Rừng là tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn cho sự phát triển bền vững môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay, rừng càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, giữ nước và đảm bảo tuần hoàn nước, điều hòa khí hậu. Rừng cũng có vai trò quan trọng trong tạo dựng sinh kế của người dân.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, diện tích rừng Việt Nam là 14.745.201 ha1, tương đương 148 nghìn km2, chiếm hơn 44,5% diện tích đất liền. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy rừng đang bị suy giảm, chưa có xu hướng phục hồi. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện đang là nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm.
Trong nhiều văn kiện, Đảng đã có những chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng. Tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta định hướng: “Áp dụng các biện pháp kinh tế và luật pháp cần thiết tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện nghiêm chỉnh lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ rừng đi đôi với việc giải quyết định canh định cư, giải quyết việc làm và cung cấp đầy đủ lương thực cho dân sinh sống với rừng; mở rộng diện tích các khu bảo tồn động thực vật hoang dã, các vườn quốc gia bảo vệ đa dạng sinh học”. Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình, tập thể bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm hại của các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm”. Gần 10 năm sau, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Đảng chỉ đạo: “Quản lý khai thác hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%”, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là “bảo đảm diện tích đất cho phát triển rừng bền vững theo quy hoạch, đặc biệt là ở vùng núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên” và “bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng. Sớm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới. Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên”.
Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị đã một lần nữa xác định trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng: “công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan”.
Tại Đại hội XIII, Báo cáo chính trị của Đảng đã nhận định, tình trạng “các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm”2, “khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao”3; đồng thời, xác định nhiệm vụ “tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”4, phải “quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển”5, Đảng đề ra mục tiêu “giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%”6. Theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác “xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên”.
Như vậy có thể thấy, trong rất nhiều chủ trương của Đảng, tinh thần xuyên suốt là coi trọng tài nguyên rừng, chú trọng việc bảo vệ và phát triển rừng. Gắn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học.
Hiện trạng rừng khu vực Tây Nguyên
Tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên hơn 5,4 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020, toàn khu vực Tây Nguyên có hơn 2.526.205 ha, trong đó rừng tự nhiên là 2.179.794 ha, rừng trồng mới là 382.411 ha7. Đây là khu vực có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước (chiếm khoảng 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống của người dân địa phương, có vai trò quan trọng với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông. Rừng Tây Nguyên có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống người dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ và phát triển rừng, nhưng vùng Tây Nguyên đang đứng trước các thách thức rất lớn, như: suy giảm rừng cả về diện tích lẫn chất lượng, nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Năm 2000, độ che phủ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên đạt 55,0%, nhưng đến năm 2016 chỉ còn 46,0%, tức là 15 năm sau, độ che phủ rừng giảm xuống gần 10%. Theo số liệu được công bố, giai đoạn 2011-2020, tốc độ mất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên trung bình khoảng 46.267 ha8. Trong 5 năm (2016 - 2021), mặc dù diện tích có rừng tăng, nhưng độ che phủ rừng giảm 0,07%. Năm 2021, độ che phủ rừng vùng Tây Nguyên còn 45.94%9.
Cùng với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy thoái, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu tại vùng Tây Nguyên còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,4% tương ứng với diện tích 0,4 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,60% tương ứng với diện tích 1,788 triệu ha10.
Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, chủ yếu là rừng non có giá trị thấp về đa dạng sinh học cũng như khả năng cung cấp lâm sản, tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, diện tích rừng trồng mới hằng năm tăng không đáng kể. Rừng trồng mới có độ che phủ chưa cao.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng ở Tây Nguyên là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp12. Bên cạnh đó, việc khai thác gỗ bao gồm cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp và chuyển đổi rừng sang nông nghiệp, bao gồm cả cây lâu năm và rừng trồng có giá trị cao, cùng với đó là chuyển đổi rừng cho xây dựng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là thủy điện) và tăng dân số - chủ yếu do di cư tự do, khiến rừng bị mai một. Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp.
Việc kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở một số nơi chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật. Toàn vùng Tây nguyên có tổng số 751 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 48.980 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.637 ha, rừng trồng 1.158 ha, đất chưa có rừng 1.726 ha, chưa xác định loại rừng 35.459 ha13. Trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, quyền hạn ngăn chặn hành trái pháp luật về rừng hạn chế, chế tài kiểm soát không đủ mạnh để răn đe. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm pháp luật về rừng.
