Nọng cằm hay mặt nọng hình thành do nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ khuôn mặt cũng như sự tự tin khi giao tiếp. Vậy nguyên nhân hình thành nọng cằm là gì? Các nhận biết và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây của tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ trả lời tất cả những vấn đề trên.
Nọng cằm là gì?
Nọng cằm là phần mỡ tích lũy dưới cằm và tạo cảm giác như có một chiếc cằm thứ 2. Nọng cằm làm mất đi vẻ gọn gàng, thanh tú trên khuôn mặt, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ nên những người có nọng luôn muốn tìm cách loại bỏ phần mỡ thừa này. (1)
Nguyên nhân làm xuất hiện nọng cằm
Như đã trình bày ở trên, nọng xuất hiện chủ yếu do phần mỡ tích lũy dưới cằm. Vậy tại sao mỡ lại tích tụ ở cằm mà không phải ở vị trí khác, một số nguyên nhân lý giải cho vấn đề này như:
1. Di truyền
Nọng cằm có thể di truyền bởi vì nếu ba mẹ hay ông bà có nọng cằm và độ đàn hồi của da yếu thì nguy cơ thế hệ sau hình thành nọng rất cao.
2. Tăng hoặc giảm cân đột ngột
Việc tăng hoặc giảm cân đột ngột khiến cơ thể không xử lý kịp thời lượng mỡ tích tụ. Từ đó ảnh hưởng đến kết cấu da ở cổ, một phần do da ở vị trí này rất mỏng nên quá trình rũ xuống, chảy xệ diễn ra rất nhanh chóng. Cuối cùng tạo điều kiện thuận lợi cho nọng hình thành.
3. Lão hóa
Lão hóa làm các cơ và mô da không còn giữ được cấu trúc săn chắc như lúc ban đầu. Các chất béo dư thừa sẽ nhanh chóng lấp vào các vị trí trống và hình thành các túi mỡ.
4. Chế độ ăn
Chế độ ăn mặn hoặc ăn quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn làm tăng nguy cơ tích mỡ. Bởi vì các loại thức ăn này chứa lượng lớn natri nên có xu hướng giữ nước, tạo mỡ. Bên cạnh đó, vùng da mặt có khả năng chứa nước, giữ ẩm tốt nên về lâu dài gây nọng dưới cằm.
5. Không tập luyện thể thao
Không tập luyện thể thao làm cho mỡ thừa không có cơ hội chuyển hoá và dần tích tụ tại các bộ phận trên cơ thể, trong đó có nọng cằm.
6. Tư thế
Các thói quen xấu như ngủ sai tư thế, ngồi cúi đầu gây chèn ép các cơ, tăng nguy cơ hình thành nọng cằm.
Dấu hiệu nhận biết nọng cằm
Dấu hiệu nhận biết nọng cằm bao gồm:
- Vị trí: Nọng xuất hiện ở vùng da trên cổ và dưới cằm.
- Hình dạng: Khi giao tiếp với người có nọng, người đối diện rất dễ nhìn thấy nọng song song với cằm, giống như có 2 cái cằm.
- Cách nhận biết: Vùng da dưới cằm có dấu hiệu chảy xệ hoặc có một lớp mỡ hình thành bên dưới cằm, tạo cảm giác có nhiều hơn một cằm.
Nọng cằm có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Những trường hợp cằm nọng ở mức độ nhẹ thường chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bao gồm các triệu chứng như co kéo cơ mặt, xệ cơ, da nhăn nheo, lão hoá sớm và khuôn mặt trông già hơn.
Với những trường hợp nọng cằm nặng thì các lớp mỡ sẽ chèn ép vùng cổ. Bên cạnh đó, lượng mỡ này còn ngăn không khí vào phế quản, ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, ngáy to, thậm chí gây khó thở.
Ai có thể bị nọng cằm?
Tình trạng nọng cằm có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, không phân biệt nam hay nữ.
Phương pháp điều trị nọng cằm
1. Bài tập cổ và mặt
Việc thường xuyên áp dụng các bài tập cơ mặt và cổ hỗ trợ ngăn nọng cằm xuất hiện rất hiệu quả, các động tác đó bao gồm: (2)
- Vòng quanh thế giới: Xoay đầu nhẹ nhàng để làm nóng, giúp đốt mỡ thừa.
- Huýt sáo lên trần nhà: Nghiêng đầu về phía sau và giả vờ huýt sáo.
- Hôn bầu trời: Đứng ngửa đầu ra sau và mím môi.
- Bóp bóng: Đặt một quả bóng dưới cằm và thực hiện ép quả bóng xuống.
2. Thay đổi lối sống
Việc thay đổi lối sống lành mạnh, bao gồm cải thiện chế độ ăn uống và thường xuyên tập thể dục, thể thao góp phần tăng cường sức khỏe bản thân cũng như giảm chất béo hình thành ở các khu vực. Nhờ đó hỗ trợ giảm nọng cằm tối ưu.
Tích cực tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 45 phút mỗi ngày kết hợp ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo tốt và protein. Điều quan trọng là giảm lượng đường cũng như chất béo xấu nạp vào cơ thể, hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh,…
3. Can thiệp liệu pháp y tế
Có nhiều phương pháp điều trị nọng cằm, trong đó nổi bật có lipolysis (còn được gọi là liposculpture) và liệu pháp Mesotherapy.
4. Lipolysis
Lipolysis có nhiều dạng khác nhau như tiêm hoặc điều trị bằng sóng vô tuyến, nhưng phương pháp lipolysis bằng laser được sử dụng phổ biến nhất. Với phương pháp laser thì lipolysis là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ dùng năng lượng laser tác động đến hình dạng và diện mạo của cơ thể.
