Ngày 14/6/2024, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024. Lễ vinh danh các doanh nghiệp Bảo hiểm uy tín do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 8/2024 tại Hà Nội.
Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2024.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín năm 2024, tháng 6/2024
Danh sách 2: Top 10 Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín năm 2024, tháng 6/2024
Ngành Bảo hiểm đối mặt thách thức kép, lần đầu tăng trưởng âm
Trong năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Năm 2023 đánh dấu một năm sóng gió và “rất khó quên” đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cũng như những người làm nghề bảo hiểm. Một năm mà ngành Bảo hiểm phải chịu tác động kép từ cả các yếu tố khách quan, lẫn nội tại.
Thách thức lớn nhất của ngành Bảo hiểm trong năm 2023 là kênh bán hàng chủ lực - bancassurance, đã gặp phải nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Sự suy giảm này đã ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của khách hàng và đối tác, gây khó khăn trong việc duy trì thị phần và thu hút khách hàng mới.
Thách thức thứ hai là thách thức khách quan, những biến động kinh tế toàn cầu và sự bất ổn tài chính đã làm tăng rủi ro cho các công ty bảo hiểm, khiến họ phải đối diện với nhiều khiếu nại bồi thường hơn. Những yếu tố này đã đặt ngành Bảo hiểm vào một tình thế khó khăn.
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm giảm 8,3% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên tới 12,5%; lĩnh vực phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường bảo hiểm nhân thọ nên ghi nhận mức độ tăng trưởng khiêm tốn 2,4%. Đây là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.
Hình 1: Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn 2016-2023
Nguồn: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm
Theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các DNBH nhân thọ đã có sự suy giảm so với năm 2022 (-20,3 nghìn tỷ đồng). Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi xét đến những thách thức mà ngành bảo hiểm phải đối mặt trong năm vừa qua. Năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới của lĩnh vực nhân thọ đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái và sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 60,7%, sụt giảm 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 cũng ghi nhận sự suy giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 28.179 tỷ đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất khá cao, được ước tính vào khoảng 20-30%. Đáng chú ý, với số liệu Bộ Tài chính công bố gần đây về tỷ lệ hủy hợp đồng được bán qua kênh ngân hàng, có trường hợp lên đến 73%. Đây là con số rất đáng báo động, tỷ lệ hủy cao ở những năm đầu ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng lẫn DNBH, nhìn xa hơn là tiêu cực cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Đối với lĩnh vực phi nhân thọ, theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp này vẫn duy trì ở mức như năm 2022 (51,5 nghìn tỷ đồng) với lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng mạnh ở mức 59,3% so với năm 2022. Các nghiệp vụ có tỷ lệ tăng doanh thu cao so với năm 2022 lần lượt là: bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, tăng 11,5%; bảo hiểm tài sản thiệt hại, tăng 11,1%; bảo hiểm tàu, tăng 5,9%; bảo hiểm nông nghiệp, tăng 0,7%; bảo hiểm sức khỏe, tăng 0,3%. Năm 2023, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc khoảng 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%… Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (52,5%), bảo hiểm sức khỏe (34,6%), bảo hiểm tàu (35,7%).
Hình 2: Kết quả kinh doanh của DNBH trong giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp từ Báo cáo tài chính doanh nghiệp
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ những chỉ đạo kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, sự ra đời của Luật kinh doanh bảo hiểm (2023) đi kèm với đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà ngành bảo hiểm vẫn có những bước tiến đáng kể. Sau khi cuộc khủng hoảng truyền thông nổ ra, các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ và minh bạch trong quy trình bán hàng, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu. Thêm vào đó, chính sách bảo hiểm mới được ban hành đã góp phần làm tăng niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Các quy định mới đã giúp thắt chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro hủy hợp đồng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường. Nhờ vào những nỗ lực này, nhiều DNBH đã ghi nhận lợi nhuận, bất chấp sự suy giảm doanh thu từ phí bảo hiểm khai thác mới. Điều này chứng tỏ rằng, với chiến lược kinh doanh đúng đắn và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể vượt qua thách thức và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả.
Kỳ vọng vực dậy thị trường Bảo hiểm
Năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá có những tín hiệu phục hồi khả quan, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5%, đây cũng là kỳ vọng của 31,8% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát của Vietnam Report. Khi nền kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác cũng được kỳ vọng sẽ có sự phát triển tích cực. Điều này có thể tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, ổn định và thuận lợi cho các DNBH, với việc tăng cường niềm tin và sự ổn định trong thị trường. Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn về triển vọng kinh tế, họ có thể có xu hướng đầu tư và chi tiêu nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên.
