34 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ

34 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ tổng hợp lại các bài văn mẫu hay nhất về đoạn văn nghị luận ngắn.Đây sẽ là tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Văn hay dành cho các em học sinh. Chúc các em ôn thi tốt và đạt được kết quả cao trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về Giới hạn

Mẫu 1

Những đại dương bao la cuối cùng vẫn có điểm gặp gỡ, các châu lục xa xôi luôn có cột mốc cuối cùng. Vạn vật trên thế gian đều có giới hạn và con người cũng vậy. Giới hạn, dù tồn tại dưới hình thái nào, vẫn là một phần tất yếu của đời sống. Có nhiều định nghĩa khác nhau về hai chữ “Giới hạn”. Suy cho cùng, đó chính là ngưỡng cao nhất trong khả năng của con người hoặc điểm cuối, điểm kết thúc của một sự vật, sự việc. Ngoài ra, ta còn thể hiểu giới hạn là những điều cấm kị mà chúng ta không được phép vi phạm. Giống như thất bại hay gian khó - những điều mà ít ai mong muốn trải qua thì giới hạn cũng có những giá trị riêng. Giới hạn của những cung đường cho ta biết khi nào nên dừng chân ngơi nghỉ, giới hạn của thời gian dạy ta cách trân trọng từng phút giây đang trôi qua kẽ tay… Và giới hạn của bản thân khiến ta nhận thức rõ hơn về chính mình cũng như thế giới xung quanh. Nhờ có giới hạn mà con người tự ý thức được về năng lực của bản thân từ đó đưa ra định hướng cho đời sống. Nó cho phép chúng ta ngơi nghỉ sau khoảng thời gian dài lao lực để ta tái tạo lại bản thân, ưu tiên hạnh phúc cá nhân và nạp năng lượng cho những chuyến hành trình kế tiếp. Trong các mối quan hệ xã hội, giới hạn dạy con người yêu thương lẫn nhau. Sức chịu đựng, trí thông minh hay sức khỏe luôn có mức độ nhất định và ta cần thấu hiểu đều đó để cảm thông, chia sẻ. Ngoài ra, để gìn giữ những mối quan hệ tốt đẹp, ta nên biết cách tôn trọng những giới hạn riêng tư của người khác. Mở rộng hơn, khi tồn tại dưới dạng luật pháp, thiết chế xã hội thì giới hạn còn đem đến kỉ cương, trật tự cho cả cộng đồng. Nếu ta không thiết lập giới hạn của riêng mình, nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra. Mặt khác, đôi khi chúng ta cần phá vỡ giới hạn của chính mình để chinh phục những điều lớn lao hơn. Có những giới hạn được tạo nên từ định kiến, sự bảo thủ, nỗi lo âu và điều ta cần làm là đập tan chúng để được sống tự do. Nguyễn Phương Anh - thí sinh Vietnam's Got Talent năm 2012 đã không may mắn mắc phải căn bệnh xương thủy tinh. Căn bệnh này khiến xương của Phương Anh xương giòn và dễ gãy. Cô phải ngồi xe lăn và đã trải qua rất nhiều lần gãy xương. Căn bệnh đó chính là giới hạn ngăn cản cô được hoạt động như một người bình thường. Bằng nghị lực và ước mơ phi thường, Phương Anh đã vượt qua giới hạn đó để cất cao tiếng hát tuyệt vời. Năm 2013, cô được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chọn làm một trong những gương mặt tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật trên toàn thế giới. Như vậy, giới hạn là điều có tính chất quy luật trong đời sống và việc của chúng ta là đối diện với nó một cách mạnh mẽ. Việc quẩn quanh trong vòng an toàn, cam chịu kiếp sống nhàm chán hay việc sống vô kỉ luật, xâm phạm giới hạn của xã hội như vi phạm pháp luật, suy đồi đạo đức, hành động trái với thuần phong mỹ tục,… đều là những cách sống không đúng đắn. Cuộc sống vốn là hành trình không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Hãy học cách ghi nhận giới hạn của bản thân và coi đó là nấc thang để ta bước tiếp trên con đường chinh phục hạnh phúc. “Khi chúng ta chấp nhận giới hạn của mình, chúng ta đã vượt qua nó” - Albert Einstein.

Mẫu 2

Vạn vật trên thế gian đều có giới hạn và con người cũng vậy. Suy cho cùng, đó chính là ngưỡng cao nhất trong khả năng của con người hoặc điểm cuối, điểm kết thúc của một sự vật, sự việc. Ngoài ra, ta còn thể hiểu giới hạn là những điều cấm kị mà chúng ta không được phép vi phạm. Nhờ có giới hạn mà con người tự ý thức được về năng lực của bản thân từ đó đưa ra định hướng cho đời sống. Trong các mối quan hệ xã hội, giới hạn dạy con người yêu thương lẫn nhau. Khi tồn tại dưới dạng luật pháp, thiết chế xã hội thì giới hạn còn đem đến kỉ cương, trật tự cho cả cộng đồng. Có những giới hạn được tạo nên từ định kiến, sự bảo thủ, nỗi lo âu và điều ta cần làm là đập tan chúng để được sống tự do. Việc quẩn quanh trong vòng an toàn, cam chịu kiếp sống nhàm chán hay việc sống vô kỉ luật, xâm phạm giới hạn của xã hội như vi phạm pháp luật, suy đồi đạo đức đều không đúng đắn. Hãy học cách ghi nhận giới hạn của bản thân và coi đó là nấc thang để ta bước tiếp trên con đường chinh phục hạnh phúc.

2. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về Bản Lĩnh

Mẫu 1

Cuộc sống luôn đặt ra chuỗi khó khăn, chông gai để thử thách bản lĩnh của con người. Muốn hoàn thiện bản thân, chúng ta cần có cho mình một bản lĩnh vững vàng để đối mặt với những khó khăn, thử thách đó. Bản lĩnh là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Bên cạnh đó, bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm. Bản lĩnh là một đức tính vô cùng tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện cho bản thân. Bản lĩnh của con người được hun đúc từ kinh nghiệm của cuộc sống, người có bản lĩnh là người có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm trong nhiều vấn đề từ đó giải quyết mọi chuyện một cách tinh tế. Người có bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, gian khổ, thử thách, sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Người có bản lĩnh cũng là người làm việc có mục tiêu, có kế hoạch, biết sắp xếp cuộc sống khoa học. Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn thử thách có thể đến với ta bất cứ lúc nào mà chúng ta không lường trước được, bản lĩnh sẽ khiến chúng ta trở nên kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, có thể vượt qua những khó khăn ấy một cách mượt mà nhất. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người nhút nhát, dễ bỏ cuộc, sợ thất bại, gặp chút khó khăn đã nản chí. Lại có những người chỉ sống trong vùng an toàn của bản thân mà không biết vươn lên, bứt phá, tạo thành tựu cho cuộc sống của mình. Những người này cần thay đổi mình, nhìn nhận lại bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Thế hệ trẻ chúng ta rất cần bản lĩnh để vượt qua mọi chuyện. Để học tập tốt, chúng ta cần phải là những con người bản lĩnh, tự đặt ra cho mình nguyên tắc sống để rèn luyện phẩm chất tốt đẹp đó. Không sợ ngã, chỉ sợ thất bại. Nếu thất bại, bạn đừng nản, đừng buồn mà hãy tiếp tục đứng lên, tiếp tục làm. Tuổi trẻ với những nhiệt huyết sẽ trôi đi rất nhanh, hãy trân trọng từng giây phút để hun đúc cho mình bản lĩnh kiên cường hơn người. Người biết vươn lên sẽ là những người xứng đáng có được những điều tốt đẹp nhất.

Mẫu 2

“Bản lĩnh” - hai từ thật đơn giản nhưng bạn biết không, hàm chứa trong đó là cả một quá trình quyết tâm kiên cường không ngại gian khổ. Giống như một chiếc áo giáp được tôi luyện từ những nguyên liệu bền vững nhất, bản lĩnh giúp ta không còn phải lo sợ trước những cơn gió to hay những ngọn sóng dữ. Vậy bản lĩnh là gì? Bản lĩnh là khả năng giải quyết mọi chuyện một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Người bản lĩnh là người dám đương đầu với khó khăn gian khổ. Thất bại, tự họ sẽ đứng lên. Cay đắng họ sẽ làm cho mọi thứ ngọt ngào. Họ dám làm những điều lớn lao, kỳ vĩ, xoay trời chuyển đất. Ở những người có bản lĩnh, họ luôn có trái tim đầy lý trí; có lòng quyết tâm cao độ với một lòng can đảm cùng với một nghị lực, ý chí mạnh mẽ. Họ sẵn sàng đương đầu với thử thách. Ở họ, ta luôn tìm thấy cái kiên định nơi đáy mắt và một nụ cười biểu trưng cho sự tự tin. Các cầu thủ U23 Việt Nam làm nên kỳ tích trước các đối thủ lớn về thể hình, mạnh về tốc độ như Uzơ-bê-kit- tan, I-rắc, Quata cũng là nhờ vào bản lĩnh. Người bản lĩnh, họ sẽ được mọi người yêu quý, tin cậy; bản thân họ cũng sẽ hiểu được sứ mệnh của mình là chỗ dựa tinh thần cho người khác. Vì vậy, người bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và dám thành công. Tuy nhiên cũng có những người vừa mới thấy nhấp nhô gợn sóng đã vội vã buông tay chèo, dễ dàng chấp nhận thất bại. Chắc chắn một điều rằng, những kẻ ấy vĩnh viễn không thể tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội, mãi mãi chỉ có thể sống dưới cái bóng của kẻ khác. Và bạn ơi, bản lĩnh khởi đầu như thế đấy! Khoan nói đến những thành quả mà bản lĩnh đem lại, chỉ nói riêng đến quá trình rèn luyện thôi cũng đã được xem là một thành tựu rồi. Đến đây, tôi chợt nhớ đến bông bồ công anh mạnh mẽ nương mình theo gió để vươn đến những chân trời cao xa. Ngay cả loài hoa mong manh nhỏ bé còn có thể tự luyện cho mình bản lĩnh, vậy còn bạn? Bạn có chấp nhận kiếp sống còn thua kém cả một loài hoa?

3. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về Ý Chí (Nghị lực)

Mẫu 1

Muốn vượt qua gian nan thử thách trên đường đời, con người không thể thiếu đi nghị lực. Vậy nghị lực là gì? Đó là là ý chí, là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Người giàu nghị lực luôn có sức sống mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách khó khăn, kiên trì vượt qua nghịch cảnh để đi đến thành công. Trong thực tế, ta có thể bắt gặp không ít con người như vậy. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujick sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận, Stephen Hawking bị bại liệt ở tuổi ngoài 20 và được ngợi ca là nhà vật lí học đương đại nổi tiếng nhất… Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Vậy nhưng, trong xã hội vẫn có một số người có lối sống ỷ lại, dựa dẫm, không có tinh thần phấn đấu, ý chí tiến thủ. Không chỉ tự đưa mình vào ngõ cụt, những người như vậy còn kéo lùi dòng chảy văn minh của nhân loại, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hôi. Thế hệ trẻ hôm nay cần phê phán lối sống này, không ngừng rèn đức luyện, nỗ lực bằng tất cả khả năng để có thể vững vàng tiến về phía trước. Bởi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”.

Mẫu 2

Nghị lực trong cuộc sống là yếu tố quyết định giúp con người vượt qua thử thách và đạt được thành công. Nghị lực không chỉ là sức mạnh nội tâm giúp ta đối mặt với khó khăn, mà còn là sự kiên trì và bền bỉ trong hành trình chinh phục mục tiêu. Nó thể hiện ở khả năng đứng dậy sau những thất bại, không chùn bước trước những thử thách. Người có nghị lực thường biết cách biến khó khăn thành cơ hội học hỏi, không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Nghị lực còn thể hiện ở lòng tin vào bản thân, vào khả năng vượt qua mọi trở ngại để đạt được những ước mơ. Nhờ có nghị lực, ta có thể vượt qua những lúc khó khăn nhất, tìm thấy niềm vui và động lực trong cuộc sống, từ đó xây dựng nên một cuộc sống đầy ý nghĩa và thành công.

