1. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học
1.1. Văn bản khoa học
Tìm đọc và tham khảo các diễn đạt của các văn bản dưới đây:
a) Văn bản về hình ảnh đất nước thống nhất của Phan Ngọc.
b) Văn bản định nghĩa vectơ trong Hình học 10, 2006.
c) Văn bản về hiện tượng suy dinh dưỡng ở trẻ em của Lê Thị Hải.
- Nhận xét: Các văn bản trên đều là văn bản khoa học - một dạng văn bản thông dụng được diễn đạt bằng ngôn ngữ khoa học (khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội nhân văn) và rất cần thiết trong cuộc sống thường ngày của con người
- Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, văn bản khoa học có thể chia thành ba loại sau đây:
Những văn bản chuyên sâu gồm: chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học,… Thêm vào đó, những văn bản này đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối về thông tin, tính logic trong lập luận, phải chặt chẽ nghiêm ngặt trong kiến giải. Loại văn bản này thường ở trong mức giới hạn của những chuyên ngành khoa học. (văn bản a)
Các văn bản thường dùng để giảng dạy các môn khoa học gồm:các giáo trình, giáo án…giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Những văn bản này không chỉ yêu cầu về khoa học mà còn có yêu cầu về sư phạm, đồng nghĩa với việc phải trình bày nội dung kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, từ thấp đến cao để phù hợp với trình độ học sinh theo từng cấp, từng lớp, có khối lượng kiến thức cho từng tiết, từng bài. (văn bản b)
Các văn bản phổ biến khoa học (chủ yếu là khoa học đại chúng) gồm: sách phổ biến khoa học, các bài báo, bút ký khoa học, phê bình, điểm sách, với mục đích chủ yếu là thu hút đông đảo bạn đọc biết nhiều hơn về kiến thức khoa học. Loại văn bản này yêu cầu phải viết làm sao cho dễ hiểu, hấp dẫn. Do vậy có thể dùng lối miêu tả ví von so sánh cùng các biện pháp tu từ, để người đọc ai cũng có thể hiểu được và có thể áp dụng khoa học vào thực tế (văn bản c).
1.2. Ngôn ngữ khoa học
- Ngôn ngữ khoa học được biết đến là ngôn ngữ được sử dụng hầu hết trong các văn bản khoa học, giao tiếp hay trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh,…) hay khoa học xã hội nhân văn (Triết học, Xã hội học, Giáo dục học, Tâm lý học, Sử học, Chính trị kinh tế học,…).
- Ngôn ngữ khoa học xuất hiện dưới 2 phương thức chủ yếu: dạng viết hoặc dạng nói
Ở dạng viết, ngoài việc sử dụng cách hành văn bằng từ ngữ, ngôn ngữ khoa học còn dùng các kí tự, kí hiệu công thức liên quan đến chuyên môn các ngành học, sơ đồ hay bằng biểu đồ, mô hình hóa nội dung khoa học sao cho dễ hiểu. Ta có thể rõ thấy trong các văn bản khoa học còn sử dụng các kí hiệu bằng chữ số Ả Rập (1,2, 3,…),bản đồ, biểu đồ, con số được biểu thị bằng chữ số La Mã (I, II, III,…), con chữ (a, b, c,…), công thức trừu tượng.
Ở dạng nói, ngôn ngữ khoa học yêu cầu sự mạch lạc, rõ ràng, súc tích dễ hiểu, không lan man, dài dòng; đúng trọng tâm vấn đề. Người viết thường dựa trên cơ sở đề cương được chuẩn bị trước.
- Ở ngôn ngữ khoa học, dưới hình thức nào đi chăng nữa vẫn mang đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ khoa học.
2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học
Phong cách ngôn ngữ mang những đặc trưng cơ bản sau: tính khái quát, trừu tượng; tính lí trí, logic; tính khách quan và phi cá thể. Những đặc trưng ấy được biểu thị rõ qua cách sử dụng ngôn từ, cú pháp hay đơn giản là qua cách hành văn; lập luận trong một văn bản khoa học.
