Phở Dậu là địa điểm ăn uống không thể bỏ qua cho những ai yêu thích hương vị phở Bắc truyền thống. Có mặt ở TPHCM hơn nửa thế kỷ, phở Dậu thu hút thực khách nhờ hương vị "chuẩn Nam Định" không pha trộn hay biến tấu.
Hơn 60 năm qua, quán phở này giữ nguyên lối ăn không rau giá, chỉ phủ hành ngò, ăn kèm một chén hành tây sống được nêm nếm gia vị tùy ý khách.
Thịt bò ở quán được thái dài và mỏng, dàn đều trong tô trước khi cho nước lèo nóng hổi vào. Tô phở bê ra cho khách có nước trong, bánh phở trắng ngần, không cần đưa gần mũi đã dậy mùi thơm. Khi ăn, thịt bò mềm mại, ngọt thơm, khiến nhiều khách hàng bị chinh phục.
Tuy nhiên, vì phở mang đậm hương vị Bắc, nhiều thực khách miền Nam vốn đã ăn phở với nước dùng đậm đà sẽ không quen, đánh giá nước dùng nhạt so với bình thường. Người không ăn được vị cay cũng cần chú ý, vì tương ớt ăn kèm hành tây ở quán khá cay.
Nơi tiếp theo bán phở Bắc truyền thống tại TPHCM chính là Phở bò Phú Gia. Đây vốn là thương hiệu có tiếng ở Hà Nội, đến năm 1997 mới được mở bán ở TPHCM và duy trì được tên tuổi hơn 30 năm qua.
Quán phở này mỗi ngày bán được gần 700 tô, được gọi vui là "quán phở bảo thủ" vì chủ quán kiên quyết giữ đúng cách ăn của phở Bắc, không bán rau ăn kèm phở dù thực khách có nhiều lần yêu cầu.
Phở bò Phú Gia có các loại tái, nạm, gầu... tương tự những quán phở khác. Tuy nhiên, món được yêu thích ở quán là phở tái lăn. Mỗi tô phở đều được chế biến tỉ mỉ, mang hương vị tinh túy gồm sự kết hợp của hương hồi, quế, thảo quả, quế chi, đinh hương... đặc biệt là vị thơm của sá sùng.
Điểm trừ tại quán phở này là không gian quán có phần hẹp. Quán đã mở thêm mặt bằng bên cạnh để buôn bán, nhưng giờ cao điểm, khách đến ăn có khi vẫn phải chờ đợi.
Phở Phượng do bà Phượng làm chủ, đã tồn tại ở TPHCM hơn 40 năm. Quán bán món phở được nấu theo công thức phở Nam Định do chính mẹ của bà Phượng là người phụ nữ gốc Nam Định truyền lại. Song, theo thời gian, hương vị phở Nam Định của mẹ bà cũng được biến tấu chút ít để phù hợp với khẩu vị người miền Nam.
Quán phở này từng 2 lần liên tiếp lọt vào danh sách Bib Gourmand 2024 (quán ngon, giá cả phải chăng) của Michelin Guide.
Một tô phở tại quán phở Phượng nhiều bánh phở, nước dùng đậm đà, phần thịt bò ăn kèm cắt vừa phải, không quá mỏng nên vẫn giữ được độ mềm khi dùng. Nước dùng phở tại quán được hầm từ xương, thịt, đuôi bò trong 20 tiếng. Vì vậy, nước dùng ngọt và có mùi thơm đặc trưng từ đuôi bò, khiến nhiều người mê mẩn.
Song, do phở Phượng tiếp hàng trăm lượt khách mỗi ngày, nên có lúc, quán đông khách, thực khách đến ăn vẫn phải đợi chờ vài phút. Ngoài ra, nếu chưa ăn quen, thực khách nên cân nhắc khi chọn món đuôi bò, vì theo lời bà Phượng, cũng có người không ăn được món này.
Phở Hoàng không chỉ đặc biệt bởi cũng 2 lần lọt vào danh sách Bib Gourmand 2024 (quán ngon, giá cả phải chăng) của Michelin Guide, mà còn được nhiều người biết đến bởi đây là quán phở của bà Hoàng - em gái ruột của bà Phượng (chủ quán phở Phượng).
Dù hoạt động riêng lẻ, khác thương hiệu nhưng cả 2 quán phở Phượng và phở Hoàng đều sử dụng cùng một công thức, nguồn cung cấp nguyên liệu, nên được nhiều người nhận xét có hương vị giống nhau. Song, nếu phở Phượng nổi tiếng với món phở đuôi bò, thì phở Hoàng lại hút khách nhờ món phở tái, bò viên.
Thương hiệu phở Phú Vương có nhiều cơ sở ở TPHCM, hầu như quán nào cũng rộng rãi, thoáng mát, được đánh giá cao về cách phục vụ. Đây là tiệm phở đã tồn tại ở TPHCM hơn 20 năm, với chủ quán là người gốc Nam Định.
Quán phục vụ các loại phở tái, nạm, gân, bò viên... Sợi phở ở đây rất nhỏ, chỉ to hơn sợi hủ tiếu một chút. Phở Phú Vương mang hương vị phở miền Bắc, với nước dùng ngọt thanh được ninh từ xương, thịt... trong nhiều giờ.
Song, nhiều người nhận xét, món phở này đã có sự "thích nghi nhẹ" để phù hợp hơn với khẩu vị miền Nam. Khi ăn phở tại quán, thực khách cũng sẽ được phục vụ rau thơm, chanh, ớt...
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/pho-bac-a80083.html