Đặc sản Hà Nội: Ăn gì, mua gì làm quà?

Hà Nội - xứ kinh kỳ ngàn năm văn hiến không chỉ sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng mà còn nổi tiếng với một nền văn hóa ẩm thực vô cùng tinh tế, mang nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Du khách tới thăm Hà Nội, đừng quên thưởng thức những món ăn ngon trứ danh và tìm mua những đặc sản nổi tiếng của thủ đô về làm quà tặng người thân nhé. Bạn đã biết đặc sản Hà Nội ăn gì, mua gì làm quà chưa? Trong bài viết này, hãy cùng SaoDieu.vn điểm danh những đặc sản Hà Nội nên ăn và nên mua về làm quà bạn nhé!

Ăn đặc sản gì ở Hà Nội? 2>

Hà Nội có những món ăn rất đặc biệt mà chỉ có ăn ở Hà Nội, trong không khí của Hà Nội thì mới có được hương vị ấy. Hà Nội có nhiều món ăn mà người ta nói rằng “chưa thưởng thức thì coi như chưa đến Hà Nội”. Đó là những món ăn nào? Khám phá ngay sau đây nhé!

Phở Hà Nội3>

Món ăn đầu tiên phải nhắc tới đó là Phở. Phở Hà Nội đã có tuổi đời hơn trăm năm nay, nó trở thành món ăn không thể thiếu, khiến nhiều người “nghiện”, đi xa thì nhớ mà ở gần thì cứ thỉnh thoảng phải gặp cho bớt thèm. Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết về phở như thế này: “Người Việt Nam có thể không ăn bánh bao, bánh bẻ, không ăn mằn thắn hay mì, cũng có thể không ăn xôi lúa nhưng chắc chắn là ai cũng đã từng ăn phở.” Còn nhà văn Thạch Lam thì viết: “Phở là một thức quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.”

Phở - món ăn quen thuộc làm nên danh tiếng của ẩm thực Hà Nội

Phở gắn liền với cuộc sống của người Hà Nội, từ sang trọng tới bình dân, từ nhà hàng cao cấp đến quán vỉa hè, đâu đâu người ta cũng tìm được những quán bán phở. Người ta có thể ăn phở sáng, ăn phở trưa, ăn phở tối. Buổi chiều hay ban đêm đói bụng thì bát phở nóng hổi cũng giúp ấm lòng, no bụng. Phở trở thành biểu tượng ẩm thực không chỉ riêng của đất Hà thành mà còn đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam, được đông đảo bạn bè thế giới biết đến và yêu thích.

Một tô phở bò nóng hổi có thể là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hay bữa phụ lúc đêm về

Phở nhìn thì đơn giản nhưng quá trình chế biến thì vô cùng cầu kỳ. Nước dùng được hầm từ xương lợn và xương bò trong nhiều giờ liền để có độ ngọt, béo, thơm. Các gia vị cần có như: quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi… để làm dậy lên hương vị. Có thêm sá sùng khô cho nước có vị ngọt đậm đà, tự nhiên mà không cần đến mì chính hay đường. Các gia vị chỉ vừa đủ, không được quá nhiều sẽ bị nồng, không được quá ít sẽ khiến vị phở nhạt nhẽo. Chính vì vậy, các hàng phở gia truyền đều có bí quyết nêm nếm gia vị của mình để mang đến một hương vị đặc trưng khiến thực khách yêu thích.

Nồi nước dùng phở nóng hổi và thơm phức

Một bát phở ngon là vừa đẹp về hình thức, dậy mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt đậm đà tự nhiên. Khi bạn bước vào quán phở, gọi một tô phở thì đầu bếp mới nhanh tay tráng bát, trụng bánh, xếp thịt, bỏ hành, tran nước dùng. Khi bát phở ở trước mặt bạn thì khói vẫn còn bốc lên nghi ngút. Nếm một chút nước phở ngọt thanh, đậm đà, tất cả vị giác, khứu giác, xúc giác như đều được đánh thức. Sự ấm áp lan tỏa từ đầu lưỡi tới cổ họng rồi dần dần đi xuống dạ dày. Một cảm giác vô cùng khoan khoái.

