Cây chùm ngây không chỉ là một loại thực phẩm quen thuộc mà còn là nguồn dinh dưỡng dồi dào với nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Hãy cùng khám phá những công dụng đặc biệt của cây chùm ngây qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về loại thảo dược quý giá này!
1Giới thiệu về cây chùm ngây
Đặc điểm hình thái của cây chùm ngây
Cây chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera - một loài cây thân gỗ nhỏ. Khi cây được 1 tuổi, nếu không cắt tỉa, cây có thể cao đến 5 - 6m và đường kính trung bình là 10cm. Khi đạt độ tuổi trưởng thành (từ 3 - 4 năm tuổi), chiều cao trung bình của cây là 5 - 10m.
Đặc điểm thực vật của cây chùm ngây:
- Vỏ cây màu xám trắng, dày và có rãnh. Khi bị tổn thương, vỏ sẽ tiết ra chất gôm và làm vỏ cây biến màu từ trắng sang nâu đen do tác động của môi trường.
- Thân cây không có gai.
- Lá kép mọc so le, màu xanh mốc, chiều dài từ 30 - 60cm.
- Hoa màu trắng mọc thành cụm, nở rộ từ tháng 4 đến tháng 6.
- Quả hình tam giác (dài 30 - 50cm, rộng 1,5 - 2,5cm) chứa ít nhất 20 hạt màu nâu.
Cây chùm ngây có lá kép mọc so le, màu xanh mốc
Phân bố, thu hái và bộ phận dùng
Cây chùm ngây phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây chùm ngây được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết và Kiên Giang (Phú Quốc).
Gần như tất cả các bộ phận của cây chùm ngây đều có thể được sử dụng làm thuốc bao gồm quả, rễ, lá non, hoa và các cành non. Quá trình thu hoạch quả diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9, hoa từ tháng 4 đến tháng 6, trong khi lá có thể thu hái suốt cả năm.
Bạn có thể thu hái lá chùm ngây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm
Phân biệt cây chùm ngây với rau ngót
Cây chùm ngây và rau ngót thường dễ bị nhầm lẫn do hình dáng tương đối giống nhau, đặc biệt cả hai đều có tính mát giúp thanh nhiệt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ bạn có thể phân biệt cây chùm ngây với rau ngót nhờ một số đặc điểm sau:
Cây chùm ngây Cây rau ngót (bồ ngót) Lá hơi tròn, màu xanh sáng Lá hình bầu dục, màu xanh thẫm Quả dạng nang treo, nhỏ bằng đậu Hà Lan Quả nang hình cầu, to bằng trái cà pháo Canh chùm ngây có hương thơm nhẹ nhàng Canh rau ngót có mùi vị hơi hăngLá của chùm ngây thường có màu xanh sáng hơn và tròn hơn so với lá ngót
Thành phần hoá học trong cây chùm ngây
Mỗi bộ phận của cây chùm ngây đều chứa các thành phần hóa học có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe như:
- Vỏ: chất gôm (galactose, arabinose, acid glucuronic), alpha-sitosterol và benzylanin.Rễ: glucosinolate.
- Lá: phenolic (kaempferol, gallic acid, rutin, syringic acid, quercetin 3-O- -glucoside), chất gôm, alkaloid (moringinin, moringa) và các chất chống oxy hóa như flavonoid.
- Hoa: polysaccharide.Hạt: glucosinolate và peptid.
- Thân: pterygospermin.
Toàn cây chứa nhiều chất khoáng quý, protein, vitamin, acid amin, beta-carotene và phenol. Bên cạnh đó, cây chùm ngây còn chứa một lượng lớn các chất chống viêm, kháng sinh tự nhiên, chất kháng độc tố, cũng như các chất có tác dụng điều hòa huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ tế bào gan, phòng và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến.
Mỗi bộ phận của cây chùm đều có các dưỡng chất và công dụng riêng
2Các tác dụng của cây chùm ngây đối với sức khỏe
Ngăn ngừa ung thư
Cây chùm ngây giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa có khả năng trung hòa các gốc tự do (các phân tử và ion dư thừa làm rối loạn các chuỗi phản ứng hóa học bên trong cơ thể hoặc tấn công gây hại tế bào khỏe mạnh). Hơn nữa, hoạt chất niazimicin trong lá chùm ngây còn có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây chùm ngây có tiềm năng tiêu diệt tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác. [1]
Chiết xuất cây chùm ngây có tiềm năng tiêu diệt các tế bào ung thư
Bảo vệ gan
Hoạt chất silymarin trong lá chùm ngây giúp tăng cường chức năng men gan, bảo vệ gan trước tổn thương do tiêu thụ nhiều chất béo - bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Một nghiên cứu trên chuột lang cho thấy rằng việc tiêu thụ lá chùm ngây với hàm lượng lớn giúp làm giảm nồng độ cholesterol và chất béo trung tính. Nhờ đó, chuột ít mắc bệnh viêm gan hơn. [2]
Hoạt chất silymarin trong lá chùm ngây giúp tăng cường chức năng men gan
Hỗ trợ điều trị huyết áp cao
Một nghiên cứu thực hiện so sánh huyết áp giữa một nhóm người khỏe mạnh được ăn 120g lá chùm ngây trong một tuần và nhóm đối chứng không được ăn. Hai giờ sau ăn, những người ăn lá chùm ngây có huyết áp thấp hơn so với nhóm còn lại. [3]
Nhờ chứa nhiều hoạt chất niazimicin và isothiocyanate, lá chùm ngây có thể ngăn chặn tình trạng động mạch bị dày, từ đó làm giảm huyết áp.
