Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trẻ em là đối tượng dễ bị các loại virus hay vi khuẩn gây hại cho sức khỏe xâm nhập vào cơ thể, do hệ miễn dịch không đủ sức đề kháng để chống lại sự nhiễm trùng. Có nhiều căn bệnh từ nhẹ cho tới nghiêm trọng ở trẻ, chẳng hạn như nhiễm trùng tai, viêm kết mạc, bệnh sốt phát ban, bệnh thủy đậu, bệnh sởi, viêm phổi, viêm não... Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, cha mẹ nên dành nhiều sự quan tâm tới các biện pháp phòng bệnh, bao gồm dùng thuốc và tiêm vắc-xin cho trẻ.
RSV là tên viết tắt của virus hợp bào hô hấp, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản (viêm đường dẫn khí nhỏ) và viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Khi RSV xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, bao gồm sốt, ho và sổ mũi.
Theo thống kê, có tới 40% trẻ nhỏ bị nhiễm RSV lần đầu tiên thường có các biểu hiện thở khò khè đáng chú ý và khoảng 2% phải nhập viện sau đó. Nhìn chung, vi rút hợp bào hô hấp có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Trẻ nhỏ thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tai do các ống thính giác nhỏ và nằm theo chiều ngang. Những ống này là bộ phận trung gian giúp nối tai với cổ họng, khi cơ thể bị cảm lạnh, chúng có thể bị tắc nghẽn và gây viêm.
Nhiễm trùng tai xảy ra khi bên trong tai giữa (nằm sau màng nhĩ) chứa đầy các chất lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi trùng sinh sản và phát triển. Các triệu chứng của nhiễm trùng tai ở trẻ, bao gồm sốt, quấy khóc, ù tai, buồn nôn, giảm thính lực, hoặc chảy mủ ở tai.
Sự nhiễm trùng này thường do vi rút gây ra và nó có thể tự biến mất trong một khoảng thời gian nhất định.
Nhiễm trùng từ một số loại vi khuẩn hay gặp là Phế cầu khuẩn, Hemophilus Ifluenza (Hib) có thể lây lan từ ổ viêm vùng mũi họng đến tai giữa thông qua vòi nhĩ, gây viêm, ứ đọng dịch trong tai. Viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Thính giác của trẻ dưới 2 tuổi bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến phát âm vì trẻ không nghe được...Để ngăn ngừa nhiễm trùng từ một số loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng tai, việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ là một điều thực sự cần thiết. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng tai cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sự tích tụ các chất lỏng trong tai giữa được gọi là viêm tai giữa có tràn dịch, hoặc OME. Đây là một biến chứng của nhiễm trùng tai cấp tính hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các chất lỏng này có thể tự hết trong vòng vài tuần, tuy nhiên, nếu nó kéo dài hoặc trở nên dày đặc giống như keo (viêm tai keo) sẽ gây trở ngại lớn cho các chức năng thính giác của trẻ.
Trong một số trường hợp nhất định, trẻ có thể phải cần đến ống thông khí để giúp các chất dịch chảy ra, hoặc điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu tai có mủ đặc.
Bệnh bạch hầu thanh quản là một căn bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là tiếng ho khan thường xuất hiện chủ yếu vào ban đêm. Nguyên nhân chính gây ra ho là tình trạng viêm đường hô hấp trên, xảy ra do virus.
Nếu chức năng hô hấp trở nên suy yếu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, đa số trẻ em đều tự hồi phục lại chỉ sau khoảng một tuần.
Xem thêm: Bạch hầu thanh quản ở trẻ vì sao nguy hiểm?
Bệnh tay chân miệng thường gây ra sốt, kèm theo các nốt mụn nước ở bên trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông. Căn bệnh này là do một loại vi rút có tên là Coxsackievirus A16 gây ra. Chúng có xu hướng lây lan ở trẻ em trong mùa hè và đầu mùa thu. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều không nghiêm trọng và chỉ kéo dài khoảng 7-10 ngày. Bệnh chân tay miệng nguyên nhân do virus EV71 thường diễn biến nặng hơn và dễ gây biến chứng. Phòng bệnh chủ yếu vệ sinh cá nhân và những vật dụng đồ chơi của trẻ.
Xem thêm: Bệnh tay chân miệng trẻ em: Khi nào cần nhập viện?
Bệnh viêm kết mạc, hay còn được gọi là đau mắt đỏ, thường gây ra bởi các loại virus tương tự như cảm lạnh thông thường. Căn bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thông qua nước mắt, nước bọt, đường hô hấp hoặc bắt tay.