Món phở ở phố Bát Đàn nổi tiếng bậc nhất Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều quán phở ngon nhưng ngon nổi tiếng và được nhiều người yêu thích có thể kể đến như:

- Phở Bát Đàn: số 49, phố Bát Đàn

- Phở Thìn: số 13 phố Lò Đúc

- Phở bưng: Ngã tư Hàng Trống và Hàng Bông

- Phở Lý Quốc Sư: Số 10 Lý Quốc Sư

- Phở Sướng: 24 ngõ Trung Yên, 36B Mai Hắc Đế

Chả cá Lã Vọng3>

Chả cá Lã Vọng là tên gọi của một món chả cá đặc sản tại Hà Nội. Chả cá Lã Vọng có nguồn gốc khá thú vị. Từ thời Pháp thuộc, có một gia đình họ Đoàn ở số 14 Hàng Sơn có trổ tài làm món chả cá rất ngon. Đây là một gia đình yêu nước và đã từng giúp đỡ cưu mang nghĩa quân Đề Thám (cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám). Gia đình này đã nhiều lần trổ tài làm món chả cá cho nghĩa quân ăn. Để tỏ lòng biết ơn, những vị khách này đã mở một quán bán chả cá để gia đình họ Đoàn này làm kế sinh nhai, cũng là nơi gặp gỡ liên lạc của nghĩa quân. Trong quán này có bày 1 bức tượng ông Lã Vọng đang ngồi câu cá. Từ đó, cái tên chả cá Lã Vọng được ra đời và lưu truyền cho đến ngày nay.

Chả cá Lã Vọng - món ngon cầu kỳ của người Hà Nội

Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, loại cá ít xương, thịt thơm, mềm và ngọt hơn nhiều loài cá khác. Trước đây, theo cổ truyền, gia đình họ Đoàn dùng cá Anh Vũ - một loại cá quý hiếm xưa dùng để tiến vua để làm chả cá. Tuy nhiên, giờ đây loại cá này vô cùng quý hiếm và đắt đỏ. Nên giờ người ta thường dùng cá lăng để làm chả cá Lã Vọng.

Phần thịt cá sau khi được làm sạch sẽ được thái thành những miếng nhỏ như bao diêm, sau đó được tẩm ướp với các loại gia vị như: muối, nghệ, mắm, hạt tiêu, riềng, mẻ… Để cá thấm gia vị ít nhất là 2 tiếng rồi sẽ kẹp vào que tre rồi nướng trên than hoa cho đến khi chín vàng đều cả hai mặt.

Một combo chả cá Lã Vọng đầy đủ gia vị và các loại rau, bún ăn kèm

Khi thưởng thức, người ta dùng một chiếc chảo nhỏ để trên bếp than nóng, sau đó cho vào một chút mỡ. Tiế đó phần cá đã nướng chín vào chảo mỡ đang sôi lép bép, tiếp tục cho hành lá và thì là vào để dậy mùi thơm. Món chả cá này ăn càng nhiều thì là và hành hoa thì càng ngon.

Chả cá còn nóng, gặp một miếng ra bát, thêm một miếng bánh đa vừng nướng giòn, một ít bún rối, thêm chút lạc rang, chút rau thì là, hành hoa vừa chín tái, thêm chút húng láng, rau mùi rồi gom tất cả lại chấm vào bát mắm tôm đã được pha với chanh ớt đang sủi bọt tăm. Vị thơm, ngọt, mềm của cá kết hợp với mùi thơm đặc trưng của mắm tôm kèm các loại rau thơm chinh phục vị giác của thực khách. Kể cả những thực khách khó tính cũng không thể chối từ món ăn hấp dẫn này. Cứ ăn một miếng, hai miếng rồi ăn mãi, ăn mãi không dừng đũa được.

Từng miếng chả cá vàng ươm, thơm ngọt khiến thực khách vô cùng yêu thích

Hiện nay, món chả cá Lã Vọng ngày càng nổi tiếng và được du khách yêu thích. Các nhà hàng phục vụ món chả cá này càng nhiều hơn. Tuy nhiên thì để giữ được hương vị truyền thống như nguyên bản thì hầu như không còn. Du khách đều có thể lựa chọn một trong những quán chả cá ngon nổi tiếng, được nhiều thực khách khen ngợi như:

- Chả cá Lã Vọng: Số 14, phố Chả Cá; 107 Nguyễn Trường Tộ. Giá từ 175.000đ/suất

- Chả cá Hà Thành: số 20 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy. Giá từ 180.000-250.000đ/người

- Chả cá Vọng Ngư: 29 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình. Giá từ 100.000-150.000đ/người

- Chả cá Lão Ngư: 171 Thái Hà, Hoàn Kiếm. Giá từ 120.000đ/người

- Chả cá lăng Lò Sũ: Tầng 1, số 18 Lò Sũ, Hoàn Kiếm. Giá từ 150.000 - 250.000đ/người

Bánh cuốn Thanh Trì3>

Thanh Trì có bánh cuốn ngon

Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng

Nhắc đến bánh cuốn là người ta nhớ đến bánh cuốn Thanh Trì, đó là thứ đặc sản được lòng cả người giàu lẫn người nghèo, trở thành thức quà nổi tiếng của xứ Hà Thành. Trong Món ngon Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả rằng: “Bánh cuốn Thanh Trì đưa lên miệng, chưa nhai đã tưởng như bánh chưa đến môi đã trôi đến cổ mất rồi.”

