Bé San được phát hiện thông liên thất từ trong bào thai, sau sinh lỗ thông lớn gây biến chứng suy tim, tăng áp phổi, nhiều lần viêm đường hô hấp khiến bé thở mệt, chậm lên cân.
Năm ngày sau ca mổ đầu tiên trong đời, Bé San (5 tháng tuổi, ngụ Bình Phước) tươi tỉnh, bú khỏe, ngủ ngoan, hơi thở không còn nặng nhọc và được xuất viện. Anh Phong, ba bé, vui mừng chia sẻ: “Nhìn con chơi ngoan, bú giỏi, gia đình như trút được gánh nặng. Lần xuất viện về nhà này không chỉ có hành lý như mọi lần, vợ chồng tôi còn mang theo nụ cười vì bệnh tình của con đã được chữa trị, con có cơ hội phát triển như các bạn đồng lứa“.
Bé San được phát hiện thông liên thất ở tuần thai thứ 24. Bệnh lý này xảy ra khi vách ngăn cách giữa hai tâm thất hình thành một lỗ thủng. Một phần máu giàu oxy từ tâm thất trái sẽ đi qua lỗ thông này, trộn lẫn với máu ít oxy trong tâm thất phải và lên phổi, làm tăng lưu lượng máu từ thất phải lên phổi, tăng lượng máu trở về nhĩ trái và thất trái. Điều này lâu dần sẽ gây giãn thất trái, tăng áp lực tuần hoàn phổi. Lỗ thông lớn thường gây triệu chứng sớm khiến trẻ khó thở, ăn uống kém và chậm tăng trưởng.
Bé San chào đời đủ tháng với cân nặng bình thường (3.2 kg). Anh Phong, ba của bé kể, từ lúc một tháng tuổi đến nay bé bú kém, thở khó nhọc mỗi khi bú, ngủ không yên giấc, thể trạng yếu ớt. Thời điểm ba tháng tuổi, bé còn bị viêm phổi, viêm phế quản tái đi tái lại. Mỗi đợt như vậy bé càng bú kém, mệt nhiều hơn. Gia đình đưa bé đi khám, bác sĩ điều trị bằng thuốc nhằm cải thiện tình trạng tăng áp phổi, suy tim nhưng triệu chứng không cải thiện.
Các bác sĩ đề nghị phẫu thuật vá lỗ thông liên thất và lên lịch chờ mổ. Sau hơn một tháng chờ đợi, tình trạng viêm hô hấp tái diễn và suy dinh dưỡng không cải thiện, gia đình mong muốn phẫu thuật sớm nhất cho con nên đưa bé đến bệnh viện Tâm Anh.
Ngày 20/11, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bé San nhập viện trong tình trạng thở mệt, suy dinh dưỡng nặng (bé hơn 4 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 4.3 kg), viêm phổi nặng.
Siêu âm tim ghi nhận kích thước lỗ thông liên thất lớn 6 mm, không có khả năng tự đóng mà cần can thiệp ngoại khoa. Lỗ thông lớn gây biến chứng suy tim, tăng áp phổi. “Đây chính là nguyên nhân khiến bé biếng bú, chậm lên cân và viêm hô hấp tái đi tái lại”, bác sĩ Thủy khẳng định. Sau khi hội chẩn, êkíp lên lịch phẫu thuật sớm cho bé để vá lỗ thông.
Lúc này, bé lại xuất hiện tình trạng viêm phế quản phổi. Sau 10 ngày điều trị tích cực bằng kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, bé San hết viêm phổi. ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cùng êkíp phẫu thuật cho bé. Bệnh nhi được các bác sĩ gây mê thực hiện kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau trong mổ tới 90%, hạn chế dùng morphin sau mổ, rút ngắn quá trình hồi phục.
Bác sĩ Viên dùng miếng vá làm từ mô tự thân của bé để bao trọn lỗ thông trên vách liên thất. Ca mổ kết thúc sau gần hai giờ, bảo tồn chức năng tim phổi cho bệnh nhi, đường mổ nhỏ không đau. Bé xuất viện sau đó 5 ngày.
Thông liên thất là dị tật tim bẩm sinh, xuất hiện từ trong giai đoạn bào thai và tồn tại đến sau sinh. Đôi khi bệnh đi kèm với các dị tật tim bẩm sinh khác. Theo bác sĩ Thủy, thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất, tỷ lệ lên đến 1/500 trẻ sinh sống, và thông liên thất đơn độc không kèm bệnh tim bẩm sinh nào khác chiếm 37% tổng số bệnh tim bẩm sinh.
Sàng lọc ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện bệnh thông qua thăm khám (nghe tim) và siêu âm tim. Có tới 90% lỗ thông liên thất nhỏ (dưới 3 mm) có khả năng tự bít trong năm đầu đời hoặc trước 10 tuổi. Tuy nhiên, với các lỗ thông nhỏ cần cẩn trọng phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Trường hợp lỗ thông có kích thước từ trung bình đến lớn có thể gây ra các biến chứng bất lợi cho trẻ như tăng áp động mạch phổi, suy tim, suy dinh dưỡng… Khi đó, trẻ cần điều trị bằng phẫu thuật hoặc thông tim để đóng lỗ thông.
Không có cách phòng ngừa hoàn toàn thông liên thất, nhưng duy trì một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ trẻ mắc dị tật này.
Nếu có kế hoạch mang thai, mẹ bầu nên có lối sống lành mạnh: tiêm phòng vắc xin cúm, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan B, bạch hầu - ho gà - uốn ván; không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá, không uống rượu bia; tránh căng thẳng, lo âu; dinh dưỡng cân bằng, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất; tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp trong giai đoạn thai kỳ.
Khám thai đúng lịch, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tầm soát dị tật và bệnh di truyền có thể gặp ở thai nhi khi có chỉ định; trao đổi trước với bác sĩ nếu bản thân bạn bị bệnh tim bẩm sinh hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu trẻ có một anh/chị/em hoặc người bố mắc bệnh thông liên thất, tỷ lệ mắc ở trẻ là 3%; nếu trẻ có mẹ hoặc từ hai anh/chị/em có thông liên thất, tỷ lệ này sẽ tăng lên 10%.
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/tham-cung-than-bi-tap-19-a69123.html