Theo kết quả khảo sát chuyên gia, DNBH của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6/2024, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành Bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành được ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh một sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023. Dự kiến năm 2024, ngành bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). Mục tiêu trên là hết sức khả quan khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản ước đạt 942,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 781,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% Sự tăng trưởng này là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành sau những khó khăn của năm 2023.
Hình 3: Triển vọng toàn ngành Bảo hiểm năm 2024 so với năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, tháng 5-6/2024
Những thách thức của DNBH trong năm 2024
Bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn đặt ra nhiều thách thức trong việc đưa ngành Bảo hiểm lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng dương đối với BHNT. Theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm của Vietnam Report, những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt, bao gồm: (1) Khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023; (2) Người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm; (3) Phát hiện nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance; (4) Cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; (5) Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; và (6) Vấn đề trục lợi bảo hiểm.
Cuộc Khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực trong đó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi doanh thu phí bảo hiểm lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm. Thách thức này dự báo vẫn sẽ còn ảnh hưởng lớn trong năm 2024 khi mà uy tín thương hiệu của các DNBH bị giảm sút nghiêm trọng, khách hàng mất niềm tin và có sự thận trọng hơn trong việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm.
Trong những năm gần đây mức độ Cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng được phản ánh qua nhiều yếu tố. Trước hết, số lượng các công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường không ngừng tăng, bao gồm cả những doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp số hóa ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, điều này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn gián tiếp gia tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Thêm vào đó, trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, thông qua internet khách hàng dễ dàng so sánh và lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ. Chính vì vậy, các DNBH buộc phải nâng tầm chất lượng, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện liên tục để không tụt hậu so với đối thủ. Ngoài ra, các chính sách và quy định cũng đóng vai trò định hình mức độ cạnh tranh khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các DNBH.
Cơ hội phục hồi từ chính sách mới của nhà nước
Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các DNBH tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 3 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm: (1) Công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành Bảo hiểm; (2) Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP thấp; và (3) Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được ban hành.
Hình 4: Những cơ hội của ngành Bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, tháng 5-6/2024
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng. Nguyên nhân của tỷ lệ thâm nhập thấp này phần lớn là do nhận thức về bảo hiểm trong dân chúng chưa cao, cùng với thu nhập trung bình của người dân vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Theo dự báo của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên. Mặc dù năm 2022 một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm nhưng so với năm 2017, mức phí này đã tăng gấp 2 lần. Với cơ cấu nhân khẩu học đang trong thời kỳ hoàng kim, có thể dự báo rằng phí bảo hiểm bình quân đầu người tại nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, khi một bộ phận ngày càng lớn dân số già đi, dẫn đến mức phí cao hơn. Thêm vào đó, Chính phủ và các DNBH đang nỗ lực nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò và lợi ích của bảo hiểm thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 được 59,1% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report đánh giá là một trong những cơ hội quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Một trong những điểm nổi bật của Thông tư 67/2023 là quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, điều kiện tham gia bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm, giúp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn. Bên cạnh đó, thông tư còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet, triển khai các dịch vụ số hóa, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Với những điểm nổi bật và cải tiến quan trọng, Thông tư 67/2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phát triển bền vững - xu thế tất yếu
Các doanh nghiệp đang đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro chuyển đổi, từ việc biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên tai, đến việc chuyển sang nền kinh tế ít ô nhiễm hơn, ít carbon hơn. Một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro loại này là tích hợp chiến lược biến đổi khí hậu vào hoạt động kinh doanh và tăng cường quản trị yếu tố môi trường và xã hội (ESG).
Hiện nay, các DNBH đang là một lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình giảm thiểu carbon của nền kinh tế các nước, hướng tới phát thải carbon ròng bằng 0. Rất nhiều DNBH quốc tế lớn đưa ra những chính sách mạnh mẽ để thực hiện cam kết ESG. Một trong những động thái mạnh mẽ nhất đó là nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm bảo hiểm xanh như Bảo hiểm trách nhiệm môi trường, Bảo hiểm xanh cho xe cơ giới, Bảo hiểm năng lượng tái tạo xanh… Tại Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm xanh đã “nhen nhóm” từ năm 2005 khi có sự ra đời của bảo hiểm trách nhiệm môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên tại thời điểm này vẫn chưa có những khái niệm hay quy định rõ ràng nào về bảo hiểm xanh. Phải đến tận năm 2021, khi Quyết định số 1393/QĐ-TTg (2012) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, thì những cụm từ như bảo hiểm xanh mới thật sự xuất hiện.
