Đào tạo thạc sĩ: Khó đầu vào, không dễ đầu ra

anhbaitren.jpeg
Niềm vui của các tân thạc sĩ trong ngày tốt nghiệp ở Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mỹ Hân.

Rộng cửa vẫn “thưa” người

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong vòng 3 năm học (từ năm 2020 - 2021 đến năm 2022 - 2023), quy mô đào tạo bậc thạc sĩ có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2022 - 2023, quy mô đào tạo thạc sĩ giảm gần 9.000 học viên cao học so với năm 2020 - 2021, giảm 21,8%. Tỉ lệ tuyển sinh đạt cũng giảm từ 72,45% xuống còn 55,86%.

Về quy mô đào tạo các khối ngành cũng có xu hướng giảm. Trong đó, xét riêng từng khối ngành, hiện quy mô đào tạo khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) ở cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ đều lớn nhất. Tiếp theo đó là số lượng người học ở khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y) với ở 14.485 sinh viên. Rồi đến khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, Khách sạn - Du lịch - Thể thao và Dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) với 20.411 sinh viên. 2 khối ngành II (Nghệ thuật) và khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) có quy mô đào tạo sau ĐH thấp nhất, tương tự như tuyển sinh ĐH.

Riêng ở khối ngành giáo viên, quy mô đào tạo thạc sĩ là 9.638 sinh viên còn khối ngành sức khỏe là 6.408 sinh viên, năm 2023.

Ghi nhận thực tế ở các trường cho thấy, việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ những năm gần đây gặp khó vì nhiều lý do. Đơn cử, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) thông tin, tất cả các ngành của trường đều đào tạo thạc sĩ nhưng chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Mỗi năm chỉ được khoảng 1.100 - 1.300 chỉ tiêu trong số khoảng 1.500 chỉ tiêu/năm được cấp.

Tương tự, Trường ĐH Duy Tân thông tin, tuyển sinh trình độ thạc sĩ của trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu mỗi năm.

Tại Trường ĐH Mở TPHCM, tuỳ từng ngành đào tạo mà quy mô tuyển sinh thạc sĩ đạt hay không đạt. Trong đó những ngành Ngoại ngữ, Kinh tế luôn được người học quan tâm hơn những ngành thuộc khoa học xã hội, kỹ thuật, sinh học.

Gỡ khó từ phía nhà trường

Theo Thông tư 23 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức, các trường không giới hạn số lần tuyển sinh trình độ thạc sĩ trong năm. Đồng thời, quy chế cũng cho phép các trường “mở” tối đa trong cách thức tuyển sinh khi được áp dụng thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp 2 hình thức trên. Thậm chí, các trường còn có thể tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, về điều kiện đầu vào, theo nhiều thí sinh và các trường là khắt khe hơn. Cụ thể, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam mới đủ điều kiện học thạc sĩ và đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 mới được tốt nghiệp. Trong khi đó, chuẩn đầu ra ở bậc ĐH của nhiều trường ở môn ngoại ngữ chỉ ở mức 400 - 450 TOEIC tương đương khoảng trình độ B1, nên để đạt B2 không phải ai cũng thực hiện được trong thời gian ngắn. Đồng thời, thời gian đào tạo thạc sĩ cũng ngắn khoảng 2 năm, trong khi đa số người học bậc này đều là vừa học vừa làm nên để cải thiện năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 lên bậc 4 cũng khá không dễ dàng.

Nhiều trường cũng thừa nhận ngoại ngữ đang là trở ngại với nhiều thí sinh khi có điểm thi các môn cơ bản và cơ sở khá cao, nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển vì môn ngoại ngữ không đạt yêu cầu.

Một lý do khá khiến việc tuyển sinh trình độ thạc sĩ gặp khó là do tâm lý người học sau khi tốt nghiệp ĐH thường đặt mục tiêu ổn định nghề nghiệp, sau đó mới quay trở lại dự thi trình độ thạc sĩ.

Nhìn từ góc độ đào tạo, các trường cũng cho rằng do nhu cầu xã hội hiện nay đối với các ngành đào tạo truyền thống giảm mạnh nên, sinh viên ra làm trái ngành nên nguồn tuyển hạn chế. Bên cạnh đó, việc có nhiều trường ĐH có cùng ngành đào tạo thạc sĩ tạo ra sự cạnh tranh trong tuyển sinh.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tiếp theo, nhiều trường ĐH đã đề ra các chính sách để thu hút người học như cấp học bổng sau ĐH, truyền thông rộng rãi tới người học và xã hội, đặc biệt là sinh viên năm cuối. Nhiều trường cho biết đã cải thiện tỉ lệ tuyển sinh thạc sĩ khi thông báo với sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp về việc đủ điều kiện học tiếp lên bậc thạc sĩ…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng về lâu dài cần mở rộng các hình thức đào tạo sau ĐH, phương thức xét tuyển linh hoạt để thu hút người học nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, các trường cần xây dựng, đổi mới các chương trình đào đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, giúp người học có nhiều thời gian tự nghiên cứu, thực hành, trải nghiệm thực tế thay vì phải học quá nhiều các học phần trên lớp.

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/thi-dau-vao-thac-si-co-kho-khong-a49510.html