Sùi mào gà ở môi do virus HPV có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị sùi mào gà ở môi qua chia sẻ của bác sĩ Huỳnh Hứa Duy Khang, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Sùi mào gà ở môi là bệnh gì?
Sùi mào gà ở môi là bệnh lây qua đường tình dục (STD), nguyên nhân do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Bệnh thường biểu hiệu dưới dạng các nốt sần mềm trên bề mặt da/niêm mạc. Sùi mào gà có thể mọc ở nhiều vị trí trên cơ thể, như bộ phận sinh dục, hậu môn, môi, trong miệng, mắt, họng…
Hiện có khoảng 150 chủng HPV đã được biết, khoảng 40 loại lây qua đường tình dục. Trong đó, HPV-6 và HPV-11 gây 90% số ca bệnh sùi mào gà. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 3-8 tuần, sau đó, triệu chứng sùi mào gà ở môi sẽ xuất hiện dưới dạng mảng trắng hoặc đỏ ở vùng môi, miệng.
Hiện chưa có phương pháp trực tiếp tiêu diệt virus HPV. Tuy nhiên, người bệnh có thể loại bỏ thương tổn sùi mào gà bằng nhiều phương pháp như bôi thuốc, nạo, đốt điện, laser,…
Hình ảnh sùi mào gà ở môi
Nguyên nhân bị sùi mào gà ở môi
Sùi mào gà ở vùng môi thường lây truyền theo những cách sau:
- Quan hệ tình dục qua đường miệng.
- Hôn người đang mắc sùi mào gà, đặc biệt khi có vết thương hở ở vùng môi, miệng.
- Dùng chung vật dụng với người mắc sùi mào gà (ly nước, chén ăn cơm, bàn chải đánh răng, khăn mặt,…).
- Trẻ sinh từ âm đạo của người mắc sùi mào gà, khiến trẻ mắc sùi mào gà bẩm sinh ở những vùng mắt, môi, miệng,…
Các dấu hiệu nhận biết sùi mào gà ở môi
Dưới đây là một số triệu chứng, dấu hiệu sùi mào gà ở môi phổ biến:
- Xuất hiện mảng đỏ, trắng ở vùng miệng và viền môi.
- Vùng môi, miệng xuất hiện những mảng sần, mụn li ti hay nốt sùi có màu da, trắng, hồng hoặc đỏ, kích thước 1-10mm.
- Các nốt sùi có thể tụ thành mảng, bề mặt sần sùi giống súp lơ, màu hồng nhạt hoặc màu da.
- Nốt sùi chảy dịch khi vỡ, có mùi khó chịu.
- Sùi mào gà hiếm khi gây đau, các nốt sùi có thể không thay đổi về mặt kích thước, số lượng trong thời gian dài.
Phân biệt sùi mào gà ở môi và nhiệt miệng
Sùi mào gà ở môi giai đoạn khởi phát thường giống một số bệnh dị ứng da, hạt fordyce hay nhiệt miệng. Khi bệnh đã phát triển thành những mụn sinh dục rõ ràng, người bệnh mới biết mình mắc sùi mào gà. Đối với nhiệt miệng, người bệnh thường có vết loét với bờ đỏ ở vùng môi, miệng (lưỡi, vòm miệng, nướu…) gây đau rát, thường tự khỏi sau 10-15 ngày, không gây sẹo.
Trong khi đó, sùi mào gà không có dấu hiệu trong thời gian ủ bệnh. Triệu chứng sùi mào gà ở môi là mảng đỏ, trắng xuất hiện quanh môi và phát triển thành những nốt sần, mụn tụ thành mảng có hình giống súp lơ.
>> Có thể bạn quan tâm: Sùi mào gà ở miệng, sùi mào gà ở lưỡi
Sùi mào gà ở môi có nguy hiểm không?
