QĐND Online - Sau hơn 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, với vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt; khẳng định là công cụ trọng yếu không thể thiếu của Đảng, Nhà nước trong kiểm soát quản lý tài sản, tài chính công.
Trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, phải cho tới khi thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì công tác kiểm toán mới trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quản lý đầu tư phát triển, thu chi ngân sách nhà nước, sản xuất kinh doanh.
Trên Cổng thông tin điện tử KTNN còn ghi lại câu chuyện trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho sự ra đời của KTNN: “Tôi đi họp nhiều nước nghe họ nói về công tác kiểm toán, tôi mê quá, nhất là nước ta trong giai đoạn đổi mới, nhưng thực sự chưa hiểu rõ tổ chức ra sao, làm như thế nào? Các cậu cố gắng chọn những cán bộ giỏi cử đi nước ngoài nghiên cứu, học tập rút ra những cái tốt nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh nước ta để về huấn luyện dần dần, đào tạo đội ngũ kiểm toán. Chúng ta xác định vừa xếp hàng vừa chạy. Các cậu phải tổ chức nhanh chóng lên, gấp rút lắm rồi...”.
Nhìn lại điều kiện lúc đó thì đúng là “vừa xếp hàng vừa chạy”, bởi KTNN Việt Nam là đơn vị được thành lập hoàn toàn mới, không có tổ chức tiền thân, bộ máy tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất… đều gặp rất nhiều khó khăn. Theo lời kể của TS Vương Hữu Nhơn - lãnh đạo đầu tiên của ngành KTNN thì: Ngành KTNN được thành lập trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt với nhiều con số “Không”: Không có tiền lệ trong cơ cấu tổ chức Nhà nước ở Việt Nam; không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; không có nguồn nhân lực chuyên ngành... Những gì có được trong bước khởi đầu đó là lòng quyết tâm và sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ.
Còn theo ông Đỗ Bình Dương, nguyên Tổng KTNN: Trụ sở lúc ấy của KTNN đặt ở số 33 Hùng Vương - trước đây là Văn phòng Đại diện thương mại Liên Xô tại Việt Nam, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng làm việc, bàn ghế rất ít; phương tiện công tác rất hạn chế… Tuy vậy, anh em rất đoàn kết, nhiệt tình làm việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi tổng kết, phổ biến toàn cơ quan những cách làm hay, những kiến thức mới, vì vậy, trình độ anh em kiểm toán viên trưởng thành theo năm tháng.
Từ lớp cán bộ đầu tiên được gấp rút tuyển mộ về từ đội ngũ kế toán của các bộ, ngành và doanh nghiệp, KTNN vừa hình thành bộ máy vừa đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn mực, quy trình kiểm toán và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ … Sau hơn ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, bằng sự hỗ trợ từ nhiều phía và sự nỗ lực không ngừng, KTNN đã đã đi từ không đến có, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quan trọng góp phần vào việc làm lành mạnh, bền vững nền tài chính quốc gia.
Cán bộ, nhân viên KTNN Việt Nam trao đổi chuyên môn.Dấu mốc đầu tiên phải kể đến là ngày 11-7-1994, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 70/CP về việc thành lập Kiểm toàn Nhà nước (KTNN), đây là căn cứ pháp lý đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của KTNN. Sau đó, Nghị định số 93/2003/NÐ-CP ngày 13-8-2003 được ban hành, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN. Từ đây, các đơn vị thuộc và trực thuộc KTNN đã từng bước kiện toàn theo hướng phân cấp, tập trung, thống nhất và chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
Ngoài ra, để tiếp tục đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, Quốc hội đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của KTNN trong một số Luật, như: Luật Ngân sách Nhà nước (năm 1996), Luật Doanh nghiệp Nhà nước (năm 1995), Luật Ngân hàng Nhà nước (năm 1997), Luật Ban hành văn bản (1996)...