Chùm ngây giúp cải thiện huyết áp, từ đó làm gia tăng sức khỏe tim mạch
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Các chất chống oxy hóa mạnh có trong cây chùm ngây giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch.
Quercetin - một hoạt chất nổi bật với khả năng chống oxy hóa và kháng viêm, giúp ngăn chặn sự hình thành lipid và tình trạng viêm nhiễm. Nhờ đó, nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim mạch khỏi những tác nhân gây hại, giúp duy trì sức khỏe tim mạch lâu dài.[4]
Các chất chống oxy hóa trong cây chùm ngây giúp bảo vệ tế bào tim
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây chùm ngây chứa các chất có khả năng chống lại một số loại vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm như vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn E.coli. [5]
Các nghiên cứu khác cũng chứng minh được rằng cây chùm ngây có tác dụng tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể. Các chất chống oxy hóa, vitamin C và kẽm đã hỗ trợ cơ thể trong việc chống lại các loại vi khuẩn và virus gây bệnh.
Cây chùm ngây có thể chống lại vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn E.coli
Hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận
Cây chùm ngây có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận thông qua tác động kháng viêm và lợi tiểu, góp phần tăng cường quá trình loại bỏ độc tố. Điều này có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm kích thước của viên sỏi thận.
Cây chùm ngây có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận
Cải thiện tình trạng táo bón
Rau chùm ngây với hàm lượng chất xơ hoà tan và chất xơ không hòa tan cao. Nhờ những hoạt chất này mà chúng có thể kích thích nhu động ruột giúp nhuận tràng và giảm táo bón.
Hơn nữa, các chiết xuất cây chùm ngây còn hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa khác như:
- Chiết xuất từ vỏ giúp ngăn ngừa ung thư ruột kết.
- Chùm ngây có khả năng làm giảm acid dạ dày giúp ngăn ngừa bệnh viêm loét dạ dày.
- Đặc tính kháng sinh và kháng khuẩn của chùm ngây có thể ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Chùm ngây giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh viêm loét đại tràng nhờ vào tác dụng chống viêm và khả năng bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi tổn thương.[6]
Cây chùm ngây có khả năng điều trị các vấn đề về tiêu hóa như táo bón
Ngăn ngừa tình trạng thiếu máu
Cây chùm có khả năng ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thông qua các hoạt chất có tác dụng bổ máu như sắt, vitamin C và beta-carotene.
Sắt là thành phần chính của hemoglobin - protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu hemoglobin và gây ra tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Vitamin C (axit ascorbic) cải thiện sự hấp thu sắt không heme (loại sắt có trong thực vật) - chuyển sắt không heme thành dạng dễ hấp thu hơn. Hơn nữa, vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào hồng cầu khỏi các tổn thương oxy hóa.
Beta-carotene là tiền chất của vitamin A - hỗ trợ quá trình sử dụng sắt trong cơ thể, đồng thời giúp tăng cường sự phát triển và phân chia tế bào, bao gồm cả tế bào hồng cầu.
Chùm ngây giúp cơ thể cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt
Giảm cân
Hoạt chất isothiocyanate trong lá chùm ngây giúp cơ thể giảm hấp thu chất béo, hỗ trợ quá trình giảm cân.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy khả năng kiểm soát các yếu tố gây ra béo phì từ chiết xuất cây chùm ngây như:
- Ngăn ngừa tình trạng viêm và nhiễm trùng.
- Quản lý lipid.
- Hạ cholesterol.
- Bảo vệ gan.[7]
Hoạt chất isothiocyanate trong lá chùm ngây làm giảm khả năng hấp thu chất béo
Giàu giá trị dinh dưỡng
Cây chùm ngây được xem là một loại dược liệu giàu dưỡng chất. Từ lá, rễ, thân đến quả, mọi phần của cây đều chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu có lợi cho sức khỏe như vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa, acid amin.