Tuy không đe dọa sự sống người mắc, sùi mào gà ở môi có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng sống người mắc. Ngoài ra, virus HPV cũng có thể gây ung thư miệng, khoảng 60%-70% số ca ung thư miệng tại Hoa Kỳ có liên quan đến virus HPV. Người bệnh sùi mào gà ở môi khi quan hệ tình dục bằng miệng có thể lây bệnh cho bộ phận sinh dục của đối tác, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ giới. (1)
Biến chứng sùi mào gà ở môi
Nếu người bệnh không được điều trị, sùi mào ở giai đoạn cuối có thể gây nhiều biến chứng như:
- Vùng da có sùi mào gà bị sưng tấy, đau nhức, viêm loét, chảy dịch, máu.
- Môi biến dạng do các nốt sùi mào gà.
- Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, khiến người bệnh sợ hãi, lo lắng, mệt mỏi, mất tự tin.
- Các tổn thương ung thư có thể cùng phát triển với sùi mào gà, gây chẩn đoán nhầm nếu không sinh thiết.
- Virus HPV có thể gây một số dạng ung thư da như sần (sẩn) Bowen hay sùi mào gà khổng lồ (u Buschke-Lowenstein).
Phương pháp chẩn đoán sùi mào gà ở môi
Chẩn đoán lâm sàng không thể xác định người bệnh nhiễm HPV khi chưa có triệu chứng (trong thời gian ủ bệnh). Bác sĩ có thể khai thác bệnh sử (như tiền sử quan hệ tình dục) để đánh giá nguy cơ mắc HPV của người bệnh. (2)
Ở người bệnh đã xuất hiện triệu chứng, bác sĩ đánh giá các yếu tố như: vị trí, số lượng, hình dáng nốt sùi và tình trạng tổn thương. Việc chẩn đoán xác định thường dựa vào quá trình khám lâm sàng. Nếu tổn thương nghi ngờ không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm PCR để xác định sự hiện diện của virus HPV.
Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi polymerase) là phương pháp phổ biến để chẩn đoán, phát hiện virus HPV. Xét nghiệm cũng có thể xác định loại (type) HPV trên người bệnh. Ngoài HPV, xét nghiệm PCR có thể phát hiện được nhiều loại virus như HIV, SARS, Herpes, virus viêm gan B, C,… hay vi khuẩn như Chlamydia, Mycoplasma, Treponema,…
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phân tích mô bệnh phẩm của người bệnh để xác định sự tồn tại của virus HPV.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá thêm các bệnh đồng mắc có thể lây truyền qua đường tình dục, các bệnh lý nền của người bệnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sùi mào gà.
Cách điều trị sùi mào gà ở môi
Dưới đây là một số phương pháp điều trị sùi mào gà ở môi phổ biến.
- Thuốc podophyllotoxin (podofilox) có khả năng gây độc cho tế bào bị nhiễm virus, khiến mô hoại tử và tiêu biến. Thuốc dùng để bôi ngoài da cho các trường hợp u nhú lành tính, không dùng cho vùng niêm mạc như lưỡi, miệng, tử cung,… Thuốc có hai dạng chính gồm dung dịch (nồng độ 0,5%) và kem (0,15%). Thuốc được chỉ định thoa 2 lần/ngày trong 3 ngày, nghỉ 4 ngày, kéo dài 4-5 tuần. Thuốc có thể gây đau rát, kích ứng, tỷ lệ điều trị thành công 36%-83%.
- Người mắc sùi mào gà có thể được điều trị bằng các loại thuốc điều hòa miễn dịch như Imiquad. Thuốc có chức năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại các virus gây mụn sinh dục. Thuốc có thể được dùng dưới dạng bôi hoặc tiêm. Thời gian điều trị bằng thuốc điều hòa miễn dịch thường kéo dài từ 8-16 tuần.