Bánh cuốn Thanh Trì - thức quà tinh tế mà giản dị của người Hà Nội

Bánh cuốn Thanh Trì sở dĩ trở thành món đặc sản do người Thanh Trì có bí quyết riêng để chế biến món bánh này. Bánh cuốn Thanh Trì được tráng thủ công bằng tay, bánh có màu trắng trong, mỏng như tờ giấy lụa, khi ăn vẫn giữ được mùi thơm tự nhiên của gạo. Bánh không có nhân mà chỉ được phét một lớp mỡ hành (hành tươi được phi thơm cùng mỡ). Từng lớp, từng lớp bánh cuốn chồng lên nhau được người thợ làm bánh xếp vào chiếc thúng tre sau đó được các bà, các mẹ đội đi khắp các ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội.

Một gánh hàng bán bánh cuốn Thanh Trì truyền thống trên phố Hà Nội

Bánh cuốn Thanh Trì ngon phải có nước mắm ngon. Nước mắm quyết định tới 50% hương vị thơm ngon của bánh cuốn. Bát nước chấm phải có màu hổ phách, có sự cân bằng giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay của ớt. Khi ăn thì thêm một chút hạt tiêu và tinh dầu cà cuống làm dậy lên hương vị của món ăn. Bánh cuốn có thể ăn không với nước mắm hoặc ăn kèm với chả mỡ hoặc chả quế đã được chiên vàng.

Bánh cuốn trắng, mỏng tang ăn kèm chả mỡ rán vàng cùng nước mắm đậm đà

Bánh cuốn Thanh Trì cổ truyền thường được bán trên các gánh hàng rong bày ngay ở vỉa hè các con phố cổ Hà Nội. Ngày nay, vẫn còn một số hàng bán rong nhưng rất ít, người ta đã mở những quán bán bánh cuốn nóng, loại bánh cuốn có nhân thịt và mộc nhĩ được tráng và ăn ngay.

Giá của một suất bánh cuốn Thanh Trì rất rẻ. Chỉ từ 15.000-40.000đ/suất.

Một số địa chỉ bán bánh cuốn Thanh Trì ngon mà du khách có thể ghé thưởng thức:

- Bánh cuốn Thanh Trì nguội cổ truyền tại vỉa hè số 47 Đào Duy Từ (ngã ba Đào Duy Từ - Lương Ngọc Quyến). Giá 15.000đ/suất

- Bánh cuốn Bà Hanh: Số 26B Thọ Xương, Phủ Doãn, Hoàn Kiếm. Giá 25.000 - 40.000đ/suất.

- Bánh cuốn Bà Hoành: Số 66 Tô Hiến Thành. Giá 30.000 - 60.000đ/suất.

Bún chả Phố Cổ 3>

Tổng thống Barack Obama khi tới thăm Hà Nội - Việt Nam cũng đã tới ăn bún chả vì thực sự đó là một món ăn vô cùng tuyệt vời của Hà Nội. Bún chả có mặt ở khắp các con phố, các khu chợ, các ngõ ngách của Hà Nội. Một món ăn dân dã, chế biến từ những nguyên liệu giản đơn nhưng lại có hương vị rất đặc biệt, khiến bất cứ một người nào thưởng thức rồi cũng đều quyến luyến mãi không thôi.

Món bún chả Hà Nội gây thương nhớ cho nhiều du khách

Một suất bún chả đầy đủ gồm: bún rối sợi nhỏ, trắng tinh, một bát nước chấm chua ngọt có sẵn mấy miếng su hào và cà rốt thái lát, thêm vào mấy viên chả nướng và thịt nướng thơm phức. Rắc thêm một chút hạt tiêu, ai ăn cay có thể thêm vào vài lát ớt. Gắp một gắp bún nhỏ cho vào bát nước chấm, một ít rau sống (xà lách, rau húng, kinh giới, tía tô…) vào cùng. Dùng đũa gắp một gắp có đầy đủ bún, thịt, rau sống đã được thấm đẫm nước mắm và cho lên miệng thưởng thức. Vừa mềm, vừa thơm, vừa ngọt, lại chua chua, thanh thanh làm siêu lòng thực khách.

Đặc sản Hà Nội nhất định đừng bỏ qua món bún chả thơm ngon này bạn nhé

Hà Nội có rất nhiều quán bún chả ngon, các bạn có thể tham khảo các địa chỉ được nhiều thực khách yêu thích tại Phố Cổ như:

