Tây Tạng từng là vùng đất bí ẩn của thế giới trong hàng thế kỷ, vì thế văn hóa, cảnh đẹp nơi này luôn có sức hấp dẫn to lớn. Hãy cùng tour Tây Tạng 8N7Đ khám phá vùng cao nguyên cao nhất thế giới!
Đại Chiêu Tự (Chùa Jokhang)
Tây Tạng là xứ sở Phật giáo huyền bí thường được ví như “cực thứ ba của Trái Đất”. Là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng, miền đất này hội tụ tất cả những gì linh thiêng nhất mà mọi tín đồ Phật giáo đều mong ước tìm về để hành hương và chiêm bái. Đại Chiêu Tự nằm ở trung tâm khu phố cổ Lhasa, ngay giữa quảng trường Barkhor (Bát Nhai).
Theo ngôn ngữ Tạng, Đại Chiêu mang nghĩa “Kinh đường” hoặc “Phật đường”. Không chỉ là ngôi chùa thiêng liêng, chùa Jokhang còn là công trình kiến trúc cổ kính, ôm ấp trong lòng những giá trị văn hoá và mỹ thuật Tạng cổ vô giá. Được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, ngôi chùa gắn liền với chuyện tình của vị Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố (Songtsengampo) và người vợ Văn Thành, công chúa nhà Đường.
Tu viện Sera (Sera Monastery)
Tu viện Sera là một trong “bộ ba” tu viện đại học Gelug của Tây Tạng, nằm cách Lhasa 2,01 km về phía bắc và cách Jokhang khoảng 5 km. Hai cái còn lại là tu viện Ganden và tu viện Drepung. Nguồn gốc tên gọi của nó được cho là do trong quá trình xây dựng, ngọn đồi phía sau tu viện được bao phủ bởi những bông hoa hồng dại (hay “sera” trong tiếng Tây Tạng) đang nở rộ. Du khách tour Tây Tạng 8N7Đ sẽ rất ngạc nhiên bởi kiến trúc của tu viện.
Phố Bát Giát (Chợ Bakor)
Phố nằm sát đền Đại Chiêu, đây là khu chợ truyền thống của người Tạng, là nơi bày bán nhiều sản vật, vật phẩm của vùng đất Tây Tạng. Tất cả thoáng hiện vẻ đẹp bí ẩn, có sức cuốn hút lạ lùng đối với mọi du khách trong tour Tây Tạng 8N7Đ.
Hồ Yamdrok
Hồ Yamdrok có màu ngọc bích nằm trên cao nguyên Shannan, là một trong ba hồ thánh linh thiêng chứa đựng nhiều điều huyền bí. Người ta cho rằng, những hồ này đã sinh ra sự sống của Tây Tạng. Hồ Yamdrok có diện tích hơn 670 kilomet vuông và độ sâu từ 30 đến 60m. Nhìn từ trên cao, hồ giống như giọt ngọc quý được tự nhiên Tây Tạng ôm ấp.
Hồ Yamdrok không chỉ là hồ thiêng nơi các vị thần linh trong Phật giáo Tây Tạng ngự lãm, là điểm đến của nhiều người hành hương, mà còn là vựa cá chép cao nguyên dồi dào nhưng không ai dám ăn vì được người dân xem như linh vật. Hồ kết nối sâu sắc với cuộc sống của người dân Tây Tạng, đi vào những bài ca dân gian. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều đống mani bên hồ. Đây là một nghi lễ cổ xưa được những người chăn gia súc dùng để cầu phúc và xua đuổi tà ma.
Sông băng vĩnh cửu Karola
Nhìn từ xa, sông băng Karola như một ngọn núi lửa đang phun trào nhưng dung nham được thay thế bởi những đụn tuyết trắng xóa. Với độ dốc thoai thoải, khối băng tồn tại hàng triệu năm mềm mại như chiếc chăn trắng xóa trải dài từ đỉnh núi xuống thung lũng. Trong ánh sáng mặt trời, phong cảnh sông băng tỏa sáng một màu trắng rực rỡ ngoạn mục khiến du khách quên đi cái lạnh dưới âm độ để toàn tâm chiêm ngưỡng dòng sông.
Tu viện Palkhor (Palcho)
Palcho được xây dựng năm 1814, là một tu viện có những đặc điểm kiến trúc của người Hán, Tây Tạng và Nepal. Nó cũng là ngôi nhà chung của ba hệ phái tôn giáo của Tây Tạng - Sakyapa, Kadampa và Gelugpa. Các hệ phái này cùng chia sẻ một chánh điện và các phòng nghiên cứu Phật giáo.
Trong lịch sử Tây Tạng, đã có sự bất đồng giữa ba hệ phái này. Nhưng kể từ khi thành lập tu viện Palkhor gần 600 năm trước đây, ba hệ phái đã đồng tồn tại dựa trên sự tôn trọng và chia sẻ những học thuyết của nhau, do đó đã làm cho tu viện Palkhor trở thành nơi an bình và tự tại.
Thiền viện Tashilhunpo
Thiền viện lớn nhất thành phố Shigatse này được xây dựng năm 1447 bởi ngài Gendun Drup và sau đó được mở rộng bởi Pachen Lama đời thứ 4. Tashilhunpo cũng là một trong 4 thiền viện duy nhất thuộc phái tu Hoàng Mạo, rộng lớn đến mức có thể làm nơi cầu kinh của 2000 người cùng một lúc. Khi bạn vừa bước qua cánh cổng lớn, điều ấn tượng đầu tiên xuất hiện là những mái nhà sơn son thếp vàng nổi bật. Trên dải tường dài là những họa tiết kể lại những tích Phật cổ.
Cung điện Potala
Là công trình kiến trúc tôn giáo linh thiêng và đồ sộ nhất Tây Tạng, Potala được khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ 7 và được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 trùng tu lại sau hủy hoại của những biến động lịch sử. Việc trùng tu này đã kéo dài suốt 50 năm mới hoàn thành với quy mô cực lớn. Cung điện cao 117 mét, gồm 13 tầng, chiếm diện tích khoảng 130.000 mét vuông. Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đất, đá và gỗ được vận chuyển thủ công. Tính đến nay đã hơn 6 thế kỷ, Potala vẫn không bị biến động nào làm hư hại.
Nghệ thuật tranh Thangka Tây Tạng
Đây là loại tranh vẽ treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng cùng chư Bồ Tát, thánh thần. Một đề tài đặc biệt phổ biến là pháp luân. Loại Thangka màu thể hiện các đề tài Phật giáo: đức Phật tọa thiền, cuộc đời đức Phật, pháp luân, Dược Sư Phật…
Mỗi loại tranh Thangka thường mang một ý nghĩa khác nhau, giúp những điều ước trở thành hiện thực như hòa bình, sức khỏe, trường thọ, thịnh vượng, thành công hay may mắn. Trong tour Tây Tạng 8N7Đ, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về loại tranh vẽ độc đáo này, để hiểu thêm về văn hóa, đời sống của người dân vùng cao nguyên cao nhất thế giới.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Độc đáo các bức phù điêu tại tượng khắc đá Đại Túc, Trung Quốc
Ngon miệng đã mắt với món bún qua cầu Vân Nam, Trung Quốc
Phúc Kiến Thổ Lâu - Công trình kiến trúc và văn hóa cổ độc đáo ở Trung Quốc
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/cao-nguyen-tay-tang-a65225.html