4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200) chữ bàn về Trung Thực

“Trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan” - Thomas Jefferson. Quả đúng như vậy, trung thực là một đức tính quý báu mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều mong muốn có cho mình. Vậy trung thực là gì? Đó là lối sống ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng; trung thực là không dối trá, sống đúng lương tâm mình. Trung thực được thể hiện ở rất nhiều mặt của đời sống. Đó là lúc bạn sai lầm và mạnh dạn nhận lỗi về mình. Trong thi cử chấp nhận điểm kém còn hơn gian lận, quay cóp. Trung thực còn giúp cho chúng ta rất nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Nó giúp ta có được sự tin tưởng, tin yêu của người khác. Trong công việc làm ăn, nếu chúng ta làm ăn trung thực với nhau, không gian dối thì cả hai bên đều có lợi. Nếu mỗi con người là một tấm gương sáng về trung thực thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, công bằng, xã hội ổn định, phát triển. Ta cũng cần phê phán những kẻ gian dối, thiếu trung thực. Những kẻ không trung thực là những kẻ xấu, dễ gây mất niềm tin đối với người xung quanh, khiến ai cũng phải dè chừng. Trong cuộc sống hằng ngày, khi vi phạm lỗi lầm gì thì cố gắng kiếm cớ, nói dối sao cho mình thoát khỏi tội. Đó là những hành vi đê hèn của kẻ không trung thực. Người không trung thực là người không tốt. Vậy nên chúng ta cần đấu tranh loại bỏ thói xấu này ra khỏi xã hội. Tóm lại, trung thực là một đức tính tốt, cao quý rất đáng để cho chúng ta noi theo. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.

⇒ Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

5. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Khát vọng

Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, con người không thể thiếu đi những khát vọng chân chính. Vậy khát vọng là gì? Nó đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? Khác với tham vọng, khát vọng chính là mong muốn hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp với sự thôi thúc mãnh liệt đến từ sâu thẳm trái tim con người. Nó đem đến một mục đích sống cao đẹp, trở thành động lực giúp ta vượt qua khó khăn trên đường đời. Đồng thời, nó cũng nâng ta lên khỏi những cái tầm thường, vươn tới cái cao cả, thuần khiết hơn, trở thành nền tảng quan trọng để có thể kiến tạo nên lợi ích cho gia đình và xã hội. Thử hỏi, cách đây hơn một trăm năm, nếu người thanh niên Nguyễn Tất Thành không vì khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc mà đặt chân lên con tàu Đô đốc Đờ Tác - tơ - ri, biết đến bao giờ chúng ta mới được sống trong hòa bình như ngày hôm nay? Và nếu không có những con người dám ước mơ, dám thực hiện như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có lẽ thương hiệu ô tô Made in Vietnam 100% sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực… Những người biết khát vọng vươn lên xứng đáng để mỗi chúng ta nêu gương và học tập. Tuy nhiên bên cạnh những con người biết khát vọng và hướng đến những điều tốt đẹp thì trong xã hội vẫn còn đâu đó những con người không biết vươn lên, tự mãn với bản thân. Những người như vậy sẽ làm xã hội đi xuống, họ đáng bị phê phán và lên án. Nói tóm lại, tất cả chúng ta, trong đó có tôi, hãy xây dựng cho mình một khát vọng cao cả và nỗ lực hết sức để biến nó thành hiện thực. Bởi nếu cuộc đời này là bầu trời rộng lớn, khát vọng chính là đôi cánh giúp ta có thể bay xa.

⇒ Nghị luận về câu nói: "Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại"

6. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể

Con người sinh ra ai cũng có ước mơ, khát khao của riêng mình, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng chạm được đến cái đích của riêng mình. Câu ngạn ngữ "Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể" là một câu châm ngôn sống đầy kinh nghiệm để giúp con người lựa chọn cách sống của cá nhân. "Điều ta ước muốn" là những khát vọng, đam mê, ước mơ của bản thân mà con người luôn nỗ lực để đạt được, còn "điều ta có thể" là những việc trong khả năng mà con người có thể làm được. Có lẽ, chúng ta ai cũng ấp ủ với những giấc mơ của riêng mình, với những đam mê và khát vọng đã dần trở thành mục đích sống của chúng ta. Thế nhưng, đôi khi chính những khát vọng ấy lại đối lập với "điều ta có thể". Có những ước mơ dường như xa vời mà chúng ta không thể chạm tới được, khiến ta trở nên hụt hẫng, tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân. Đam mê và sự nỗ lực là hai yếu tố không thể thiếu trên hành trình đi tìm ước mơ của mỗi người, nhưng chỉ có vậy thì chưa bao giờ là đủ. Hãy giả sử, nếu chúng ta mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng, vậy mà giọng hát của chúng ta không được hay, không được thiện cảm thì chúng ta liệu có thể làm được không? Trong khi đó, khi làm những việc phù hợp với khả năng, chúng ta sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh của bản thân và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Vậy nên câu nói là bài học nhắn nhủ con người cần phải có những ước mơ phù hợp với khả năng của bản thân. Tuy nhiên, nếu cứ mãi ở trong vùng giới hạn của bản thân, liệu cuộc sống của chúng ta có còn ý nghĩa? Liệu chúng ta có thể hiểu được bản thân nếu không có sự trải nghiệm và thử thách hay không? Dù biết rằng đôi khi ước mơ chỉ là những hoài bão xa vời, nhưng nó vẫn là động lực thúc đẩy chúng ta, để ta có niềm tin vào chính mình và vững bước trên con đường đời đầy chông gai này. Hơn nữa, chính những giấc mơ ấy là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, để con người không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng ta có thể thấy trong cuộc sống không thiếu những tấm gương đã vượt qua được những điều không thể của bản thân, để chạm tới ước mơ dường như quá xa xôi và khó khăn với họ. Beethoven - nhà soạn nhạc thiên tài người Đức - người đã không may mắn mất đi khả năng thính giác của mình, vậy mà nhờ có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, ông đã vượt qua giới hạn của bản thân để trở thành biểu tượng của nền âm nhạc cổ điển mà không ai trong chúng ta không biết tới. Nếu luôn hài lòng và thỏa mãn với bản thân, thì trên thế giới sẽ không có những tác phẩm kiệt xuất, không có những thành tựu tiến bộ để thế giới phát triển như lúc này. Và việc trải nghiệm, thử thách bản thân để thực hiện đam mê cũng là cơ hội đặc biệt để giúp chúng ta khám phá con người thật của mình. Cuộc sống là một bức tranh được tạo nên bởi những mảnh ghép đa sắc màu, có lẽ một vài mảnh ghép ta chỉ có thể ngắm nhìn, nhưng cái cứ để nó song song tồn tại với những điều có thể của ta để cuộc sống của ta đa dạng hơn. Và đừng ngại với những ước mơ xa vời mà hãy luôn nỗ lực phấn đấu với con đường mà chính mình đã lựa chọn, bởi không ai có quyền đánh thuế giấc mơ của chúng ta, và biết đâu một ngày nào đó, chúng ta lại có thể thực hiện được nó, như biết bao người đã từng thành công trên chặng đường đi tìm giấc mơ đầy thú vị này.

7. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy"

Có thể nói, dám hành động, dám chấp nhận thất bại là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt được những thành công trong cuộc sống. Turgot - một nhà kinh tế học người Pháp từng nói: "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy rồi". Đó là một câu danh ngôn vô cùng đúng đắn và đầy cảm hứng nhưng trước hết, để có thể bàn luận cụ thể hơn về câu nói trên, chúng ta cần hiểu "dám bước đi" và "sợ gãy chân" là gì? Theo nghĩa đen, "bước đi" là một hình thức vận động của con người được thực hiện chủ yếu bởi các hệ cơ, xương ở "chân", còn "gẫy chân" là một hậu quả có thể xảy ra, gây tổn thương cho người thực hiện hành động "đi". Sâu xa hơn, về mặt nghĩa bóng, "bước đi" được hiểu là hành động làm một điều gì đó, còn "gãy chân" là những thất bại mà ta có thể gặp phải trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình. Như vậy, toàn bộ câu nói ấy có nghĩa là nếu như ta không dám làm, không dám hành động vì sợ thất bại thì bản thân chúng ta mặc định đã trở thành một kẻ thất bại rồi. Vì bất kỳ một thành quả nào đạt được trên thế gian này đều cần phải trải qua ba giai đoạn: suy nghĩ, hành động và kết quả. Nếu chỉ dám ngồi một chỗ đắn đo suy nghĩ, chần chừ mà không dám bắt tay vào làm thì sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được kết quả. Biểu hiện của những người không dám hành động và sợ đương đầu thử thách rất dễ nhận thấy. Họ thường là những người chỉ dám lên kế hoạch rồi để đó và trì hoãn, luôn kể về những điều mình muốn làm nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Hoặc thậm chí, có nhiều người còn không có một mục tiêu cụ thể nào, phó mặc đời mình cho cuộc sống mặc sức đưa đẩy, luôn tránh làm những điều lớn, tránh đi những "con đường" ít người đi và luôn suy nghĩ tiêu cực về thất bại. Một minh chứng rõ nét cho hành động đó là câu chuyện khởi nghiệp của Bill Gate và bạn của ông. Bill Gate không phải người đầu tiên và duy nhất nghĩ ra phần mềm máy tính và khát khao phát triển nó một cách rộng rãi, mà một người bạn học của ông cũng có cùng mong muốn ấy. Nhưng nếu như người bạn kia vẫn đang lo sợ, tính toán về những thiệt hại rủi ro mà mình có thể gặp phải, thì Bill Gate - cậu sinh viên trẻ khi ấy, đã hoàn thiện sản phẩm, hàng ngày đem "đứa con tinh thần" của mình đến gõ cửa từng văn phòng công ty về máy tính thời đó để thuyết phục họ hợp tác. Sau bao lời từ chối và những nỗ lực, ông đã nhanh chóng thành công, thành lập một doanh nghiệp lớn mạnh và mời người bạn khi xưa về làm nhân viên cho công ty mình. Như vậy, việc không dám hành động, sợ khó khăn sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên ì chệ, cuộc đời ta trở nên vô nghĩa, sẽ luôn cảm thấy cuộc sống thật tối tăm, nhàm chán,... Nếu hiện tại chúng ta không chịu nhấc chân lên mà đi thì tương lai sẽ còn khó khăn, còn phải vất vả gấp bội phần, "nếu ta không tự xây ước mơ của mình thì sẽ có người thuê chúng ta xây ước mơ cho họ". Một xã hội có quá nhiều những con người như vậy thì xã hội ấy sẽ trở nên chậm tiến về mọi lĩnh vực, ngập trong những dự thảo, dự kiến, ý tưởng nhưng chẳng bao giờ thành hiện thực. Mặc dù vậy, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người không chỉ có một mục tiêu rõ ràng mà còn luôn dám thực hiện điều đó hàng ngày, hàng giờ, luôn tìm tòi và chăm chỉ mài giũa, luyện tập. Không chỉ vậy họ còn luôn suy nghĩ tích cực về khó khăn, coi thử thách là cách để học hỏi, để tôi luyện và làm đầy "kho" kinh nghiệm của bản thân, từng ngày đạt được rất nhiều những mục tiêu và đóng góp cho xã hội. Tuy vậy, chấp nhận thất bại không có nghĩa là chúng ta sẽ vẫn lặp đi lặp lại sai lầm ấy mà cần phải rút ra cho mình những bài học để sau những vấp ngã ấy, ta sẽ biết cách bước đi vững vàng hơn. Như vậy, mỗi người chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của hành động và có một cái nhìn tích cực trước thất bại. Đồng thời nhanh chóng bắt tay vào thực hiện những dự định, mục tiêu đã đặt ra. Cuộc đời này rộng lớn, bao la, có biết bao nhiêu điều cần học hỏi, trải nghiệm, nhưng cũng ngắn ngủi, vô thường, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và đã qua đi rồi sẽ không lấy lại được. Vì vậy đừng sợ sai, đừng tự giới hạn bản thân vào một cuộc sống nhỏ bé, tầm thường, hãy vươn rộng mình ra, đón nhận lấy những điều tuyệt vời trong cuộc sống này để khi nhắm mắt buông tay, nhìn lại không còn gì hối tiếc. Thất bại cũng giống như việc ăn một trái ớt, dù cay nóng nhưng lại đem đến cho ta trải nghiệm hấp dẫn mà không có bất kỳ hương vị ngọt ngào nào có được.

8. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường

Mẫu 1

Con người để hoàn thiện bản thân thì phải không ngừng trau dồi nhiều đức tính quý báu. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công mà mỗi con người cần phải rèn luyện chính là ý chí, bởi lẽ: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Vậy thế nào là ý chí? Ý chí là kiên trì, sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã. Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần có ý chí theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người. Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay, con người sẽ rơi vào bế tắc. Bên cạnh đó, người có ý chí, nghị lực sẽ luôn là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng, lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này khó có được thành công trong cuộc sống và sớm bị xã hội đào thải. Mỗi chúng ta ai cũng hiểu được vai trò, tầm quan trọng của ý chí đối với cuộc sống, chính vì thế, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân mình một ý chí bền bỉ, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách.

