Chắc hẳn chúng ta đều không còn xa lạ khi bắt gặp vitamin E ở trong thành phần của rất nhiều loại thực phẩm và sản phẩm bảo vệ sức khỏe, vậy thì vitamin E là gì? Sử dụng như thế nào và đem lại những lợi ích gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1Vitamin E là gì?
Vitamin E là một loại vitamin tan trong dầu, thường được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm dầu thực vật, ngũ cốc, thịt, gia cầm, trứng và trái cây.
Vitamin E rất cần thiết trong việc duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vai trò chính của nó là hoạt động như một chất chống oxy hóa, thu gom các gốc tự do gây hại cho tế bào. Vitamin E còn giúp tăng cường chức năng miễn dịch và ngăn hình thành cục máu đông.
Vitamin E có nhiều dạng, nhưng alpha-tocopherol là dạng duy nhất được sử dụng. Có thể phân thành 2 nhóm:
- Vitamin E tự nhiên có ở thực phẩm (RRR-alpha-tocopherol).
- Vitamin E nhân tạo có trong các chất bổ sung (all-rac-alpha-tocopherol). (Xem thêm sản phẩm vitamin E hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ hình thành mảng bám trong động mạch và bệnh tim.)
2Tác dụng của vitamin E
Giảm stress oxy hóa, cải thiện khả năng chống oxy hóa
Vì vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin E với liều lượng cao có thể làm giảm dấu hiệu của stress oxy hóa và tăng cường khả năng phòng thủ chống oxy hóa.
Cụ thể, một nghiên cứu vào năm 2018 ở 54 người bị bệnh thận do tiểu đường đã chứng minh, việc bổ sung 800 IU vitamin E mỗi ngày liên tục trong 12 tuần đã làm tăng đáng kể mức độ glutathione peroxidase (GPx) - một nhóm các enzym giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa, so với khi sử dụng giả dược. [1]
Giảm nguy cơ tim mạch
Huyết áp và mỡ máu (bao gồm LDL-C và Triglyceride) cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch.
Một đánh giá năm 2019 đã chứng minh việc bổ sung vitamin E làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu so với việc điều trị bằng giả dược.[2]
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung vitamin E cùng với omega-3 có thể làm giảm LDL và triglyceride ở những người có mức mỡ máu cao, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện tình trạng sức khỏe.[3]
Cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Các nghiên cứu vào năm 2021 đã cho thấy rằng việc bổ sung vitamin E làm giảm nồng độ 2 loại men gan alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST), đồng thời giảm mức lipid trong máu và cải thiện chức năng gan ở những người bị NAFLD.[4]
Kiểm soát đau bụng kinh
Đau bụng kinh là tình trạng đặc trưng bởi những cơn đau dữ dội và thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt, bao gồm chuột rút và đau vùng chậu.
Các nghiên cứu đã chứng minh, bổ sung vitamin E có thể làm giảm cơn đau ở những phụ nữ gặp phải tình trạng này.[5]
Sức khỏe da
Vitamin có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa tổn thương gốc tự do trên da và tác hại của các tia cực tím, giúp cho da khỏe mạnh. Đồng thời, bổ sung vitamin E còn hữu ích đối với một số chứng rối loạn về da, chẳng hạn như bệnh chàm.
Sức khỏe nhận thức
Duy trì mức vitamin E ổn định và sử dụng các chất bổ sung có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự suy giảm nhận thức.
Một số nghiên cứu tiền cứu cho thấy bổ sung vitamin E, đặc biệt là kết hợp với vitamin C, có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và một số dạng sa sút trí tuệ khác. [6][7] (Xem thêm các sản phẩm vitamin C bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, chống lão hóa.)
Có lợi cho người lớn tuổi
Vì vitamin E có rất nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm giảm viêm và cải thiện chức năng miễn dịch. Nên việc bổ sung vitamin E sẽ có lợi cho những người có nhu cầu tăng hoặc không được cung cấp đủ vitamin E trong chế độ ăn uống hằng ngày, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Cải thiện chức năng phổi
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin E có thể giúp cải thiện chức năng phổi cùng với một vài triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em và người lớn.[8]
3Liều lượng sử dụng vitamin E hợp lý
Tình trạng thiếu hụt vitamin E thường không phổ biến ở những người khỏe mạnh, vì hầu như mọi người đều đã được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Theo Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH), đây là lượng vitamin E chúng ta cần sử dụng hàng ngày:[9]
4Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng vitamin E
Vitamin E thường an toàn khi sử dụng đúng liều lượng dưới 1000 mg/ngày. Tuy nhiên nếu sử dụng cao hơn liều lượng này, bạn có thể sẽ gặp phải một vài tác dụng không mong muốn:
Khi dùng bằng đường uống
- Buồn nôn.
- Mệt mỏi.
- Nhức đầu.
- Chảy máu.
Khi hít phải
Sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm khác có chứa vitamin E có thể là nguyên nhân gây ra một số tình trạng tổn thương phổi nghiêm trọng.
5Nguồn thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E được tìm thấy nhiều nhất trong dầu thực vật, quả hạch, các loại hạt, trái cây và rau.
- Dầu mầm lúa mì.
- Dầu hướng dương, dầu đậu nành.
- Hạt giống hoa hướng dương.
- Quả hạch.
- Đậu phộng, bơ đậu phộng.
- Cải xanh, rau bina.
- Quả bí ngô.
- Ớt chuông đỏ, măng tây.
- Xoài, bơ.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích để mọi người có thể hiểu rõ hơn về cách dùng, tác dụng phụ, các thực phẩm chứa nhiều vitamin E và các lợi ích tuyệt vời mà vitamin E mang lại. Chia sẻ bài viết đến người thân và bạn bè nếu cảm thấy hữu ích nhé!