- Bún chả Hàng Than: Số 34, Hàng Than, Ba Đình

- Bún chả Hàng Mành: Số 1, Hàng Mành, Hoàn Kiếm

- Bún chả Hàng Quạt: Số 74, Hàng Quạt, Hoàn Kiếm

- Bún chả Hương Liên: 24 Lê Văn Hưu, Hoàn Kiếm

Bánh tôm Hồ Tây3>

Trong top các đặc sản Hà Nội bạn nên ăn còn phải kể đến bánh tôm Hồ Tây. Một món ăn đã được lên sóng truyền hình CNN và được ca ngợi hết lời bởi hương vị độc đáo, thơm ngon. Bánh tôm Hồ Tây là món có lịch sử từ lâu đời, bắt đầu phổ biến tại Hà Nội từ những năm 30 của thế kỷ trước.Bánh tôm Hồ Tây được làm từ những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc, dễ kiếm nhưng sự kết hợp một cách hài hòa giữa các nguyên liệu lại tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Món bánh tôm Hồ Tây được truyền hình CNN hết lời ca ngợi

Tôm để làm bánh là loại tôm nước ngọt được bắt từ Hồ Tây, được làm sạch và để nguyên con. Bột gạo tẻ được pha loãng vừa phải, thêm trứng gà, sau đó nhúng tôm vào bột và chiên ngập dầu cho đến khi bánh chín vàng, giòn rụm. Một số quán còn thêm khoai lang bào sợi vào phần bột bánh, khi ăn có vị ngọt, bùi của khoai cũng rất ngon.

Bánh tôm được ăn cùng với nước mắm chua ngọt và rau xà lách, các loại rau thơm như húng bạc hà, húng láng, kinh giới,… Tất nhiên, một chút ớt cay cay và một đĩa dưa góp chua ngọt sẽ giúp món ăn trọn vị và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Một mâm bánh tôm Hồ Tây khiến du khách thích thú

Hiện nay, bánh Tôm Hồ Tây đã rất phổ biến, có mặt trong nhiều các nhà hàng nhưng nổi tiếng và được nhiều du khách yêu thích thì vẫn phải đến các nhà hàng ở ngay Hồ Tây (dọc con đường Thanh Niên). Các địa chỉ quán ngon dành cho bạn đó là:

- Quán Bánh Tôm Hồ Tây - Trúc Bạch: Số 1, đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình

- Bánh Tôm Bà Lộc: Số 80 Phạm Ngọc Thạch, phường Trung Tự, quận Đống Đa

- Bánh Tôm Cô Ầm: Ngõ chợ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm

Bún thang 3>

Cùng với Phở thì món Bún Thang cũng là một món rất đặc trưng của Hà Nội, mà chỉ có người Hà Nội chế biến và ăn tại Hà Nội thì mới đúng là vị bún thang. Đến Hà Nội, nếu bạn bỏ lỡ món bún thang thì quả là một điều đáng tiếc.

Bún thang được chế biến từ những nguyên liệu rất đơn giản nhưng để có được bát bún thơm ngon đúng vị thì lại rất kỳ công. Nó đòi hỏi người chế biến phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo và nó cũng yêu cầu người ăn phải biết cách thưởng thức đúng thì mới cảm nhận được hương vị thơm ngon.

Một tô bún thang mang hài hòa về màu sắc và đủ đầy về hương vị

Sở dĩ gọi là bún thang vì món bún này gồm nhiều nguyên liệu, nêm nếm gia vị cầu kỳ và cân bằng như những “thang thuốc Bắc”. Phần nước dùng được ninh từ xương gà, xương lợn, tôm he khô và nấm hương trong nhiều giờ để có được vị ngọt, thanh, thơm dịu. Phần “thang” sẽ gồm: bún sợi nhỏ, thịt gà xé xợi, ruốc thịt lợn nạc xé nhỏ, ruốc tôm bông, trứng tráng mỏng thái chỉ, giò sợi thái chỉ, một quả trứng muối, rau răm. Khi ăn, người đầu bếp sẽ tỉ mẩn xếp từng lớp, từng lớp nguyên liệu vào bát, sau đó chan nước dùng nóng hổi vào, thêm một chút mắm tôm cho dậy vị. Ăn kèm không thể thiếu một bát củ cải ngâm và một chút tinh dầu cà cuống cho dậy vị.

Nhìn một bát bún thang đầy đủ, ta như thấy cả một khu vườn mùa hè nhiều sắc màu. Thịt gà vàng ươm, trứng thái sợi vàng ruộm, ruốc thịt hơi nâu, rau răm xanh và giò lụa trắng. Ở giữa đặt một miếng lòng đỏ trứng muối rất đẹp mắt. Khi nếm một chút nước dùng, ta thấy như đầu lưỡi được dịu dàng, ve vuốt bởi những hương vị thanh, mát, ngọt, mềm. Gắp một gắp bún, ta thấy tất cả vị giác, khứu giác và xúc giác đều được đánh thức để tận hưởng một cách trọn vẹn.

Một số quán bún thang ngon mà SaoDieu.vn gợi ý cho bạn đó là:

- Bún thang Hàng Hòm: Số 11, Hàng Hòm, Hoàn Kiếm.

