Mứt dừa là một trong những loại mứt truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Cứ cách Tết Nguyên Đán 1-2 tháng, chị em lại lục tục rủ nhau làm mứt dừa để đành đãi khách hoặc làm quà biếu. Mứt dừa có mùi thơm của vani, vị ngọt thành và giòn sần sật. Nhâm nhi miếng mứt dừa với chén trà nóng ngày Tết càng khiến cho câu chuyện đầu xuân thêm phần thú vị.
Cách làm mứt dừa không khó nhưng trong quá trình làm, vẫn có nhiều người mắc lỗi sai khiến mứt dừa không thể kết tinh được hoặc bị chảy nước. Vì thế các bạn hãy tham khảo tuyệt chiêu dưới đây để biết mình mắc lỗi gì khi làm mứt dừa và cách khắc phục ra sao nhé!
1. Mứt không kết tinh được
Khi làm mứt dừa, có rất nhiều người thường gặp phải cảnh sên mãi nhưng mứt không thể kết tinh. Nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp này là do thiếu đường. Người làm mứt dừa cần lưu ý, tỉ lệ đường và cùi dừa nên là 500-600g đường : 1kg cùi dừa. Nếu đường ít hơn tỉ lệ này, mứt dừa rất khó kết tinh.
Cách khắc phục: Nếu đang sên mứt dừa mà không thể kết tinh được do thiếu đường, các bạn hãy đổ thêm đường vào sên tiếp cho đến khi mứt dừa kết tinh nhé.
2. Đường bị cháy, keo lại
Thêm một trường hợp thường xảy ra khi làm mứt dừa đó là đường bị cháy làm các miếng mứt dừa keo dính lại. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do khi sên mứt lửa để quá to làm cho đường bị cháy. Do đó, khi sên, bạn hãy để lửa thật nhỏ, kiên trì làm từ từ, nóng vội sẽ làm hỏng cả mẻ mứt rất lãng phí.
Cách khắc phục mứt dừa bị cháy đường: Nếu đường cứ keo lại, sên mãi không kết tinh thì mang đi rửa hết phần đường cũ rồi cho đường lại đúng tỉ lệ như trên và sên thật nhỏ lửa là được.
3. Mứt dừa bị khô, cứng
Khi làm mứt dừa, nhiều người phàn nàn vì sao thành phẩm của mình bị khô và cứng ăn không ngon. Nguyên nhân bởi vì khi sên mứt, đường đã kết tinh rồi nhưng bạn vẫn tiếp tục đảo sẽ khiến cho mứt dừa bị khô, cứng, ăn không ngon. Đảo quá lâu sau khi đường đã kết tinh còn dẫn đến phần kết tinh chuyển sang màu vàng không còn trắng tinh nữa.
Cách khắc phục: Tốt nhất là bạn chỉ nên sên mứt cho đến khi đảo thấy nặng tay, đường hơi kết tinh thì nhấc chảo ra khỏi bếp đảo liên tục ở bên ngoài đến khi kết tinh hẳn chứ không đảo mứt cho đến khi kết tinh hoàn toàn trên bếp còn lửa.
4. Mứt bị chảy nước sau khi sên
Nhiều người sên mứt dừa xong cứ nghĩ rằng đã thành công mà có trường hợp để sau vài tiếng hoặc sau 1 ngày, mứt dừa bắt đầu chảy nước, không để được lâu. Đây cũng là 1 trong những lỗi hay gặp nhất khi làm mứt dừa.
Cách khắc phục: Để tránh tình trạng mứt dừa lại bị ướt, bạn nên mang mứt dừa sau khi bỏ từ chảo ra hong trước quạt. Có thể đem phơi nắng hoặc cho vào lò sấy, sấy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút cho mứt dừa khô hẳn sau đó lặp lại khâu đi bao tay sốc mứt trước quạt đến khi khô hẳn và quạt thêm khoảng 2-3h.
Hoặc bạn có thể bỏ phần mứt dừa bị ướt đó lên chảo sên lại, mứt dừa sẽ khô ráo hơn, để nguội sau đó cho vào túi buộc chặt.
Nếu bạn làm mứt dừa non hãy lưu ý, vì lượng nước trong cùi dừa non nhiều hơn cùi dừa già nên khi ngâm đường hãy ngâm lâu hơn một chút để dừa non tiết ra nhiều nước hơn, nhờ vậy khi sên mứt sẽ khô ráo hơn.
Chúc các bạn thành công!
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/sen-mut-dua-khong-kho-phai-lam-sao-a58677.html