Ung thư khoang miệng là bệnh lý ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như: lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng... Bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng, phá hủy nhiều cấu trúc lân cận.
Do đó tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm nhiều, điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao.
Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư khoang miệng
Loét miệng lâu ngày không lành
Vết loét miệng thường tự lành trong vòng hai tuần. Nếu bạn cảm thấy vết loét nóng rát, đau và các triệu chứng không cải thiện trong hơn hai tuần, nên cảnh giác với khả năng bị ung thư miệng.
Xuất hiện các cục u không rõ nguyên nhân
Ung thư miệng có thể xuất hiện như một cục u/hạt nhỏ trong miệng. Đây cũng là triệu chứng của nhiều bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, bạn cần cảnh giác khi tình trạng này đi kèm với nổi hạch ở cổ.
Theo các chuyên gia, ung thư miệng dễ dàng di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, khiến hạch to ra đột ngột.
Màu sắc bất thường của niêm mạc miệng
Niêm mạc miệng bình thường có màu hồng nhạt, nếu phát hiện thấy niêm mạc miệng chuyển sang màu trắng, nâu hoặc đen, niêm mạc thô ráp, có kết cấu dày, thậm chí có những đốm trắng thì cần chú ý.
Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng và cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khó há miệng
Tổn thương vùng miệng có thể xâm lấn đến các cơ và khớp hàm đóng mở miệng. Do ảnh hưởng khối u nên bệnh nhân sẽ khó há miệng.
Qua việc tự kiểm tra khoang miệng, nhìn chung khó có thể phát hiện kịp thời những tổn thương. Vì vậy, người lớn nên khám răng miệng tổng thể 1-2 lần/năm.
Qua thăm khám không chỉ giúp giải quyết các vấn đề như sâu răng, nha chu mà còn phát hiện sớm ung thư, có thể tăng hiệu quả điều trị lên đáng kể.
Những biện pháp giúp phòng ung thư miệng
Ung thư miệng là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa được hiệu quả nhất. Điều đầu tiên bạn có thể làm để ngăn ngừa ung thư miệng là không bao giờ bắt đầu hút thuốc, hoặc bỏ hút thuốc nếu bạn đang hút.
Bạn cũng có thể giảm rủi ro bằng cách:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thoa son dưỡng môi có SPF.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các loại trái cây và rau quả.
- Uống có chừng mực, nếu bạn uống rượu.
- Tháo răng giả của bạn vào ban đêm và làm sạch chúng hàng ngày.
- Thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe răng miệng.
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/noi-not-den-trong-khoang-mieng-a61971.html