- Bún thang Cô Ẩm: 37 Cửa Nam, Hoàn Kiếm

- Bún thang Thuận Lý: 33 Hàng Hòm, Hoàn Kiếm

- Bún thang Quán Cũ: 31A Phan Đình Phùng, Ba Đình

Kem Tràng Tiền3>

Tới Hà Nội, nhất định phải ăn kem Tràng Tiền! Đó là điều mà người dân Hà Nội và những du khách đã từng đến Hà Nội nhắc nhau về một món ăn vặt nổi tiếng đất Hà Thành hàng chục năm nay. Những người xa Hà Nội, mỗi lần trở về đều sẽ nhắc mình tới số 35 Tràng Tiền để ăn một que kem cho đỡ nhớ. Người ta ăn kem Tràng Tiền suốt cả 4 mùa, ngay cả những ngày Hà Nội rét buốt nhất, vẫn có thực khách tìm tới mua kem. Vì ăn kem Tràng Tiền mùa nào cũng được, mùa nào cũng ngon và kể có rét thì ăn kem vẫn đem đến một cảm giác vô cùng thích thú.

Kem Tràng Tiền - món kem được mọi lứa tuổi yêu thích

Tên gọi kem Tràng Tiền vẫn giữ nguyên từ ngày đầu xuất hiện cho tới tận ngày nay. Xưa kia, kem Tràng Tiền chỉ có 3 loại là kem cốm nguyên hạt, kem sữa béo ngậy và kem đậu xanh bùi bùi. Ngày nay, kem đã nhiều vị hơn như khoai môn, chocolate, vani, sữa dừa… Trải qua hơn nửa thế kỷ, cho đến nay, kem Tràng Tiền vẫn giữ được hương vị thơm ngon, đặc biệt mà không loại kem nào có được.

Kem Tràng Tiền thơm, mềm, dẻo, vị mát lạnh hòa quyện với hương vị tự nhiên của các nguyên liệu tan chảy trong miệng đem lại cảm giác khó quên cho người thưởng thức. Không quá cứng, không quá lạnh, không có chất bảo quản nên kem Tràng Tiền được lòng tất cả các đối tượng từ trẻ nhỏ tới người già. Bạn thử ăn một que kem sữa dừa Tràng Tiền mà xem, vị dừa béo ngậy, vị sữa ngọt ngào, thơm nhè nhẹ, ăn hết que kem rồi mà vị ngọt thơm vẫn đọng trên đầu lưỡi, mùi dưa vẫn vương vấn trên tay.

Cửa hàng kem Tràng Tiền giờ đây còn là địa điểm check-in quen thuộc của các bạn trẻ khi tới Hà Nội

Quán kem ở số 35 Tràng Tiền lúc nào cũng đông khách. Bạn có thể phải xếp hàng khá lâu mới mua được một cây kem nhưng chẳng ai phàn nàn vì điều đó cả. Quán cũng có bàn ghế và chỗ nghỉ chân nhưng nhiều người thích đứng để ăn kem, vừa ăn vừa trò chuyện. Có người chỉ ăn một cây kem cho đỡ thèm, đỡ nhớ. Có người ăn hết cây này tới cây khác để thưởng thức thật nhiều hương vị. Kem Tràng Tiền là món quà bình dân nhưng chắc chắn là một trải nghiệm khó quên với du khách khi được thưởng thức món quà này.

Địa chỉ: Số 35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.

Hà Nội còn rất rất nhiều món ăn ngon, những đặc sản hấp dẫn như: bún riêu cua, bún ốc, bún đậu mắm tôm, miến lươn, bún ngan, bún mọc, cháo sườn, bánh giò, xôi xéo, chả rươi, phở cuốn… và rất rất nhiều món ăn khác. Hãy tận dụng khoảng thời gian ở Hà Nội để trải nghiệm thật nhiều món ăn hấp dẫn tại đây nhé. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng thể nào thưởng thức hết các món ngon Hà Nội trong vài ngày đâu vì Hà Nội là thiên đường ẩm thực mà.

Mua Đặc sản gì ở Hà Nội về làm quà? 2>

Sau khi dạo quanh Hà Nội để thưởng thức thật nhiều món ăn ngon rồi thì bạn cũng cần bỏ túi những địa chỉ để mua đặc sản Hà Nội về làm quà cho người thân và bạn bè chứ nhỉ? Hà Nội luôn sẵn rất nhiều món ngon để bạn mang về làm quà tặng đấy nhé! Cùng SaoDieu.vn xem đó là những món gì nào?

Cốm làng Vòng/Cốm Mễ Trì 3>

Món đặc sản mà nhất định bạn đừng bỏ lỡ, đó chính là Cốm. Nhắc đến mùa thu Hà Nội là người ta nghĩ ngay tới Cốm. Cốm là món quà vặt dân dã và bình dị của mùa thu Hà Nội, vị ngọt mềm thơm dịu, để cho ai đã một lần thưởng thức là vương vấn mãi không quên. Nhắc tới Cốm thì người ta nhớ ngay tới Cốm Làng Vòng, Cốm Mễ Trì. Đó là hai làng Cốm lâu đời nhất ở đất Tràng An ngàn năm văn hiến.

