Nếu thấy một khối nổi gồ sưng đau bỗng nhiên xuất hiện ở trong ống tai hoặc ở vùng cửa tai thì đó có thể là nhọt tai. Nhọt trong tai cũng không phải là hiếm và thường hay bị nhầm lẫn với mụn trong tai, dẫn đến việc đánh giá và điều trị không phù hợp, do đó dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Để hiểu rõ nhọt trong tai là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhọt ở tai ra sao, mời bạn tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Giải đáp thắc mắc: Nhọt trong tai là gì?
Nếu phát hiện bên trong lỗ tai hoặc quanh vùng cửa tai có một cục nổi gồ lên lớn hơn hạt đậu, sưng đau, có cảm giác hơi mềm khi sờ vào thì nhiều khả năng bạn đã bị nổi nhọt ở tai. Nhọt có thể có màu đỏ hồng, màu trắng hoặc tâm màu vàng.
Nhọt hình thành khi vùng da ở tai bị nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển trong nang lông hoặc tuyến bã nhờn. Khi mủ tích tụ trong nhọt càng ngày càng nhiều, da sẽ mỏng đi và vỡ gây thoát mủ ra ngoài.
Nhọt trong tai thường gây đau nhức dữ dội không những ở vùng tai mà còn lan lên đầu hoặc xuống hàm. Ngoài triệu chứng đau, đôi khi nhọt lớn làm bít tắc ống tai gây ù tai, nghe kém khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu.
Dẫu rằng, hầu hết các trường hợp nhọt trong tai đều có thể tự khỏi theo thời gian hoặc có thể được khắc phục tại nhà, tuy nhiên, đối với những trường hợp diễn biến nặng hoặc nhọt hay tái phát thì cần phải được thăm khám và điều trị thích hợp.
Nguyên nhân mọc nhọt trong tai
Nguyên nhân
Bị nổi mụn nhọt trong tai là bệnh gì, nguyên nhân do đâu? Theo các chuyên gia, tác nhân chủ yếu gây nhọt trong tai là vi khuẩn thuộc loài Staphylococcus, điển hình là Staphylococcus aureus. Tuy nhiên, nó cũng có thể do các loại vi khuẩn khác hoặc vi nấm khác sống thường trú trên bề mặt da gây ra.
Nhọt hình thành khi vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng nang lông. Mủ do các tế bào chết, xác vi khuẩn, xác bạch cầu, dịch viêm tích tụ mà thành. Đầu tiên, phản ứng viêm ở sâu dưới bề mặt da, sau khi mủ tích tụ dần sẽ “trồi” lên khỏi bề mặt lúc đó ta mới có thể nhìn thấy nhọt được.
Các đối tượng có nguy cơ cao nổi nhọt ở tai
Khoảng 10-20% dân số có vi khuẩn Staphylococcus aureus sống thường trú ở trên da. Trong số đó, những đối tượng có nguy cơ cao nhọt trong tai bao gồm:
- Người có tổn thương da ở vùng đó như bị trầy xước, bị đứt rách hoặc có vết côn trùng cắn
- Người đang bị các bệnh về da khác
- Những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đang có nhiễm trùng da
- Người có bệnh tiểu đường
- Người có hệ thống miễn dịch yếu
- Người sử dụng tai nghe không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng chung tai nghe với người đang bị nhiễm trùng
- Người thường xuyên tắm hoặc bơi lội trong vùng nước bị nhiễm bẩn
- Người xỏ lỗ tai bị kích ứng da hoặc nhiễm trùng…
Phân biệt nhọt và mụn trong tai
Nhọt trong tai thường bị nhầm lẫn với mụn trong tai. Khi nói đến cụm từ “bị nổi mụn” người ta thường nghĩ tới những rắc rối về mặt thẩm mỹ, sợ… “bị xấu” hơn là những khó chịu về thể chất do nó gây ra. Nhưng, một khi đã nói đến “bị nhọt” thì vấn đề sẽ trở nên thực sự khó chịu. “Ung nhọt” nào cũng gây nên cái đau nhức nhối, nhất là khi nhọt lại mọc ở… trong tai. Để phân biệt giữa nổi mụn và mọc nhọt trong ống tai, cần hiểu rằng:
- Mụn (pimple) trong tai là một loại mụn mủ nhỏ xảy ra khi ống tuyến bã sản xuất dầu nhờn bị tắc, gây nhiễm trùng và sưng tấy. Tuyến bã thường nằm nông, gần bề mặt da. Khi da không được vệ sinh, nhờn tích tụ cùng các tế bào da chết, bụi bẩn sẽ kết mảng làm bít tắc và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm.
- Nhọt (boil) trong tai hình thành khi nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển ở nang lông, nằm ở phần sâu của lớp trung bì. Đây là một tình trạng nhiễm trùng sâu trong da nên ít lộ ra ngoài trong giai đoạn đầu. Ổ nhiễm trùng sẽ lớn hơn và đau nhức hơn so với bị mụn.
Tóm lại, là mụn, nhọt hay thậm chí là áp xe thì bản chất cũng là một ổ mủ được hình thành do nhiễm trùng, chỉ khác nhau về “tầm vóc” mà thôi.