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đau mắt đỏ, bao gồm rách, đỏ, ngứa mắt hoặc lông mi giòn, dễ gãy rụng. Nếu trẻ nhỏ có bất cứ triệu chứng nào của bệnh, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để xác định các phương hướng điều trị phù hợp. Hầu hết các trường hợp có thể tự hồi phục sau 4-7 ngày.
Thường gây ra phát ban đỏ trên mặt của trẻ nhỏ. Ngoài ra, phát ban cũng có thể xuất hiện trên thân, cánh tay hoặc chân. Thủ phạm chính gây ra căn bệnh này là Parvovirus B19 ở người, một loại vi rút có khả năng gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh nhẹ trước khi phát ban. Một khi phát ban đã xuất hiện thì loại vi rút này không thể truyền nhiễm sang cho người khác được nữa.
Theo thống kê, có tới 20% trẻ em bị mắc bệnh khi 5 tuổi và có tới 60% trẻ bị bệnh ở tuổi 19. Tình trạng phát ban sẽ biến mất sau 7-10 ngày.
Xem thêm: Làm thế nào khi trẻ bị sốt phát ban cao, quấy khóc nhiều?
Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong có liên quan đến bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng chính, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, điều này có thể khiến cho cơ thể trẻ bị mất nước nhanh chóng.
Hiện nay đã có hai loại vắc-xin ngừa virus rota cho trẻ sơ sinh, gồm ROTARIX và ROTATEQ. Việc uống ngừa sớm giúp giảm đáng kể số ca mắc bệnh do rotavirus ở trẻ.
Bệnh Kawasaki là một căn bệnh rất hiếm gặp và thường tấn công thầm lặng tới những trẻ em dưới 5 tuổi. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh, bao gồm sốt cao kéo dài hơn 5 ngày, kèm theo phát ban loang lổ, sưng đỏ ở tay và chân, mắt đỏ ngầu, môi đỏ và nứt nẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể làm tổn thương các chức năng của tim và gây tử vong. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh Kawasaki.
Thủy đậu từng là một căn bệnh gây ra các cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu, biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này, xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, người lớn và ở những người có hệ miễn dịch kém. Theo số liệu thống kê tại Mỹ cho biết, trước khi có vắc-xin ngừa bệnh, thủy đậu đã khiến cho 11.000 người phải nhập viện vào mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay đã có thể phòng ngừa được thông qua vắc-xin thủy đậu.
Nếu cho trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin sởi, bạn sẽ không còn phải lo lắng về nguy cơ mắc căn bệnh này ở trẻ nhỏ. Theo CDC cho biết, bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh chóng ở những trẻ em chưa được tiêm chủng. Sự nhiễm trùng sẽ bắt đầu với các biểu hiện như sốt, ho và sổ mũi.
Khi những triệu chứng này giảm dần, phát ban toàn thân sẽ xuất hiện. Hầu hết tình trạng bệnh sẽ được cải thiện trong vòng hai tuần, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, nó có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác ở trẻ.
Quai bị là một trong những căn bệnh thời thơ ấu rất phổ biến trước khi vắc-xin phòng bệnh được phát triển. Dấu hiệu điển hình của bệnh là sưng các tuyến ở giữa tai và hàm. Điều này làm xuất hiện một tình trạng, gọi là “má chipmunk”. Theo nghiên cứu cho biết, những người không được tiêm chủng có nguy cơ mắc quai bị cao gấp 9 lần so với những người đã tiêm vắc-xin ngừa bệnh.
Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giảm thính lực, viêm tụy, viêm màng não hoặc viêm tinh hoàn (đối với nam giới), viêm buồng trứng (đối với nữ giới). Với nam giới mắc bệnh khi đang trong độ tuổi dậy thì, nguy cơ vô sinh là khá cao.
Với sự nguy hiểm như vậy, tiêm vắc-xin phòng ngừa quai bị là rất quan trọng. Việc này không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Thông thường, vắc-xin quai bị không được tiêm đơn lẻ mà thường kết hợp trong vắc-xin quai bị - sởi - rubella (MMR).
Rubella, còn có tên là “sởi Đức”, là một loại vi rút nhẹ thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu phụ nữ đang mang thai bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của Rubella, gồm sốt nhẹ, kèm theo phát ban lan từ mặt xuống các bộ phận còn lại của cơ thể. Hiện nay đã có vắc-xin MMR, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella dành cho trẻ em.
Ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà rất dễ lây lan khi trẻ ở cùng một không gian như trường học, nhà ở, với người mang mầm bệnh.
Ho gà là tình trạng trẻ bị ho nhiều, dữ dội, không thể kiểm soát, khiến trẻ cảm thấy khó thở và hít vào với âm thanh như tiếng rít dài. Sau khoảng 1-2 tuần triệu chứng bệnh ở trẻ sẽ nặng hơn và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, ho gà có thể gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Sự nhiễm trùng thường xảy ra nặng nhất ở trẻ sơ sinh và có thể phải điều trị tại bệnh viện.
Thuật ngữ y khoa của bệnh là ho gà- chữ “P” trong vắc-xin DTaP. Thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh ho gà, vì vậy tiêm phòng là một điều cần thiết để phòng ngừa bệnh.
Viêm màng não là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các mô xung quanh não và tủy sống. Ở thanh niên và người lớn, các triệu chứng chính bao gồm sốt, đau đầu và cứng gáy. Đối với trẻ nhỏ, các biểu hiện của bệnh sẽ tương tự như cúm hoặc gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu.
Viêm màng não do vi khuẩn gây ra thường nguy hiểm hơn so với viêm màng não do virus, nếu không được điều trị nhanh chóng, bệnh sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và dễ gây ra nhiều di chứng về thần kinh. Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản theo các chương trình của Bộ Y tế
Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) : nguyên nhân chủ yếu gây 2 bệnh nghiêm trọng là viêm phổi và viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Hib có thể xâm lấn vào các bộ phận của cơ thể thường không có vi trùng như dịch tủy sống, gây viêm màng não hoặc máu, gây nhiễm khuẩn huyết
Viêm não mô cầu là bệnh xảy ra do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus) xâm nhập cơ thể, gây viêm các màng bao bọc hệ thần kinh trung ương. Loại vi khuẩn này rất phổ biến, đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân thường gặp gây viêm màng não mủ ở trẻ em. Khi nhiễm bệnh, bệnh lây lan với tốc độ cực nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì có thể lây truyền qua đường hô hấp.
Để phòng các bệnh viêm não màng não các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin theo các chương trình của Bộ Y tế
Viêm họng do liên cầu khuẩn thường gây đau họng, đau đầu kéo dài hơn một tuần, nuốt đau, chảy nhiều nước dãi, phát ban, khó thở, sốt cao, mủ ở sau cổ họng. Trẻ em có thể được điều trị viêm cầu khuẩn bằng thuốc kháng sinh.
Sốt tinh hồng nhiệt là một dạng phát ban đỏ, đi kèm với viêm họng liên cầu khuẩn. Các nốt phát ban thường bắt đầu trên ngực và bụng, sau đó lan ra khắp cơ thể, cùng với các triệu chứng khác như lưỡi dâu tây và sốt cao.
Nếu không được điều trị sớm, sự nhiễm trùng có thể dẫn đến sốt thấp khớp, thậm chí gây tổn thương tim. Hiện nay, đã có loại thuốc kháng sinh giúp chữa khỏi căn bệnh này.
Hội chứng Reye thường tấn công chủ yếu đến những đứa trẻ sử dụng thuốc có chứa aspirin trong thời gian điều trị bệnh do vi rút. Các triệu chứng điển hình của hội chứng này, bao gồm thay đổi hành vi, co giật, và hôn mê. Hội chứng Reye đã trở nên hiếm gặp hơn kể từ khi CDC khuyến cáo không nên tiêm aspirin cho trẻ nhỏ.
MRSA là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da. Sự nhiễm trùng thường xuất hiện dưới dạng các vết loét hoặc nhọt, trông giống như vết nhện cắn. Nhiễm trùng tai, mũi và họng MRSA cũng đang gia tăng ở trẻ tiểu học.
Đây là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn, có thể gây ra các cụm mụn nước nhỏ trên da, và tạo thành một lớp vỏ vàng. Khi chạm vào những chất lỏng từ các nốt mụn này sẽ gây lây nhiễm sang các bộ phận khác của cơ thể, hoặc những người tiếp xúc.
Loại bệnh chốc lở này phổ biến nhất ở trẻ em từ 2-6 tuổi. Nếu được điều trị bằng kháng sinh, các vết loét sẽ lành lại nhanh chóng và không để lại sẹo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/benh-o-tre-em-a62831.html