Mỗi ngày, có khoảng 9 phụ nữ Việt Nam tử vong vì ung thư cổ tử cung và các bệnh nhân mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Thế nhưng, rất ít người biết rằng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa và chữa trị dứt điểm nếu như được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung qua bài viết sau.
Biểu hiện ung thư cổ tử cung
Triệu chứng ung thư cổ tử cung qua triệu chứng cơ năng và thực thể như sau:
- Triệu chứng cơ năng: Đối với giai đoạn sớm của bệnh như tổn thương loạn sản hoặc ung thư tại chỗ thường không thấy dấu hiệu gì hoặc chỉ phát hiện vết loét nông khi soi cổ tử cung. Dấu hiệu lâm sàng có thể chỉ thấy ra khí hư đơn thuần hoặc lẫn máu ở âm đạo, đặc biệt ra dịch rất hôi ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử nhiều. Đa số các trường hợp bệnh nhân xuất hiện ra máu âm đạo tự nhiên ngoài chu kỳ kinh hoặc sau sinh hoạt tình dục. Dấu hiệu đau tiểu khung, bất thường của hệ tiết niệu và trực tràng thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn. Trong những trường hợp này khám lâm sàng có thể đủ để chẩn đoán xác định.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
- Triệu chứng thực thể
- Giai đoạn sớm: ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có hình ảnh đặc biệt, thường không phát hiện bằng mắt thường.
- Khi bệnh tiến triển: thường có các hình thái đại thể khác nhau, đánh giá các tổn thương tại cổ tử cung trên lâm sàng qua khám cổ tử cung bằng mỏ vịt:
+ Hình thái sùi: gồm các nụ sùi dễ rụng, dễ chảy máu, dễ nhiễm khuẩn, hình thái này thâm nhiễm ít và lan tràn chậm.
+ Hình thái loét: tổn thương lõm sâu xuống, rắn, nền có nhiều nụ nhỏ, có viêm nhiễm mủ. Hình thái này xâm nhiễm và lan tràn sâu vào xung quanh và hay di căn hạch sớm.
+ Hình thái ống cổ tử cung: tổn thương trong ống cổ tử cung, lúc đầu rất khó chẩn đoán chỉ khi có dấu hiệu lâm sàng hay nạo ống cổ tử cung.
Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung
Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Hai yếu tố quan trọng nhất theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) là chủng ngừa HPV và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm những thay đổi của tế bào cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung thường bắt đầu với những thay đổi tiền ung thư. Do đó, có thể ngăn chặn ung thư bằng cách phát hiện và điều trị tiền ung thư hoặc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiền ung thư.
- Vắc xin
Hiện nay, vắc xin Gardasil giúp ngăn ngừa nhiễm các chủng virus HPV thường liên quan đến ung thư cũng như gây ra mụn cóc ở hậu môn và đường sinh dục. FDA đã phê duyệt Gardasil cho nam và nữ tuổi từ 9 đến 26. Các loại vắc xin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa nhiễm virus HPV, không có tác dụng điều trị nhiễm trùng. Do đó, để có hiệu quả phòng ngừa tốt nhất, cần tiêm vắc xin HPV trước khi có sự tiếp xúc với virus HPV (như qua quan hệ tình dục). Những vắc xin này có tác dụng ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Tác dụng phụ thường nhẹ với các triệu chứng tại chỗ tiêm như đỏ, đau, sưng tấy trong thời gian ngắn.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ACS khuyến nghị:
- Tiêm vắc xin HPV cho trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 12
- Trẻ em và thanh thiếu niên từ 13 đến 26 tuổi chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chưa đủ liều, cần chủng ngừa sớm.
Tuy nhiên không có sự bảo vệ hoàn toàn chống lại các chủng virus HPV gây ung thư, do đó vẫn nên thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Dinh dưỡng
Không hút thuốc là cách phòng ngừa rất quan trọng để giảm nguy cơ tiền ung thư cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.
- Vận động
Một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa khả năng bị ung thư cổ tử cung. Nên có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Không quan hệ tình dục quá sớm, không lạm dụng thuốc tránh thai. Vệ sinh âm đạo sạch sẽ ngăn ngừa virus HPV.
- Tầm soát tiền ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap và xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (HPV) được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn đều được phát hiện ở những phụ nữ không làm xét nghiệm Pap thường xuyên. Nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính, cần phải tái khám thêm, làm các xét nghiệm khác để tìm tiền ung thư hay ung thư. Nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần từ tuổi 21. Nếu từ 30 đến 65 tuổi, nên thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm virus HPV 5 năm một lần.
- Hạn chế tiếp xúc với HPV
HPV truyền từ người này sang người khác khi da tiếp xúc với vùng da bị nhiễm HPV. Điều này có nghĩa là virus HPV có thể lây lan mà không cần quan hệ tình dục. Thậm chí bộ phận sinh dục có thể bị lây nhiễm HPV khi tiếp xúc với bàn tay. HPV cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể. Nghĩa là virus HPV có thể bắt đầu ở cổ tử cung và sau đó lan đến âm đạo, âm hộ. Hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với những người đã có nhiều bạn tình khác và sử dụng bao cao su có thể làm giảm nguy cơ phơi nhiễm với HPV. Mặc dù vậy, HPV rất phổ biến, quan hệ tình dục chỉ với một người cũng vẫn có thể bị lây nhiễm HPV.
Nếu bạn đang hoạt động tình dục và có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên đi xét nghiệm tìm chlamydia, lậu và giang mai mỗi năm. Nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần hoặc thường xuyên nếu bạn có nguy cơ cao.
Ung thư tử cung có di truyền không?
Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, virus HPV được xác định có thế lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình thai kỳ. Ngoài ra, nếu mẹ hoặc chị em bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng lên 2-3 lần so với người bình thường.
Là một trong 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, ung thư cổ tử cung (UTCTC) thường không rõ triệu chứng, tiến triển chậm khiến người bệnh chủ quan, không điều trị từ sớm. Tuy nhiên, nếu chủ động phòng ngừa, tầm soát và phát hiện sớm, bệnh khối u cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Kết luận
Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chúng ta chú trọng đến việc tiêm ngừa HPV, tầm soát định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh. Hãy đảm bảo tiêm phòng HPV cho trẻ em và thanh thiếu niên theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, và hạn chế số lượng bạn tình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh. Sự chủ động và quan tâm đến sức khỏe sẽ giúp bạn và người thân ngăn ngừa hiệu quả căn bệnh này, mang lại cuộc sống khỏe mạnh và an toàn hơn.