Bộ não là cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể con người. Thông qua hình ảnh giải phẫu não, có thể thấy cấu tạo não người vô cùng tinh vi, phức tạp.
Tìm hiểu các thông tin về não người, cấu tạo của não gồm những gì, bộ não con người có những chức năng gì hay làm sao duy trì sức khỏe, chức năng của não bộ tốt nhất sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ não, qua đó bảo vệ nhiều cơ quan khác trên cơ thể.
Não là gì?
Bộ não con người là một cơ quan vô cùng phức tạp, được tạo thành từ hàng tỷ tế bào gọi là tế bào thần kinh (nơron thần kinh). (1)
Có thể nói, não bộ chính là một “trung tâm điều hành” có nhiệm vụ chi phối, điều khiển mọi chức năng của cơ thể. Não cùng với tủy sống, các dây thần kinh phối hợp lại tạo nên hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi. Hệ thống thần kinh vận hành nhờ vào quá trình chuyển tiếp tín hiệu điện qua lại từ não đến tủy sống, các dây thần kinh và đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.
60% bộ não con người được làm từ chất béo. 40% còn lại là sự kết hợp của nước, protein, carbohydrate và muối. Trung bình, bộ não con người có kích thước khoảng 140 x 167 x 93 mm.
Vị trí của bộ não
Não bộ nằm ở phần đầu của cơ thể, được bao phủ bởi lớp vỏ xương gọi là hộp sọ. Vai trò của hộp sọ là bảo vệ não khỏi các sang chấn tác động từ bên ngoài và giữ ổn định, tránh rung lắc gây ra khi con người di chuyển, xoay đầu… Phân cách giữa hộp sọ và não là màng não, bao gồm ba lớp mô có nhiệm vụ che phủ và bảo vệ hệ thần kinh trung ương.
Giải phẫu não người cấu tạo như thế nào?
1. Giải phẫu não bộ tổng thể
Cấu tạo của não được chia làm 3 phần là đại não, tiểu não và thân não. (2)
Đại não
Trong cấu tạo của não thì đại não là phần lớn nhất. Đại não tạo nên bởi chất xám và chất trắng nằm xen kẽ nhau. Chất xám nằm nông bên ngoài đại não tạo nên vỏ não (vỏ xám) và trong các nhân não (nhân xám) vùi trong khối chất trắng trung tâm. Vỏ não tuy mỏng nhưng lại có có diện tích bề mặt rất lớn do cấu trúc nhiều nếp gấp, chiếm khoảng một nửa trọng lượng của não. Phần còn lại của đại não gồm có vùng đồi thị, vùng dưới đồi, nhân bèo, thể vân, hồi hải mã,… đều là các nhân xám nằm sâu bên trong khối não bộ.
Về mặt đại thể, khối đại não được chia thành hai nửa hay còn gọi là hai bán cầu và được bao phủ bởi các nếp gấp cũng như các đường gờ của vỏ não. Hai nửa bán cầu nối với nhau bằng một cầu nối (thể chai), băng qua một rãnh lớn và sâu được gọi là khe não dọc (khe liên bán cầu) chạy dọc từ phía trước đầu ra phía sau. Mỗi bán cầu não gồm có 4 thùy: Thùy trán, Thùy đỉnh, Thùy chẩm và Thùy thái dương.
Bán cầu não phải điều khiển phần bên trái của cơ thể và bán cầu não trái thực hiện điều khiển phần bên phải của cơ thể. Khi một bên não bị tổn thương thì bên đối diện của cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, đột quỵ ở bán cầu não phải có thể khiến tay trái và chân trái bị liệt.
Hai nửa bán cầu não thực hiện giao tiếp với nhau thông qua một cấu trúc lớn hình chữ C gồm chất trắng và các đường dẫn thần kinh băng ngang qua khe não dọc được gọi là thể chai. Thể chai nằm ở trung tâm của não.
Đại não có khả năng thực hiện các chuyển động, điều chỉnh nhiệt độ, điều khiển các giác quan (nhìn, nghe, ngửi, nếm, cảm giác) và khả năng cao cấp của cơ thể con người (giao tiếp, phán đoán, suy nghĩ và lý luận, giải quyết vấn đề, học tập,…). Đại não còn là bộ phận não bộ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của con người.