Cốm là món quà tinh túy của mùa thu Hà Nội

Cốm được làm từ lúa nếp cái hoa vàng còn non, còn vương mùi sữa. Trải qua nhiều công đoạn từ tuốt hạt, rang, giã, dần, sàng mới có được hạt cốm dẻo mềm, thơm ngọt. Cốm được gói trong lá sen, được buộc lại bằng rơm nếp theo các gánh hàng rong của các chị, các mẹ đi khắp các con phố của Hà Nội.

Cốm là món ăn ngon nhưng không phải ăn để no mà chỉ nhấm nháp, nhâm nhi từng chút, từng chút. Người ta thường không mua nhiều mà chỉ mua một gói nhỏ chừng 1-2 lạng rồi dùng tay bốc từng nhúm nhỏ đưa vào miệng. Người Hà Nội thường ăn cốm với chuối tiêu chín lốm đốm trứng cuốc hoặc quả hồng chín đỏ. Ngoài ra cốm còn được dùng để nấu xôi, nấu chè, làm bánh cốm, chả cốm, ủ rượu cốm… đều rất thơm ngon.

Để mua được cốm ngon và chuẩn tại Hà Nội về làm quà, các bạn có thể ghé vào các cơ sở làm cốm truyền thống tại làng Vòng hoặc làng Mễ Trì để mua trực tiếp. Hoặc khi gặp những gánh cốm trên phố bạn cũng hãy hỏi mua. Địa chỉ hai làng cốm truyền thống tại Hà Nội:

- Làng Vòng: đường Xuân Thủy - Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội

- Làng Mễ Trì: đường Đỗ Đức Dục - Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Ngoài cốm tươi thì bạn cũng có thể mua cốm khô, mua bánh cốm, chả cốm hoặc rượu cốm về làm quà nhé. Giá một kilôgam cốm tươi dao động từ 160.000 - 250.000đ tùy loại.

Trà sen Tây Hồ3>

Trà sen Tây Hồ còn được gọi với cái tên “Thiên cổ đệ nhất trà”, là một đặc sản tinh tế, là món đồ uống thanh tao của người Tràng An, có hương vị thơm ngon khác biệt so với những loại trà khác.

Trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”

Sen dùng ướp trà là loại sen bách diệp có nhiều cánh nhỏ, màu hồng phớt, được trồng ở Tây Hồ. Sen được hái từ sáng sớm, khi mặt nước còn hơi sương và những bông sen còn đang chúm chím nụ. Hoa sen sau khi hái về được tách lấy gạo sen và nhụy sen để riêng. Để thu được 100g gạo sen sẽ cần đến 900-1000 bông hoa sen tươi. Việc tách gạo sen phải rất nhanh tay để gạo sen trắng, không bị nát và giữ được mùi hương. Gạo sen và nhụy sen sau khi ủ đủ lâu và đem sấy khô sẽ được bỏ vào trong từng bông sen cùng với trà xanh Tân Cương cánh nhỏ, sau đó bọc một lớp lá sen bên ngoài. Khi ủ đủ thời gian sẽ mang ra sấy khô. Quá trình ủ này lặp đi lặp lại cho đến khi trà đạt đủ độ thơm mong muốn.

Để có được 1kg trà sen phải dùng tới hàng ngàn bông sen tươi của Hồ Tây

Để có được chén trà sen Tây Hồ thơm ngát, phải trải qua đủ 7 lần ủ gạo và sấy khô. Vì càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, chén trà sẽ càng thơm. Một chén trà sen chuẩn vị là nước xanh, trong, hương sen thơm dịu, mới đầu có vị chát, sau thì ngọt đượm và lưu lại nơi cổ họng. Uống xong rồi hương sen vẫn còn thoang thoảng, ngan ngát trong miệng.

Chính vì cách chế biến cầu kỳ như vậy mà giá thành của trà sen Tây Hồ thường có giá cao hơn so với các loại trà khác trên thị trường. Giá một bông trà sen có giá khoảng 50.000-60.000đ/búp. 1kg trà sen Tây Hồ thượng hạng có giá lên tới 7-10 triệu đồng/kg.

Địa chỉ mua trà sen Tây Hồ:

- Làng Quảng An, Tây Hồ: làng làm trà sen truyền thống

- Cửa hàng Ninh Hương số 22 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm

- Cửa hàng Trà Đông Sơn số 169 Nghi Tàm, Tây Hồ

- Sen Tây Hồ hiện đã có nhiều các thương hiệu doanh nghiệp như: Trà sen Minh Cường, Tân Cương Xanh,… bạn có thể mua tại các website của công ty này.