Mẫu 2

Cuộc sống đâu phải thảm nhung trải sẵn cho chúng ta qua. Ẩn chứa trong nó là vô vàn những khó khăn thử thách ngăn cản bước đi buộc chúng ta phải tự vượt qua bằng chính sự nỗ lực, ý chí của mình. Đề cao giá trị vai trò của ‘ý chí’ trong cuộc đời, sự thành công của mỗi người, Pauline Kael từng nói ”Nơi nào có ý chí. Nơi đó có con đường”. Vậy chúng ta hiểu câu nói trên như thế nào? ‘Ý chí’ là khả năng mỗi người tự xác định được mục tiêu và nỗ lực vươn lên khắc phục mọi khó khăn để đạt được mục tiêu ấy. ‘Con đường’ ở đây được hiểu theo hai nghĩa là đường đi, hướng đi hay chính là sự thành công. Qua đó, P.Kael như đang muốn nhắn gửi rằng: mỗi chúng ta nếu có ý chí sẽ có sự vươn lên, tiến về phía trước, tìm ra và đạt được thành công nhất định cho bản thân mình. Chúng ta cần phải có ý chí bởi cuộc đời là cái hoàn cảnh mà con người buộc phải lựa chọn: Hoặc là quy phục hoặc là vượt qua. Nó luôn đầy rẫy những chông gai, biến cố nên ‘ý chí’ là yếu tố cần thiết thiết để con người duy trì ước mơ, khát khao, để biến tiêu cực thành tích cực. Người có ý chí là người không ngại thất bại, không chùn bước trước những trở ngại, dùng mọi nỗ lực để khắc phục khó khăn, kiên trì theo đuổi mục đích..Trên thế giới có rất nhiều những tấm gương mang tên ‘ý chí’ đáng để chúng ta học hỏi: Đó là Jessica Fox - sinh ra tại Mĩ, người phi công đầu tiên trên thế giới chỉ dùng chân lái máy bay. Sinh ra đã không có tay, nhưng chính sự thiếu may mắn ấy đã tạo cho cô ý chí, động lực để tiến lên đạt được khát khao của mình. Hay Hellen Keller, 20tuổi bị bệnh hoá mù, điếc. Nhưng nhờ có ý chí vượt lên số phận, bà vẫn học rộng hiểu sâu. Viết được 7 quyển sách, đi diễn thuyết khắp châu Âu, châu Mỹ và được cả thế giới biết đến. Đó là minh chứng cho ý chí, tinh thần vươn lên chiến thắng số phận để tìm ra “con đường”. Có ý chí sẽ tạo nên sức mạnh tuyệt đối giúp chúng ta đạp phẳng, san bằng mọi khó khăn để tìm ra hướng đi, tìm ra ánh sáng của sự thành công. Con người có ý chí sẽ thể hiện được bản lĩnh, khẳng định được giá trị của bản thân. Song, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số ít những người luôn tiêu cực, không có ý chí tiến lên, chỉ biết đầu hàng chấp nhận số phận. Đó là những người đáng bị phê phán. Tuy nhiên, ý chí phải được tạo nên từ sự xác định đúng đắn mục tiêu, sự quyết tâm chứ không phải “ý chí” mù quáng, tham lam. Biết vươn lên, vượt qua hoàn cảnh là tốt nhưng phải biết điểm dừng, không nên làm những gì quá khả năng, sức lực của mình nếu không chúng ta chẳng những không thành công mà sẽ nhận thất bại. Nhận thức về vai trò quan trọng, cần thiết của ý chí trong sự thành công chưa đủ, mỗi chúng ta cần phải có những kế hoạch, hành động để thực hiện; cần có những sự ‘dám’: dám đương đầu, dám vượt qua, dám đi lên; để cùng ‘ý chí’ biến mục tiêu thành hiện thực. Để rồi cũng giống như ngọn hải đăng soi sáng cho con thuyền vượt qua những trở ngại trên biển; ý chí sẽ soi sáng, dẫn lối giúp con người vượt qua mọi biến cố, chông gai, thử thách trên con đường đi tìm thành công của cuộc đời.

9. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Sức mạnh niềm tin

Mẫu 1

Cuộc sống là một bức tranh đa sắc màu, bên cạnh những màu tươi sáng cũng có những mảng tối, bên cạnh thành công, hạnh phúc thì cũng có không ít những chông gai, trở ngại. Dù là những điều không mong muốn thì con người vẫn phải chấp nhận. Và để vượt qua những thử thách của cuộc sống, bên cạnh nghị lực, sự cố gắng thì không thể thiếu đi niềm tin. Hiểu một cách đơn giản nhất, niềm tin là những điều mà ta tin tưởng, tín nghiệm. Niềm tin là nguồn sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua nghịch cảnh để khẳng định bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp. Khi có niềm tin vào bản thân, con người sẽ mạnh mẽ đối mặt với khó khăn, mạnh dạn thực hiện những ước mơ, dự định tốt đẹp. Nguồn sức mạnh tinh thần ấy không chỉ thôi thúc hành động mà còn giúp con người lạc quan trong mọi hoàn cảnh, không ngừng kì vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Khi con người có niềm tin vào chính bản thân mình là khi con người ý thức được giá trị và khả năng của bản thân. Và khi có niềm tin, con người sẽ huy động được toàn bộ sự cố gắng, trí tuệ và năng lực của bản thân vào thực hiện một kế hoạch, dự định nào đó. Ngược lại, nếu không có niềm tin con người dễ nản chí, gục ngã trước những khó khăn, thử thách. Vì vậy hãy sống lạc quan, yêu đời, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống và tin tưởng vào chính bản thân mình các bạn nhé.