Tiểu não
Khác với đại não, tiểu não là một phần não có kích thước bằng nắm tay nằm ở phía sau đầu, bên dưới thùy thái dương và thùy chẩm. Tiểu não nằm phía sau thân não về mặt giải phẫu. Tiểu não cũng có hai bán cầu giống như đại não.
Cũng tương đồng với đại não, về mặt cấu trúc, phần nông bên ngoài của tiểu não chứa chất xám và khu vực bên trong của tiểu não sẽ thực hiện chức năng giao tiếp với vỏ não (chức năng của chất trắng). Chức năng của chính của tiểu não đầu tiêu là phối hợp các chuyển động cơ bắp có chủ ý tạo nên các động tác tinh vi, chính xác; ngoài ra còn có duy trì tư thế, sự thăng bằng. Các nghiên cứu mới đang khám phá vai trò của tiểu não trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi xã hội, cũng như khả năng liên quan của tiểu não đến chứng nghiện, chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt.
Thân não
Thân não nằm ở giữa não kết nối não với tủy sống. Về mặt tiến hóa, thân não là phần cổ xưa nhất của não.
Thân não bao gồm não giữa, cầu não và tủy:
- Trung não (não giữa): Trung não là phần cao nhất của thân não, được đánh giá là một cấu trúc rất phức tạp với nhiều cụm neuron thần kinh, các đường dẫn thần kinh và các cấu trúc khác. Những cấu trúc phức tạp này tạo điều kiện thuận lợi dể dẫn truyền tín hiệu của nhiều chức năng khác nhau của cơ thể, từ thính giác, chuyển động đến tính toán phản ứng và thay đổi môi trường. Mặc khác, trung não cũng chứa chất đen, một nhóm tế bào thuộc nhóm hạch nền có khả năng tạo ra dopamin, có liên quan rất nhiều đến bệnh lý Parkinson.
- Cầu não: Cầu não là nguồn gốc của 4 trong số 12 cặp dây thần kinh sọ, giúp thực hiện nhiều hoạt động thiết yếu như sản xuất nước mắt, nhai, chớp mắt, tập trung thị giác, giữ thăng bằng, thính giác và biểu hiện nét mặt.
- Hành não: là phần dưới cùng của thân não, hành não là nơi não kết nối trực tiếp của não bộ với tủy sống. Đồng thời hành não chứa các nhân giữ vai trò quan trọng cho sự sống còn. Hành não có chức năng điều chỉnh nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm nhịp tim, nhịp thở, lưu lượng máu, nồng độ oxy và carbon dioxide. Hành não cũng là trạm trung gian cho các phản xạ như hắt hơi, nôn, ho và nuốt. Hành não kéo dài từ cầu não và xuyên qua một lỗ lớn ở đáy hộp sọ liên tục thành tủy sống và chạy trong ống sống. Được hỗ trợ bởi các đốt sống, tủy sống mang các tín hiệu dẫn truyền đến và đi, giao liên giữa não và phần còn lại của cơ thể.
2. Giải phẫu vi mô
Cấu trúc tế bào của não bao gồm chủ yếu là tế bào thần kinh (neuron) và các tế bào có chức năng hỗ trợ cho tế bào thần kinh, chúng được gọi là tế bào thần kinh đệm. Có 4 nhóm tế bào thần kinh đệm chính là tế bào hình sao, tế bào thần kinh đệm ít nhánh, tế bào biểu mô lót ống nội tủy và tế bào thần kinh đệm nhỏ (vi bào đệm). Trong đó, tế bào hình sao là loại tế bào thần kinh đệm lớn nhất. (3)
Những tế bào thần kinh đệm này khi tiến triển theo hướng bệnh lý khối u, chúng tạo ra các khối u thần kinh đệm, chẳng hạn như u tế bào hình sao, u tế bào thần kinh đệm ít nhánh và u nguyên bào thần kinh đệm.
Hình ảnh não người
Hình ảnh não người thường có thể được quan sát bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính,… Một số hình ảnh não người được hiển thị ở các góc độ khác nhau và được quan sát bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác nhau như sau:
Bộ não người hoạt động như thế nào?
Não thu nhận các tín hiệu từ khắp nơi trong cơ thể. Các tín hiệu ở nhiều dạng thức khác nhau, nhu xung động âm thanh, quang học ánh sáng, hóa học như đau,… đều được chuyển đến não để thực hiện diễn giải từng quá trình đó.
