Xét nghiệm axit lactic dehydrogenase (LDH) là một công cụ để tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương mô trong cơ thể. Khi các tế bào bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, enzyme này được giải phóng vào máu hay nội tạng. Bằng việc định lượng trong máu hay trong dịch cơ thể, LDH cao là một bằng chứng giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh lý của bệnh nhân một cách thuận tiện hơn.
1. Xét nghiệm axit lactic dehydrogenase (LDH) là gì?
Xét nghiệm axit lactic dehydrogenase là để đo nồng độ của axit lactic dehydrogenase (LDH) trong máu hoặc đôi khi trong các chất dịch cơ thể khác. LDH là một loại protein đóng vai trò làm enzyme, tham gia một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa tế bào tạo ra năng lượng cho cơ thể. LDH được tìm thấy trong hầu hết các mô của cơ thể, bao gồm cả trong máu, tim, thận, não và phổi.
Khi các mô này bị tổn thương, chúng sẽ giải phóng LDH vào máu hoặc các chất dịch cơ thể khác. Nếu nồng độ LDH trong máu hoặc chất dịch tăng cao, điều đó có nghĩa là một số lượng mô trong cơ thể đã bị tổn thương do bệnh lý hoặc chấn thương.
2. Chỉ định xét nghiệm axit lactic dehydrogenase khi nào?
2.1. Trong máu
Xét nghiệm LDH sẽ được đặt ra khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đang mắc phải một bệnh lý hoặc tình trạng nào đó gây ra tổn thương tế bào hoặc mô. Nếu LDH tăng, cùng với bất thường trên các xét nghiệm khác, chẳng hạn như ALT, AST hoặc ALP, có thể giúp chẩn đoán tình trạng hiện tại và giúp xác định các cơ quan nào có liên quan.
Mức LDH đôi khi cũng có thể tăng lên khi người bệnh bị chấn thương hay đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
2.2. Trong các loại dịch cơ thể
Xét nghiệm LDH sẽ được chỉ định khi một bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng tổn thương tại một cơ quan xác định như viêm màng não, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng. Lúc này, một mẫu máu xét nghiệm LDH đồng thời cũng được thu thập nhằm so sánh và đối chiếu.
Ngoài ra, không chỉ LDH, các chỉ số sinh hóa, tế bào khác trong bệnh phẩm, kể cả soi tìm tế bào lạ, nuôi cấy vi trùng, cũng cần được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán và tìm nguyên nhân.
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm axit lactic dehydrogenase và cách phân tích kết quả
Xét nghiệm LDH được xác định trong máu cũng có quy trình thực hiện tương tự như các xét nghiệm máu thông thường khác. Theo đó, người bệnh không cần nhịn ăn hay cần bất kỳ chuẩn bị gì đặc biệt. Một mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch trên cẳng tay hay khuỷu tay, sau đó cho vào lưu trữ trong ống nghiệm. Toàn bộ các công đoạn tiếp theo được thực hiện tự động hoàn toàn cho đến khi cho ra kết quả. Điều này cũng được thực hiện tương tự đối với bệnh phẩm là các loại dịch trong cơ thể.
Kết quả xét nghiệm LDH có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền căn bệnh lý cũng như phòng xét nghiệm, phương pháp thực hiện xét nghiệm. Chính vì thế, kết quả định lượng của LDH cần được đối chiếu với nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Tuy vậy, phạm vi bình thường cho nồng độ của LDH trong máu là:
- Trẻ sơ sinh: 160 đến 450 đơn vị mỗi lit (UI / L)
- Trẻ sơ sinh: 100 đến 250 đơn vị mỗi lit (UI / L)
- Trẻ em: 60 đến 170 đơn vị mỗi lit (UI / L) ở 30 ° C
- Người lớn hay người cao tuổi: 100 đến 190 đơn vị mỗi lit (UI / L) ở 37 ° C
Nếu kết quả định lượng LDH trong máu của bạn cao hơn bình thường, điều đó có thể có nghĩa là bạn đã bị các tổn thương nội tạng hoặc mô. Tuy nhiên, nồng độ LDH trong máu lại không thể cho biết mô hoặc cơ quan nào đang bị tổn thương, có thể tim, phổi, thận và gan... Các bệnh lý thường có xét nghiệm LDH tăng cao là:
- Hội chứng thiếu máu tán huyết
- Thiếu máu tế bào khổng lồ
- Bệnh lý nhiễm trùng như bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (mono), viêm màng não, viêm não, HIV
- Nhiễm trùng huyết
- Nhồi máu ruột
- Nhồi máu cơ tim
- Thuyên tắc phổi
- Bệnh thận cấp tính
- Bệnh gan cấp tính
- Chấn thương cơ, phần mềm cấp tính
- Viêm tụy
- Gãy xương
- Ung thư tinh hoàn, ung thư hạch hoặc ung thư khác
- Sốc hay tụt huyết áp
- Ngạt do thiếu oxy
Thậm chí, trên các bệnh nhân đang mắc những bệnh tự miễn dịch như lupus, ung thư tiến triển, hóa trị liệu không thành công... cũng có thể khiến cho mức LDH cao hơn.