21g lá chùm ngây có thể cung cấp cho cơ thể các nhóm dưỡng chất như:
- Protein 2g.
- Vitamin B6 đáp ứng 2% nhu cầu hàng ngày.
- Vitamin C đáp ứng 12% nhu cầu hàng ngày.
- Sắt đáp ứng 11% nhu cầu hàng ngày.
- Vitamin B2 đáp ứng 11% nhu cầu hàng ngày.Vitamin A (từ beta-carotene) đáp ứng 9% nhu cầu hàng ngày.
- Magie đáp ứng 8% nhu cầu hàng ngày.[8]
Chùm ngây là một nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời cho cơ thể
Chống viêm
Isothiocyanate - một hợp chất chống viêm có mặt trong lá, vỏ và hạt của cây chùm ngây. Các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm đã chứng minh được đặc tính chống viêm của hợp chất này.[9]
Cây chùm ngây có đặc tính chống viêm
3Hướng dẫn cách sử dụng an toàn cây chùm ngây
Mặc dù cây chùm ngây mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lạm dụng chúng là điều không tốt. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn có thể ăn khoảng 6g chùm ngây mỗi ngày trong khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, liều lượng này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Cây chùm ngây có thể được chế biến theo một số cách sau:
- Lá chùm ngây: Lá chùm ngây thường được nấu như rau ngót vì hương vị khá tương đồng. Ngoài ra, bạn có thể đem lá đi phơi khô và xay nhuyễn để nấu cháo, nấu bột hoặc pha nước uống.
- Hoa chùm ngây: Hoa sau khi phơi khô có thể dùng để pha như nước chè.
- Quả chùm ngây: Quả thường được dùng để nấu canh, ninh xương hoặc xào với thịt.
Bạn có thể nấu canh rau chùm ngây tương tự như nấu canh rau ngót
4Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây chùm ngây
Bài thuốc giúp ngừa thai từ cây chùm ngây dựa trên kinh nghiệm của dân tộc Raglai:
- Chuẩn bị 150g rễ chùm ngây tươi, đem đi rửa sạch và băm nhỏ.
- Đun sôi cùng 2 lít nước cho đến khi còn nửa lít.
- Nước sau khi sắc được chia thành hai phần và uống 2 lần/ngày, mỗi liệu trình cách nhau 5 ngày.
Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể, ổn định huyết áp và bảo vệ chức năng gan:
- Chuẩn bị 150g lá chùm ngây non, đem đi rửa sạch và giã nát.
- Pha hỗn hợp này với 300ml nước và vắt lấy nước cốt.
- Thêm 2 muỗng canh mật ong, khuấy đều và chia thành 3 phần uống trong ngày.
Bài thuốc điều trị tăng lipid máu và giảm acid uric:
- Chuẩn bị 300g rễ chùm ngây tươi hoặc 30g rễ khô, rửa sạch và nấu với 1 lít nước.
- Khi hỗn hợp sôi khoảng 15 phút, tắt bếp, để nguội, lọc và uống trong ngày.
Bài thuốc chữa u xơ tiền liệt tuyến từ dược liệu chùm ngây:
- Chuẩn bị 100g rễ chùm ngây tươi cùng với 80g lá cây trinh nữ hoàng cung hoặc 30g rễ chùm ngây khô kết hợp với 20g lá cây trinh nữ hoàng cung khô.
- Nấu các loại dược liệu trên với 2 lít nước.Đun đến khi cạn còn nửa lít, chia thành 3 phần và uống trong ngày.
Cây chùm ngây có thể được kết hợp với các dược liệu khác để chữa bệnh
5Một số tác dụng phụ cần lưu ý của cây chùm ngây
Nếu lạm dụng hay sử dụng quá liều, cây chùm ngây có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
- Tiêu chảy.
- Tê liệt.
- Tổn thương gan và thận.
- Sảy thai, thậm chí là vô sinh nếu dùng chùm ngây liên tục trong 5-7 ngày.
Nếu sử dụng quá liều, cây chùm ngây có thể gây ra một số tác dụng phụ
6Lưu ý khi sử dụng cây chùm ngây
Để đảm bảo sử dụng chùm ngây một cách an toàn, bạn cần phải lưu ý một vài điều sau đây:
- Không nên ăn quá nhiều chùm ngây vì có thể gây dư thừa một số loại dưỡng chất.
- Không nên ăn chùm ngây trước khi đi ngủ vì có thể gây mất ngủ.
- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên ăn chùm ngây do trong thành phần có chứa alpha-sitosterol - một chất làm tăng co bóp tử cung.
Bạn không nên ăn rau chùm ngây vào buổi tối vì chúng có thể làm bạn mất ngủ
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các tác dụng của cây chùm ngây đối với sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy thông tin này hữu ích, hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè nhé!