Triệu chứng mọc nhọt trong tai
Nhọt bắt đầu hình thành với một phản ứng viêm nhỏ ở nang lông, sau đó sẽ lan rộng ra, sưng đỏ. Sau vài ngày, mủ sẽ dần tích tụ làm ổ viêm lớn lên, áp lực trong ổ mủ tăng gây đè ép, căng mỏng lớp bề mặt da, dẫn tới vỡ và chảy mủ.
Các triệu chứng nổi nhọt trong tai bao gồm:
- Ngứa trong giai đoạn đầu tại vị trí nổi nhọt hoặc xung quanh nhọt
- Nổi một cục u, sung huyết đỏ, cứng dưới da
- Đau nhức dữ dội trong tai, thậm chí lan lên đầu và xuống hàm, nhất là khi đụng chạm, nắm kéo vành tai
- Khô da, bong tróc da trên đầu nhọt
- Vỡ chảy dịch hoặc mủ.
Có thể có một hoặc nhiều nhọt trong tai cùng một lúc. Nếu không được điều trị, trạng thái nhiễm trùng có thể tiến triển và lan rộng tạo ra một cụm nhọt lớn được gọi là hậu bối (carbuncle) có đường kính từ 2-10 cm. Lúc này triệu chứng sẽ rầm rộ và tình trạng bệnh sẽ trở nên trầm trọng, đe dọa các biến chứng như viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết… gây nguy hiểm tính mạng.
Nhọt ở tai được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán
Khi thăm khám bằng mắt thường hoặc sử dụng các loại đèn và nội soi chuyên dụng, bác sĩ sẽ nhìn thấy nhọt. Đồng thời, bác sĩ có thể hỏi người bệnh về một vài triệu chứng, mức độ, thời gian xuất hiện các triệu chứng đó cũng như hỏi tiền sử về các bệnh có nguy cơ nếu có.
Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi:
- Thấy ngứa tai rồi đau tai từ khi nào?
- Trước đó có tác động gì vào tai không?
- Có cảm thấy chỗ sưng ngày càng lớn, càng gây khó chịu không?
- Có mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh ngoài da, suy giảm miễn dịch… không?
- Đã xử trí hoặc dùng thuốc không kê đơn (OTC) nào chưa?
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể phải lấy mẫu mủ ở nhọt để tìm xem loại vi khuẩn nào đang gây ra nhiễm trùng và làm kháng sinh đồ để quyết định dùng loại kháng sinh nào cho hiệu quả.
Điều trị
Tùy thuộc vào từng giai đoạn, kích thước của nhọt, diễn tiến và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Nếu nhọt trong tai thể nhẹ thì có thể tự khỏi mà không cần phải đi khám và điều trị. Tuy nhiên, sẽ cần phải can thiệp y tế nếu thấy các biểu hiện sau:
- Nhọt cứ tái đi tái lại
- Nhọt không tự khỏi sau 2 tuần
- Nhọt càng ngày càng gây đau nhức dữ dội
- Sưng tấy có xu hướng lan rộng
- Sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn.
Khi bị nhọt trong tai ở mức độ từ trung bình đến nặng, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống, đường tiêm hoặc dạng bôi tại chỗ để tiêu diệt vi khuẩn bên trong nhọt và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng gây biến chứng.
Nếu nhọt lớn, đã qua giai đoạn viêm tấy, tích tụ mủ nhiều và rõ ràng thì cần phải chích rạch để dẫn lưu.
Nếu đau nhức nhiều, bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau hoặc bệnh nhân có thể tự mua các thuốc giảm đau không cần kê đơn (OTC) như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Biện pháp xử trí và phòng ngừa nhọt mọc trong tai tại nhà
Biện pháp xử trí
Trong nhiều trường hợp, nhọt mọc trong tai có thể tự khỏi khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Cách chữa nhọt trong tai tại nhà như sau:
- Dùng thuốc giảm đau không kê toa (OTC) nếu đau, khó chịu
- Chườm ấm nhẹ nhàng vùng tai bằng gạc vô trùng để thúc đẩy nhọt “chín” và nhanh vỡ mủ một cách tự nhiên
- Khi nhọt đã vỡ, cần lau chùi và vệ sinh bằng dung dịch sát trùng tại chỗ. Đặt và băng gạc vô trùng nếu cần
- Lưu ý, không nên nặn bóp, chọc, gãi hoặc cố gắng làm vỡ nhọt trong tai. Tránh tạo áp lực lên nhọt vì điều này có thể khiến niễm trùng lan rộng.
Phòng ngừa nhọt ở tai
Ngoài việc ấp dụng các cách trị mụn nhọt trong lỗ tai kể trên, thì để tránh nguy cơ bị mọc nhọt trong tai, cần thực hiện những điều sau:
- Giữ vệ sinh tai đúng cách
- Tránh gây tổn thương cho da ống tai
- Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau và các vật dụng chăm sóc cá nhân khác
- Tránh dùng chung tai nghe
- Khử trùng các bề mặt và các đồ vật thường xuyên tiếp xúc với tai
- Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng bị mọc nhọt trong tai, từ đó có cách xử trí phù hợp.
[embed-health-tool-heart-rate]