà quản lý, lãnh đạo sẽ cần khả năng mạnh hơn - coaching và định hướng đội nhóm tìm ra giải pháp phù hợp.
Để tránh trở nên lỗi thời bởi kinh nghiệm, không lạc lối giữa ‘vô tận’ kiến thức tích lũy qua tháng năm, và khai phóng năng lực đội nhóm một cách khoa học thay vì rập khuôn từ ‘khuôn mẫu bản thân’, tiến sĩ sẽ là một trong những lựa chọn đáng để cân nhắc.
→ Lợi ích của việc học tiến sĩ với lãnh đạo cấp cao
Về lộ trình học của tiến sĩ
Một chương trình tiến sĩ ngốn thời gian hơn rất nhiều khi kéo dài từ 4 - 6 năm (hoặc dài hơn,) tuỳ theo lộ trình của học viên. Phần lớn thời gian học viên phải tham gia nghiên cứu với giảng viên tại các dự án thực tế. Tần suất có mặt tại trường học tuỳ thuộc vào từng chương trình tiến sĩ.
Yêu cầu của chương trình đào tạo tiến sĩ
Việc học tiến sĩ sẽ có những yêu cầu rất khác so với khi học thạc sĩ.
Bản chất của việc học thạc sĩ vẫn khá giống với các cấp học khác, tuy nhiên, chất lượng bài vở, lộ trình và thái độ học tập cần phải “căng” hơn. Yêu cầu tốt nghiệp thạc sĩ vẫn là luận văn hoặc làm đề án tốt nghiệp có báo cáo đi kèm.
Trong khi đó, tiến sĩ là một trải nghiệm học tập khác hẳn, với yêu cầu cao hơn rõ rệt so với thạc sĩ. Tiến sĩ không tập trung vào việc lên lớp hay điểm số mà nặng hơn về nghiên cứu.
Yêu cầu của chương trình tiến sĩ không phải là GPA mà là các công trình nghiên cứu hoàn chỉnh. Trong cả chương trình, học viên chủ yếu làm việc ở những dự án cộng tác với giáo sư. Nếu thạc sĩ hay những bậc học khác vẫn còn gắn với việc “học” thì tiến sĩ gắn với việc “hành”, cụ thể chính là quá trình phân tích chuyên sâu về các vấn đề.
Khó khăn trong việc chinh phục văn bằng tiến sĩ
Tiến sĩ là một con đường dài và cần nhiều sự đánh đổi. Học viên cần có đam mê nhất định với việc nghiên cứu, yêu ngành, nỗ lực và tư duy tốt. Nếu từ lúc học thạc sĩ, học viên đã có tâm lý “lười”, bị tác động bởi các vấn phát sinh về gia đình, khủng hoảng cá nhân, tình cảm… thì sẽ rất khó để đủ sức theo đuổi một khoá tiến sĩ.
Chưa kể, những người “bạn học tiến sĩ” có thể đã lớn tuổi và đi làm nhiều năm, có rất nhiều kinh nghiệm rồi mới trở lại học. Do đó, môi trường đào tạo khá nghiêm túc và có phần căng thẳng hơn thạc sĩ khá nhiều.
Cũng nên lưu ý, mỗi tiến sĩ tương lai hầu như đều có những điểm mạnh rõ rệt. Do đó, dù mang bộ óc sành sõi nơi thương trường, nghiên cứu viên vẫn cần khiêm tốn lắng nghe và quan sát kỹ, tìm đúng chỗ để thể hiện kiến thức của bản thân. Làm được điều này thì mới được “trải đời” thêm với chia sẻ từ rất nhiều nhân vật xuất sắc, đồng thời khẳng định chỗ đứng của mình.
Cuối cùng, vì quá trình học tiến sĩ kéo dài rất lâu, mỗi người cần phải xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với giáo sư, bạn bè và những cán bộ hành chính trong chương trình. Điều này rất khác với thời kỳ thạc sĩ. Việc đầu tư thời gian để xây dựng mối quan hệ lâu dài là thiết yếu trong quá trình học tiến sĩ.
6 Đối tượng phù hợp và lợi ích đầu ra của chương trình tiến sĩ
Càng rèn dũa thì kim càng sắc. Chương trình tiến sĩ với những yêu cầu gắt gao sẽ đem lại cho học viên những lợi ích khổng lồ, vượt xa hơn hẳn với những người dừng lại ở thạc sĩ. Vì thế, nếu tự tin mình đủ “bản lĩnh” thì một chương trình tiến sĩ vẫn là lựa chọn phù hợp để đạt được những mục tiêu lớn, đặc biệt cho những đối tượng dưới đây:
- Muốn trở thành chuyên gia đầu ngành: 6-10 năm nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực giúp họ có khối kiến thức khổng lồ, nổi bật hơn hẳn số đông.
- Các lãnh đạo cấp cao của tổ chức: Các khoá học tiến sĩ sẽ giúp ích cho những doanh nhân đã đạt tới vị trí chủ chốt trong nấc thang quản lý. Họ được rèn luyện và ứng dụng kỹ năng nghiên cứu để tìm ra cách thức điều hành phù hợp với mỗi giai đoạn.
- Những con người muốn khai phá tối đa giới hạn của bản thân: Cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, có nhiều trải nghiệm thú vị, tham dự các hội thảo khoa học, trình bày nghiên cứu của mình tới các nghiên cứu sinh và các giáo sư khác trong chuyên ngành, những người có thể trở thành những cộng sự tuyệt vời trong công việc
- Các giảng viên đại học: Công tác giảng viên đòi hỏi khối kiến thức rộng và sâu, đủ để mở ra cho các sinh viên - những người vốn có tư duy phản biện vững chắc - một chân trời mới. Không điều gì phù hợp để nới rộng kiến thức lúc này bằng một chương trình học tiến sĩ lý luận thực tiễn.
- Các cố vấn chuyên môn: Cố vấn như một chiến lược gia. Từng lời nói ra phải có cơ sở, chiến thuật, thuyết phục và làm rõ gốc rễ vấn đề. Chính tư duy nghiên cứu của một khoá tiến sĩ sẽ giúp các “Khổng Minh” thương trường sắc bén hơn.
- Những người đam mê nghiên cứu khoa học: Tiến sĩ là “thiên đường” cho những ai thích nghiên cứu học thuật và theo đuổi những giá trị hàn lâm, nghiêm túc. Những bài nghiên cứu khoa học, những công trình học thuật đồ sộ từ chương trình tiến sĩ là phần thưởng tuyệt vời nhất với họ.
→ Cân nhắc: Nên học tiến sĩ quốc tế tại Việt Nam hay đi du học
Dừng lại ở thạc sĩ hay tiếp tục phát triển lên tiến sĩ, mỗi người chắc hẳn đã có trong đầu những kế hoạch riêng. Hy vọng bài viết giúp sự lựa chọn của mỗi người thêm rõ ràng. Và dù sẽ quyết định theo đuổi con đường nào, chúc mọi người đủ “chân cứng đá mềm” để chinh phục những mục tiêu đặt ra.