- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ, …) mà từ biểu thị.
Ví dụ:
+ nao núng: lung lay, không vững lòng tin ở mình nữa
+ lả lướt: mềm mại, uyển chuyển với vẻ yếu ớt
- Mỗi từ đều mang nghĩa, chúng ta có hiểu được nghĩa của từ thì khi nói, khi viết mới diễn đạt đúng tư tưởng, tình cảm của mình.
2. Thế nào là cấp độ khái quát nghĩa của từ ngữ
Với sơ đồ sau:
Ta có thể thấy, nghĩa của từ “hoa hồng” khái quát hơn nghĩa của từ “hoa hồng nhung”, vì nó bao trùm lên các từ: hoa hồng nhung, hoa hồng vàng, hoa hồng bạch, … Nghĩa của từ “hoa” lại khái quát hơn nghĩa của từ “hoa hồng”. Đó chính là cấp độ khái quát của nghĩa từ nghĩa.
Vậy, sự khái quát có mức độ từ nhỏ đến lớn như vậy giữa các từ ngữ gọi là cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ.
3. Từ nghĩa rộng và từ nghĩa hẹp
- Một từ ngữ được coi là có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó bao gồm phạm vi nghĩa của một số từ ngữ khác.
Ví dụ: Từ “Thể thao” có nghĩa rộng hơn các từ: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… song “bóng đá” lại có nghĩa rộng hơn “bóng đá trong nhà”.
+ Từ “nghề nghiệp” có nghĩa rộng hơn các từ: bác sĩ, kỹ sư, công nhân, lái xe, thư ký, công an, giáo viên… song từ “bác sĩ” lại có nghĩa rộng hơn nghĩa của: bác sĩ nội, bác sĩ ngoại…
- Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
Ví dụ:
+ Hội hoạ, âm nhạc, văn học, điêu khắc… được bao hàm trong nghĩa của từ “nghệ thuật”.
+ Xăng, dầu hoả, ga, than, củi… được bao hàm trong phạm vi nghĩa của từ “nhiên liệu”.
+ Sáo, nhị, đàn bầu, đàn tranh, đàn ghi ta… được bao hàm trong phạm vi nghĩa của từ “nhạc cụ”.
- Một từ ngữ có nghĩa rộng đối với từ ngữ này, đồng thời lại có thể có nghĩa hẹp với từ ngữ khác.
Ví dụ:
+ “Lúa” có nghĩa rộng hơn các từ ngữ: lúa nếp, lúa tẻ, lúa tám thơm…
+ Lúa lại có nghĩa hẹp hơn với từ “ngũ cốc”.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
1. Tìm từ ngữ có nghĩa rộng bao hàm theo các nhóm sau:
a. Trắng, vàng, xanh, đỏ, tím, hồng…
b. Cá chép, cá rô, cá thu, cá nục, cá chim…
c. Bút, mực, thước kẻ, tẩy, com pa…
Gợi ý:
a. Màu sắc
b. Cá
c. Dụng cụ học tập.
2. Tìm những từ có nghĩa hẹp hơn các từ ngữ sau, rồi biểu hiện bằng sơ đồ:
a. Nghề nghiệp
b. Truyện dân gian
c. Thú
Gợi ý:
a. Bác sĩ, giáo viên, phóng viên, phát thanh viên, …
b. Truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, truyện ngụ ngôn…
c. Voi, báo, hổ, linh cẩu…
3. Tìm 3 động từ cùng thuộc môt phạm vi nghĩa, trong đó một từ nghĩa rộng và hai từ nghĩa hẹp, trong 2 câu văn sau:
” Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi oà khóc, rồi cứ thế khóc nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo”
(Nguyên Hồng)
Gợi ý:
- Khóc, nức nở, sụt sùi -> là 3 động từ thuộc cùng 1 phạm vi nghĩa.
- Khóc có nghĩa rộng hơn; nức nở, sụt sùi có nghĩa hẹp hơn, biểu cảm hơn.
Loigiaihay.com