Sự kiện đánh dấu một dấu son quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển, mở ra giai đoạn phát triển mới của KTNN đó là việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật KTNN năm 2005 (sửa đổi năm 2015). Đặc biệt, Điều 118, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Từ đây, địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định, với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Khi hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, KTNN càng khẳng định vai trò, vị trí của một cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có uy tín, có trách nhiệm với đất nước và nhân dân. Năng lực, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán cũng không ngừng được nâng cao toàn diện.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 1994 đến 2019, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Riêng năm 2020, kết quả xử lý tài chính KTNN đã thực hiện là 59.628 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác là 40.827 tỷ đồng. Nếu tính cả nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị.
Các thông tin, kiến nghị do KTNN cung cấp ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát, xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội cũng như công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ; thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện; góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Cán bộ, nhân viên KTNN Việt Nam thực thi nhiệm vụ chuyên môn.Nguyên Tổng KTNN Hồ Đức Phớc từng nhấn mạnh: Trách nhiệm KTNN không chỉ là qua kiểm toán xử lý tài chính được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là kiến nghị thay đổi chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra để sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn. Vì vậy, KTNN không chỉ phát hiện sai phạm, chỉ rõ đúng sai mà đã kiến nghị sửa đổi, thay thế hơn 1.200 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, đã có 136/786 văn bản được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN. Nhiều kiến nghị của KTNN như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hình thức đối tác công tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất; cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần..., đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước. Một số kiến nghị táo bạo của KTNN được dư luận đánh giá cao như: giảm 300 năm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 86 dự án BOT được kiểm toán từ năm 2016 đến năm 2020, kiến nghị xử lý tài chính 4.191 tỷ đồng; xử lý tài chính 12.511 tỷ đồng đối với 65 dự án BT được kiểm toán trong cùng kỳ thời gian.
Hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Đồng thời, góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực làm thất thoát, lãng phí và phòng, chống tham nhũng thông qua việc cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ kiểm toán cho
Phim tài liệu: Kiểm toán Nhà nước vì sự phát triển bền vững. Nguồn: baokiemtoannhanuoc.vncác cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển hàng chục bộ hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Báo cáo trước Quốc hội về hoạt động của KTNN giai đoạn 2016 -2021, nguyên Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành đã triển khai 186/188 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 183/186 đoàn kiểm toán đã triển khai (3 đoàn kiểm toán bổ sung chưa kết thúc).
Đánh giá cao những đóng góp của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, KTNN đã tiên phong trong việc lựa chọn kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như: tài chính, ngân sách, ngân hàng, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, các công trình dự án lớn BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), hay các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm nhưng KTNN đã không ngại va chạm, tiến hành kiểm toán một cách độc lập, khách quan, đúng pháp luật và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Một trong những định hướng quan trọng được tập thể Ban cán sự, lãnh đạo KTNN trong các thời kỳ đề ra là đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng cơ hội phát triển. Chính vì thế, chỉ hai năm sau khi thành lập, tháng 7-1996 KTNN chính thức trở thành thành viên Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đến tháng 6-1997, KTNN Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). Kể từ đó đến nay, hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu, đồng thời đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về song phương và đa phương.
Về quan hệ song phương, đến nay, KTNN Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với hơn 50 Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, ký kết 29 thỏa thuận quốc tế với các SAI và các tổ chức quốc tế. KTNN đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán danh tiếng như: Hiệp hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA), Hiệp hội Kế toán công chứng Úc (CPA)... Thông qua hoạt động hợp tác song phương với các SAI có truyền thống, có kinh nghiệm và uy tín trên thế giới đã giúp KTNN tranh thủ được những thành tựu kiểm toán đã có hàng trăm năm để phát huy lợi thế của nước đi sau.
