Mụn nhọt ở mông là nỗi đau thầm kín đầy nhức nhối, nhất là khi sưng to, mưng mủ, cản trở mọi hoạt động sống thường ngày. Tùy vào từng mức độ bệnh, cần có phương pháp phù hợp để điều trị, giúp mụn nhọt mau chóng xẹp xuống, hết sưng đau và không để lại sẹo. Vậy, khi bị mụn nhọt sưng to ở mông thì phải chữa như thế nào?
1. Cách chữa mụn nhọt sưng to ở mông
Mụn nhọt ở mông gây ra do lỗ chân lông bị bít tắc, dẫn đến viêm nang lông ở mông, dày sừng nang lông hoặc do áp xe da. Nếu mụn nhỏ, đau nhẹ, không thấy ngòi, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi giúp mụn mau xẹp. Nhưng nếu mụn mọc ở dạng mụn viêm, mụn mủ, đau nhức khó chịu, để lâu ngòi mụn chuyển từ màu trắng sang vàng thì cần tìm gặp bác sĩ điều trị ngay. Thông thường, có các biện pháp điều trị như sau:
1.1. Sử dụng thuốc bôi trị mụn nhọt ở mông
Tùy thuộc mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để ngăn chặn tình trạng viêm sưng tại ổ mụn viêm, giảm đau, thuốc kháng nấm hoặc ký sinh trùng,… Hầu hết các trường hợp bị mụn nhọt ở mông đều sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh bôi ngoài như Mupirocin, Neomycin, Axit fusidic, Benzoyl peroxide,… Nếu mụn sưng to, ngòi viêm ngả vàng nghiêm trọng thì sẽ cần uống thuốc kháng sinh như Metronidazol, Cephalosporin, Ciprofloxacin…
Các loại thuốc này đều chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn để trị bệnh, không được dùng lâu dài. Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần có sự cho phép của bác sĩ. Sử dụng đúng liều lượng như đơn đã kê để đạt hiệu quả trị bệnh tốt nhất. Tránh tự ý thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc, sẽ khiến bệnh nhờn khó chữa.
1.2. Có cách chăm sóc vùng da viêm cẩn thận
Vì mụn nhọt ở mông rất dễ bị vỡ, khiến cho vi khuẩn lây lan sang vùng da lành, gây ra bội nhiễm nghiêm trọng. Cần có phương pháp chăm sóc thật cẩn thận để bảo vệ an toàn cho vùng da này.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ vùng mông, cần tắm rửa, vệ sinh ngay sau khi đổ mồ hôi.
- Sử dụng sữa tắm, dung dịch vệ sinh chứa benzoyl peroxide để vệ sinh vùng da mông, nhằm sát trùng, kháng khuẩn và làm sạch vùng mụn viêm một cách an toàn. Bệnh nhân nên hỏi tư vấn của bác sĩ để lựa chọn được sản phẩm an toàn nhất cho làn da của mình.
- Dưỡng ẩm cho vùng da này bằng các loại dược phẩm lành tính, nhằm tạo lớp màng chắn bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh bên ngoài.
- Luôn mặc các loại trang phục mềm mại, thông thoáng, mát mẻ. Tránh mặc trang phục chật, bó, bí bách, ma sát mạnh lên vùng mông khiến mụn nhọt ở mông bị vỡ.
1.3. Cách trị mụn nhọt ở mông tại nhà từ tự nhiên
Bởi mụn nhọt ở mông khi sưng to thì khá nguy hiểm, các bác sĩ da liễu thường không khuyến nghị bệnh nhân áp dụng các phương pháp điều trị bằng thiên nhiên tại nhà. Đặc biệt là khi các nguyên liệu tự nhiên không được đảm bảo nguồn gốc an toàn, sạch sẽ, bị nhiễm tạp chất thì càng gây hại hơn cho sức khỏe làn da.
