Định chế tài chính có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dòng tiền của nền kinh tế, đưa dòng vốn từ nơi có đến nơi cần. Định chế tài chính là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty môi giới chứng khoán, công ty tài chính…
I. Định chế tài chính là gì?
Định chế tài chính (Financial Institution) là các tổ chức được thành lập theo luật, đóng vai trò trung gian tài chính trong quá trình luân chuyển vốn từ người cho vay đến người đi vay.
Ví dụ: Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, môi giới chứng khoán, công ty tín dụng…
Hiểu rộng ra thì định chế tài chính hoạt động như những trung gian giữa bên có vốn và bên cần vay, giữa người tiết kiệm và người đi vay, phân biệt bằng cách huy động và đầu tư tiền vốn.
Những định chế tài chính ký thác bao gồm những ngân hàng thương mại, các hiệp hội cho vay và tiết kiệm, nghiệp đoàn tín dụng. Những tổ chức này nhận tiền gửi của công chúng, được chính phủ bảo hiểm chống thua lỗ, và dùng ký gửi để cho vay.
Định chế tài chính là trung gian tài chính quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển
Những định chế tài chính không có hoạt động ký thác sẽ tìm nguồn vốn cho hoạt động đầu tư từ những thị trường tài chính, bán chứng khoán cho công chúng, bán hợp đồng bảo hiểm (nếu là công ty bảo hiểm). VD: Công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ lương hưu, công ty đầu tư, công ty môi giới chứng khoán…
II. Phân loại định chế tài chính ở Việt Nam
Ở nước ta, định chế tài chính có thể chia làm 2 nhóm: Định chế tài chính trung gian và bán trung gian.
1. Định chế tài chính trung gian
Là các tổ chức tài chính đứng giữa có vai trò liên kết các nguồn cung và nguồn cầu vốn nhằm giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau thông qua việc bán các tài sản tài chính của mình và mua các tài sản tài chính của chủ thể cầu vốn.
Các công ty bảo hiểm thuộc nhóm định chế tài chính trung gian
Các định chế tài chính trung gian bao gồm:
- Các tổ chức nhận tiền gửi: Ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm tương trợ, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, hợp tác xã tín dụng, các liên hiệp tín dụng.
- Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng: Công ty bảo hiểm, quỹ trợ cấp.
- Các trung gian đầu tư, định chế tài chính phi ngân hàng: Công ty tài chính, quỹ đầu tư.
2. Định chế tài chính bán trung gian
Là những tổ chức môi giới, đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn, giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau. Tổ chức này không tạo ra các tài sản tài chính của mình mà chỉ giúp chuyển các tài sản tài chính từ tổ chức phát hành đến người cần mua, hay nói cách khác là luân chuyển vốn từ nhà đầu tư đến công ty cần vay vốn.
Ví dụ: Công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng đầu tư…
Định chế tài chính bán trung gian giúp cung và cầu vốn gặp nhau
III. Vai trò của định chế tài chính
Các định chế tài chính có vai trò quan trọng trong việc kết nối những người có vốn và những người cần vốn, giúp cho dòng tiền được khơi thông, đến đúng nơi và do đó thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.
- Định chế tài chính giúp giảm thiểu chi phí các giao dịch:
Financial Institution là một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính, giúp những người tiết kiệm và những người đầu tư giảm các chi phí tìm kiếm, chi phí giao dịch, chi phí do quy mô, chi phí hiểu biết;
- Giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro:
Các sản phẩm dịch vụ mà định chế tài chính cung ứng rất phong phú, điều đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư do đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài ra, sự chuyên nghiệp và hiểu biết của các định chế tài chính cũng giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro.
Các định chế tài chính cung cấp phương tiện thanh toán, giao dịch
- Tạo lập cơ chế thanh toán:
Một số định chế tài chính còn đảm nhiệm vai trò cung cấp phương thức, phương tiện thanh toán, điển hình là các ngân hàng với giao dịch thẻ không sử dụng tiền mặt, giao dịch internet banking.
Nhờ cơ chế này mà thị trường có thể vận hành một cách nhanh chóng, hiệu quả, điều này vô cùng quan trọng trong thời đại giao dịch số hiện nay.
IV. Các định chế tài chính phổ biến tại Việt Nam theo quy định của pháp luật
1. Ngân hàng Trung ương
Ngân hàng Trung ương là tổ chức tài chính quan trọng nhất của một quốc gia, chịu trách nhiệm giám sát và quản lý tất cả các ngân hàng khác. Tại Hoa Kỳ, ngân hàng Trung ương chính là Ngân hàng Dự trữ Liên bang, chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách về tiền tệ và giám sát các tổ chức tài chính.
Ngân hàng trung ương là định chế tài chính giám sát các tổ chức tài chính
Ở nước ta, ngân hàng Trung ương còn được gọi là ngân hàng Nhà nước (địa chỉ tại số 49, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, chịu trách nhiệm về quản lý tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, phát hành và cung ứng tiền tệ…
Các cá nhân không có cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với ngân hàng Trung ương, thay vào đó các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn sẽ làm việc trực tiếp với ngân hàng Trung ương để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tín dụng đến công chúng.
2. Ngân hàng thương mại và ngân hàng bán lẻ
Các ngân hàng thương mại làm việc trực tiếp và cung cấp sản phẩm đến các doanh nghiệp, cá nhân với các sản phẩm như: Gửi tiết kiệm, cho vay (tín chấp, thế chấp), tư vấn tài chính, chứng chỉ tiền gửi, phát hành thẻ tín dụng…
Ngân hàng góp phần rất lớn vào khơi thông dòng tiền
3. Ngân hàng đầu tư và công ty đầu tư
Các định chế này không nhận tiền gửi mà chức năng chủ yếu là huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán. Các công ty đầu tư còn được gọi là công ty quỹ tương hỗ, kéo quỹ từ các nhà đầu tư cá nhân và thể chế để cung cấp cho họ quyền truy cập vào thị trường chứng khoán.
4. Công ty môi giới chứng khoán
Những định chế này có vai trò môi giới hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong việc mua và bán chứng khoán, giao dịch cổ phiếu giữa các nhà đầu tư có sẵn. Khách hàng của các công ty môi giới chứng khoán có thể đặt các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, quỹ giao dịch ngoại hối (ETF) và một số khoản đầu tư thay thế.
Sự chuyên nghiệp của công ty môi giới chứng khoán giúp giảm thiểu rủi ro
5. Công ty bảo hiểm
Các công ty bảo hiểm cung cấp các gói bảo hiểm đến cá nhân, tổ chức, giúp bảo vệ khỏi mất mát tài chính do thiệt hại tài sản, tử vong, bệnh tật… Các sản phẩm bảo hiểm phổ biến có thể kể đến như: Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ…
6. Liên hiệp tín dụng
Đây là định chế được lập ra nhằm phục vụ cho những đối tượng cụ thể theo lĩnh vực là thành viên của tổ chức như: giáo viên, quân nhân… Các sản phẩm tài chính cũng tương tự như của ngân hàng nhưng hoạt động chỉ vì lợi ích của tổ chức.
Ở những quốc gia thuộc châu u, Mỹ còn có các định chế khá phổ biến như: Hiệp hội tiết kiệm và cho vay, Tổ chức bán lẻ, Hiệp hội nhà ở, Công ty quản lý tài sản… Tuy nhiên các hình thức này chưa phổ biến tại nước ta.
Mỗi loại hình của tổ chức định chế tài chính sẽ có những dịch vụ, hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các định chế tài chính đều chịu trách nhiệm về tài sản tài chính nên cũng được coi là những chủ thể kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế.
Đừng bỏ lỡ những thông tin tài chính và kiến thức đầu tư hữu ích từ TOPI nhé các bạn!