Ô mai Hàng Đường3>

Nếu để lựa chọn một chút đặc sản Hà Nội để mang về làm quà tặng người thân thì ô mai là một gợi ý tuyệt vời. Bởi một hộp ô mai nhỏ bé thôi nhưng chứa đựng trong đó là tinh hoa ẩm thực của đất Hà thành, chứa đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt. Những hộp ô mai xinh xắn, được đóng gói cẩn thận rất dễ dàng để bỏ vào túi hành lý và mang đi khắp đó đây. Không chỉ vậy, ô mai còn là một món ăn dân dã, chẳng đắt đỏ gì, ai cũng có thể mua, có thể ăn, hợp với túi tiền của hầu hết mọi người từ bình dân đến giàu có.

Ô mai là món quà ý nghĩa của Hà Nội để dành tặng người thân

Ô mai Hà Nội nổi tiếng thơm ngon chính là ô mai ở Hàng Đường. Gọi là ô mai Hàng Đường là bởi vì cả một con phố nhỏ hai bên đều là những cửa hàng bán ô mai truyền thống. Ô mai Hàng Đường rất phong phú về chủng loại và hương vị. Ô mai sấu có ô mai sấu giòn, sấu bao tử chua cay giòn, sấu non, sấu xào gừng, ô mai sấu gừng, sấu chín… Ô mai mơ có: ô mai mơ chua cay, ô mai mơ gừng, ô mai mơ xào chua ngọt, mơ cay mặn ngọt, mơ chua mặn ngọt. Rồi ô mai quất, ô mai chanh, ô mai mận, me xào cay,… đủ loại cho khách hàng lựa chọn.

Hàng Đường - con phố ngọt ngào nhất Hà Nội với rất nhiều những cửa hàng ô mai truyền thống

Các loại ô mai có giá trung bình từ 20.000đ - 40.000đ/lạng tùy loại. Bạn có thể mua từ ít tới nhiều, các cửa hàng sẽ đóng gói cẩn thận cho bạn mang về làm quà tặng nhé. Một số cửa hàng bán ô mai truyền thống trên phố Hàng Đường như:

- Ô mai Hồng Lam số 11 Hàng Đường

- Ô mai Gia Thịnh số 13 Hàng Đường

- Ô mai Tiến Thịnh số 21 Hàng Đường

- Ô mai Gia Lợi số 8 Hàng Đường

Giò chả nem Ước Lễ3>

Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội là một địa chỉ nổi tiếng hàng trăm năm với nghề làm giò chả. Món giò lụa, chả lụa, chả quế từ lâu đời đã là thức ăn ngon, không thể thiếu trong những mâm cỗ Tết, giỗ, lễ hội truyền thống. Cho đến hôm nay, giò chả vẫn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Giò chả Ước Lễ ngon bởi vì kinh nghiệm làm nghề truyền thống đã có hàng trăm năm được truyền lại vẫn luôn được những người làm nghề giò chả gìn giữ cho đến ngày nay. Để tạo nên miếng giò lụa thơm, ngon, miếng chả lụa, chả quế thơm mềm dẻo đó là cả một quá trình tỉ mỉ được người Ước Lễ kỳ công thực hiện.

Giò chả Ước Lễ thơm ngon nổi tiếng đất Hà thành

Để làm được giò chả ngon thì phải dùng phần thịt mông của lợn vừa mới thịt xong, thịt còn nóng hổi, ấn dẻo tay. Thịt mang về quạt cho nguội rồi thái mỏng, lọc sạch gân mỡ sau đó đem giã nhuyễn đến khi thịt không còn dính cối chày nữa thì đạt. Sau đó đem gói vào lá chuối, buộc lạt chặt rồi đem luộc. Giò luộc xong sẽ thả ngay vào nước lạnh để có độ chắc, dai, ngon.

Với chả, cách làm cũng tương tự nhưng sẽ được đem hấp và chiên vàng lên. Tùy vào loại chả thì sẽ thêm các nguyên liệu phù hợp. Nếu là chả mỡ thì sẽ thêm nhiều phần mỡ, nếu là chả quế thì sẽ thêm bột quế vào một lượng vừa đủ, nếu là chả cốm thì sẽ trộn thịt đã giã nhuyễn với cốm rồi đem hấp sau đó chiên lên.

Xưa người Ước Lễ giã giò chả bằng tay nhưng ngày nay đã chuyển sang cách xay bằng máy nhanh hơn, thuận tiện hơn. Ngày nay người ta còn làm thêm món nem chua Ước Lễ. Món nem chua được làm từ thịt nạc và bì lợn, pha thêm các loại gia vị, thính gạo, gói thêm tỏi, lá đinh lăng, ớt, sau đó được gói bằng lá chuối, ngoài bọc giấy để vài ngày để lên men cho đủ độ chua. Khi ăn, nem chua Ước Lễ giòn giòn, thơm thơm, chua chua, ngọt ngọt, lại thêm vị cay cay ấm ấm của hạt tiêu, vị bùi của thính,… hòa quyện cùng vị của lá ổi, lá đinh lăng rất ngon miệng.

