Cú đúp danh hiệu cao quý này là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của anh trong nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm radar công nghệ cao, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa và sự lớn mạnh của Quân đội.
11 năm gắn bó với ngành radar
Trong 11 năm gắn bó, miệt mài với công việc nghiên cứu phát triển các hệ thống radar, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành đã đạt được nhiều giải thưởng, thành tích như: Là chủ nhiệm đề tài radar cảnh giới tầm trung VRS-MCX, hoàn thành nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại cho các đài radar 3D (3 tọa độ); Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ với công trình “Thiết kế, chế tạo radar cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam” (trao tháng 5-2022); Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022; là tác giả của 7 công nghệ lõi, 3 bài báo khoa học quốc tế, 6 sáng chế trong nước, 10 ý tưởng cấp tổng công ty...
Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành thực hiện đo thông số sản phẩm radar. Ảnh do nhân vật cung cấp
Gặp chúng tôi sau khi kết thúc ca làm việc sáng tại Viettel High Tech, Nguyễn Như Thành gây ấn tượng bởi phong cách giản dị, trẻ trung. Anh chia sẻ: “Khi biết mình nằm trong danh sách những gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, toàn quốc năm 2022, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Nhưng có lẽ hơn cả là sự xúc động, bởi vì đối với tôi và đồng đội, hệ thống radar không đơn thuần chỉ là một cỗ máy vô tri vô giác mà đó là kết tinh của trí tuệ, tinh thần và tâm huyết của toàn bộ anh em kỹ sư khi ngày đêm cùng nhau sát cánh, cùng hướng tới một khát vọng chung là tạo ra những sản phẩm công nghệ hiện đại, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, giúp Quân đội ta ngày càng làm chủ nhiều công nghệ hiện đại, góp phần bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2012, chàng trai trẻ Nguyễn Như Thành đã vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe và trở thành kỹ sư của Trung tâm Radar, Viettel High Tech. Từ đó đến nay, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành đã trải qua nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo radar.
Thời gian đầu, anh đảm nhiệm vai trò kỹ sư trực tiếp nghiên cứu các đài radar CSX, sau đó trở thành kỹ sư hệ thống nghiên cứu sản phẩm radar 3D. Hiện nay, chàng trai quê Thái Bình Nguyễn Như Thành giữ vai trò chủ nhiệm đề tài, chịu trách nhiệm phát triển Hệ thống radar VRS-MCX, là đài radar cơ động tầm trung, đa nhiệm, có khả năng cảnh giới và chỉ thị mục tiêu. Đây là nhiệm vụ khó khăn hơn so với những nhiệm vụ trước. Ngoài việc quản trị về mặt kỹ thuật, phải có những kinh nghiệm trong việc nghiên cứu cũng như xây dựng kế hoạch, xây dựng đội ngũ cộng sự, cho ra đời các sản phẩm bảo đảm về chất lượng.
Quyết tâm vượt khó khăn
Những năm gần đây, Quân đội nhân dân Việt Nam được đầu tư, trang bị nhiều sản phẩm, thiết bị hiện đại. Đối với lĩnh vực radar, Viettel được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ sản xuất và cung cấp radar cho Quân đội, điều này vừa bảo đảm tính tự chủ về mặt công nghệ, vừa giữ được bí mật quân sự. Bên cạnh đó, với các sản phẩm radar sản xuất trong nước, thời gian sửa chữa, cập nhật lỗi sẽ được rút ngắn và thuận tiện hơn do nguồn cung ứng được bảo đảm.
Nhận nhiệm vụ từ cấp trên, Nguyễn Như Thành cùng đồng nghiệp đã bắt tay ngay vào nghiên cứu các sản phẩm radar. Anh cho biết, trong lĩnh vực quốc phòng, muốn bảo vệ chủ quyền trên bộ, trên không, trên biển thì phải quan sát được thì mới có những hành động phòng vệ được. Các hệ thống radar giống như những mắt thần ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Muốn có một sản phẩm radar tốt thì cần phải nhìn được rõ và xa, đó cũng chính là mục tiêu của Nguyễn Như Thành và các đồng nghiệp. Theo Nguyễn Như Thành, một sản phẩm từ lúc bắt đầu làm đến lúc hoàn thành thường mất từ 24 đến 30 tháng, nhưng với sản phẩm radar MCX, tổng thời gian từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu dự kiến chỉ mất 18 tháng, tiết kiệm thời gian từ 6 đến 12 tháng so với các sản phẩm khác.
Trong quãng thời gian làm việc tại Viettel High Tech, anh Thành cùng đồng đội đã tham gia nghiên cứu nhiều loại radar, trong đó có khoảng 200 sản phẩm đang phân bố khắp cả nước. Tuy nhiên, thành công là điều không phải dễ dàng có được, Nguyễn Như Thành cùng đồng nghiệp đã phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn trong suốt quá trình làm việc từ những ngày đầu tiên. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Nguyễn Như Thành cùng đồng đội đã vững vàng ý chí, vượt qua khó khăn với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, khẳng định tầm vóc và trí tuệ của đội ngũ kỹ sư Viettel High Tech.
