Tuy nhiên, từ tiết lộ của chị trong Forbes Vietnam Women’s Summit 2019, thì có một thời gian chị không cảm thấy hạnh phúc vì bị mất phương hướng. Và nếu không nhờ nụ cười rạng rỡ của cậu con trai khi ‘nhặt nắng’ hẳn chị đã không thức tỉnh, hoặc nếu chậm thay đổi nhận thức, có khi tinh thần của chị đã bị bào mòn kiệt quệ.
Chị Jang Kều kể: Ở thời điểm đó, chị một mình phải trông coi hơn chục công ty đồng thời còn phải chăm sóc cậu con trai bị tự kỷ. Như những người mẹ khác, chị đã rất buồn lòng với tình trạng của con cái, đồng thời có một nỗi ám ảnh là phải bằng mọi giá khiến em bé trở lại bình thường.
"Có bệnh phải vái tứ phương", chị Jang Kều đã mang con đi khắp nơi, tới những vùng đất xa xôi và làm những thứ mà mình từng không tin, như "tìm kiếm linh hồn" của con trai ở tận xứ Basque - Tây Ban Nha. Mỗi khi về nhà, chị lại bắt đầu uốn nắn con trai với những mệnh lệnh kiểu "con phải làm thế này, con không được làm thế kia".
"Một ngày nọ, một người bạn ở Hà Nội vào chơi và tặng tôi một bó hoa theo mùa mà Hà Nội mới có. Tôi rất vui! Vì vui nên tôi để con trai tự chơi theo ý thích, muốn làm gì thì làm. Trong lúc trò chuyện, tôi và bạn mình thấy thằng bé đưa tay ‘nhặt nắng’ và cười rất vui vẻ. Chưa bao giờ, tôi lại thấy con hạnh phúc như thế!
Chợt tôi nhận ra: người ta chỉ hạnh phúc khi làm điều mình muốn và vì tôi chưa hạnh phúc, nên tôi không thể khiến con trai hạnh phúc. Rằng, mỗi người khác nhau nên làm những điều khác nhau, chỉ cần chúng khiến chúng ta vui vẻ - thoải mái là được", chị Jang Kều hồi tưởng.
Sau đó, chị Jang Kều ngồi xuống và tự vấn bản thân: điều gì khiến mình hạnh phúc. Thế rồi, chị chợt nhớ đến những niềm vui mà mình có được từ những lần tham gia các dự án cộng đồng hay giúp đỡ các bạn cùng lớp đóng học phí thời sinh viên; nỗi day dứt khi thấy những ngôi nhà tan hoang trong những lần đi từ thiện cùng bạn bè.
Từ ánh mắt vô hồn
"Từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ, trong con người tôi luôn có cả hai "con người": một con người kinh doanh và một con người hoạt động xã hội". Tôi luôn tìm mọi cơ hội để có thể kiếm ra tiền và dùng tiền để giúp người khác. Tôi đã làm tất cả những điều đó vì đó là những điều tôi thích", nhà sáng lập dự án Sống Foundation Phạm Thị Hương Giang từng chia sẻ mục đích sống của mình trong một buổi hội thảo do tạp chí Forbes tổ chức.
Chị Giang vốn là người Hà Nội nhưng từ năm cuối đại học đã tham gia dự án bảo vệ nôi trường trong nuôi trồng thủy sản. Điều này khiến mẹ chị vô cùng thất vọng khi con gái mình lại về vùng quê Thanh Hóa, Nghệ An, Huế và ở cùng những nông dân để giúp họ bảo vệ môi trường. Sau này khi làm kinh doanh, giảng dạy, chị cũng chỉ có một thôi thúc duy nhất là dùng tất cả năng lượng, sự sáng tạo của mình để giúp đỡ cộng đồng.
Thời điểm năm 2008, chị Giang thành lập một công ty về thương hiệu và thường xuyên cùng các thành viên công ty cũng như nhóm bạn chơi Vespa cổ tham gia cứu trợ lũ lụt bằng quần áo, thực phẩm, tiền bạc,… Cho đến năm 2009 khi miền Trung trải qua trận lũ lịch sử, nhóm cứu trợ của chị Giang đến giúp đỡ một trường tiểu học tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Dù lũ đã rút đi từ lâu nhưng trường vẫn ngập khoảng 1m. Sau khi hỗ trợ sách vở, thiết bị học tập, tiền để trường có thể phục hồi lại, đoàn cứu trọ quyết định đi vào làng để thăm gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn nhất.
