Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V do Sở Công Thương, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng.
Ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) và ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA, Phó Chủ tịch AFFA, đồng thời, là Trưởng Nhóm công tác về Phát triển bền vững và Chuyển đổi số của AFFA đã tham dự Diễn đàn.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, trong phát biểu khai mạc khẳng định: Diễn đàn là sự kiện kinh tế quan trọng đã được tổ chức qua bốn lần tại các Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Vùng Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long,…
Diễn đàn đã khẳng định được uy tín, tạo sức hút lớn với các Lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các phóng viên báo chí truyền hình Trung ương và địa phương…
Chủ tịch Phạm Tấn Công tin tưởng, thông qua chương trình chúng ta sẽ tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp logicstics sớm thành công và hiện thực hóa Nghị quyết số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 với định hướng đến năm 2030 xác định logicsitcs là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong chuyển đổi số.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương- ông Nguyễn Đức Hiển cho biết trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.Logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành logistics cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, tại Quyết định 749/QĐ- TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã xác định logictics là một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022 (năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 30).Theo Phó Ban Kinh tế Trung ương, so với các vùng kinh tế trên cả nước, vùng ĐBSH là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của Việt Nam và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.Vùng ĐBSH có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải (cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt) với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của Vùng có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.
Tại Diễn đàn, bên cạnh lợi thế, những thách thức, hạn chế của ngành logistics của Việt Nam cũng được chỉ ra như: Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.Tại Vùng ĐBSH, phát triển ngành logistics cũng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Quỹ đất để xây dựng kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần xem xét một số động lực đột phá mới bên cạnh chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn.Về khu thương mại tự do (TMTD), theo ông Hải, đây không phải là khái niệm mới trên thế giới. Thực tế, Việt Nam cũng đã có một số loại hình khu kinh tế tương tự như khu TMTD như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng. Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu TMTD. Bên cạnh hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để khu thương mại tự do có thể được đưa hoạt động, cần có quy hoạch và tìm được nhà đầu tư có năng lực.
Ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch cấp cao FIATA cho biết, bối cảnh thế giới đang ngày một trở nên khó đoán định, phức tạp với nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng như đại dịch COVID-19; các sự kiện bất khả kháng như yếu tố thiên tai; Chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Biển Đỏ; căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc...Cộng đồng vận tải toàn cầu cũng đang chịu sự gián đoạn do xung đột tại vùng biển Đỏ.
Ông Thomas Sim cho biết hiện các nhà sản xuất, bán lẻ chịu tác động ngắn và dài hạn cũng đang chịu các chi phí cao khi các hãng vận tải đường biển sẽ triển khai thêm nhiều đợt tăng cước vào tuần tới, với cước FAK từ châu Á đến Bắc Âu tăng lên tới $20.000/40ft.
"Chuyển đổi số sẽ góp phần củng cố năng lực cho các doanh nghiệp logistics, từ đó có thể đối phó với những yếu tố khó lường trong tương lai. Cụ thể, ông chỉ ra, số hóa là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp các cơ hội để tạo ra doanh thu và giá trị mới", ông Thomas Sim chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch VLA thông tin, hiện mới chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nhưng đây là các cấp độ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 (có khả năng thích ứng).
Nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: "Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024" cũng đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi chuyển đổi số ngành logistics tạo động lực tăng trưởng mới; Đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng; Sự tham gia trao đổi và phản hồi của đại diện các ban, bộ, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin và quyết định các định hướng phát triển phù hợp… nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ, cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
* Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng. Thành phố xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
* Hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa.
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/van-de-xa-hoi-dang-duoc-quan-tam-hang-dau-o-dong-bang-song-hong-trong-giai-doan-hien-nay-la-a45564.html