Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện nay có nhiều loại vắc xin phế cầu, nhưng vắc xin Synflorix là phổ biến nhất giúp phòng ngừa 10 chủng vi khuẩn phế cầu gây bệnh thường gặp nhất.
Vi khuẩn phế cầu là một tác nhân vi khuẩn rất nguy hiểm, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, ở tuổi này hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu và dễ bị nhiễm vi khuẩn phế cầu, có thể gây ra bệnh lý như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết... Chính vì vậy trẻ em được khuyến cáo nên tiêm phòng phế cầu. Vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi - 5 tuổi.
1. Vắc-xin phế cầu phòng bệnh gì?
Phế cầu tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết... ngoài ra nó cũng là tác nhân gây những bệnh như viêm xoang, viêm kết mạc...
Nên tiêm vắc-xin phòng phế cầu được xem là biện pháp chủ động, tiết kiệm và có tầm ảnh hưởng quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh trên.
Việc tiêm phòng vắc xin phế cầu Synflorix có thể phòng được những bệnh lý như:
- Viêm phổi
Phế cầu là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người già. Vi khuẩn phế cầu có ở vùng hầu họng người bệnh, cả người đã phát bệnh lẫn người ở thể thường trú và phát tán ra môi trường và xâm nhập vào trẻ qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh (người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,...).
Với người lớn, vi khuẩn phế cầu không quá nguy hiểm nhưng trẻ có cơ thể yếu, sức đề kháng kém nên rất dễ dẫn tới nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi,...
Ở trẻ em nguy cơ tử vong khi mắc bệnh viêm phổi do phế cầu là 10-20%, tăng hơn so với trẻ dưới 2 tuổi.
Biểu hiện khi trẻ mắc bệnh viêm phổi bao gồm: Khi bị viêm phổi do nhiễm khuẩn phế cầu, trẻ thường có triệu chứng ban đầu là ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh, suy kiệt vì không thể ăn uống. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, tím tái, suy hô hấp là bệnh đã rất nặng.
- Viêm màng não
Vi khuẩn phế cầu xuất hiện tại niêm mạc hầu họng, gây bệnh ở đường hô hấp, chúng có thể xâm nhập và gây ra viêm màng não.
Phế cầu xâm nhập vào não sẽ gây viêm màng não với tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ nhỏ khó phát hiện có thể xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, bỏ bú... dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, ở trẻ lớn có các triệu chứng như đau đầu, cứng cổ, nôn vọt, tiêu chảy hay táo bón. Nếu không phát hiện sớm trẻ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, rối loạn thị giác... có thể tử vong hay để lại những di chứng nặng như chậm phát triển thần kinh vận động, tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi hay nửa người....
- Viêm tai giữa
Phế cầu khuẩn có thể lây lan từ ổ viêm vùng mũi họng đến tai giữa thông qua vòi nhĩ, gây viêm, ứ đọng dịch trong tai. Viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Thính giác của trẻ dưới 2 tuổi bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến phát âm vì trẻ không nghe được...
- Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết có thể gặp trên những đối tượng mắc bệnh hay dung thuốc làm suy giảm miễn dịch. Vi khuẩn phế cầu nếu xâm nhập từ ổ nhiễm khuẩn vào máu trẻ sẽ gây sốc nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao.
Dấu hiệu nhiễm trùng huyết ở trẻ: Trẻ sốt cao, nhịp tim nhanh, khó thở, thở nhanh, bỏ bú, li bì hay vật vã kích thích nặng nhất là hôn mê...
2. Liệu trình tiêm chủng vắc-xin Synflorix
Phế cầu phải tiêm bao nhiêu mũi phụ thuộc vào từng giai đoạn mà có phác đồ tiêm khác nhau.
Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi có thể tiêm với một trong 2 liệu trình như sau:
- Liệu trình 3+1:
Liệu trình này được khuyến cáo tiêm cho trẻ để đem lại hiệu quả miễn dịch chống phế cầu tốt nhất, hiện nay thường áp dụng liệu trình này.
Mũi tiêm thứ nhất khi trẻ 6 tuần tuổi, mũi tiêm thứ 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
Tiêm liều nhắc lại tối thiểu cách liều thứ ba 6 tháng, tiêm theo chỉ định bác sĩ. Đối với trẻ sinh non có thể tiêm liệu trình vắc xin phế cầu 3+1 khi trẻ 2 tháng tuổi.
- Liệu trình 2+1:
Là liệu trình có thể thay thế cho liệu trình tiêm 3+1. Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 6 tuần tuổi. Mũi tiêm 2 cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng, tiêm liều nhắc lại cách liều thứ 2 ít nhất 6 tháng.
Trẻ từ 7 tháng đến 11 tháng tuổi.
Nếu trước đó chưa tiêm phòng phế cầu, thì trẻ tiêm theo liệu trình sau:
Mũi thứ 1 tiêm vào thời điểm chỉ định, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng. Tiêm liều nhắc lại khi trẻ hơn 1 tuổi, cách liều tiêm thứ 2 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi.
Trẻ chưa từng tiêm mũi vắc-xin phế cầu Synflorix trước đó thì tiêm 2 mũi, khoảng cách tiêm ít nhất là 2 tháng.
Tầm quan trọng của tiêm vắc-xin đúng lịch
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh, phụ huynh vẫn nên đưa con đi tiêm vắc xin đúng lịch. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi...trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tiêm vaccine đúng thời điểm và đúng lịch là rất quan trọng và cần thiết để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm và để không nhầm lẫn với bệnh khác, không gây lo lắng cho gia đình và cộng đồng. Nếu trong thời điểm này trẻ bị ho hay sốt các phụ huynh sẽ rất hoảng sợ không biết triệu chứng này do Covid-19 hay do bệnh khác vì một số triệu chứng của nhiễm Covid-19 giống như cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.
Trong vòng 5 năm đầu đời trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện vì vậy tiêm chủng đầy đủ là một cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ y tế như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra các phụ huynh luôn cập nhật thông tin đúng đủ về chủng Covid -19 này để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi Virus Corona.
Những khu vực không có dịch các mẹ vẫn có thể cho bé đi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng phù hợp với lứa tuổi, nhưng tránh những nơi tụ tập đông người, nên đặt lịch hẹn trước tránh không phải chờ đợi và đến cơ sở y tế tin tưởng cơ sở vật chất đảm bảo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.