Một số thông tin truyền đến não sẽ được lưu trữ trong “bộ nhớ” ngắn hạn và dài hạn (bài học, mùi hương, ký ức và cảm xúc,..). Trong khi số khác thì được xử lý và phản hồi lại thông qua hệ thống ly tâm để đến các bộ phận tương ứng (phản xạ). Cụ thể Để làm được điều này, hệ thần kinh trung ương dựa vào hàng tỷ tế bào thần kinh có trong não.
Chức năng của não bộ
Não bộ giữ nhiều chức năng quan trọng. Trong đó, các chức năng chính bao gồm: (4)
- Suy nghĩ và quyết định.
- Tạo dựng và lưu giữ ký ức, cảm xúc.
- Chuyển động (chức năng vận động), thăng bằng và phối hợp.
- Nhận thức về các cảm giác khác nhau bao gồm cả đau đớn.
- Kiểm soát cách hành vi như thở, nhịp tim, giấc ngủ và kiểm soát nhiệt độ. (5)
- Điều hòa chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
- Chức năng ngôn ngữ và lời nói.
Mỗi bộ phận khác nhau trong cấu trúc não bộ sẽ phối hợp với các bộ phận khác nhau để điều khiển cơ thể và thực hiện các chức năng khác nhau.
Các bệnh lý về não thường gặp
1. Đau đầu
Đau đầu là một trong những bệnh lý thần kinh não bộ phổ biến nhất. Có hơn 150 loại đau đầu khác nhau, chẳng hạn như đau nửa đầu vô căn hay đau đầu do căng thẳng,… Và đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thần kinh khác như đột quỵ, u não, chấn thương sọ não,…
2. Bệnh lý mạch máu não
Bệnh mạch máu não bao gồm một nhóm tình trạng ảnh hưởng đến lưu lượng máu và các mạch máu trong não. Các vấn đề về mạch máu não có thể kể đến như hẹp mạch máu não, vỡ mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu não,…
Bệnh lý mạch máu não vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
3. Viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng viêm, sưng nề màng bảo vệ bao phủ não và tủy sống. Các triệu chứng của viêm màng não phát triển đột ngột và có thể bao gồm: sốt cao, đau đầu, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, co giật,…
4. Động kinh
Động kinh là một bệnh lý mạn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích cùng lúc một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não. Điều này tạo nên sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Bệnh động kinh dù đã được khảo sát và hiểu biết rất chuyên sâu, cho đến hiện tại vẫn còn khoảng 30-40% không tìm thấy nguyên nhân cụ thể.
Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau như co cứng, co giật một phần hoặc toàn bộ cơ thể, các cơn vắng ý thức đột ngột,…
Có nhiều nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh động kinh bao gồm: Yếu tố di truyền, chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, viêm não, viêm màng não,…
5. Đột quỵ não
Đột quỵ não còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi não bị tổn thương đột ngột do mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não). Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu thế giới.
Đột quỵ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, người bệnh có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Hơn 90% bệnh nhân sống sót phải mang thương tật vĩnh viễn như liệt chi, liệt nửa người, co cứng gân cơ, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc,…
6. Parkinson
Bệnh Parkinson khởi phát khi các tế bào thần kinh trong chất đen dần dần bị phá vỡ hoặc chết đi. Hiện nay, chưa xác định chính xác được nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khi xem xét các trường hợp bệnh, có thể xác định được các yếu tố làm tăng và giảm biểu hiện parkinson. (6)
Người bệnh parkinson có thể có biểu hiện “chậm” trong việc thực hiện một động tác bất kỳ (bradykinesia) , run (tremor) hay cứng cơ (stiffness of muscle)
Bên cạnh việc thiếu hụt dopamine, các yếu tố đóng vai trò kích thích bệnh có thể kể đến như yếu tố môi trường. Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm, bụi bẩn,… dễ mắc bệnh hơn so với những người khác. Tuy nhiên, yếu tố môi trường chỉ là một nguyên nhân nhỏ.
Gen di truyền cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, không có quá nhiều người bệnh Parkinson do di truyền, ngoại trừ một số trường hợp có nhiều thành viên trong gia đình cùng gặp căn bệnh này.
7. Sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một dạng của hội chứng suy giảm trí nhớ, khiến người bệnh hay quên, không hoặc khó có khả năng nhận biết về thời gian và không gian, suy giảm khả năng suy nghĩ, không thể kiểm soát được hành vi và gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Bệnh thường gặp ở người cao tuổi do sự lão hóa của não. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ còn có thể xuất hiện thứ phát từ một số bệnh lý não như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh trung ương và rối loạn miễn dịch, não úng thủy,…
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình 3 giây sẽ có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ và dự đoán vào năm 2030, tỷ lệ người mắc bệnh là 82 triệu người. Đến năm 2050, con số này có thể lên đến 152 triệu người.
8. Alzheimer
Bệnh Alzheimer là loại thoái hóa thần kinh gây bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất. Nguyên nhân gây bệnh có thể bao gồm sự kết hợp của những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong não, cùng với các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống.
Các triệu chứng ở người mắc bệnh Alzheimer thường bao gồm:
- Không có khả năng giao tiếp.
- Không có nhận thức về những trải nghiệm gần đây hoặc môi trường xung quanh.
- Giảm cân, ít quan tâm đến việc ăn uống.
- Co giật.
- Suy giảm thể chất nói chung, bao gồm các vấn đề về răng, da và chân.
- Khó nuốt.
- Ngủ nhiều.
9. Não úng thủy
Não úng thủy (chứng đầu nước) là sự tích tụ chất lỏng trong các khoang não thất sâu bên trong não, thường gặp ở trẻ em. Thông thường, dịch não tủy được tạo mới và dẫn lưu từ khoang ngoại tủy, bể chứa, hệ thống não thất, đến hạt màng não để trao đổi với hệ thống tĩnh mạch. Một sự bất thường trên con đường hồi lưu của dịch não tủy, khiến chúng ứ đọng, làm tăng kích thước của não thất và gây áp lực lên não.
Não úng thủy có thể do di truyền, có thể liên quan đến các rối loạn phát triển như tật nứt đốt sống hoặc thoát vị não, hoặc xảy ra do khối u não, chấn thương đầu, xuất huyết não hoặc các bệnh như viêm màng não.
10. U não
U não là sự phát triển một cách bất thường của một nhóm tế bào thần kinh hoặc thần kinh đệm. Các khối u não có thể diễn ra trong mô não hoặc nằm ở các vị trí lân cận bao gồm dây thần kinh, tuyến yên, tuyến tùng và màng não. U não có thể là u lành tính hoặc u ác tính hay còn được gọi là ung thư não.
11. Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (TBI) xảy ra khi một chấn thương bất ngờ gây tổn thương não, có thể do một cú đánh hoặc té ngã gây đập mạnh phần đầu vào vật thể cứng như nền đất,… Mức độ có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Với những chấn thương sọ não nhẹ, hầu hết mọi người đều phục hồi hầu hết hoặc toàn bộ chức năng não mà không phải can thiệp điều trị chuyên sâu. Ngược lại, khi có chấn thương sọ não nặng, người bệnh có thể phải cần trải qua những can thiệp và phẫu thuật thần kinh và để lại di chứng ít nhiều lên hệ thống não bộ.
12. Xuất huyết não
Xuất huyết não (chảy máu não) là một loại đột quỵ não. Nguyên nhân là do động mạch trong não bị vỡ và gây chảy máu cục bộ ở các mô xung quanh. Tình trạng chảy máu sẽ giết chết các tế bào não và gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
13. Tụ máu não
Tụ máu não là tình trạng tụ máu trong hộp sọ. Nguyên nhân thường do mạch máu bị vỡ trong não. Máu có thể tích tụ trong mô não hoặc bên dưới hộp sọ, gây áp lực lên não.
Các triệu chứng thường gặp đối với người bị tụ máu não bao gồm: Đau đầu nghiêm trọng, nôn mửa, buồn ngủ và mất ý thức dần dần, chóng mặt, lú lẫn, nói lắp, rối loạn vận động, co giật, hôn mê bất tỉnh,…
14. Phù não
Phù não là tình trạng sưng não xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ não của bạn do chất lỏng tích tụ quá nhiều trong mô não. Hộp sọ có chức năng bảo vệ não nhưng không thể giãn nở để chứa thêm chất lỏng nên dẫn đến sưng não. Nhiều nguyên nhân có thể gây sưng não, bao gồm chấn thương đầu, đột quỵ, ung thư và các bệnh khác.