Ngoài ra, việc suy giảm rừng vùng Tây Nguyên là do biến đổi khí hậu đang diễn ra khá phức tạp ở khu vực Tây Nguyên, làm cho nhiệt độ có xu hướng tăng, nguồn nước giảm. Nhiệt độ và lượng bốc hơi tăng cùng với hạn hán kéo dài tác động mạnh đến hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu làm khô hạn kéo dài dẫn đến cháy rừng. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn xảy ra trên hầu khắp các địa phương khu vực Tây Nguyên, dẫn đến số vụ cháy rừng trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2017, toàn vùng Tây Nguyên xảy ra 29 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại hơn 80 ha11. Những diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt, hạn hán khiến rừng tự nhiên bị tác động, dẫn tới suy giảm diện tích rừng. Và chính điều này lại càng làm gia tăng tính phức tạp trong biến đổi khí hậu của vùng.
Một số giải pháp bảo vệ, phát triển rừng vùng Tây Nguyên
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVNChủ trương của Đảng tại Đại hội XIII đã chỉ rõ nhiệm vụ về công tác bảo vệ và phát triển rừng là: “Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển”14. Như vậy, để đạt mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trước mắt phải giữ được 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên sẽ phải triển khai thực hiện đồng bộ hơn nữa các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng gắn với đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trước thực trạng suy giảm và nguyên nhân suy giảm rừng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể Nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng, qua đó, làm cho cộng đồng cư dân và cá nhân ý thức rõ tầm quan trọng của rừng và tài nguyên đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, với sự bền vững của môi trường sinh thái, về những tác hại do mất rừng, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn và phát triển rừng đối với phát triển an toàn và bền vững. Chú trọng tuyên truyền phổ biến tri thức về vai trò quan trọng của rừng, luật pháp về bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm với rừng.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng bằng việc kịp thời kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, tính khả thi của pháp luật. Thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hợp lý. Cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay còn thấp, nên chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.
Ba là, cần tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống nhân dân gắn với các mô hình sinh kế bền vững, tránh sự lệ thuộc của người dân vào việc duy trì nguồn sống từ tài nguyên rừng.
Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao nhận thức phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững đối với lãnh đạo quản lý và cộng đồng dân cư gắn bó với rừng. Quan điểm rừng là tài sản quốc gia, nhưng rừng cũng là của Nhân dân, Nhân dân phải là chủ thể chính trong bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Phải thực hiện quyết tâm đưa dân về với rừng, và rừng về với dân.
Bốn là, xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương các tỉnh có rừng. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Làm tốt công tác vận động quần chúng, phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm hại rừng.
Đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương đối với các vụ phá rừng, cháy rừng do con người gây ra, mất rừng do xâm hại thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; hoặc thiếu sự giám sát để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chú thích:
1. Theo Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công bố hiện trạng rừng toàn quốc.
2,5,6,14. 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 87, 242, 114, 154.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.73, 74, 142.
7. Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN ngày 13/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công bố hiện trạng rừng toàn quốc.
8. Tây Nguyên mất 46.267 ha rừng tự nhiên mỗi năm, https://thanhnien.vn/tay-nguyen-mat-46267-ha-rung-tu-nhien-moi-nam-post972951.html, truy cập ngày 6/5/2022.
9. Tây Nguyên mất gần 34000ha rừng năm”, https://tuoitre.vn, truy cập ngày 6/5/2022.
10. Tây Nguyên mất 46.267 ha rừng tự nhiên mỗi năm, https://www.bienphong.com.vn/rung-tay-nguyen-dang-suy-kiet-post430388.html, truy cập ngày 6/5/2022.
11. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tay-nguyen-no-luc-phong-chong-chay-rung-536808.
12. Đinh Văn Tuyến, Bùi Thị Minh Nguyệt, Lã Nguyên Khang, Trần Quang Bảo (2019), Thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 13.
13. Tây nguyên mất 46.267 ha rừng tự nhiên mỗi năm, https://thanhnien.vn/, truy cập ngày 6/5/2022.
Phạm Xuân Hoàng - Tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.
Phạm Thị Nhâm Anh - Thạc sĩ, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai.
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/mot-trong-nhung-van-de-lon-doi-voi-viec-phat-trien-rung-o-tay-nguyen-la-a68596.html