Liên minh châu Phi khẳng định vị thế

Lực lượng gìn giữ hòa bình của AU tại Somalia
Lực lượng gìn giữ hòa bình của AU tại Somalia

Trong 2 thập kỷ kể từ khi chính thức được thành lập, tổ chức AU đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là khi nói đến việc nâng cao tiếng nói của châu Phi trên trường toàn cầu và phá bỏ các rào cản thương mại của lục địa này.

AU được thành lập vào năm 2002 với tư cách là tổ chức kế thừa của Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), những người sáng lập đã cam kết chuyển sang lập trường thực tế và thực dụng hơn về hợp tác chính trị. Ông Thabo Mbeki, Chủ tịch AU đầu tiên, tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức ở Durban, Nam Phi: “Đã đến lúc châu Phi phải có vị trí xứng đáng trong các vấn đề toàn cầu”. Các nhà phân tích đồng ý rằng, 55 quốc gia thành viên AU đã tham gia vào nhiều vấn đề toàn cầu, mang lại cho châu Phi tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế.

Ông Thomas Kwasi Tieku, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Western Ontario ở Canada, nhận định: AU đã giúp các nước châu Phi trở nên tích cực và quyết đoán hơn trong quá trình ra quyết định.

Ông Harriet Sena Siaw-Boateng, Đại sứ Ghana tại Bỉ và Luxembourg, cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, các quốc gia châu Phi đang theo đuổi mô hình của Liên minh châu Âu (EU) để trở nên thành công hơn trong việc soạn thảo, đàm phán và trình bày các lập trường chung để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của châu Phi. Gần đây nhất, AU đã nhận được lời khen ngợi về vai trò điều phối trong phản ứng với đại dịch Covid-19 ở châu lục và vận động hành lang để tiếp cận vaccine Covid-19 và xóa nợ.

Việc bắt đầu Hiệp định Thương mại tự do châu Phi, hay còn gọi là AfCFTA, vào ngày 1-1-2021 đã minh chứng động lực mới của AU. AfCFTA nhằm tạo ra một thị trường duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại nội châu Phi đạt khoảng 35 tỷ USF (34,4 tỷ EUR) và cũng giúp dễ dàng thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn hơn vì là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Cơ quan hợp tác quốc tế của Đức, GIZ, coi AfCFTA là một thành công lớn về mặt ngoại giao và chính trị với thời gian ngắn, các mục tiêu tự do hóa đầy tham vọng về khu vực thương mại tự do rộng lớn.

AU cũng đã giúp tăng cường hợp tác hòa bình và an ninh với Liên hiệp quốc trong 2 thập kỷ qua. Trước khi AU được thành lập, Liên hiệp quốc là cơ quan an ninh chính trên lục địa và là tổ chức cung cấp chính các lực lượng gìn giữ hòa bình. Điều này phần lớn là do tiền thân của AU, OAU, thiếu các phương tiện pháp lý để can dự vào các cuộc xung đột trong các nước thành viên. AU tuân theo nguyên tắc “không phân biệt đối xử”, có nhiệm vụ can thiệp vào một quốc gia thành viên khi đối mặt với tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người. AU kể từ đó đã phát triển các hoạt động gìn giữ hòa bình quan trọng, và phối hợp với các lực lượng của Liên hiệp quốc ở những nơi như Mali và CHDC Congo, cũng như triển khai các hoạt động của riêng mình ở các nước như Burundi và Sudan và hiện tại ở Somalia.

AU cũng đã truyền bá các giá trị tự do của dân chủ, bao gồm bầu cử tự do, minh bạch và các tiêu chuẩn chống đảo chính. Gần đây nhất, Liên minh châu Phi đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali, Burkina Faso, Guinea và Sudan sau các cuộc đảo chính quân sự. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng chỉ trích việc AU không phát triển được quan điểm chung về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh châu Phi ngày càng dễ bị tổn thương trước sự nóng lên toàn cầu.

Theo ông Frederic Gateretse Ngoga, người điều phối quan hệ đối tác quốc tế tại Ủy ban AU, việc thiếu hệ tư tưởng chung, khuôn khổ chính sách và chiến lược tổng thể, hiện đang cản trở sự đồng thuận của AU.

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/lien-minh-chau-phi-viet-tat-la-a66731.html