Mẫu 2

Khi còn nhỏ, tôi vẫn thường tin phép thần kì trong truyện cổ tích giúp con người vượt qua khó khăn, có được những gì mình ao ước. Đến bây giờ, dù đã lớn, bản thân vẫn luôn tin tưởng như vậy, chỉ khác ở chỗ điều kì diệu chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong cuộc sống này, đó là sức mạnh niềm tin. Nếu nói sức mạnh là nguồn năng lượng để chúng ta chinh phục mục tiêu. Niềm tin cũng đơn giản là cảm giác tin tưởng của con người vào điều gì đó. Thì chung quy lại, sức mạnh niềm tin là năng lượng vào sự tin tưởng đạt được mong ước của chúng ta. Cuộc sống mà, chẳng phải khi nào mọi việc cũng suôn sẻ, vì vậy con người phải duy trì niềm tin để không nản lòng, tiến đến thành công. Sức mạnh niềm tin được thể hiện ở sự lạc quan, hướng đến tương lai, đặc biệt ta không coi khó khăn là vật cản mà coi đó là động lực giúp bản thân nghị lực trong mọi sân chơi. Câu chuyện về Thái Bảo Trâm là ngọn đèn lấp lánh trong căn phòng trần ngập ánh sáng của niềm tin. The Voice 2015, đó là cô gái 19 tuổi với thân hình to béo, giọng hát còn khiếm khuyết. Đam mê với âm nhạc có lúc lu mờ, lùi lại với với bóng tối, nhưng không, Bảo Trâm không bỏ cuộc như thế. Sức mạnh niềm tin đưa cô vươn lên, ở bên trở che suốt thời gian dài quyết tâm. The Voice 2017, cô trở lại khi đã giảm 20 cân, giọng hát bay bỏng, chạm đến trái tim mọi người, Trâm đi từng bước chân tự tin trên sân khấu với sự cảm phục của khán giả và giám khảo, tất cả ánh nhìn đổ dồn về con người ấy. Vậy mới nói niềm tin là động lực mạnh mẽ đưa con người bước qua khó khăn và đến đỉnh vinh quang. Dù vậy, niềm tin cần thực tế với khả năng bản thân, vì có khi chúng ta cũng thất bại bởi niềm tin mù quáng của mình. Bản thân mỗi người cần có niềm tin, bắt đầu từ việc xây dựng ước mơ, tin tưởng bản thân mình sẽ làm được. Có những điều chúng ta hằng khát khao, có trở ngại bản thân không muốn đối đầu, hãy nhớ đến điều kỳ diệu mang tên sức mạnh niềm tin, đó là đôi cánh thượng đế ban tặng cho người xứng đáng, nâng chúng ta bay đến chân trời của những ước mơ, bỏ lại phía sau mọi khó khăn.

10. Trong bức thư gửi hiệu trưởng nơi con trai mình theo học, Tổng thống Abraha Linhcon viết “Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ”.

Mỗi chúng ta không phải đều được tạo nên từ những phần tươi đẹp, có những góc tối u ám mà mỗi người luôn cố gắng khắc phục. Và có lẽ, hai chữ “đố kỵ” là điều mà không ai mong muốn nhưng nó lại luôn hiện hữu mạnh mẽ trong ta. Trong bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học, ông đã viết “Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ”. Dù bức thư đã được viết hơn 200 năm trước nhưng dường như lời nhắn gửi của ông vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Đố kỵ” là một thói xấu phổ biến trong xã hội. Đó là cảm giác ghen ghét, hậm hực, uất ức trước sự thành công, trước sự uy việt hoặc trước uy tín của người khác. Nhà văn Tạ Duy Anh đã nói “thói ghen tị là một thuộc tính của con người - luôn luôn ẩn náu trong chúng ta và luôn luôn chờ thời cơ để nhảy bổ vào chi phối những suy nghĩ, ứng xử, hành động của ta…cái con rắn ghen tức, đố kị sẽ tìm cách khuất phục lý trí để ngóc đầu dậy tác oai tác quái”. Như vậy, tổng thống Lincoln không chỉ muốn nhắn gửi đến sự giáo dục - hãy dạy trẻ em tránh xa góc tối đố kỵ đó mà còn hướng đến tất cả mọi người, chúng ta cần chung tay để loại bỏ nó. Sự đố kỵ bắt nguồn từ đâu? Nó sẽ xuất hiện khi ta thấy xấu hổ bởi không thành công hay có được điều gì đó như những người khác. Nó cũng len lỏi khi ta muốn sở hữu thành công, danh vọng,…nhưng lại không chịu cố gắng, không học tập. Đã biết bao câu chuyện về sự đố kỵ. Trong truyện cổ tích “Sọ Dừa”, hai cô chị vì ghen ghét, đố kỵ với em lấy được Sọ Dừa - khi chàng đã trở nên khôi ngô mà hãm hại chính em gái ruột của mình. Nhưng rồi chính họ lại phải gánh chịu hậu quả. Hay như sự việc, một loạt những “anh hùng bàn phím” đã ra sức để chỉ trích, bôi nhọ MC Phan Anh khi anh có được sự tin cậy của đông đảo người dân để đóng góp vào quỹ từ thiện của mình. Đố kỵ gây ra vô vàn những hậu quả. Đối với cá nhân, nó làm thui chột những tình cảm tốt đẹp, nhiều mối quan hệ thiêng liêng, làm cho con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí độc ác, ích kỉ. Đối với xã hội, nó kìm hãm tài năng, cản trở phát triển hay kéo lùi sự phát triển của lịch sử. Trong quá trình học tập và rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, chúng ta phải dũng cảm, phải kiên quyết loại bỏ thói ghen tị “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô A-mi-xi). Thay vì ghen ghét, hãy coi thành công của người khác là tấm gương để chúng ta học tập, noi theo, phấn đấu. Cuộc sống sẽ rạng rỡ, tươi đẹp hơn nếu không còn sự hiện hữu của “đố kỵ”.

11. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Biến đổi khí hậu và những thiên tai

Mẫu 1

Hiện nay, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài. Nguyên nhân dẫn tới việc biến đổi khí hậu là do có sự thay đổi của môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên nguyên nhân có tác động lớn nhất chính là do con người. Ở nơi em sống là Hà Nội, nơi có mật độ dân số gia tăng nhanh chóng, nhu cầu nhà ở, lương thực tăng cao, các nhà máy xí nghiệp. Sự mất cân bằng trong hệ sinh thái đã dẫn đến những thay đổi trong khí hậu trên toàn cầu. Từ vài năm trở lại đây nhân loại phải đứng trước những đe dọa của thiên nhiên: tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới vấn đề cây trồng vật nuôi, lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, thiếu nước sinh hoạt hoặc ô nhiễm nguồn nước kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân. Vậy nên chúng ta cần chủ động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như trồng nhiều cây xanh, tuyên truyền mọi người có ý thức bảo vệ môi trườn.

