Cao huyết áp uống gì và không nên uống gì? 14 loại nước cần nhớ

Cao huyết áp uống gì cho hạ là vấn đề rất nhiều người quan tâm tìm hiểu, đặc biệt là người bị tăng huyết áp. Trong quá trình kiểm soát bệnh, lựa chọn thức uống phù hợp đóng vai trò quan trọng không kém so với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Vậy đâu là loại nước nên uống và không nên uống đối với người bị tăng huyết áp? ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.

Cao huyết áp uống gì để hạ?

Uống nước đúng cách có giúp kiểm soát huyết áp cao không?

Uống nước đúng cách có thể giúp cơ thể duy trì lượng máu thích hợp, giảm áp lực lên thành mạch máu, từ đó góp phần kiểm soát huyết áp cao. Nước có tác dụng giúp thận lọc và đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể hiệu quả hơn, uống nước hợp lý sẽ giảm gánh nặng cho hệ tuần hoàn. Việc duy trì uống đủ nước mỗi ngày là cách tốt nhất để điều hòa thân nhiệt, giảm căng thẳng cho tim mạch.

Ngoài ra, thói quen uống nước trước bữa ăn có thể giúp kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, góp phần duy trì cân nặng hợp lý. Uống nước thay thế cho đồ uống có đường, đồ uống chứa caffeine có thể giúp giảm cân và hạn chế các yếu tố rủi ro gây tăng huyết áp. Mặc dù uống nước không phải là biện pháp điều trị huyết áp cao, nhưng đây là một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát bệnh toàn diện.

Người bị cao huyết áp uống gì cho hạ?

Điều trị tăng huyết áp cần có sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống khoa học. Trong đó, người bệnh cao huyết áp có thể sử dụng một số loại nước uống để hỗ trợ cải thiện tình trạng tăng huyết áp.

1. Nước lọc

Nước lọc là lựa chọn hàng đầu cho người bị tăng huyết áp. Uống đủ nước giúp duy trì thể tích máu ổn định, giảm áp lực lên thành mạch máu. Nước cũng hỗ trợ thận trong việc đào thải natri dư thừa, một yếu tố góp phần gây tăng huyết áp. Trung bình một người trưởng thành nên uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng và giữa bữa ăn.

2. Nước ép táo tốt cho người cao huyết áp

Nghiên cứu cho thấy, uống nước ép táo ở mức độ vừa phải có lợi cho sức khỏe tim mạch. Trong nước ép táo chứa hàm lượng cao các hợp chất có lợi, bao gồm chất chống oxy hóa, polyphenol, giúp giảm cholesterol và tình trạng viêm trong mạch máu. Vì cholesterol cao và tăng huyết áp có liên quan chặt chẽ với nhau, do đó, khi kiểm soát được một trong hai yếu tố này có thể làm giảm chỉ số của cả hai.

Tuy nhiên, đối với người có vấn đề về đường huyết, nên uống táo dưới dạng sinh tố nguyên chất, không thêm đường để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe. Uống một ly nước ép táo mỗi ngày là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh cho người bị cao huyết áp. (1)

3. Tăng huyết áp nên uống nước ép củ cải đỏ

Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng khuyến nghị nên uống nước ép củ cải đỏ đối với người bị tăng huyết áp. Trong loại nước ép này này chứa nhiều nitrat, có khả năng giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên. Ngoài ra, củ cải đỏ còn giàu kali, magie và vitamin C, đều là những chất có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Nước ép củ cải đỏ có thể giúp hạ huyết áp gần như ngay lập tức, chỉ sau 30 phút uống và tác dụng này có thể kéo dài gần 24 giờ. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung nước ép củ cải đỏ vào chế độ ăn uống hàng ngày.

4. Nước ép lựu

Lựu là một loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, chất chống oxy hóa và kali giống như sữa. Nước ép lựu không chỉ ngon mà còn có thể giúp hạ cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng này là nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong lựu, đặc biệt là polyphenol, giúp bảo vệ mạch máu và cải thiện lưu thông máu.