Hình 5: Ảnh hưởng của việc thực thi ESG đến kết quả kinh doanh của DNBH
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, cập nhật đến tháng 5/2024
Theo kết quả khảo sát DNBH 2024 của Vietnam Report, 77,3% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho rằng việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong khi con số này năm 2023 mới chỉ dừng lại ở 36,4%. Trong đó, 31,8% doanh nghiệp đã có chương trình ESG rõ ràng cho một số yếu tố (tăng 11,8% so với năm 2023) và 54,6% doanh nghiệp Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG (tăng 18,2% so với năm 2023).
Hình 6: Những hành động hướng tới cam kết ESG của doanh nghiệp
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, tháng 5-6/2024
Trong ba khía cạnh E (Môi trường), S (Xã hội), và G (Quản trị), G là yếu tố đặc biệt được các DNBH cho biết là ưu tiên hàng đầu của mình, xếp sau đó lần lượt là S (Social - Xã hội) và E (Environment - Môi trường).
Ở góc độ quản trị (G), minh bạch thông tin quản trị vẫn được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu với 90,9% doanh nghiệp. Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với suy nghĩ của người mua bảo hiểm khi 92,1% người mua bảo hiểm quan tâm đến các yếu tố về minh bạch thông tin quản trị của doanh nghiệp trước khi ra quyết định mua bảo hiểm. Khách hàng ngày càng có xu hướng đòi hỏi thông tin rõ ràng và minh bạch về các hoạt động, tài chính, và chính sách của DNBH. Họ muốn đảm bảo rằng số tiền mà họ đóng góp sẽ được sử dụng một cách minh bạch và hợp lý, đồng thời quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ một cách công bằng. Bên cạnh đó, minh bạch thông tin quản trị còn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín trên thị trường, thu hút nhà đầu tư, và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Các DNBH không chỉ cần minh bạch trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ mà còn phải minh bạch trong các hoạt động quản trị nội bộ, báo cáo tài chính, và quy trình xử lý khiếu nại. Điều này giúp họ không chỉ giữ chân khách hàng hiện tại mà còn thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành bảo hiểm. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch thông tin quản trị cũng là một bước đi cần thiết để DNBH hội nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không chỉ nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường ra quốc tế, hợp tác với các đối tác chiến lược và tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về khía cạnh xã hội (S), các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận mà còn cần đóng góp tích cực vào cộng đồng. Việc tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ giáo dục, y tế, và cải thiện điều kiện sống cho các nhóm yếu thế là minh chứng rõ ràng cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có lẽ đó là lý do mà 86,4% DNBH tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và 78,8% người tiêu dùng cũng tỏ ra đồng tình với những nỗ lực của doanh nghiệp khi ưu tiên chọn sản phẩm của các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Không những vậy, tính tới cuối năm 2023, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ hiện đang thu hút và tạo công ăn việc làm cho khoảng 724.000 lao động tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, 81,2% DNBH đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập trung bình/ thấp. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc mở rộng dịch vụ bảo hiểm đến các đối tượng khách hàng đa dạng, nhằm đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ bảo vệ tài chính cơ bản. Các sản phẩm bảo hiểm dành cho người có thu nhập trung bình/thấp thường được thiết kế với mức phí hợp lý, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm cần thiết, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính khi gặp phải các rủi ro không mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều DNBH cũng triển khai các chương trình tư vấn và giáo dục tài chính, giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước những biến cố trong cuộc sống. Sự phát triển này không chỉ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành bảo hiểm tại Việt Nam.