Du khách có thể mua giò, chả, nem Ước Lễ tại một số những địa chỉ sau đây:

- Giò chả Hương Sơn: Làng Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Nội

- Giò chả Dũng Hạnh: 20 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng

- Giò chả Ngọc Yến: Số 4, ngách 4, ngõ 185, Lĩnh Nam, Hoàng Mai

- Giò chả Dũng Mai: 17, ngõ 60, Cầu Giấy

Bánh dày Quán Gánh3>

Bánh dày chỉ là một thức quà quê nhưng lại là một món ngon đặc biệt của Hà Nội được nhiều du khách chọn lựa làm quà để mang về tặng người thân. Bánh dày Quán Gánh là món bánh dày được làm ở làng nghề Quán Gánh, thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km. Đi dọc trên quốc lộ 1A cũ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm quán - cửa hàng bày bán món bánh dày Quán Gánh.

Bánh dày Quán Gánh là món quà dân dã của Hà Nội

Bánh dày Quán Gánh ngày xưa thường được bày bán ở dọc đường quốc lộ 1A, là món ăn lót dạ khi đói lòng, là món quà mua vội cho khách phương xa có dịp ghé qua Quán Gánh. Dần dà, món bánh này được nhiều người biết đến, bày bán ở nhiều nơi, được thực khách yêu thích và tìm mua.

Bánh được làm từ gạo nếp dẻo thơm, sau khi được đồ chín thì đem giã nhuyễn, rồi dùng tay chia thành những vắt bột nhỏ, sau đó bỏ nhân vào. Nhân bánh có hai loại là nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn gồm thịt lợn ba chỉ, đỗ xanh hấp chín, cùi dừa bào sợi, hành, chút hạt tiêu, gia vị. Nhân ngọt hay còn gọi bánh chay thì nhân sẽ chỉ có đậu xanh và dừa, thêm đường cho ngọt.

Những gói bánh dày vuông vức, xinh xắn

Một gói bánh dày Quán Gánh gồm 6 chiếc bánh nhỏ, xếp đều đặn, bên ngoài gói vuông vức bởi 2 tấm lá dong gần giống như bánh chưng. Món bánh dày thường có mặt trong các đám cưới, đám hỏi và trong các gánh hàng bán đồ ăn sáng. Bạn có thể ghé đến đường Quán Gánh, dọc quốc lộ 1A sẽ thấy rất nhiều cửa hàng bày bán món bánh này. Giá một gói bánh khoảng 25.000 - 30.000đ.

Bánh chả Bảo Phương 3>

Một món ăn rất ngon của Hà Nội có thể mua về làm quà tặng người thân đó là món bánh chả. Món bánh chả lá chanh chỉ 20.000đ/túi, vừa rẻ, vừa ngon, hương vị rất đặc biệt khiến ai ăn một lần là nhớ mãi. Một trong những thương hiệu bánh chả ngon nhất Hà Nội đó là bánh chả Bảo Phương. Bảo Phương là thương hiệu làm bánh trung thu nổi tiếng lâu đời của Hà Nội. Ngoài ra, cửa hàng này còn bán món bánh chả rất thơm ngon.

Món bánh chả Bảo Phương thơm ngon, giòn rụm

Gọi là bánh chả bởi vì chiếc bánh có màu vàng ươm, nhỏ nhỏ xinh xinh chỉ chừng hơn ngón tay, bên ngoài là lớp bột mì giòn có hình rất giống với viên chả thịt băm. Bánh chả từ lâu đã trở thành món ăn vặt quen thuộc của người Hà Nội. Bánh chả có lớp vỏ giòn, thơm và xốp, bên trong là nhân thịt mỡ, lạp xưởng, mứt bí vừa ngọt ngào, vừa béo ngậy, lại dậy mùi lá chanh thơm phức. Nó đặc biệt ngon hơn khi được nhâm nhi cùng một tách trà nóng.

Các bạn có thể ghé cửa hàng Bảo Phương ở địa chỉ số 183 phố Thụy Khuê để mua món bánh chả lá chanh thơm ngon này về làm quà nhé.

Hà Nội quả đúng là thiên đường ẩm thực. Có quá nhiều món ngon, nhiều đặc sản hấp dẫn để bạn thưởng thức và mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân của mình. Chúc bạn sẽ có một chuyến đi tuyệt vời ở Hà Nội và đừng bỏ qua những món ngon mà SaoDieu.vn gợi ý cho bạn trên đây nhé!

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/qua-ha-noi-co-gi-a38436.html