Giới sinh vật ngày càng phát triển phong phú và đa dạng, ước tính khoảng 10 triệu đến 14 triệu loài khác nhau đang sinh sống trên bề mặt Trái Đất. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể hơn về khái niệm giới cũng như cách phân loại và đặc điểm của từng giới.
Giới sinh vật là gì?
Giới (Regnum) là đơn vị phân loại lớn nhất trong sinh học, giới sẽ bao gồm các ngành sinh vật có chung những đặc điểm nhất định. Hiện nay, giới sinh vật được phân loại thành các đơn vị cơ bản theo trình tự nhỏ dần gồm: Giới -> Ngành -> Lớp -> Bộ -> Họ -> Chi -> Loài.
Phân loại 5 giới sinh vật
Từ năm 1969, hệ thống phân loại 5 giới do nhà sinh thái người Mỹ R.H.Whitaker đề xuất đã được công nhận rộng rãi, bao gồm: Giới khởi sinh - Monera (gồm vi khuẩn), Giới nguyên sinh - Protista (gồm động vật nguyên sinh và tảo), Giới nấm - Fungi, Giới thực vật - Plantae, Giới động vật - Animalia. Sự phân chia này dựa trên đặc điểm cấu tạo tế bào, mức độ tổ chức cơ thể, khả năng dinh dưỡng, kiểu dinh dưỡng,… Dưới đây là chi tiết đặc điểm các giới.
- Giới Khởi sinh (Monera)
Giới Khởi sinh (Monera) là nhóm sinh vật xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất, đã từng là nhóm chiếm thế mạnh. Giới Khởi sinh gồm những sinh vật có cấu tạo tế bào nhân sơ, với nhiều hình dáng khác nhau, kích thước chỉ từ 1-5 micromet. Nhóm Khởi sinh có mặt trong đất, nước, không khí và cả trên cơ thể của các sinh vật khác. Đặc biệt chúng ta chỉ thấy sinh vật của giới này qua kính hiển vi.
- Đại diện: Vi khuẩn.
- Đặc điểm cấu tạo: Tế bào nhân sơ, đơn bào, kích thước nhỏ (1 - 5 mm).
- Phương thức sinh sống: Đa dạng như hoại sinh, ký sinh, tự dưỡng, dị dưỡng…
- Phân bố: Vi khuẩn phân bố rộng rãi.
- Giới Nguyên sinh
Giới Nguyên sinh (Protista) bao gồm những sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, cơ thể phần lớn là đơn bào, một số có diệp lục, chúng sống theo kiểu dị dưỡng hoặc tự dưỡng trong môi trường nước và trên cả cơ thể sinh vật khác. Giới Nguyên sinh được chia thành 3 nhóm là động vật nguyên sinh, thực vật nguyên sinh và nấm nhầy.
- Tảo: Thuộc sinh vật nhân thực, đơn hoặc đa bào, sắc tố quang hợp, quang tự dưỡng, sống ở nước.
- Nấm nhầy: Là sinh vật nhân thực, dị dưỡng, hoại sinh. Cơ thể của nấm nhầy tồn tại ở 2 pha: pha đơn bào giống trùng amip, và pha hợp bào là khối chất nhầy chứa nhiều nhân.
- Động vật nguyên sinh: Đa dạng, là những sinh vật nhân thực, dị dưỡng hoặc tự dưỡng.
- Giới Nấm
Giới Nấm (Fungi) gồm những sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, cơ thể đơn hoặc đa bào, cấu trúc dạng sợi, thành tế bào chứa kitin, không có lục lạp, lông, roi. Phương thức sinh sống kí sinh, hoại sinh hoặc cộng sinh.
- Đại diện: Nấm men, nấm sợi, nấm đảm, địa y.
- Đặc điểm chung: Tế bào nhân thực, cơ thể đa bào phức tạp, cấu trúc dạng sợi, phần lớn thành tế bào có chứa kitin.
- Sinh sản: Hữu tính và vô tính nhờ bào tử.
- Phương thức sinh sống: Sống dị dưỡng, hoại sinh, sống cố định.
- Giới Thực vật
Giới Thực vật (Plantae) gồm những sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, cơ thể đa bào, có khả năng quang hợp, sống tự dưỡng cố định, không có khả năng di chuyển. Chúng được chia thành các nhóm: Rêu - Thực vật không có mạch, Dương xỉ - Thực vật không có mạch, không có hạt, Hạt trần - Thực vật có mạch, có hạt và Hạt kín - Thực vật có mạch, có hoa và có hạt.
- Đại diện: Rêu, quyết, hạt trần, hạt kín.
- Đặc điểm: Đa bào phức tạp, tế bào nhân thực, có khả năng quang hợp, sống tự dưỡng, có thành tế bào được cấu tạo bằng Xenlulozơ.
- Vai trò: Thực vật cung cấp thức ăn cho giới động vật, điều hòa khí hậu, hạn chế xói mòn, sạt lở, lũ lụt, hạn hán, giữ nguồn nước ngầm, cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người.
- Phương thức sinh sống: Sống tự dưỡng, quang hợp, sống cố định.
- Giới Động vật
Giới Động vật (Animalia) gồm những sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, cơ thể đa bào, sống dị dưỡng, có khả năng di chuyển nhanh, phản ứng nhanh, cơ thể có cấu trúc phức tạp, chuyển hóa cao. Nhóm giới động vật có mặt khắp nơi trên Trái Đất, chia thành 2 nhóm chính gồm:
- Nhóm động vật không xương sống (ruột khoang, giun, chân khớp, thân mềm) .
- Nhóm động vật có xương (cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú).
Giới động vật có vai trò to lớn giúp góp phần làm cân bằng hệ sinh thái, cung cấp thức ăn, nguyên liệu cho con người.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 10 triệu đến 14 triệu loài sinh vật, trong đó có 4.000 loài thú, hơn 6.000 loài bò sát, hơn 9.000 loài chim, 30.000 loài cá, hơn 15.000 loài thực vật trên cạn… Không dừng lại ở đó, càng ngày các nhà phân loại học càng phát hiện ra thêm nhiều loài mới, lạ độc đáo, minh chứng cho sự đa dạng và phong phú của giới sinh vật.
>>> Xem thêm: Phân tích vai trò của vi sinh vật trong đời sống con người