Mẫu 2

Nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong do tác động của nạn ô nhiễm môi trường dẫn đến “sự biến đổi khí hậu và những thiên tai gần đây như động đất, sóng thần, núi lửa … đang gây nên những hiểm họa khôn lường cho nhân loại” Từ vài năm trở lại đây nhân loại phải đứng trước những đe dọa của thiên nhiên, thiên tai và dịch bệnh gây nguy hại cho đời sống con người. Còn nhớ năm 2005, sóng thần đã cuốn trồi hàng chục ngàn người ở Thái Lan và Indonesia. Năm 2008, động đất làm tan hoang Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ngày càng nhiều làng “Ung thư” xuất hiện ở Việt Nam và thế giới… đây là những con số đáng báo động, cho thấy sự nổi giận của thiên nhiên trước những sai lầm của con người. Nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên là do: Sự tác động của con người tới thiên nhiên như: chặt phá rừng mất cân bằng sinh thái, sử dụng hóa chất như thuốc sâu, thuốc cỏ thiếu khoa học. Rồi khói thải công nghiệp, khói thải đô thị làm thủng tầng Ô Zôn gây nên hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng dần lên của trái đất. Con người không ngừng xây dựng, đục khoét trái đất, xây hầm, khai thác mỏ làm biến dạng lớp vỏ trái đất. Con người với những hận thù, tham vọng bá chủ thế giới, không ngừng chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí hóa học, bom đạn, gây chiến tranh liên miên… Tất cả sẽ dẫn đến sự giận dữ của thiên nhiên và báo hiệu sự diệt vong của trái đất. Theo lịch của người Maya năm 2012 là năm tận thế, nhà tiên tri Vanga dự đoán: sau năm 2010 sẽ là động đất, núi lửa và sóng thần… nay đang trở thành sự thật. Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực: Không được đốt phá rừng, khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây huỷ hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Không thải dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước; không chôn vùi, thải vào đất các chất độc hại quá giới hạn cho phép; các quốc gia cam kết không sử dụng và sản xuất vũ khí hóa học, không gây chiến tranh; nếu dùng điện hạt nhân phải có quy trình chặt chẽ để bảo quản tránh sự cố khủng khiếp như vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật (2011), vụ nổ lò hạt nhân Checmobưn ở Nga (1986) gây bao đau thương cho con người.

⇒ Nghị luận xã hội về hiện tượng biến đổi khí hậu

12. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ”

Đã có khi nào bạn thử hỏi liệu cuộc sống của mình giàu có hay không? Và giàu có mà tôi muốn nói đến ở đây là giàu có về tinh thần. Có ý kiến cho rằng “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ” nhắn nhủ mỗi chúng ta về cách nuôi dưỡng tâm hồn. “Tự làm giàu mình” chính là tự nuôi dưỡng và bồi đắp nhân cách, tâm hồn bên trong. Và có ba cách để giúp ta làm việc đó: “mỉm cười” - biểu hiện của niềm vui, sự lạc quan, yêu đời; “cho đi” là biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và “tha thứ” là khi ta bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác. Tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn nếu biết lạc quan, sống sẻ chia và rộng mở tấm lòng với mọi người. Ta vẫn quen với câu nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.Lạc quan, yêu đời không chỉ giúp con người vượt lên khó khăn, thử thách mà còn tạo niềm tin về bản thân và giúp ta hướng đến khát vọng tốt đẹp. Và khi ta biết sẻ chia, quan tâm đến những người xung quanh là ta đã chiến thắng sự vô cảm, ích kỉ để sống giàu trách nhiệm và yêu thương hơn. Mang lại niềm vui cho người khác ta sẽ thấy thanh thản trong tâm hồn, được sự tin yêu, tôn trọng của mọi người và chắc chắn khi ta gặp khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác. Và nếu muốn trút bỏ đau khổ, thù hận để sống thanh thản và mang lại niềm vui cho mọi người thì hãy bao dung, độ lượng hơn. Ngoài sự lạc quan, sẻ chia, độ lượng, con người còn có thể bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mình bang những ứng xử tốt đẹp. Hãy xem cách dân tộc Việt Nam tha thứ cho kẻ thù xâm lược để thấy được truyền thông nhân đạo, nhân ái của ông cha ta đáng khâm phục đến nhường nào. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết:“Mã Kì, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền/Vương Thông, Mã Anh cấp cho hàng nghìn cỗ ngựa.”Trong “Tuyên ngôn độc lập” Bác đã khẳng định: “Tuy vậy, dân tộc Việt Nam trước sau vẫn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo với kẻ thù thất thế”…Hẳn là khi viết lại những hành động khoan dung, nhân đạo ấy của dân tộc ta, các tác giả phải tự hào biết bao! Sự giàu có về tâm hồn có ý nghĩa quyết định sự hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Mỗi chúng ta cần có ý thức gìn giữ và bồi đắp để đời sống tinh thần, tình cảm của bản thân không bị xói mòn và chai sạn bởi mặt trái của cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, hãy bắt đầu từ những thái độ sống tích cực, có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.

13. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?