Cách chăm sóc não bộ khỏe mạnh
Não bộ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Do đó, việc chăm sóc não bộ khỏe mạnh là việc đặc biệt cần thiết và đáng lưu tâm:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên cũng có lợi cho não. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người vận động, tập thể dục nhiều có khả năng bị suy giảm chức năng tâm thần và có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn. Nên tập thể dục vài lần mỗi tuần, mỗi lần tập trong 30 đến 60 phút. Bạn có thể đi bộ, bơi lội, chơi cầu lông hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động thể dục nào mà mình yêu thích.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ của bạn. Một số giả thuyết cho rằng giấc ngủ giúp loại bỏ các protein bất thường trong não và củng cố ký ức, giúp tăng cường trí nhớ tổng thể và sức khỏe não bộ. Nên ngủ bảy đến tám giờ liên tục mỗi đêm, không ngủ những giấc ngủ ngắn hai hoặc ba giờ. Ngủ liên tục giúp não có thời gian củng cố và lưu trữ ký ức một cách hiệu quả.
- Tương tác xã hội: Tương tác xã hội giúp tránh khỏi trầm cảm và căng thẳng, có thể góp phần làm mất trí nhớ và tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh khác. Hãy tìm kiếm cơ hội kết nối với những người thân yêu, bạn bè và những người khác, đặc biệt nếu bạn sống một mình.
- Xây dựng lối sống khoa học: Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất béo và dầu mỡ, tránh uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích,… giúp góp phần cải thiện sức khỏe não bộ.
- Rèn luyện trí não: Bộ não của bạn giống như một cơ bắp. Bạn cần sử dụng và luyện tập thường xuyên. Có rất nhiều điều bạn có thể làm để giữ cho bộ não của mình luôn khỏe mạnh, chẳng hạn như chơi trò chơi ô chữ hoặc Sudoku, đọc sách, chơi bài hoặc ghép hình,…
- Bảo vệ vùng đầu: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc khi tham gia các môn thể thao, các trò chơi nguy hiểm, khi đến công trường xây dựng, khi leo trèo trên cao,… giúp hạn chế não bị tổn thương do va đập, chấn thương.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Việc thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và kiểm soát tốt các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn mắc các bệnh lý gây tổn thương não bộ như huyết áp cao, bệnh tim mạch, thiếu máu não, béo phì,… Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các bệnh lý trực tiếp ở não như u não, phình, hẹp mạch máu não…
Câu hỏi thường gặp
1. Não người nặng bao nhiêu?
Bộ não con người có trọng lượng khoảng 1,4 - 1,5 kg. Trong đó, chiếm hơn 80% khối lượng não là phần vỏ não, tức vỏ não sẽ nặng xấp xỉ 1,2 kg và tiểu não nặng 0,1 - 0,2 kg. (7)
2. Não người có bao nhiêu nơron thần kinh?
Có bao nhiêu tế bào thần kinh trong não người hay có bao nhiêu nơron thần kinh trong não người? Nếu bộ não loài gặm nhấm thông thường chỉ có khoảng 12 tỷ nơron thần kinh thì bộ não con người lại có đến 86 tỷ nơron thần kinh, gấp hơn 7 lần.
Mặc dù vỏ não chiếm hơn 80% khối lượng não nhưng số lượng tế bào thần kinh tương đối ở vỏ não chiếm khoảng 19% tế bào thần kinh não. Phần tiểu não có chứa đến 69 tỷ nơron thần kinh còn vỏ não chỉ có khoảng 16 tỷ nơron thần kinh.
3. Khi nào não ngừng phát triển?
Các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết bộ não con người phải mất khoảng 25 năm để phát triển, mặc dù tỷ lệ này có thể khác nhau giữa nam và nữ và giữa các cá nhân. Điều này có nghĩa là sau 25 tuổi, não bộ con người sẽ bắt đầu hoàn tất quá trình phát triển, làm cho não khó tiếp thu những kiến thức mới.
Phần não phía sau trán, được gọi là vỏ não trước trán (thùy trán) là một trong những phần cuối cùng của não phát triển và “trưởng thành”. Từ 25 tới khoảng 60 tuổi, não bộ của bạn vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định và sau 60 tuổi, bạn có thể bắt đầu có những dấu hiệu sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức do sự lão hóa của não bộ.
Tóm lại, não là một phần của hệ thống thần kinh trung ương điều khiển nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm chuyển động, suy nghĩ, học tập, nhận thức… Mỗi người cần bảo vệ não bộ, thăm khám sức khỏe định kỳ bởi đây là bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể.