Hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ (*)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba

"Thưa Ngài Sonexay Siphandone, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,

Thưa các Quý vị, Tôi xin chân thành cảm ơn Thủ tướng Sonexay Siphandone đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba, và đánh giá cao sáng kiến này của Ngài Thủ tướng, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024. Đây là dịp để chúng ta cùng đẩy mạnh quyết tâm, xác định tầm nhìn và thống nhất hành động, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho phụ nữ đóng góp cho việc tăng cường nền kinh tế chăm sóc, thúc đẩy tự cường của mỗi quốc gia và của Cộng đồng ASEAN. Thưa Ngài Thủ tướng, Thưa các Quý vị, Sự phát triển của mỗi gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc và thế giới đều có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ. Là những người mẹ, người vợ, người lao động, doanh nhân và nhà lãnh đạo, phụ nữ đóng vai trò trung tâm, chủ thể trong xây dựng và phát triển nền kinh tế chăm sóc. Phụ nữ vừa là hậu phương, vừa là những người tiên phong nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình, thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội, từ đó góp phần xây dựng tự cường cho mỗi quốc gia và khu vực ASEAN của chúng ta. Tôi cũng xin chia sẻ với quý vị đại biểu về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Việt Nam. Có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2025; có 02/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022. Năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả lương của phụ nữ bằng 1,8 lần so với nam giới, tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 1,7 lần. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Thưa quý vị đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam khẳng định:"nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả". Để phát huy tiềm năng, giải phóng sức lao động của phụ nữ, tăng cường nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, tôi đề nghị chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, và toàn cầu, tranh thủ sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội, toàn cộng đồng và toàn khu vực. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị các nước ASEAN tập trung vào 3 "tăng cường" sau đây: Thứ nhất, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn. Cần phải tăng cường nhận thức, tư duy về vị trí, vai trò của phụ nữ - chủ thể tham gia và cũng là đối tượng thụ hưởng quan trọng của kinh tế chăm sóc và tự cường ASEAN. Cần có tư duy thúc đẩy các chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực - nơi mà phụ nữ không chỉ được trao quyền mà còn được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức và thể chế để đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế chăm sóc và tự cường ASEAN. Thứ hai, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo. Cần tăng cường đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung cả phần cứng và phần mềm của nền kinh tế chăm sóc, xây dựng các hệ thống dịch vụ chăm sóc chất lượng, dễ tiếp cận và giá cả phù hợp; tăng cường sáng tạo trong cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo... Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và chính sách, lồng ghép các khía cạnh phù hợp của công việc chăm sóc vào các chương trình khu vực, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương trên cơ sở tiếp cận thúc đẩy bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số, chống biến đổi khí hậu, phù hợp với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp. Theo đó cần tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người lao động, tận dụng những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo để phát triển, mở rộng nền kinh tế chăm sóc không chỉ trong phạm vi ASEAN mà còn cả các đối tác phát triển của ASEAN. Tăng cường huy động nguồn lực của toàn xã hội vào nền kinh tế chăm sóc, trong đó coi đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển nền kinh tế chăm sóc. Đồng thời, tăng cường hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động tham gia trong nền kinh tế chăm sóc, ngăn chặn lạm dụng, bóc lột, phân biệt đối xử và các hoạt động bất hợp pháp khác, tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người xuyên biên giới, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em. Thưa Thủ tướng Sonexay Siphandone, Thưa quý vị đại biểu, Chúng ta đang ở trong thời khắc quan trọng của Cộng đồng ASEAN khi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đang được cụ thể hóa bằng các kế hoạch chiến lược cụ thể. Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, những giá trị cốt lõi của sự chăm sóc và khả năng tự cường không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững mà còn là cơ sở để xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thống nhất trong đa dạng. Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng, gắn kết, dung nạp và bao dung; nơi mà mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ đều có cơ hội phát triển và cống hiến hết mình, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đóng góp cho cộng đồng, xã hội và cho chính bản thân mình. Chúc Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn!"

(*) Đầu đề của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/su-hop-tac-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-cac-nuoc-asean-khong-bieu-hien-qua-a58531.html