Trái lại, nồng độ LDH thấp hay bình thường thì không phải là vấn đề nghiêm trọng. Điều này đôi khi cũng gặp phải khi một người tiêu thụ một lượng lớn axit ascorbic (vitamin C).
Đối với các chất dịch cơ thể như dịch não tủy, nếu nồng độ LDH cao có thể cho thấy viêm màng não có khả năng do vi khuẩn gây ra. Ngược lại, nếu giá trị này thấp hoặc bình thường thì cho thấy viêm màng não có khuynh hướng là do virus gây ra.
Đối với dịch màng ngoài tim, màng bụng hoặc dịch màng phổi, LDH cao là một tiêu chuẩn cho sự hiện diện của lượng dịch bất thường này có bản chất là dịch tiết, ngược lại là dịch thấm. Nguyên nhân của dịch tiết thường được gây ra bởi tình trạng suy tim sung huyết hoặc xơ gan. Trong khi đó, dịch tiết là khi có một số nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm cấp tính hay những phản ứng viêm mạn tính. Chính vì thế, LDH trở thành một trong các công cụ chẩn đoán nguyên nhân gây tràn dịch trong các tạng này.
4. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm LDH
Trong quá trình phân tích kết quả, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá trị LDH cần biết để đưa ra nhận định, lập luận. Ví dụ:
- Tập thể dục gắng sức có thể gây ra sự gia tăng tạm thời LDH trong máu.
- Sự tiêu huyết trong mẫu máu có thể gây ra kết quả LDH tăng giả. Điều này có thể xảy ra nếu mẫu được xử lý thô, được bảo quản ở nhiệt độ cao hoặc nếu mẫu khó thu thập.
- Nếu số lượng tiểu cầu của bệnh nhân tăng, LDH huyết thanh có thể cao một cách giả tạo và không phản ánh LDH thực sự có trong tuần hoàn.
- Nếu mẫu máu bị ô nhiễm hay nhiễm trùng do ngoại nhiễm, LDH cũng sẽ cao hơn.
- Nếu có sử dụng thuốc gây mê, aspirin, ma túy và một số loại thuốc khác, xét nghiệm LDH cũng có thể tăng hơn bình thường. Trong khi đó, thuốc có axit ascobic (vitamin C) khi sử dụng lại có thể làm giảm nồng độ LDH. Tương tự như vậy, chất cồn trong bia rượu cũng có thể ảnh hưởng đến mức LDH nói chung.
Tóm lại, mặc dù hiện tại đã có nhiều phương tiện xét nghiệm với độ chuyên biệt cao, vai trò của LDH vẫn giữ một vị trí quan trọng trong xác định và đánh giá tổn thương mô cũng như các tạng trong cơ thể. Tuy nhiên, cần nắm vững các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm này nhằm đưa ra nhận định có tính chính xác cao.
Nguồn tham khảo: webmd.com; medlineplus.gov
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM:
- Xét nghiệm định lượng LDH là gì và khi nào cần thực hiện?
- Chỉ số ALT trong xét nghiệm máu nói gì về sức khỏe của gan?
- Vai trò của ALT và AST trong chẩn đoán các bệnh về gan