Ở góc độ môi trường (E), ngành Bảo hiểm đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động “chuyển đổi số - chuyển đổi xanh”. Xu hướng này thể hiện qua việc ngày càng nhiều sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số được giới thiệu, chào bán qua kênh thương mại điện tử, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các DNBH đã giới thiệu các phiên bản hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, tiện lợi hơn với việc sử dụng các mã QR để tra cứu thông tin, hay việc doanh nghiệp tích cực sử dụng chữ ký số trong các hóa đơn thanh toán. Điều này không chỉ giúp giảm bớt việc sử dụng giấy in ấn và lưu trữ mà còn góp phần giảm lượng rác thải và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và tính tiện ích cho khách hàng. Hơn nữa, các dịch vụ bảo hiểm cũng được số hóa một cách toàn diện, trao quyền cho người dùng tự thao tác trên các ứng dụng và trang web thay vì phải thực hiện tại quầy. Việc này không chỉ tạo sự thuận tiện và linh hoạt cho khách hàng mà còn giảm thiểu việc di chuyển, góp phần giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, nhiều DNBH còn tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, như trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động của mình, và hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng về bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện cam kết của ngành Bảo hiểm đối với việc bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
No-code/Low-code: Định hình tương lai ngành Bảo hiểm
Theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường, ngành Insurtech tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Theo dự báo, thị trường Insurtech có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 15% đến 20% trong giai đoạn 2021-2025. Chứng kiến sự bùng nổ và bứt tốc nhanh chóng của hoạt động chuyển đổi số những năm qua, tăng cường đầu tư công nghệ số được 95,5% DNBH thực hiện trong năm 2024. Trong đó, có đến 68,2% doanh nghiệp tăng cao đáng kể mức độ đầu tư vào chuyển đổi số.
Hình 7: Mức độ áp dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh của DNBH
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, cập nhật đến tháng 5/2024
Dựa trên kết quả khảo sát, top 3 công nghệ có mức độ tăng trưởng cao trong năm 2024 đã được chỉ ra. Ứng dụng eKYC (know your customer) trong lập hồ sơ bảo hiểm là công nghệ có mức độ tăng trưởng cao nhất với 68,2% (+31,8%), theo sau đó là ứng dụng AI vào các công việc lặp đi lặp lại với 50,0% (+ %) và cuối cùng là ứng dụng AI vào xử lý đơn yêu cầu bảo hiểm, thẩm định bảo hiểm, xử lý bồi thường, phát hiện gian lận.
Có thể thấy, việc ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã mang lại lợi ích đáng kể khi giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng tiềm năng, giảm đáng kể thời gian nghiên cứu sản phẩm mới, giảm chi phí nhân sự, cải thiện tốc độ giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, khi sử dụng AI sẽ tăng cường độ chính xác và minh bạch trong quá trình xử lý, giảm thiểu rủi ro gian lận và sai sót. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn và xây dựng niềm tin vững chắc với khách hàng. Các DNBH cho biết trong thời gian tới, năng lực số hóa có nhiều tiềm năng phát triển thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain,… góp phần minh bạch thị trường bảo hiểm trong tương lai.
Đáng chú ý, gần đây sự gia nhập của hiện tượng công nghệ “No-Code/Low-Code (NC/LC)” trong ngành Bảo hiểm đã mang đến một làn gió mới. Sự xuất hiện của các nền tảng NC/LC cho phép các DNBH khai thác các lợi ích của điện toán đám mây (cloud computing) và microservice dễ dàng hơn, cho phép họ nhanh chóng mở rộng quy mô và tung ra các dịch vụ sản phẩm mới. Hơn thế nữa, các công cụ NC/LC có thể được điều chỉnh để phát triển các tính năng như xếp hạng, báo giá, phát hành, xác nhận và gia hạn - giúp cho năng suất của một doanh nghiệp hiệu quả hơn và khách hàng sẽ hài lòng hơn do được phục vụ tốt hơn. Theo một nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy, các DNBH ứng dụng công cụ NC/LC cho ra mắt sản phẩm mới nhanh hơn từ 5 đến 7 lần so với các đối thủ vẫn giữ phương thức truyền thống, có năng suất tăng nhiều hơn từ 20% đến 30%, cả về mức độ hài lòng của khách hàng và đánh giá từ nhân viên. Sự bùng nổ của công nghệ NC/LC trong ngành bảo hiểm đang thay đổi cách thức các doanh nghiệp vận hành, giúp họ nhanh chóng thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách hiệu quả. Những lợi ích vượt trội về tốc độ, năng suất và sự hài lòng của khách hàng đã chứng minh rằng NC/LC không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố chiến lược quan trọng để đạt được sự thành công và phát triển bền vững trong tương lai.