- Chấm TCA (trichloroacetic acid) hay BCA (bichloroacetic acid) được dùng để chữa tổn thương sùi mào gà ở dạng sần. Bác sĩ chấm thuốc vào nốt sùi 1 lần/tuần trong khoảng 10 tuần. Các loại acid này gây bong tróc da, phá hủy mô mắc sùi mào gà. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây sẹo. Tỷ lệ làm sạch tổn thương của phương pháp chấm TCA (hoặc BCA) lên đến 94%, với 36% khả năng tái phát.
- Liệu pháp áp lạnh dùng để đóng băng tế bào nhiễm virus, khiến màng tế bào tổn thương không thể hồi phục, cắt đứt quá trình phát triển của nốt sùi. Phương pháp áp lạnh thường dùng nitơ lỏng để thoa hoặc xịt lên vùng mô mắc sùi mào gà trong khoảng 5-20 giây, mỗi tuần thực hiện 1-3 lần, kéo dài tối đa 12 tuần. Tỷ lệ làm sạch tổn thương khoảng 87% và có 59% nguy cơ tái phát. Phương pháp này có thể gây đau, nổi bọng nước hoặc để lại sẹo.
- Ngoài ra, một số phương pháp có thể dùng để phá hủy mô sùi mào gà khác bao gồm: cắt, nạo, đốt laser CO2, đốt điện,… Trong đó, laser CO2 và đốt điện thường được ưu tiên do kiểm soát được độ sâu, ít gây chảy máu. Các phương pháp này thường có độ hiệu quả 90%-100%, nguy cơ tái phát dao động từ 19%-29%.
Người bệnh không nên tự ý thực hiện điều trị sùi mào gà tại nhà, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị.
Phòng ngừa sùi mào gà ở môi như thế nào?
Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả để phòng ngừa sùi mào gà ở môi:
- Tiêm vaccine ngăn ngừa virus HPV như Gardasil giúp phòng tránh nhiều bệnh lây qua đường tình dục, cũng như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn,… Hiện nay, vaccine ngăn ngừa HPV có thể được tiêm cho người từ 9-45 tuổi, mức độ bảo vệ hiệu quả lên đến 94%. Có thể nói, đây là phương pháp phòng ngừa sùi mào và bệnh do virus HPV hiệu quả nhất hiện nay.
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh, duy trì quan hệ hôn nhân chung thủy giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục. Không quan hệ với người mắc/nguy cơ cao mắc sùi mào gà. Nên dùng bao cao su để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện và ngăn chặn bệnh sùi mào gà phát triển.
Những câu hỏi liên quan
1. Sùi mào gà ở môi có chữa được không?
Có nhiều phương pháp để điều trị tổn thương sùi mào gà ở môi, nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn virus HPV. Người bệnh có thể điều trị loại bỏ những nốt sùi, thương tổn do bệnh, phòng ngừa biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
2. Sùi mào gà ở môi có để lại sẹo không?
Tùy vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị, số lượng, vị trí, kích thước nốt sùi, cơ địa của người bệnh,… mà tổn thương có thể để lại sẹo hoặc không. Trước khi điều trị, người bệnh nên nhờ bác sĩ tư vấn về những lợi ích, nguy cơ cụ thể của từng phương pháp.
Khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ đáng tin cậy trong điều trị sùi mào gà. Đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện luôn cập nhật, làm chủ những phương pháp điều trị mới, hiệu quả, nhằm mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Thông tin khám và chữa bệnh của khách hàng được bảo mật, giúp người bệnh tự tin, thoải mái khi điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhiều năm liền đứng trong top 10 bệnh viện có chất lượng tốt nhất do Sở Y tế TP.HCM đánh giá và công bố.
Sùi mào gà ở môi có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Hiện chưa có cách xử lý triệt để virus HPV, chỉ có thể điều trị triệu chứng, tổn thương do bệnh gây nên. Cách tốt nhất để ngừa bệnh sùi mào gà là tiêm vaccine phòng ngừa HPV cũng như duy trì đời sống tình dục an toàn, lành mạnh.