2.1. Tính khái quát, trừu tượng
- Ngôn ngữ khoa học sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học mang tính chuyên môn theo từng ngành khoa học khác nhau hoặc đơn giản dùng để biểu thị khái niệm khoa học. Thường là các thuật ngữ thuộc về từ ngữ khoa học chuyên môn của các chuyên ngành khác nhau, ít xuất hiện trong giao tiếp thường ngày.
Ví dụ: thơ cũ, thơ mới, thơ.. (nghiên cứu văn học); vectơ, đoạn thẳng (trong hình học). Thuật ngữ khoa học là từ ngữ mang khái niệm cơ bản liên quan mật thiết đến ngành khoa học, là công cụ để tư duy khoa học. Những thuật ngữ này được xây dựng trên nền tảng những từ ngữ thông dụng, ví như trong hình học có: điểm, đường, đoạn thẳng, góc,…, cũng có thể vay mượn từ hệ thống ngôn ngữ khoa học nước ngoài như: cacbonat canxi, oxi, nito (hóa học),…
- Đôi khi sử dụng thuật ngữ cần chú ý sự chính xác về khái niệm khoa học mà nó biểu thị. Ví dụ điển hình như trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, từ nước có thể mang cac sắc thái nghĩa khác nhau; nhưng trong Hóa học hay cụ thể hơn là một văn bản nghiên cứu về các phản ứng Hóa học thì nó chỉ dùng để biểu thị một khái niệm: hợp chất của hidro với oxi theo công thức hóa học H2O.
- Ngoài ra, tính khái quát, trừu tượng của phong cách ngôn ngữ khoa học còn được thể hiện qua bố cục kết cấu của văn bản khoa học (qua các phần, chương, mục, đoạn). Kết cấu mạch lạc, rõ ràng, với luận điểm khoa học từ khái quát đến cụ thể, từ cấp độ cao đến thấp, từ lớn đến bé. Điều này để phục vụ cho tính khái quát và hệ thống của các văn bản khoa học.
2.2. Tính lí trí, logic
- Văn bản khoa học mang nét đặc trưng cả về lý trí lẫn logic xuyên suốt cả trong nội dung khoa học và phương tiện ngôn từ. Về mặt ngôn từ, tính lí trí, logic thể hiện trong các sử dụng từ ngữ nhất là thuật ngữ khoa học đã được nêu trên mục 2.1. Giống như tính khái quát, tính lí trí, logic cũng được thể hiện trong câu văn, bố cục cấu tạo đoạn văn và văn bản.
Về phương diện ngôn từ trong văn bản khoa học, phần lớn từ ngữ được sử dụng là từ một nghĩa. Người ta không sử dụng từ đa nghĩa, không dùng từ theo nghĩa bóng và không sử dụng các biện pháp tu từ.
Câu văn trong các văn bản khoa học phải mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau, là một đơn vị thông tin, cú pháp chuẩn, được xây dựng từ nền tảng hai khái niệm khoa học trở lên theo một mối quan hệ nhất định. Có thể nói mỗi câu văn tương đương với một phán đoán logic.
Ví dụ: Trái đất là một hành tinh trong hệ Mặt trời.
“ Những phát hiện của nhà khảo cổ nước ta chứng tỏ Việt Nam xưa kia đã từng là nơi sinh sống của người vượn. Năm 1960 tìm thấy ở núi Đọ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nhiều hạch đá, mảnh tước, rìu tay có tuổi 40 vạn năm. Cùng năm đó phát hiện ở núi Voi, cách núi Đọ 3 km, một di chỉ xương (vừa là nơi cư trú, vừa là nơi chế tạo công cụ) của người vượn, diện tích 16 vạn m2. Ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng đã tìm thấy công cụ đá của người vượn.”
(Sinh học 12)
Tính lí trí, logic cũng thể hiện ở cấu tạo đoạn văn và cả bố cục văn bản. Giữa các câu cần sự liên kết chặt chẽ, sự logic và đảm bảo sự mạch lạc cho từng câu văn trong đoạn. Vì điều này phục vụ cho các lập luận khoa học sẽ được thể hiện trong các đoạn của văn bản khoa học. Chung quy lại, toàn bộ văn bản khoa học thể hiện một lập luận logic, từ bước đặt vấn đề cho đến khâu cuối cùng là kết luận.