Lipolysis giảm tới 95% lượng mỡ thừa bởi công nghệ có tích hợp 3 tác động giảm mỡ:
- Làm lỏng lẻo liên kết Cellulite, phá vỡ tế bào mỡ thông thường.
- Hóa lỏng mỡ và đưa mỡ ra ngoài thông qua thiết bị nội soi chuyên dụng.
- Sắp xếp lại collagen, làm cho da săn chắc sau điều trị.
Phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ này thường áp dụng đối với các mô mỡ ở mặt, bụng, hông, đùi hoặc mông và không áp dụng cho những người béo phì.
Tuy nhiên, việc thực hiện lipolysis khá phức tạp nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để đạt được hiệu quả cao nhất cũng như hạn chế rủi ro.
5. Sóng siêu âm
Có 2 dạng sóng siêu âm: Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU) và sóng siêu âm đồng bộ song song (SUPERB) được FDA (Mỹ) chấp thuận trong việc điều trị nâng cơ, chống chảy xệ hoặc nhão da. Đây là 2 phương pháp thẩm mỹ nội khoa không xâm lấn. Sóng siêu âm tác động và làm săn chắc các cơ và lớp mỡ ở vùng cổ và nọng cằm. Cơ và lớp mỡ săn chắc tạo ra vẻ thon gọn vùng cổ và cằm làm giảm nọng cằm.
Ngoài ra sóng siêu âm còn có tác dụng tăng sinh sợi collagen giúp da săn chắc, xóa các nếp nhăn da và trẻ hóa da. Liệu trình siêu âm trị liệu da vùng mặt thường kéo dài 90 - 120 phút. Hiệu quả kéo dài từ 6 - 12 tháng tùy thuộc vào độ tuổi, chế độ sinh hoạt của từng người. Đây là phương pháp an toàn vì không gây xâm lấn, ít tác dụng phụ (đỏ da thoáng qua, đau thoáng qua), thời gian nghỉ dưỡng ít.
6. Mesotherapy
Mesotherapy hay tiêm tan mỡ, là phương pháp xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ tiêm axit deoxycholic, một hợp chất hòa tan chất béo. Axit deoxycholic (Kybella) hỗ trợ cơ thể hấp thu chất béo và cần tiêm khoảng 20 mũi mỗi liệu trình điều trị.
Mesotherapy còn điều trị các vấn đề tiềm ẩn như viêm nhiễm gây tổn thương da và tuần hoàn kém. Công thức tiêu chuẩn cho các chất khi tiêm meso không cố định. Các thành phần sẽ được tinh chỉnh phù hợp với tình trạng da và nhu cầu của khách hàng. Bác sĩ có thể thay đổi nhiều thành phần khác nhau, bao gồm:
- Các loại thuốc kê đơn như kháng sinh và thuốc giãn mạch.
- Những thuốc kích thích tố như thyroxin và calcitonin.
- Các enzym như hyaluronidase hay collagenase.
- Thành phần chiết xuất từ thảo mộc.
- Vitamin và khoáng chất.
Phương pháp tiêm tan mỡ được đánh giá là phương pháp hiện đại, an toàn và hiệu quả, được nhiều người lựa chọn để cải thiện các vấn đề về da như loại bỏ chất béo dư thừa, nám, tàn nhang, lão hóa, sạm da, mụn trứng cá, rỗ da,…
Tác dụng phụ ngắn hạn của cả hai phương pháp điều trị bao gồm sưng, bầm tím tại điểm tiêm và đau.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là một trong những địa chỉ uy tín và chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị nọng cằm cho khách hàng. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và dược liệu chính hãng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cam kết mang lại cho khách hàng khuôn mặt thon gọn và tự tin hơn.
Cách phòng ngừa nọng cằm
Ngoài thực hiện các biện pháp điều trị nọng cằm, bạn nên áp dụng các phương pháp phòng ngừa tình trạng này để ngăn nọng xuất hiện trở lại, một số biện pháp cụ thể như sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Việc kiểm soát cân nặng rất quan trọng trong giảm mỡ thừa tích tụ. Thực hiện một chế độ ăn khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả giảm nọng lâu dài. Ăn nhiều rau quả và trái cây mỗi ngày, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên sữa ít béo, dùng ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế. Bên cạnh đó, luân phiên ăn thịt gia cầm và cá thay vì chỉ ăn thịt đỏ, sử dụng các loại chất béo lành mạnh như bơ, các loại hạt, dầu ô liu, tránh nạp quá nhiều đường cũng như các loại thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Tập luyện thể dục thể thao: Thực hiện các bài tập thể dục, thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày.
- Ngồi và ngủ đúng tư thế: Kê gối thấp vừa phải khi ngủ, không ngủ gập cổ quá nhiều khiến da dễ bị nhăn nheo.
- Tạo thói quen nhai cho cơ hàm: Nhai kẹo sing-gum không đường hỗ trợ tập luyện cơ cầu hàm và giảm thiểu mỡ vùng cằm hiệu quả.
- Uống đủ nước: Uống đủ lượng nước hỗ trọ giảm lượng calo và tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Bài viết trên đã cung cấp các khái niệm nọng cằm, nguyên nhân hình thành cũng như dấu hiệu và các cách phòng ngừa. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ hiểu thêm về tình trạng này cũng như có cách phòng ngừa nọng cằm hiệu quả.