20 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ

Có lẽ cụm từ “sống ảo” đã không còn xa lạ thậm chí quá quen thuộc và trở thành thói quen của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng hiện nay hiện tượng này càng có xu hướng phát triển thái quá và dường như có những hệ lụy tiêu cực. Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực? “Sống ảo” là khái niệm chỉ cách sống trong hoang tưởng, không đúng với thực tại bản thân hay cố ý tự tô vẽ cho mình một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo trong mắt người khác mà cuộc sống đó khác với thực tại. “Sống ảo” thường thể hiện rõ nhất qua các trang mạng xã hội như Facebook,Instagram,.. Còn giá trị thực không chỉ dừng lại là sự thật về mỗi người trong cuộc sống hằng ngày mà còn là những giá trị tinh thần tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc xác định hai giá trị giữa “sống ảo” và “giá trị thực” khiến chúng ta phải suy ngẫm. Hiện tượng sống ảo xuất hiện tràn lan dưới nhiều hình thức. Các bạn trẻ có thể kết bạn, nói chuyện, tâm sự những điều thầm kín hay thậm chí là yêu đương với những người mới biết qua mạng xã hội dù chưa hề gặp mặt. Họ còn dùng mạng xã hội như công cụ để khoe khoang những thứ không có thực của bản thân như giàu có, danh tiếng,..Sống ảo còn là gây sự chú ý, khiến mình nổi tiếng bằng những nội dung không lành mạnh hay bịa đặt hay thường xuyên trở thành “anh hùng bàn phím”, dùng lời nói hoa mĩ, tỏ ra mình văn minh, nhân ái,… Cách sống này tạo ra một thế hệ chìm đắm trong ảo vọng, thích khoe khoang, dối trá, chỉ cố tô vẽ cho hình ảnh bản thân bằng những thứ không tồn tại, phớt lờ cuộc sống thực tế. Và khi trút bỏ vẻ ngoài hào nhoáng trở về cuộc đời thực, họ lạ lẫm, không xác định được hướng di của chính mình, làm phân tán, ảnh hưởng đến học tập và lao động cũng như các mối quan hệ thực. Sự tăng chóng mặt của các trang mạng xã hội, sức hút của những nút “like”, những lời ca tụng ảo khiến “sống ảo” trở thành căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng đến nhân cách, tinh thần của giới trẻ. Mỗi chúng ta cần tự ý thức sao cho việc sử dụng mạng xã hội hay công nghệ một các phù hợp. Phải nhìn nhận, đánh giá đúng bản thân và hiện thực cuộc sống, không chạy theo xu hướng. Những mối quan hệ trên mạng có thể đúng đắn nếu ta biết cân bằng, hài hòa với cuộc sống thực tại. Hãy chủ động thay đổi, điều chỉnh lại cách sống. Công nghệ là con dao hay lưỡi. Nếu biết cách sử dụng đó sẽ là công cụ vô cùng hiệu quả nhưng chỉ cần nhìn nhận sai nó sẽ là con dao giết chết tâm hồn bạn.

14. Suy nghĩ về ý kiến Đời người làcuộchànhtrình vượt qua những thử thách

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc khó khăn và vấp ngã, chúng ta cần bước qua những khó khăn ấy và đi tiếp trên con đường của mình bởi lẽ đời người vốn dĩ là một cuộc hành trình vượt qua những thử thách. Trong cuộc đời, mỗi con người ai cũng sẽ phải trải qua những khó khăn gian khổ để trưởng thành và khôn lớn. Câu nói khuyên chúng ta hãy lạc quan, mạnh mẽ bước qua những thử thách đó để đến với thành công, đến với quả ngọt, sự cố gắng luôn được đền đáp xứng đáng. Người có tinh thần vượt khó khăn, thử thách là những người luôn cố gắng vươn lên trong công việc và cuộc sống, gặp khó khăn không chùn bước, vấp ngã biết đứng dậy và đi tiếp, không bỏ cuộc. Họ luôn kiên trì với mục tiêu và ước mơ mà bản thân mình đã đề ra. Khi chúng ta vượt qua thử thách, ta sẽ đến thành công, sẽ đạt được mục tiêu, đạt được những gì ta mong muốn. Bên cạnh đó, người vượt qua được những khó khăn thử thách sẽ rèn luyện được cho bản thân những đức tính tốt đẹp khác và được mọi người tôn trọng cũng như học tập theo. Tuy nhiên. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mới gặp khó khăn, thử thách đã vội nản chí, không biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình,… những người này sẽ khó có được thành công trong cuộc sống và sớm bị xã hội đào thải. Đứng trước những thử thách, mỗi con người được lựa chọn cho mình một tinh thần để vượt qua, hãy luôn giữ lấy sự lạc quan, niềmhi vọng và bản lĩnh của mình để hướng về phía trước, đến những điều tốt đẹp. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Để xem các đoạn văn mẫu còn lại, mời các bạn truy cập vào phần Tải về nhé!

*************

Cách viết ĂN CHẮC điểm đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

Về hình thức

Đối với đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ thì thí sinh phải trình bày theo đúng hình thức của một đoạn văn ( tức là không được xuống dòng) dụng lượng hợp ly nhất là khoảng 2/3 tờ giấy thi. Tuy nhiên các em có thể viết thêm vài dòng cũng không ảnh hưởng đến kết quả. Giám khảo sẽ không ai ngồi đếm số câu, số chữ nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm miễn sao là bài viết đủ ý, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả. Nếu như đề thi yêu cầu viết bài văn thì các em trình bày đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

Về nội dung

Dù đoạn văn dài hay ngắn cũng phải đầy đủ các ý chính sau:

Câu mở đoạn: Có tác dụng dẫn dắt vấn đề. Các em có thể viết theo cách diễn dịch, câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn. Các câu sau có nhiệm vụ làm rõ nội dung của câu chủ đề. Khi kết đoạn nên có một câu gắn gọn nêu ý nghĩa, nội dung, ý nghĩa hoặc quan điểm cá nhân của người viết để bài văn được sâu sắc hơn.

Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tư tưởng đạo lý cần có các ý cơ bản sau: Giải thích tư tưởng, đạo lý, biểu hiện cụ thể. Tiếp theo là phân tích và chúng minh rồi mở rộng vấn đề, nêu ý nghĩa và bài học nhận thức…

Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về đời sống cần nêu được: Nêu hiện tượng đó (biểu hiện, mức độ…). Phân tích tác động tích cực/tiêu cực của hiện tượng đó. Tuy nhiên các bạn có thể viết linh hoạt theo ý của mình, cần có yếu tố sáng tạo, tránh máy móc, sáo rỗng.

Lưu ý làm các dạng bài nghị luận

Đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong cấu trúc đề thi. Với thiết kế đề thi như vậy, các em sẽ rất dễ dàng triển khai vấn đề.

Dung lượng yêu cầu khoảng 200 chữ, vì vậy cần viết ngắn gọn súc tích. Đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, chia luận điểm, luận cứ rõ ràng.

Thời gian viết bài nghị luận dao động từ 20-25 phút. Tránh tập trung quá nhiều vào dạng bài này mà mất thời gian câu sau.

Lưu ý đối với cách trình bày: trình bày như 1 đoạn văn, không có ngắt xuống dòng. Tuy vậy, vẫn đảm bảo đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Bài 200 chữ ứng với khoảng 20 dòng, 2/3 tờ giấy thi.

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/bai-van-nghi-luan-xa-hoi-a67057.html