Bom nhiệt hạch - vũ khí khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người

Bom nhiệt hạch - vũ khí khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người

Cấu tạo bom nhiệt hạch với 2 tầng sơ cấp và thứ cấp (Ảnh: Wikipedia)

Bom nhiệt hạch là gì?

Bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom khinh khí, bom hydro hoặc bom H, là loại bom được Mỹ bắt đầu nghiên cứu và phát triển vào đầu thập niên 1950. Cùng với bom nguyên tử, hay còn gọi là bom A, bom nhiệt hạch hiện là vũ khí sát thương khủng khiếp nhất do con người tạo ra.

Một quả bom H thường được thiết kế gồm 2 tầng, trong đó tầng sơ cấp là một quả bom phân hạch và tầng thứ cấp là nhiên liệu sử dụng cho phản ứng nhiệt hạch. Quả bom hạt nhân sơ cấp sẽ được dùng để tạo ra vụ nổ thứ cấp với sức công phá mạnh hơn, và việc kết hợp vụ nổ phân hạch sơ cấp với vụ nổ nhiệt hạch thứ cấp sẽ tạo ra sức công phá cuối cùng của bom nhiệt hạch.

Trong giai đoạn đầu tiên, hay còn gọi là phản ứng phân hạch hạt nhân, các nguyên tử được chia tách để giải phóng năng lượng. Năng lượng này sẽ giúp kích hoạt giai đoạn thứ hai, hay còn gọi là phản ứng nhiệt hạch hạt nhân, tức quá trình tổng hợp hai hạt nhân nhẹ thành một hạt nhân nặng hơn và giải phóng năng lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với phản ứng phân hạch.

Để các hạt nhân, vốn tích điện dương và đẩy nhau, có thể tiến tới khoảng cách đủ gần nhằm xảy ra một phản ứng nhiệt hạch, cần có một năng lượng cực lớn hoặc điều kiện nhiệt độ rất cao, theo đó việc kích nổ tầng sơ cấp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho quy trình này diễn ra.

Do cần nhiều bước kích nổ cũng như các loại nguyên liệu đầu vào nên bom nhiệt hạch được chế tạo khó hơn so với bom nguyên tử. Trong khi đó, nếu so sánh về sức công phá, bom nhiệt hạch mạnh hơn rất nhiều so với bom nguyên tử. Ngoài ra, bom nhiệt hạch cũng được xem là “sạch hơn” so với bom nguyên tử do tạo ra ít bụi phóng xạ hơn.

Các nước sở hữu bom nhiệt hạch

Đám mây hình nấm xuất hiện trong vụ thử hạt nhân của Mỹ năm 1954 tại Bikini Atoll (Ảnh: SCMP)
Đám mây hình nấm xuất hiện trong vụ thử hạt nhân của Mỹ năm 1954 tại Bikini Atoll (Ảnh: SCMP)

Bom nhiệt hạch chưa bao giờ được sử dụng trong các cuộc chiến tranh, một phần vì các nước nhận thức được mức độ tàn phá khủng khiếp của loại vũ khí hủy diệt này. Trong khi đó, Mỹ đã 2 lần thả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản trong Thế chiến 2. Trong nhiều năm trở lại đây, các hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cũng quy định về việc các nước hạn chế chế tạo đầu đạn hạt nhân gây nguy hiểm.

Mỹ đã tiến hành thử bom nhiệt hạch lần đầu tiên vào năm 1952 với mật danh Ivy Mike tại rạn san hô Enewtak, đảo Elugelab ở Thái Bình Dương. Sau đó, Liên Xô thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của nước này vào năm 1953. Loại vũ khí này sau đó cũng được các nước Anh, Trung Quốc, Pháp phát triển và thử nghiệm. Cả 5 nước trên đều đã ký Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí (NPT), trong đó hạn chế việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân.

Israel, quốc gia chưa gia nhập NPT, được cho là cũng đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Israel được cho là mới chỉ sở hữu thiết bị phân hạch, chứ chưa có bom nhiệt hạch hoàn thiện. Tương tự với trường hợp của Ấn Độ và Pakistan - những quốc gia được cho là đã thử nghiệm các thiết bị phân hạch hạt nhân, hoặc tuyên bố đã sở hữu năng lực tạo ra những thiết bị này, nhưng chưa chính thức tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch.

Triều Tiên đã thử thành công bom nhiệt hạch?

Đồ họa mô phỏng bom nhiệt hạch của Triều Tiên (Ảnh: Dailymail)

Đồ họa mô phỏng bom nhiệt hạch của Triều Tiên (Ảnh: Dailymail)

Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Truyền thông Triều Tiên tuyên bố vụ thử diễn ra thành công hoàn hảo và không làm rò rỉ nhiên liệu ra không khí.

Sau khi nghiên cứu về rung chấn của trận động đất do vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên gây ra (theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ là 6,3 độ Richter), các chuyên gia cho rằng có nhiều chứng cứ cho thấy Bình Nhưỡng hoặc đã phát triển thành công bom nhiệt hạch, hoặc ít nhất cũng đã tiến rất gần tới việc sở hữu loại bom này.

Giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết vụ nổ ngày 3/9 của Triều Tiên mạnh gấp 10 lần so với vụ thử hồi tháng 9 năm ngoái. NORSAR, cơ quan quan trắc động đất của Na Uy, ước tính sức nổ của bom Triều Tiên lên tới 120 kiloton, mạnh hơn rất nhiều so với quả bom “Little Boy” 15 kiloton mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima và quả bom “Fat Man” 20 kiloton tại Nagasaki vào cuối Thế Chiến 2. Cả “Little Boy” và “Fat Man” đều mới chỉ là bom nguyên tử chứ không phải bom nhiệt hạch.

“Với sức nổ như vậy, có thể khẳng định đây là vụ thử bom nhiệt hạch và Triều Tiên đã cho thấy nước này là một quốc gia hạt nhân”, Reuters dẫn lời Kune Y. Suh, giáo sư kĩ thuật nguyên tử tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng Triều Tiên chưa thành công trong việc chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhẹ để gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mặc dù vậy, nếu được xác nhận, việc Bình Nhưỡng phát triển thành công bom nhiệt hạch đã được xem là bước tiến quan trọng trên con đường chinh phục tham vọng hạt nhân của nước này.

Thành Đạt

Tổng hợp

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/hach-vu-khi-a64955.html