Đặt ra nhiều kì vọng
Cô Nguyễn Thị Cẩm Hường - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP. Cần Thơ) - chia sẻ: Chương trình mới tập trung phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh về đọc, viết, nói, nghe, đồng thời phát huy được tính tích cực chủ động, khả năng tư duy của các em.
“Giáo viên chỉ trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu. Đây là yêu cầu mới về phương pháp giảng dạy đối với môn Ngữ văn 10”, cô Hường nói.
Còn về việc kiểm tra, đánh giá học sinh được tiếp cận và giải quyết một văn bản mới hoàn toàn chứ không ra đề lại những tác phẩm đã học. Nhờ đó thầy cô có thể thực hiện linh hoạt nhiều hình thức như đối thoại trên lớp, đánh giá giữa các học sinh, đánh giá qua dự án, hồ sơ học tập...
Cô Hoài Danh - Giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Thực hành Sư Phạm (tỉnh An Giang) cho rằng, ưu điểm lớn nhất của chương trình mới là phần Làm văn có bảng kiểm giúp học sinh tự đánh giá và giáo viên có cơ sở rõ ràng, thống nhất trong việc đánh giá học sinh.
Cùng với đó là phát huy được kĩ năng thuyết trình, kĩ năng nhận xét, đánh giá cho học sinh. Học sinh không bị đặt nặng về kiến thức mà có thể nắm kĩ năng và tự học, tự mở rộng thêm theo thể loại, theo kết cấu bài học từ văn bản, các em chủ động học nhờ vào hệ thống câu hỏi trong bài học rất rõ ràng.
Nhiều thách trức trong quá trình triển khai
Ở một góc nhìn khác, nhiều giáo viên cho rằng chương trình mới hoàn toàn mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, hình thức kiểm tra, đánh giá mở… điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giáo viên và học sinh trong quá trình triển khai.
Cô L.T (Giáo viên Ngữ văn tại An Giang) nhận định, chương trình mới hiện nay khá nặng với giáo viên và học sinh. Học sinh làm việc nhiều nhưng không thật sự hiệu quả. Tính tích cực, chủ động cũng chỉ tập trung ở một số em, nhiều em nhút nhát nên không phát huy được năng lực gì của bản thân.
Bên cạnh đó, nguồn học liệu chưa phong phú và thực ra học sinh cũng chưa quen đọc tài liệu mới này nên khó tiếp nhận.
Hình thức kiểm tra mới nên việc dạy kĩ năng cho học sinh là rất khó đối với giáo viên. Bởi trước giờ tâm lý học sinh là học gì thi đó hoặc tham khảo các bài mẫu thì nay phải tiếp thu bài học theo cách thức và yêu cầu mới hoàn toàn.
Do đó, học sinh chưa quen, các em không có đủ kiến thức để phân tích một tác phẩm khi chưa được học. Vì thế nên bài làm đơn điệu, chủ yếu là suy diễn chứ không biết cảm nhận.
Đặc biệt, cùng một lúc các môn học đều yêu cầu học sinh phải chuẩn bị, trình bày, nhận xét, học theo phương thức mới nên dường như học sinh bị quá tải, khiến giáo viên dạy cũng rất vất vả.
Mặt khác, cô Hoài Danh chia sẻ, nhất là đối với các em học sinh học chương trình SGK cũ ở bậc trung học cơ sở, xong lên lớp 10 liền phải học SGK mới, vì thế các em bị thiệt thòi nhiều.
“Việc ra đề văn bản ngoài SGK cũng khiến một số em không chịu học bài, không kiên trì học ghi nhớ như trước, dần tạo cho các em sự lười biếng. Tuy nhiên, phải qua một thời gian nữa mới đánh giá được hết, nhưng trước mắt, nếu học sinh không thay đổi cách học hoặc chay lười thì không thể tiếp cận được SGK mới này”, cô Danh nói.
Cũng theo cô Danh, giáo viên hiện đang gặp nhiều thách thức, nhất là những giáo viên lớn tuổi, việc cập nhật kiến thức của các văn bản mới là một vấn đề khó vì khả năng ghi nhớ và tiếp cận công nghệ không được như giới trẻ.