Không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành là xu thế không thể đảo ngược khi người dùng ngày càng chú trọng tới các giải pháp số. Khảo sát người tiêu dùng Bảo hiểm được Vietnam Report tiến hành tháng 5-6/2024 chỉ ra 94,8% người tiêu dùng bảo hiểm có sử dụng ứng dụng bảo hiểm trên điện thoại. Trong đó, 47,0% người tiêu dùng mua các sản phẩm bảo hiểm thông qua các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mobile banking của ngân hàng, ví điện tử và 54,7% người tiêu dùng thực hiện các giao dịch cơ bản trên ứng dụng mobile banking thay vì gọi điện hoặc đến đại lý bảo hiểm như trước đây. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận với sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng.
Đánh giá uy tín DNBH dưới góc nhìn truyền thông
Hình 8: Top 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều trên truyền thông giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2024
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bảo hiểm từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2024
Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report chỉ ra 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông đối với ngành bảo hiểm bao gồm: (1) Hình ảnh/PR/Scandals (25,3%); (2) Tài chính/KQKD (11,8%); (3) Sản phẩm/Dịch vụ; và (4) Khách hàng/Mối quan hệ với khách hàng (7,5%). Đáng chú ý, 3/4 nhóm chủ đề trên có tỷ lệ tin tiêu cực chiếm hơn 15,0% trên tổng số tin được mã hóa có trong nhóm chủ đề tương ứng và 3/4 nhóm chủ đề này tỷ lệ tiêu cực gia tăng so với năm trước, cụ thể là các nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals (+1,3%), Tài chính/KQKD (+2,5%), Sản phẩm/Dịch vụ (+5,4%).
Sau khoảng thời gian liên quan tới những lùm xùm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo về việc tập trung thanh kiểm tra và có những công bố sai phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, công tác bồi thường bảo hiểm, hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài… tại một số doanh nghiệp. Theo đó, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực từ tháng 5-7/2023 ở mức đáng báo động (dưới 0%).
Hình 9: Tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực theo tháng giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bảo hiểm từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực trong việc khắc phục những sai phạm trước đó và tăng cường các hoạt động hướng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh bảo hiểm bền vững, tin cậy của các DNBH đã giúp tỷ lệ chênh lệch này được cải thiện đáng kể trong những tháng tiếp theo, đặc biệt trong tháng 1 năm 2024 tỷ lệ này đạt gần 70,0%.
Về nguồn thông tin các DNBH, phần lớn đến từ nguồn báo chí tự khai thác, lượng thông tin từ doanh nghiệp là rất khiêm tốn, cụ thể trong ba năm trở lại đây tỷ lệ thông tin được mã hóa đến từ doanh nghiệp đạt mức cao nhất chỉ là 8,5%. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy các doanh nghiệp trong ngành còn khá bị động trong việc kiểm soát thông tin. Để xử lý các cuộc khủng hoảng truyền thông như vừa qua các doanh nghiệp trong ngành cần phản ứng nhanh chóng, sớm đưa ra các thông báo chính xác, đưa ra kế hoạch hành động, khắc phục hậu quả nhằm ổn định tâm lý khách hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể cải thiện uy tín và niềm tin truyền thông.
Kết quả phân tích media coding trong giai đoạn từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024 chỉ ra nổi bật trên truyền thông là những doanh nghiệp quen thuộc trong ngành. Về phía nhân thọ là Prudential, FWD, Manulife, Generali, AIA.
Hình 10: Các DNBH nhân thọ nổi bật trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bảo hiểm từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024
Về phía phi nhân thọ các doanh nghiệp nổi bật trên truyền thông bao gồm PTI, VBI, Bảo Việt, PVI, PJICO.
Hình 11: Các DNBH phi nhân thọ nổi bật trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bảo hiểm từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong năm kinh tế mới 2024 nhưng các doanh nghiệp đang cho thấy sự nỗ lực hết mình, không ngừng cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại, và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đang tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và dữ liệu lớn (big data) đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Đồng thời, xu hướng xanh hóa và số hóa trong ngành bảo hiểm không chỉ cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các giải pháp bảo hiểm xanh như bảo hiểm rủi ro môi trường và các sản phẩm bảo hiểm thân thiện với môi trường đang ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng phát triển. Nhờ những nỗ lực này, ngành bảo hiểm Việt Nam có thể kỳ vọng vào một năm 2024 đầy triển vọng với sự tăng trưởng bền vững, không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn hỗ trợ tích cực trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản - Xây dựng, Bảo hiểm, Dược, Công nghệ, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp bảo hiểm được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2023 đến tháng 05/2024. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.
Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.
Lễ công bố Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024 dự kiến được tổ chức vào tháng 8 năm 2024 tại TP. Hà Nội.
Vietnam Report