"Thực ra khi đi từ đường quốc lộ vào trường đã thấy rất hoang tàn rồi, trên hàng rào, dây điện treo lủng lẳng rác, rơm,… Lũ ngập quá cao, rất đau thương. Khi bước vào làng thì cảnh tượng không còn gì có thể nói được. Chúng tôi chỉ có nhìn thấy hai bên là nền nhà, tất cả đều biến mất. Thỉnh thoảng gặp 1 vài người túm tụm, đi lại, nói chuyện chia nhau gói mỳ tôm, lương khô và quần áo rách. Lúc đấy tôi thấy làm sao có thể kinh khủng như thế.
Tôi bắt gặp một cụ già đứng trên một nền nhà của cụ, dưới là mấy xong nồi đen cũ rích, tay cầm cái cuốc. Tôi chạy đến hỏi "Cụ ơi cụ đã có gì ăn chưa" và tôi đứng ngay trước mặt. Lúc đó hỏi cụ mấy câu, cụ không trả lời.
Tôi nhận ra cụ mất hết nhà cửa, mất hết tài sản, mất cả bàn thờ mà trên tay là ảnh thờ của cụ bà. Cái quan trọng là cụ đã mất hết niềm tin, mất hết cả hy vọng vào tương lai và cụ không quan tâm ngày mai nó sẽ như thế nào nữa", chị Giang nhớ lại.
Chị đứng trước mặt cụ già nhưng dường như vô hình với cụ. Trong đầu chị bật ra câu hỏi "Làm sao mình có thể giúp được những người nghèo như cụ có một căn nhà an toàn". Và từ đó chị quyết định mình sẽ không đi cứu trợ nữa.
Chị sẽ không tặng mỳ, không tặng tiền, không tặng gạo, không tặng nước nữa mà cần phải tìm ra cách xây được căn nhà an toàn cho người dân.
4 năm ấp ủ và chiếc quan tài trên gác xép
Mãi rất lâu, 4 năm sau nhà sáng lập Sống Foundation vẫn không tìm ra được giải pháp nào phù hợp cho ý tưởng của mình. Tình cờ đến năm 2013 trong một trận lũ lịch sử khác lớn hơn tại miền Trung, chị Giang bắt gặp trên Facebook hình ảnh một ngôi nhà đặc biệt. Một người bạn tại Hà Tĩnh đăng một tấm ảnh về một ngôi nhà cổ bằng gỗ nhưng có 6 cột bê tông mới cùng cầu thang đi lên nhà. Ngôi nhà này kỳ lạ này được một người hàng xóm là tiến sỹ vật liệu nhẹ xây tặng vì tiếc cái nhà cổ kia sẽ bị hỏng mất.
"A, đây sẽ là 1 ý tưởng, đây sẽ là cách thức nếu cộng đồng chung tay giúp xây nền tảng khung nhà, ít nhất người nghèo nhất có thể bê những gì họ có lên trên. Và như thế cả người cho và người nhận đều thấy có phần của mình trong đó. Mình có đóng góp chứ không đơn thuần là mình nhận. Sự giúp đỡ của người cho cũng đỡ nặng nề hơn.", chị Giang nảy ra ý tưởng đầu tiên về Nhà chống lũ.
Sau khi tham khảo thông tin từ bạn bè làm kiến trúc sư, chị Giang được biết mô hình này sẽ mất khoảng 25 triệu đồng chi phí. Theo chị đây là con số không lớn và cộng động từ 5,7 hay 10 người hoàn toàn có thể đóng góp 25 triệu để giúp đỡ người dân làm căn nhà như thế này.
Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để gây quỹ dựng những ngôi nhà như vậy? Chị Giang có niềm tin xã hội giống như một hình tam giác và 3 yếu tố quan trọng nhất của 1 xã hội gồm: Sáng tạo, nhân văn và bền vững. Dẫn dắt xã hội là sự sáng tạo. Nếu không có sự sáng tạo, phát minh sáng chế thì xã hội không thể phát triển được nhưng giá trị nền tảng của một xã hội là giá trị nhân văn, văn hóa, tình cảm con người với nhau. Những sản phẩm sáng tạo dựa trên sự nhân văn sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội. Khi xã hội càng có các giá trị nhân văn thì diện tích của xã hội càng lớn hơn, giá trị tốt đẹp của xã hội cũng lớn hơn.
"Tôi có gọi điện cho người bạn và quyết định 2 tuần sau sẽ gây quỹ. Hai tuần sau là buổi gây quỹ đầu tiên bằng hình thức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi đấu giá được 200 triệu từ các tác phẩm nghệ thuật mà tôi có, bạn bè tôi có cùng nhau đem ra đấu giá. Sau đó 1 ngày chúng tôi bắt tàu về Hương Sơn, Hà Tĩnh để xây 5 căn nhà đầu tiên", chị Giang nhớ về thời điểm dự án Nhà chống lũ bắt đầu đi vào thực tế.