Ví dụ: "Trên cơ thể người có những cơ quan thoái hóa, tức là di tích của những cơ quan xưa kia khá phát triển ở động vật có xương sống. Ruột thừa là vết tích ruột thịt đã phát triển ở động vật ăn cỏ. Nếp thịt nhỏ ở khóe mắt là dấu vết mí mắt thứ ba ở bò sát và chim. Mấu lồi ở mép vành tai phía trên của người là di tích đầu nhọn của vành tai thú"
(Sinh học 12, NXB Giáo dục,2006)
Từng câu văn ở ví dụ trên đều thể hiện một lập luận chặt chẽ nhất định. Các luận điểm được trình bày rõ ràng, sau mỗi một luận điểm lớn kèm theo sau bởi dẫn chứng cụ thể đầy tính thuyết phục và logic.
- Qua đó để thấy được qua câu từ, cách biểu đạt, kết cấu đoạn văn, văn bản đều thể hiện rõ nét đặc trưng tính lí trí, logic của phong cách ngôn ngữ khoa học.
2.3. Tính khách quan, phi cá thể
- Khoa học luôn mang tính khái quát cao nên ít biểu hiện cảm xúc cá nhân, mang sắc thái trung hòa phần nhiều. Đó là một nét đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ khoa học; sử dụng ngôn ngữ khách quan và phi cá thể. Ngôn ngữ trong văn bản khoa học, điển hình như văn bản khoa học giáo khoa, văn bản khoa học chuyên sâu đều hạn chế nhất có thể việc biểu đạt những cảm xúc cá nhân vào văn bản.
-Tính phi cá thể và tính khách quan là đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ khoa học, hoàn toàn khác so với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm chất của người sử dụng nó.
3. Soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học: Hướng dẫn trả lời câu hỏi
3.1. Câu 1 (Trang 76 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
a) Văn bản đã trình bày những nội dung khoa học về văn học sử dựa trên bối cảnh phát triển, các giai đoạn phát triển, thành tựu và đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX.
b) Văn bản thuộc ngành khoa học xã hội (nghiên cứu văn học).
c) Ngôn ngữ khoa học dễ dàng nhận biết qua các điểm:
- Tất cả các đề mục được sắp xếp theo hệ thống rất mạch lạc, rõ ràng, logic và có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
- Hệ thống các thuật ngữ khoa học mang nét đặc trưng của lĩnh vực văn chương thể hiện rõ nét qua hình ảnh, tác phẩm, chất suy tưởng, nguồn cảm hứng, phê bình văn học và cảm hứng lãng mạn..
3.2. Câu 2 (Trang 76 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Các ví dụ điển hình giải thích và phân biệt thuật ngữ khoa học với từ ngữ thông thường - Đoạn thẳng:
+ Ngôn ngữ thông thường: Đoạn không gấp khúc, cong queo, theo một hướng nhất định, không bị lệch sang một bên nào cả.
+ Ngôn ngữ khoa học: là một khái niệm cơ bản trong toán học, cụ thể là một phần của đường thẳng bị giới hạn bởi hai đầu mút, là quỹ tích tất cả những điểm nằm giữa hai đầu mút trong quan hệ thẳng hàng.
- Mặt phẳng:
+ Ngôn ngữ thông thường: Bề mặt của một vật bằng phẳng, không lồi lõm, gồ ghề, .
+ Ngôn ngữ khoa học: là một khái niệm hình học cơ bản, tập hợp tất cả các điểm trong không gian ba chiều, một mặt hai chiều phẳng kéo dài vô hạn.
- Góc:
+ Ngôn ngữ thông thường: Là vị trí thể hiện giới hạn một phần của một vật.
+ Ngôn ngữ khoa học: Phần mặt phẳng giới hạn bởi hai nửa đường thẳng cùng xuất phát từ một điểm cho trước.