Về hợp tác đa phương, KTNN Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào hoạt động của các tổ chức kiểm toán trên thế giới và khu vực. Thành quả nổi bật nhất trong hợp tác đa phương là tháng 9-2018, KTNN Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, dẫn dắt Đại hội thông qua Tuyên bố Hà Nội với thông điệp có ý nghĩa quan trọng, đó là kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Cũng tại Đại hội này, KTNN Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây được coi là dấu ấn đối ngoại mang tính bước ngoặt của KTNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của KTNN không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới trong quá trình hội nhập quốc tế của KTNN.
KTNN Việt Nam cũng là thành viên đương nhiên của Ban điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp (9 năm) từ năm 2015 đến năm 2024; một trong bốn SAI sáng lập của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI); là thành viên tích cực, đóng góp quan trọng cho Diễn đàn hợp tác 3 bên giữa 3 SAI Campuchia - Lào - Việt Nam.
Một số hoạt động quốc tế nổi bật của KTNN Việt Nam.Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, KTNN Việt Nam đã thiết lập và mở rộng mối quan hệ với các nhà tài trợ có uy tín trách nhiệm như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Quỹ kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada.
Riêng đối với Ngân hàng Thế giới (WB), KTNN Việt Nam là cơ quan kiểm toán tối cao đầu tiên trong khu vực châu Á trở thành đối tác chiến lược của tổ chức này trong việc thực hiện kiểm toán theo phương thức “Chương trình dựa trên kết quả”. Nhiều dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia đã được hai bên phối hợp thành công, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước Việt Nam. Ông Ousmane Dion, nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, WB vinh dự khi có một đối tác thành công như KTNN trong suốt thời gian qua. Các báo cáo kiểm toán được công bố bởi KTNN luôn đạt chất lượng tốt và đưa ra các kiến nghị đảm bảo việc sử dụng hợp lý nguồn lực dự án.
Kiểm toán là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn sâu và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử. Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ và chức năng của KTNN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, trong đó vấn đề giữ gìn đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên luôn là thách thức lớn. Những nguy cơ đó có thể là lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác từ đơn vị được kiểm toán; bị đe dọa, bị mua chuộc hoặc bị chi phối bởi các mối quan hệ. Nguy cơ tiêu cực cũng có thể đến từ chính phẩm chất đạo đức không trong sáng của kiểm toán viên, dẫn đến các hành vi tiêu cực vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; che đậy, báo cáo sai lệch, không đầy đủ các sai phạm của đơn vị được kiểm toán; thiên vị, bênh vực, dễ dàng chấp nhận, dễ dàng thông cảm với đơn vị được kiểm toán…
Trước những nguy cơ đó, KTNN xác định mục tiêu chiến lược xuyên suốt quá trình hoạt động là không ngừng xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên “Công minh-chính trực-nghệ tinh-tâm sáng.” Phát biểu tại Lễ nhậm chức, tân Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh: “Chúng ta không cho phép ai trong nội bộ được làm tổn hại đến thanh danh của nghề kiểm toán. Đây là trách nhiệm của từng Kiểm toán viên, từng cán bộ, công chức của Ngành kiểm toán”.
Tích cực trong công tác quản lý kiểm soát tài chính tại các cơ quan, đơn vị.
KTNN đã ban hành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Trong hệ thống chuẩn mực KTNN có riêng một chuẩn mực quy định về hướng dẫn đạo đức và quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 23-9-2020 cũng nhấn mạnh yếu tố “liêm chính” trong hệ giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng” của ngành KTNN. Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức một cách có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch trong thực thi công vụ; Tập trung đổi mới mạnh mẽ các lĩnh vực công tác; Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và của từng cấp lãnh đạo, quản lý; Tăng cường hội nhập quốc tế, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quốc tế đối với những lĩnh vực kiểm toán mới, vấn đề ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán...
Nhìn lại những nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành KTNN thời gian qua, cùng những định hướng, mục tiêu chiến lược phát triển thời gian tới của một trong những cơ quan có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch của nền tài chính quốc gia, vì khát vọng hùng cường của dân tộc.
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/web-kiem-toan-nha-nuoc-a48837.html