Cúng tạ đất vào ngày nào? Sắm lễ tạ đất mang phúc lành cho gia chủ

Lễ tạ đất cuối năm là một trong những nghi thức văn hóa ngày Tết của người Việt. Vào dịp này, nhiều gia đình thường tạ lễ các vị thần nơi đất ở, để thể hiện sự biết ơn và mong cầu được phù hộ, hộ trì trong năm mới..

Vậy cúng vào thời gian nào, sắm lễ thế nào đúng chuẩn nhất? Mời quý vị hãy cùng đón đọc bài viết dưới đây qua những hướng dẫn của Thầy Thích Trúc Thái Minh.

Lễ tạ đất là gì?

1. Quan niệm dân gian

Lễ tạ đất mang ý nghĩa đền ơn những người có ân với mình. Ông cha ta có câu: “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Cho nên, nhiều người tin là có các vị thần như thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ - các vị này khác nhau nhưng gọi chung là Thổ Công. Họ là những người cai quản chung các việc về đất.

Nhiều người mong muốn được làm lễ tạ cuối năm với tâm biết ơn sau một năm bình an. Như vậy, biết ơn cũng là điều tốt.

Dân gian quan niệm rằng có các vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ cai quản nơi đất ở (Nguồn: Internet)

Dân gian quan niệm rằng có các vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ cai quản nơi đất ở (Nguồn: Internet)

2. Quan niệm Phật giáo

Chúng ta được biết chắc chắn có tồn tại các vị thần và không phủ nhận việc có cõi hương linh. Theo kinh Địa Tạng, Đức Phật có nhắc đến nhiều vị thần cai quản các cõi đất như: thần núi, thần sông, thần biển, thần đất, thần cây, Kiên Lao Địa Thần,... Và việc làm lễ tạ đất là dịp để tạ ơn các vị thần đó.

Cúng tạ đất vào ngày nào?

Thuận theo phong tục thế gian, mỗi khi gần đến Tết, chúng ta nên cúng lễ tạ các vị thần. Mọi người thường cúng tạ đất bắt đầu kể từ ngày Rằm tháng Chạp, hoặc ngày 23 tháng Chạp (sau khi cúng ông Công ông Táo); hoặc cúng vào lễ tất niên.

Cúng tạ đất thế nào để được hộ trì?

Với tinh thần của đạo Phật, chúng ta nên thực hành những việc sau để lễ tạ đất được diễn ra đầy đủ, trọn vẹn và cảm ứng đến thế giới tâm linh:

1. Chuẩn bị mâm cơm thanh tịnh, không có việc sát mạng chúng sinh.

Xem thêm: Hướng dẫn sắm lễ tạ đất

Chuẩn bị mâm cơm thanh tịnh để cúng lễ (ảnh minh họa)

Chuẩn bị mâm cơm thanh tịnh để cúng lễ (ảnh minh họa)

2. Trong thế giới vô hình, một số vị thần có thọ hưởng vật thực, nhưng cũng có vị không thọ nhận; bởi có những thức ăn của các vị cao quý hơn cõi người. Tuy nhiên, các vị thần vẫn có thể đến để chứng minh cho lòng thành của người cúng.

Cho nên, chúng ta cần đặt ba tâm kính Phật, trọng Thần, hiếu nghĩa với tổ tiên khi cúng lễ:

- Biết ơn Phật đã chỉ dạy pháp cứu khổ cho chúng sinh.

- Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện Thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện.

- Biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, đã tạo duyên cho chúng ta có họ hàng anh em, con cái.

3. Tác phước, hồi hướng cho các vị chư Thiên, chư Thần: Đây là một cách để chúng ta có thể tạ ơn các vị, để các vị thêm phúc báu, oai lực để hộ trì cho gia chủ.

Trong Kinh Địa Tạng dạy rằng, nếu chúng ta tác phước cúng dường cho các vị chư Thiên, chư Thần có duyên cai quản địa phận của gia đình mình, thì các vị ấy sẽ được phước báu, hoan hỷ hộ trì cho chúng ta.

Đặt mâm cúng tạ đất ở đâu?

- Trường hợp chưa có bàn thờ: Sắp 1 bàn, để 3 cốc gạo, sắm 3 lễ bày trước cốc gạo: cúng Phật, cúng Thần Linh, cúng gia tiên.

- Trường hợp có bàn thờ:

+ Chỉ có bàn thờ Phật: Sắp thêm 2 cốc gạo bày hai bên cạnh/dưới nơi thờ Phật: 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng Thần Linh, 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng gia tiên.

+ Chỉ có bàn thờ thổ công: Sắp thêm để cúng Phật và hương linh tương tự như trên.

+ Chỉ có 1 bàn thờ hương linh: Sắp thêm để cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh tương tự như trên.

Lễ tạ đất gồm những gì?

- Cúng Phật: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.

- Cúng chư Thiên, Thần Linh: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.

- Cúng hương linh (bày lễ ở bát hương thờ gia tiên): Hoa quả, một mâm cơm (chay: rau, củ, quả; hoặc nếu là mâm cơm mặn thì chỉ nên có thịt tịnh nhục: thịt của chúng sinh đã chết, nhưng không do tự tay giết hoặc xui người khác giết hại).

Lưu ý:

- Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.

- Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).

- Trà: Nước trà tỏa hương. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.

- Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để hương linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).

- Các đồ lễ, sau khi lễ xong thì thọ thực.

Văn khấn lễ tạ đất

Chùa Ba Vàng xin gửi đến quý vị văn khấn cúng lễ tạ đất đầy đủ qua đường link tại đây: Bài cúng Ông Công Ông Táo, tất niên, tạ đất tại nhà, cơ quan, cửa hàng,...

Lễ tạ đất là cơ hội để mỗi người được thực hành tâm biết ơn với các vị thần linh. Hy vọng qua bài viết trên, quý vị sẽ biết thêm những thông tin hữu ích về nghi lễ tâm linh theo góc nhìn của đạo Phật trong ngày Tết.

Chúc quý vị cùng gia đình có một năm mới an lành và hạnh phúc. Đừng quên tham khảo thêm những bài viết và chia sẻ cảm nhận dưới phần bình luận nhé!

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/cung-dat-dai-vao-ngay-nao-a63639.html