- Đường tròn:
+ Ngôn ngữ thông thường: Một nét có dạng hình tròn.
+ Ngôn ngữ khoa học: Đường tròn là một hình khép kín đơn giản chia mặt phẳng ra làm 2 phần gồm : phần bên ngoài và phần bên trong. Trong khi đường tròn ranh giới của hình thì hình tròn bao gồm cả ranh giới và phần bên trong.
- Góc vuông:
+Ngôn ngữ thông thường: là góc cạnh mà người có thể quan sát dễ nhất.
+ Ngôn ngữ khoa học: góc được tạo bởi 2 đường thẳng có một điểm chung, có số đo góc chính xác bằng 90 độ, tương đương với 1/4 vòng tròn.
- Từ đó ta có thể thấy từ ngữ khoa học có tính khái quát, chính xác cao, mang quan niệm của chuyên ngành khoa học, có hệ thống và vô cùng trừu tượng. Còn từ ngữ trong giao tiếp thương ngày mang tính cụ thể, sinh động, dễ hiểu, giàu sắc thái biểu cảm.
3.3. Câu 3 (Trang 76 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
- Thuật ngữ khoa học: mảnh tước, di chỉ xưởng, khảo cổ, hạch đá, người vượn, rìu tay, công cụ đá,..
- Phân tích tính lí trí, logic:
Mỗi câu văn trong đoạn văn là một đơn vị thông tin, hay chính là đơn vị phán đoán logic. Các câu trong văn bản đều chứa các thuật ngữ khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử. Đoạn văn đã dùng từ một nghĩa và không sử dụng biện pháp tu từ. Cấu tạo đoạn văn theo lối khai triển diễn dịch câu đầu nêu luận điểm, các câu sau đưa ra dẫn chứng để bổ sung cho luận điểm đó theo hệ thống hết sức rõ ràng và logic với nhau.
3.4. Câu 4 (Trang 76 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Từ lâu, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng và gần như quyết định sự sống còn của con người và các sinh vật khác trên Trái Đất. Nước chiếm ¾ diện tích của hành tinh chúng ta đang sống với các đại dương sông lớn, cùng vô số biển và ao hồ, sông suối. Nước góp phần to lớn trong sự hình thành và phát triển của các tế bào sinh học và quyết định trực tiếp đến thời tiết, khí hậu. Nước là thứ vô cùng cần thiết không thể thay thế. Ví dụ điển hình như nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày của con người, nước dùng để uống, để chế biến thực phẩm, để tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh… Ta còn có thể thấy được tầm quan trọng của nguồn nước trong việc phát triển các ngành kinh tế: cung cấp nước cho tưới tiêu nông nghiệp, phát triển ngành thủy điện.. Nhưng có một điều đáng buồn đó chính là nguồn nước giờ đây đang bị ô nhiễm ở mức đáng báo động, nhiều dòng sông trở thành nơi xả thải của nhiều khu nhà máy, xí nghiệp. Hậu quả là trên thế giới rất nhiều quốc gia hiện nay đang thiếu nước sạch trầm trọng đe dọa đến sự sống của con người. Trên thực tế, ta có thể thấy rằng nhiều căn bệnh của con người sinh ra là bởi nguồn nước không đảm bảo chất lượng, ô nhiễm một cách trầm trọng. Một khi nguồn nước bị ô nhiễm thì sức khỏe của con người sẽ bị hủy hoại phải kể đến như tỉ lệ ung thư hay sảy thai ở phụ nữ sẽ gia tăng.Theo một số thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường, mỗi năm ở Việt Nam, trung bình có hơn 9000 trường hợp tử vong và gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do nguồn nước sinh hoạt hằng ngày kém chất lượng. Chính vì điều đó, chúng ta cần chung tay để bảo vệ nguồn nước nói riêng và trái đất nói chung ngay từ những hành động nhỏ nhất.
Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết nội dung soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học - Ngữ văn 12. Hi vọng rằng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về bài học trước khi đến lớp. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!