Có nhất thiết phải cúng cá chép sống?
Dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường cẩn trọng chuẩn bị lễ vật để làm mâm lễ cúng ông Công, ông Táo. Đặc biệt, nhiều người sẽ chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước, sau khi cúng xong sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.
Nhiều người quan niệm, khi cúng ông Công, ông Táo bắt buộc phải cúng cá chép sống bởi đây là phương tiện cho Táo quân lên chầu trời.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải cúng cá chép sống bởi trong các vật phẩm trên mâm cúng, ngoài cá chép còn áo, mũ, hài đều là đồ mã (làm bằng giấy). Vậy nên, các gia đình cũng có thể cúng cá chép giấy sau đó hóa cùng vàng, mã.
Song theo vị chuyên gia, nếu có điều kiện thì cúng cá chép sống và phóng sinh cũng là việc tốt.
Về việc thả cá chép thế nào cho đúng cách, TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từng chia sẻ với Dân trí rằng, ông bà xưa thường dạy con cháu, khi thả cá cần tìm chỗ nước trong nhẹ nhàng thả cá xuống. Sau đó, phải đứng một lúc xem cá bơi đi như thế nào rồi mới được quay về.
Ngoài ra, các chuyên gia văn hóa cũng đưa ra lời khuyên, mỗi người cần thả cá với tấm lòng thành kính, hướng tới những ý nghĩa cao đẹp. Khi thả, dùng hai tay đưa cá sát mặt nước rồi thả xuống. Không nên ném, liệng cá từ trên cao.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo
Về mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho rằng, các gia đình nên chuẩn bị đủ đủ xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả...
Đặc biệt, nên có một đĩa bánh kẹo (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo...) hoặc một bát mật mía. Theo quan niệm dân gian, mục đích là để Táo quân về chầu Ngọc hoàng "ngọt giọng" tấu báo những điều tốt đẹp, Ngọc hoàng ban phúc lành cho gia đình trong năm mới.
Đồ mã phải có 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc 3 con cá chép. Theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính: "Mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời".
Một số địa phương khu vực Bắc Trung bộ không dùng canh trong lễ cúng Táo quân, vì sợ ba ông Táo (ba ông đầu rau) do đắp bằng đất sét sẽ bị "thũng" chân.
Văn khấn Nôm lễ Táo quân hàng năm (tham khảo)
Sau khi gia chủ bày lễ, thắp hương xong có thể khấn như sau:
Kính lạy ngài bản gia Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân!
Kính lạy các ngài bản gia thần linh, thổ địa, thành hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư vị tôn thần!
Tiến chủ con là: (tên ông bà cha mẹ, con cháu...) đồng gia đẳng.
Hôm nay là ngày ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân về trời phụng mệnh Ngọc đế. Tiến chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Kính mời các ngài bản gia thần linh, thổ địa, thành hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư vị tôn thần đồng tọa, thụ hưởng lễ vật.
Tuân theo lệ cũ, ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân là chủ Ngũ Tự. Cúi xin ngài soi xét lòng trần, gia ban phúc lộc. Trong năm gia đình chúng con có những sai phạm, lỗi lầm gì xin tôn thần gia ân châm chước (đến đây gia chủ có thể bộc bạch những điều tốt - xấu của gia đình, nhận lỗi, sám hối, hứa sửa đổi). Ngài về trời chầu Ngọc đế, tấu xin Ngọc đế gia ân ban phước, phù hộ toàn gia chúng con trai gái trẻ già được an ninh khang thái!
Chúng con xin giải bày tấm lòng thành thực. Cúi xin các vị thần minh chứng giám!
Cẩn cáo, thượng hưởng!
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/cung-ong-tao-mua-gi-a64737.html