5. Nước ép cà chua

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy uống một cốc nước ép cà chua mỗi ngày có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu vào năm 2019 tại Nhật Bản đã đánh giá tác động của việc uống trung bình một cốc nước ép cà chua mỗi ngày đối với những người tham gia có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Các chuyên gia kết luận rằng nước ép cà chua có tác dụng cải thiện cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, cũng như cholesterol LDL (cholesterol “xấu”). (2)

6. Nước chanh hoặc cam

Nước chanh hoặc cam là những thức uống tốt cho người bị cao huyết áp. Cả hai loại quả này đều giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ mạch máu và cải thiện chức năng nội mô. Ngoài ra, chúng còn chứa flavonoid, có khả năng giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nên uống nước chanh hoặc cam tươi ép, không thêm đường sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

7. Nước ép bưởi

Người bị tăng huyết áp có thể lựa chọn nước ép bưởi để hỗ trợ giảm huyết áp một cách tự nhiên. Bưởi chứa nhiều chất chống oxy hóa và flavonoid, có khả năng giảm viêm và bảo vệ mạch máu. Một số nghiên cứu cho thấy uống nước ép bưởi có thể giúp giảm huyết áp tâm thu. Tuy nhiên, bưởi có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hạ huyết áp, vì vậy người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng.

8. Nước ép việt quất

Nước ép việt quất là một lựa chọn tốt cho người bị cao huyết áp. Việt quất giàu anthocyanin, đây là một loại flavonoid có tác dụng làm giãn mạch máu và cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, việt quất còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ mạch máu và giảm viêm. Khi uống nước ép việt quất, nên uống dạng nước ép nguyên chất, không thêm đường.

9. Uống sữa

Sữa chứa các chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần như kali, canxi và magie - những dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong mật độ khoáng chất của xương và duy trì huyết áp khỏe mạnh. Các nghiên cứu mới cho thấy uống sữa ít béo trong nhiều tuần có tác dụng hạ huyết áp ở người lớn tuổi trung niên, thừa cân.

Ngoài ra, sữa còn chứa protein whey, có khả năng giảm huyết áp thông qua việc ức chế enzyme chuyển đổi angiotensin. Tuy nhiên, nên chọn sữa không đường ít béo hoặc không béo để tránh tăng lượng chất béo bão hòa nạp vào cơ thể.

10. Các loại trà hạ huyết áp

Trà không chỉ là một thức uống phổ biến mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có khả năng hỗ trợ hạ huyết áp. Các thành phần hoạt tính trong trà như catechin, L-theanine, Flavonoid, kali, polyphenol… có thể làm giãn mạch máu, cải thiện chức năng động mạch, giảm viêm và hỗ trợ cải thiện tình trạng tăng huyết áp.

Vậy uống trà gì để hạ huyết áp? Một số loại trà người bệnh có thể sử dụng giúp cải thiện huyết áp cao như: trà xanh, trà đen, trà ô long, trà hoa dâm bụt, trà lá ô liu, trà hoa cúc, trà thảo quả…

Uống một số loại trà giúp hỗ trợ hạ huyết áp
Uống một số loại trà giúp hỗ trợ hạ huyết áp

Người bị huyết áp cao không nên uống gì?

Bên cạnh những loại nước uống có lợi cho người bệnh tăng huyết áp thì một số đồ uống khác có thể khiến huyết áp tăng cao hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị. Vì vậy, người bệnh nên chú ý tránh sử dụng những loại nước sau:

1. Rượu bia

Người bị huyết áp cao không nên uống rượu bia vì có thể làm tăng huyết áp và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Uống quá nhiều rượu bia cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hạ huyết áp. Vì vậy, với bệnh nhân đang điều trị cao huyết áp nên tránh hoàn toàn rượu bia hoặc hạn chế ở mức tối thiểu theo hướng dẫn của bác sĩ. (3)

2. Các loại nước tăng lực

Uống nước tăng lực ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bởi trong đồ uống này chứa hàm lượng caffeine và đường cao, có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp và là nguyên nhân mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường… Ngoài ra, nhiều loại nước tăng lực còn chứa các chất kích thích khác như taurine, có thể gây tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Thay vì uống nước tăng lực, người bị tăng huyết áp nên chọn các thức uống lành mạnh hơn như nước lọc hoặc trà thảo mộc.

3. Đồ uống có nhiều caffein

Caffeine có thể gây tăng huyết áp tạm thời, đặc biệt ở những người không quen sử dụng thường xuyên. Do đó, nếu bị tăng huyết áp, nên tránh các đồ uống có nhiều caffein như cà phê, một số loại trà và nước ngọt có ga chứa caffeine.