Nhớ lại năm 2014, loạt đài radar sóng decimet được thử nghiệm tại nhiều vị trí khác nhau xảy ra hiện tượng nhiễu, thời tiết lúc đó thay đổi do sắp bão, các đài radar bị nhiễu ảnh hưởng lớn đến chiến đấu. Anh Thành và nhóm nghiên cứu được giao nhiệm vụ tìm và khắc phục ngay sự cố trên, với sự nỗ lực không quản ngày đêm, quá trình tìm ra giải pháp và mô phỏng thực tiễn chỉ mất 2 ngày, sau đó áp dụng cho tất cả sản phẩm thì đem lại kết quả tức thì, lên đến 98%.
Chia sẻ về khoảng thời gian chế tạo hệ thống hiệu chuẩn, đồng bộ các module cho đài radar 3D, Nguyễn Như Thành chia sẻ: “Đài radar 3D khác với các sản phẩm radar 2D là bao gồm nhiều hệ thống thu-phát đồng thời, do đó việc kiểm soát đồng bộ các module là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo báo giá của các đối tác nước ngoài thì hệ thống đo kiểm này có giá thành rất cao (hàng chục tỷ đồng). Với sự quyết tâm và tìm tòi nghiên cứu, tôi đã nhận nhiệm vụ và tự xây dựng phương pháp với hệ thống đo sử dụng các máy móc, thiết bị có sẵn trong phòng thí nghiệm.
Năm 2018, thời điểm hoàn thành công nghệ này, tôi và một số kỹ sư trẻ mới ra trường trong nhóm đều cảm thấy vô cùng xúc động. Hiện tại, hệ thống này đã được nhân bản thực hiện trong quá trình nghiên cứu, sản xuất các dòng radar thế hệ thứ ba, thứ tư của Viettel. Giải pháp đã được công nhận sáng kiến và ghi nhận giá trị làm lợi 700 triệu đồng/năm cho Viettel”.
Theo Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành, một trong những thời điểm khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là lúc bắt đầu tích hợp sản phẩm radar 3D (năm 2019). Đây là lần đầu tiên anh Thành và đồng nghiệp làm một sản phẩm radar 3D hoàn chỉnh nên chưa có kinh nghiệm trong quá trình kiểm soát và tích hợp các thành phần cũng như các công cụ đo đạc.
Ban đầu, thông số đo cao, có sai số rất lớn, mặc dù các thành phần đều bảo đảm yêu cầu xuất xưởng, việc đo đạc đánh giá trong cả tháng rất nhiều lần đều không có kết quả khả quan. Đây lại là một sản phẩm được kỳ vọng và quan tâm nhất của ban lãnh đạo, điều này càng làm cho đội ngũ nghiên cứu do anh Thành phụ trách thêm phần áp lực. Rất may sau đó, với nỗ lực và sự quyết tâm, cả nhóm đã triển khai một số giải pháp, sáng kiến để kiểm soát thông số cả tuyến, chia nhỏ để hiệu chỉnh đồng bộ và kết quả đến tháng 10-2019 đã hoàn thành tối ưu sản phẩm, bảo đảm yêu cầu đề ra.
Điểm tựa để công tác, cống hiến
Khi biết Nguyễn Như Thành là một kỹ sư nghiên cứu, phải dành nhiều thời gian ở phòng thí nghiệm, ăn, ngủ với các công thức và những con số khô khan, tôi băn khoăn liệu chàng trai sinh năm 1989 này còn có thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình không. Như nắm bắt được những suy nghĩ của tôi, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành vui vẻ cho biết, anh cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ của gia đình, đây chính là yếu tố tích cực, là điểm tựa giúp anh yên tâm công tác, cống hiến.
“Thời gian trong một ngày là không đổi nên để cân bằng giữa gia đình và công việc, tôi tập trung quan tâm nhiều hơn cho vợ, con, gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống khi cả nhà có thời gian bên nhau. Bên cạnh đó, để có được những thành quả ban đầu như hiện nay thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng nghiệp tại Viettel High Tech là rất quan trọng”, Nguyễn Như Thành chia sẻ.
Nghĩ lại quãng thời gian đầu làm việc tại Viettel High Tech, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho biết, sau khi ra trường năm 2012, vì có kết quả học tập tốt nên anh cũng có nhiều lựa chọn công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, với bản tính thích chinh phục thử thách, anh đặt mục tiêu chọn những môi trường làm việc có thể phát triển và tìm ra giới hạn của bản thân.
Trong quá trình phỏng vấn, nhận thấy tương lai phát triển của Viettel và cơ hội để thể hiện năng lực bản thân, để học hỏi nên thời gian đó anh chỉ có một mục tiêu là được làm việc tại Viettel. Đối với Nguyễn Như Thành, lựa chọn Viettel chưa bao giờ là hối hận.
Thời gian tới, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cùng các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm radar, hướng tới mục tiêu có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. “Lĩnh vực radar còn rất rộng lớn, từ các sản phẩm công nghệ cao ngoài vũ trụ cho đến các sản phẩm ứng dụng cho dân sinh hằng ngày và còn nhiều thứ để chúng tôi nghiên cứu, chinh phục, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ, phải nghiêm túc và quyết tâm trong từng công việc nhỏ nhất với mục tiêu: Còn sức là còn chiến đấu”, Nguyễn Như Thành chia sẻ.
(Nguồn: Báo QĐND)
Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/ky-su-phan-van-danh-a43259.html