Thế nào là tăng huyết áp tâm thu đơn độc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch rất phổ biến trong đời sống cộng đồng với chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều cao hơn bình thường. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ có huyết áp tâm thu cao vượt trội, gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin xung quanh bệnh lý này.

1. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì?

Huyết áp là số đo biểu hiện cho áp lực của dòng máu chảy trong lòng động mạch. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta thường thấy hiện lên hai chỉ số là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương). Bác sĩ sẽ chẩn đoán chúng ta bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Trong nhóm các bệnh nhân tăng huyết áp, có một số bệnh nhân chỉ bất thường về chỉ số huyết áp tâm thu. Cụ thể là huyết áp tâm thu lại vượt trội từ trên 140 mmHg trong khi huyết áp tâm trương lại bình thường. Trình trạng này gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc và cũng được xếp vào bệnh lý tăng huyết áp nói chung.

2. Nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc trong hầu hết các trường hợp là do hệ thống động mạch giảm tính đàn hồi. Tình trạng này thường thấy ở người cao tuổi khi tiến trình lắng đọng canxi và collagen lên thành động mạch qua thời gian dài. Do đó, thành động mạch mất sự tương hợp, bị tái cấu trúc, trở nên cứng hơn và gia tăng áp lực xung và tốc độ sóng xung của dòng máu. Hệ quả là huyết áp tâm thu lại tăng lên trong khi làm suy giảm thêm huyết áp tâm trương.

Bên cạnh đó, cũng như tăng huyết áp đơn thuần, tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng xảy ra nhiều hơn trên các đối tượng có chế độ ăn nhiều muối, chất béo, nhiều thực phẩm chế biến, uống rượu bia, hút thuốc, có các bệnh lý đi kèm khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, lối sống ít vận động cũng như gia đình có tiền căn bệnh lý tim mạch.

3. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc nguy hiểm thế nào?

Tương tự như tăng huyết áp đơn thuần, trong tăng huyết áp tâm thu đơn độc, áp lực tưới máu quá cao sẽ gây tổn hại cơ quan đích. Chính vì thế, bệnh lý tăng huyết áp nói chung luôn được cảnh báo với tên gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc gây lên xơ vữa động mạch

Hậu quả của tăng huyết áp sẽ đáng sợ nhất nếu huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục, gây vỡ mạch máu. Nếu vỡ mạch máu tại não thì gây ra xuất huyết não, bệnh nhân bị yếu liệt, nói khó hay nặng hơn là lú lẫn, hôn mê. Nếu bệnh nhân đã có phình bóc tách động mạch chủ trước đó, với áp lực máu lớn, nguy cơ vỡ động mạch chủ rất cao, bệnh nhân nhanh chóng tụt huyết áp và tử vong.

Áp lực dòng máu lớn cũng có thể gây bong tróc các mảng xơ vữa động mạch, làm tắc hẹp máu nuôi đến các cơ quan gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, tăng huyết áp đột ngột còn gây phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, chảy máu mũi liên tục, xuất huyết võng mạc làm mù lòa...

Nếu huyết áp cao âm ỉ kéo dài mà không phát hiện sẽ gây suy tim mạn, suy thận mạn, xơ vữa mạch máu, tổn thương võng mạc mắt...

4. Cách điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Nhìn chung, việc điều trị điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc không có sự khác biệt so với tăng huyết áp đơn thuần. Điểm khác biệt chỉ nằm ở mục tiêu kiểm soát huyết áp. So với bệnh lý tăng huyết áp nói chung, trong tăng huyết áp tâm thu đơn độc, người bệnh chỉ cần giữ chỉ số huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg. Tuy nhiên, vẫn thường xuyên kiểm tra cả huyết áp tâm trương trong mỗi lần đo, tránh tăng huyết áp kết hợp mà không nhận biết sớm.

Để làm được như vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đều đặn hàng ngày và tái khám định kỳ theo hẹn cũng như xây dựng một lối sống lành mạnh phù hợp cho mỗi người.

Trong đó, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khuyến khích ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín. Không ép trái cây lấy nước uống mà nên ăn cả trái để tăng cường chất xơ. Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3 như cá hồi, cá thu... Không nên ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối như cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn. Bỏ thuốc lá, hạn chế các loại đồ uống có cồn như bia, rượu.

Song song đó, chúng ta cũng nên tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giữ cho động mạch đàn hồi tốt, thậm chí ở những người lớn tuổi, giúp đảm bảo lưu lượng máu và huyết áp bình thường. Các bác sĩ luôn khuyên chúng ta nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục mỗi ngày, từ đó cũng sẽ giữ cân nặng hợp lý hay giảm cân (đặc biệt là ở vùng bụng) đối với những người thừa cân, béo phì. Ngoài ra, một giấc ngủ tốt cũng giúp chúng ta hạ được huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Đồng thời, nên biết cách giải tỏa căng thẳng bên trong mỗi người, học cách thư giãn, nghỉ ngơi như ngồi thiền, tập yoga.

Cách điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tóm lại, tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng cần được quan tâm như các bệnh lý tăng huyết áp thông thường. Chính vì mối nguy hiểm của nó, những hiểu biết về bệnh lý này, tuân thủ điều trị và thường xuyên theo dõi huyết áp là điều cần thiết để có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu đang băn khoăn về tình trạng huyết áp của mình, bạn có thể lựa chọn Gói khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được chẩn đoán, thăm khám bằng những thiết bị công nghệ tiên tiến nhất dưới sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ chuyên môn hàng đầu. Gói khám với 2 mức là Khám Tăng huyết áp Cơ bản và Khám Tăng huyết áp Nâng cao sẽ giúp bạn lựa chọn phù hợp với thực tế của bản thân.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Link nội dung: https://truyenhay.edu.vn/tang-huyet-ap-tam-thu-don-doc-a38057.html