Đến Hương Sơn, ngôi nhà khiến chị nhớ nhất trong quãng thời gian thực hiện dự án là của cụ Hồ Thị Nga, 83 tuổi. Cụ rất già. Cụ ở trong một ngôi nhà bằng gỗ, rêu mốc, nghiêng sang 45 độ. Nhiều thành viên không dám bước vào vì sợ sập bất cứ lúc nào.
"Tôi chui vào và nói chuyện với cụ. Ngay khi tôi ngước mắt nhìn lên trên thì nhìn thấy một cái quan tài để trên gác xép. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao để quan tài trong nhà vì mình thấy lạ. Thường mọi người sẽ rất sợ", nhà sáng lập này nhớ lại.
Cụ trả lời cách đây 3 năm từng có một trận lũ rất lớn. Cụ Nga và cụ ông trốn lên gác xép tránh lũ. Cụ ông ốm quá và mất ở trên đó. Khi mất thì cụ Nga cũng chỉ kịp làm cho cụ ông bát cơm để ăn nhưng sau đó mãi lũ mới rút, hơn 10 ngày sau. Nhưng sau đó mọi người không quá tập trung cho 1 cụ già mất mà còn dồn lực đến phụ nữ mang thai, em nhỏ, những người bệnh tật, những người bị thương do quá trình lũ lụt. Cụ Nga đã lấy manh chiếu rách để quấn chồng mình đi chôn vì lúc đấy không thể có quan tài được.
"Tôi không thể khóc được và nghĩ tại sao những người đã có cuộc sống khó khăn đến mức độ như này mà thậm chí không còn mơ ước gì tương lai mà chỉ nghĩ một điều duy nhất là cái chết thôi. Vì vậy sau khi chồng cụ mất, có bao nhiêu tiền bạc hoa màu con cái cho cụ gom góp lại mua một cái quan tài và để trên gác xép. Cụ nói tôi để đây để nếu có lũ lớn mà tôi ốm thì tôi sẽ nằm sẵn vào đây, để tôi sẽ chết trong quan tài không như chồng tôi", chị ngậm ngùi chia sẻ.
Sau khi tìm hiểu, dự án Nhà chống lũ động viên cụ dỡ căn nhà, bán đống gỗ được 10 triệu, thuyết phục ba người con gái đi lấy chồng xa của cụ thêm được mỗi người 6 triệu nữa là 28 triệu và bắt đầu xây nhà.
600 năm xây nhà và ý nghĩa cuộc đời
Sau vài năm dự án Nhà chống lũ hoạt động, có phóng viên hỏi từng chị Giang sẽ xây bao nhiêu căn nhà, bao giờ chị sẽ dừng lại.
"Việt Nam bây giờ có 120.000 căn nhà đã bị lũ cuốn trôi hoặc sụp đổ hoàn toàn. Nếu chị xây nhanh nhất với tốc độ như năm nay là 200 căn nhà/năm thì chúng ta cần 600 năm để xây. Nhưng mỗi năm có 5.000-7.000 căn nhà bị lũ cuốn trôi. Chúng ta có xây đuổi theo cũng không bằng số mới lũ cuốn đi. Câu hỏi sẽ là xây đến bao giờ?", chị Giang trả lời.
Từ đây chị viết ra một mô hình phát triển cộng đồng được tạo ra bởi 3 yếu tố: Cộng đồng bền vững (xây nhà, làm nhà hạnh phúc,..), Môi trường bền vững (dự án hạnh phúc xanh, trồng cây nhiều hơn,…), Năng lực con người bền vững (nâng cao năng lực con người ở các vùng thiên tai, bão lũ, người thành phố sống sao để xanh, hài hòa, nương vào thiên nhiên).
Nhà sáng lập Sống Foundation tin rằng chị hay Nhà chống lũ sẽ không đơn độc vì có rất nhiều tổ chức đang làm nỗ lực vì cộng đồng khác tồn tại. Thêm vào đó dự án này không chỉ là những căn nhà đơn thuần mà là sự thay đổi của hàng trăm gia đình. Họ đã hoàn toàn thay đổi nhận thức sống, cách tiếp cận cuộc sống.
"Họ đã thực sự vững vàng ước mơ cho tương lai, chứ không chỉ chờ đợi người khác đến xây cho họ căn nhà. Toàn bộ những gia đình được giúp đỡ đều đã tự tin để thay đổi cuộc sống. Đó là lúc tôi nhận thấy, mình tìm được đam mê, vì mình có thể thực sự làm được điều gì đó ý nghĩa và giúp cho người khác làm được điều ý nghĩa cho chính cuộc đời của họ và cho những người xung quanh", chị Giang đúc kết lại.
Tổng hợp từ cafebiz.vn & infonet.vietnamnet.vn