Nếu bệnh nhân muốn sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên lành tính để làm dịu vết thương, song song với việc điều trị bằng thuốc, thì cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi thực hiện. Đây là một số bài thuốc an toàn có thể hỗ trợ chữa mụn nhọt sưng to ở mông:
- Trị mụn nhọt ở mông bằng kem đánh răng: Dùng kem đánh răng màu trắng thoa lên vùng da bị mụn. Thành phần Sodium pyrophosphate trong đó sẽ giúp diệt khuẩn, kháng viêm tại ổ mụn.
- Dùng lá mồng tơi: Lá mồng tơi rửa sạch, lau khô, giã nát rồi đắp trực tiếp lên mụn nhọt ở mông. Để nguyên trong 20 phút rồi rửa sạch bằng nước mát.
- Dùng tỏi: Đắp 2 - 3 lát tỏi tươi lên nốt mụn, để trong khoảng 3 phút rồi rửa lại bằng nước mát. Tỏi có công dụng kháng khuẩn tốt, đồng thời giúp đẩy cồi mụn lên nhanh hơn.
2. Cách nặn mụn nhọt ở mông
Nhiều người cho rằng, khi bị mụn chỉ cần nặn được nhân ra là khỏi. Tuy nhiên, đối với mụn nhọt sưng to ở mông, tuyệt đối không được tự nặn mụn. Khi ổ viêm bị vỡ ra, rất dễ bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm. Chưa kể, vi khuẩn còn lây lan sang các vùng da lành, khiến cho tình trạng mụn nhọt ngày càng nặng hơn.
Đặc biệt là đối với trẻ em và bà bầu, bị mụn nhọt ở mông lại càng cần cẩn trọng hơn. Nếu tự ý nặn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.
3. Mụn nhọt ở mông bao lâu thì khỏi?
Tùy vào mức độ sưng viêm mà mỗi phương pháp điều trị sẽ đem lại hiệu quả trong một thời gian nhất định. Nhưng chắc chắn một điều rằng, nếu bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ tư vấn thì bệnh tình sẽ mau chóng thuyên giảm.
Với trường hợp chỉ cần dùng thuốc điều trị, mụn sẽ xẹp nhanh chỉ sau 1 - 2 tuần. Với trường hợp mụn nhọt sưng to hoặc áp xe, sẽ cần can thiệp phẫu thuật và thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn.
4. Mụn nhọt ở mông kiêng ăn gì?
Trong thời gian điều trị, để mụn nhọt mau chóng xẹp đi và hiệu quả chữa trị đến nhanh hơn, bệnh nhân cần kiêng một số thực phẩm sau:
- Thức ăn cay nóng, có nhiều tiêu, tỏi, ớt.
- Đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo.
- Đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất hóa học độc hại.
- Nước uống có gas, đồ uống có cồn, đồ uống chứa caffein.
- Đồ ngọt chứa nhiều đường hóa học.
- Đồ ăn dễ gây dị ứng như trứng, hải sản, nấm,…
5. Cách ngăn ngừa nổi mụn nhọt ở mông
Những thói quen xấu trong sinh hoạt có thể khiến cho mụn nhọt xuất hiện nhiều hơn ở vùng mông. Vì thế, cần thay đổi những thói quen đó để ngăn ngừa mụn:
- Thường xuyên mặc trang phục chật chội, bó kín, gây cọ xát nhiều ở vùng mông sẽ gây ra mụn. Vì thế, cần sử dụng trang phục rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
- Thay, giặt quần áo thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn.
- Vệ sinh sạch sẽ ngay sau khi hoạt động mạnh, đổ nhiều mồ hôi.
- Không ngồi một chỗ quá nhiều, hoặc ngồi một chỗ với một tư thế trong thời gian dài.
Mụn nhọt ở mông gây ra nhiều cơn đau đớn, bức bối mà bệnh nhân thường chẳng muốn chia sẻ với ai. Thế nhưng, ngần ngại để lâu không chữa, không trao đổi với bác sĩ thì sẽ không biết được tình trạng bệnh đang nghiêm trọng mức nào. Mụn nhọt sưng to ở mông có thể dẫn đến bội nhiễm, nhiễm trùng, để lại sẹo vĩnh viễn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì thế, ngay khi phát hiện mông nổi mụn nhọt, bệnh nhân cần tìm đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị ngay!