Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Mụn cóc hay mụn cơm lòng bàn chân là một bệnh ngoài da khá phổ biến do virus HPV type 1, 2, 4, 60 và 63 gây ra. Mụn cóc lòng bàn chân có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên những trường hợp nặng sẽ cần bác sĩ can thiệp y tế.
1. Tổng quan về mụn cóc
Mụn cóc lòng bàn chân (Verruca plantaris) là tên gọi chung của một loại mụn cóc mọc ở lòng bàn chân khá phổ biến. Mụn cóc lòng bàn chân xuất hiện là do virus gây u nhú ở người (HPV) tấn công vào da lòng bàn chân, đặc biệt là virus HPV type 1, 2, 4, 60 và 63.
Virus HPV phát triển mạnh ở những nơi ấm áp và ẩm ướt như sàn phòng thay đồ tập thể và xung quanh bể bơi. Những vũng nước nhỏ trên bề mặt gạch hồ bơi là nơi sinh sản của virus HPV. Chúng lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp qua da và sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn nếu bạn có vết thương hở hoặc vết nứt trên da.
2. Triệu chứng của mụn cóc Plantar
Mụn cóc Plantar có thể gây đau. Một trong những triệu chứng đầu tiên bạn có thể nhận thấy là đau khi đi bộ, tạo áp lực lên bàn chân, hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi.
Khi mụn cóc đã hình thành, bạn sẽ thấy một đốm phẳng bị lõm ở giữa xuất hiện trên da lòng bàn chân. Mụn cóc Plantar thường có màu vàng với lớp vỏ bên ngoài, đôi khi sẽ có thêm một đốm đen ở giữa. Mụn cóc còn có rễ vươn sâu xuống và phát triển bên dưới lớp da lòng bàn chân.
3. Chẩn đoán và điều trị mụn cóc ở lòng bàn chân
Có trường hợp mụn cóc lòng bàn chân sẽ tự khỏi, tuy nhiên số khác vẫn cần được điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà. Nếu bạn phát hiện mình bị mụn cóc lòng bàn chân thì nên đến bác sĩ để kiểm tra, đặc biệt là khi mụn cóc gây đau hoặc lan sang vị trí khác.
Bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị tốt cho từng trường hợp dựa trên mức độ tiến triển của mụn cóc. Chẳng hạn như đối với mụn cóc tái phát, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhằm đảm bảo loại bỏ hoàn toàn. Trong đó, kem axit salicylic và nitơ lỏng là hai phương pháp điều trị phổ biến nhất, có hiệu quả loại bỏ mụn cóc Plantar trong vài tuần.
3.1. Điều trị tại nhà
- Dùng axit salicylic:
Kem bôi hoặc băng dán tẩm axit salicylic có tác dụng "đốt cháy" mụn cóc hiệu quả với giá thành khá rẻ. Axit salicylic được bán rộng rãi trên các hiệu thuốc dưới nhiều dạng và thương hiệu khác nhau mà bạn có thể mua về để sử dụng tại nhà. Tuy nhiên cần đảm bảo thực hiện theo đúng các hướng dẫn trên bao bì và kiên trì dùng thuốc trong ít nhất 12 tuần để thấy hiệu quả.
- Dùng tỏi:
Một số bằng chứng cho thấy tỏi có thể giúp điều trị mụn cóc ở người. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần bóc vỏ tép tỏi tươi và bôi trực tiếp lên mụn cóc. Sau đó dùng băng keo dán kín lại để tỏi thấm vào mụn cóc một thời gian trước khi rửa sạch với nước. Bạn cũng có thể thoa tinh dầu tỏi trực tiếp lên mụn cóc. Lưu ý, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp điều trị thay thế nào.
3.2. Điều trị tại cơ sở y tế
Nếu mụn cóc của bạn sâu hoặc tái phát, cần đến gặp bác sĩ để được kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau. Chẳng hạn, tiến hành song song liệu pháp áp lạnh với axit salicylic sẽ cho kết quả khả quan hơn. Cụ thể:
- Dùng nitơ lỏng để làm đông lạnh và loại bỏ mụn cóc. Một liệu trình áp lạnh cần thực hiện tại bệnh viện từ 2 -3 lần;
- Nạo hoặc cắt bỏ mụn cóc tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể xuất viện trong tối đa 1 ngày, sau đó cần băng kín vết mổ và tránh gây áp lực lên vị trí mụn cóc;
- Bôi một số loại thuốc trực tiếp lên mụn cóc theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Chiếu tia laser để đốt cháy các mạch máu nuôi mụn cóc. Biện pháp này sẽ có hiệu quả nhanh chóng từ 1 -3 lần điều trị, tuy nhiên chi phí sẽ khá cao so với bôi thuốc tại nhà;
Hầu hết các phương pháp điều trị mụn cóc Plantar sẽ mất ít nhất vài tuần để phát huy hiệu quả. Hơn thế nữa, mụn cóc Plantar có thể khó loại bỏ và có xu hướng tái phát trở lại. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo kế hoạch điều trị.
4. Ngăn ngừa mụn cóc Plantar
Để ngăn ngừa bị mụn cóc Plantar, bạn nên ghi nhớ một số lời khuyên sau:
- Luôn mang vớ (tất) hoặc giày dép khi đi lại ở những không gian công cộng, ví dụ như hồ bơi, phòng thay đồ hoặc ký túc xá;
- Nếu đã bị mụn cóc thì phải thay giày và vớ hàng ngày;
- Che kín mụn cóc và rửa tay thường xuyên để tránh lây lan sang người khác;
- Hiện nay đã có vaccin để phòng bệnh gây ra do một số chủng HPV.
Để ngừa các bệnh do virus HPV gây ra, phương pháp hiệu quả nhất được các tổ chức y tế uy tín khuyến cáo là tiêm vắc xin phòng HPV.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin ngừa HPV với 2 loại là: Gardasil 0,5ml (cung cấp bởi MSD - Mỹ) và Cervarix (cung cấp bởi GSK - Bỉ).
Khi lựa chọn dịch vụ tiêm phòng vắc xin tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách sẽ được hưởng các lợi ích sau:
- Khách hàng được các bác sĩ chuyên khoa - Vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc khách hàng sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất cho người tiêm vắc-xin.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho khách hàng trong quá trình tiêm chủng.
- 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng để xử trí các trường hợp như sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Vắc-xin tại bệnh viện được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giúp chất lượng của vắc-xin được đảm bảo tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com