4. Nước ngọt

Nước ngọt thường chứa lượng đường cao, có thể dẫn đến tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, cả hai đều là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngoài ra, một số loại nước ngọt còn chứa caffeine và natri, có thể làm tăng huyết áp. Do đó, người bị tăng huyết áp nên hạn chế tối đa các loại nước ngọt, thay vào đó nên uống nước lọc, nước ép trái cây tự nhiên không đường hoặc trà thảo mộc.

Người bị cao huyết áp không nên uống các loại nước ngọt
Người bị cao huyết áp không nên uống các loại nước ngọt

Những thận trọng khi chọn thức uống cho người bị tăng huyết áp

Những loại nước uống được gợi ý trên đây chỉ có tác dụng hỗ trợ trong việc cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Trước khi sử dụng, người bệnh vẫn nên tìm hiểu kỹ và trao đổi với bác sĩ về những loại nước nên uống, không nên uống để đảm bảo an toàn. Một số lưu ý để cho bệnh nhân biết bị tăng huyết áp uống gì tốt cho cả sức khỏe và tình trạng huyết áp hiện tại.

1. Uống nước hợp lý mỗi ngày

Uống đủ nước mỗi ngày giúp thận hoạt động hiệu quả, loại bỏ natri dư thừa và các chất thải khác ra khỏi cơ thể. Lượng nước khuyến nghị cho người trưởng thành thường là khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày, nhưng có thể thay đổi tùy theo từng cá nhân. Tuy nhiên, đối với người tăng huyết áp, đặc biệt là bệnh nhân tăng huyết áp có biến chứng tim mạch thì không nên uống quá nhiều nước. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước uống mỗi ngày để đảm bảo an toàn.

2. Chọn các loại thức uống tươi mới và sử dụng trong ngày

Khi chọn thức uống cho người bị tăng huyết áp, nên ưu tiên các loại tươi mới và sử dụng trong ngày. Điều này đảm bảo giữ được tối đa các chất dinh dưỡng và hợp chất có lợi trong thức uống. Tránh các loại nước ép đóng chai sẵn vì chúng thường chứa đường và chất bảo quản. Nếu ép nước trái cây tại nhà, nên uống ngay sau khi ép để tránh mất vitamin và chất chống oxy hóa. Nếu được thì lựa chọn sinh tố trái cây thì sẽ tốt hơn nước ép và lưu ý là không thêm đường.

>> Xem thêm:

3. Tránh lạm dụng các loại thức uống để kiểm soát huyết áp cao

Mặc dù một số thức uống có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp, nhưng không nên lạm dụng chúng. Vì nếu dùng quá nhiều một loại thức uống có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng hoặc tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bạn nên dùng đa dạng hóa các loại thức uống lành mạnh trong chế độ ăn uống.

4. Tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tương tác với thuốc huyết áp

Trước khi thay đổi thói quen uống, người bị tăng huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số thức uống có thể tương tác với thuốc huyết áp, làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cụ thể về các loại thức uống phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe và phác đồ điều trị của bạn.

Nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng loại nước uống hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng loại nước uống hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Câu hỏi thường gặp

1. Có nên dùng nước ép bưởi khi đang sử dụng thuốc huyết áp không?

Nếu đang dùng một số loại thuốc huyết áp, bác sĩ có thể khuyên người bệnh cần tránh uống nước ép bưởi. Nguyên nhân là do nước ép bưởi khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều thuốc, có thể khiến huyết áp giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Khi đó, máu có thể không đến được các cơ quan quan trọng như não hoặc ti, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

2. Ăn uống gì để hạ huyết áp nhanh?

Để hạ huyết áp hiệu quả, người bệnh nên tập trung vào chế độ ăn giàu kali, magie và chất xơ như rau lá xanh đậm, chuối, khoai lang, đậu và các loại hạt; đồng thời, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Có được tự ý bỏ thuốc huyết áp khi đang điều trị không?

Người bệnh không được tự ý bỏ thuốc huyết áp khi đang điều trị. Việc ngưng dùng thuốc huyết áp một cách đột ngột thuốc có thể dẫn đến tăng huyết áp phản ứng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp cảm thấy thuốc không còn cần thiết hoặc gặp tác dụng phụ, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi phác đồ điều trị.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Như vậy, bạn đã biết được cao huyết áp uống gì để hạ tại nhà việc này hỗ trợ rất nhiều trong quá trình kiểm soát huyết áp đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng những thức uống được gợi ý trên đây chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn cho việc điều trị bằng thuốc hoặc các điều chỉnh trong lối sống.

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/lam-gi-de-ha-huyet-ap-a61059.html