Theo thông báo của Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Sóc Trăng, kể từ ngày 31/8/2022, khu văn hóa hồ Nước Ngọt, thuộc phường 6 (TP Sóc Trăng) chính thức mở cửa hoạt động bình thường. Thời gian mở cửa từ 4h30 đến 22h mỗi ngày.
"Không thu vé vào cổng những ngày bình thường, ngoại trừ tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ... của tỉnh; không cho phép các hộ bên ngoài vào và kể cả các hộ kinh doanh (trước đây) hiện chưa di dời tổ chức mua bán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát… trong khu vực hồ", thông báo cho biết.
Khu văn hóa hồ Nước Ngọt được người dân Sóc Trăng ví như "Đà Lạt 2", bởi có phong cảnh hữu tình, nằm tại trung tâm TP Sóc Trăng. Ngoài 2 hồ nước lớn trong xanh, nơi đây còn có những hàng cây xanh rợp bóng mát, tạo thành "lá phổi xanh" cho thành phố.
Hằng ngày, rất đông người dân vào đây vui chơi, giải trí và tập thể dục, gắn với kỷ niệm bao thế hệ. Nhiều sự kiện lớn của Sóc Trăng được tổ chức ở đây, thu hút hàng ngàn người đến tham gia.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, một số hạng mục của khu văn hóa này được tỉnh đầu tư, nâng cấp làm bệnh viện dã chiến. Do đó, một thời gian dài tỉnh phải đóng cửa, không dành cho hoạt động vui chơi, giải trí của người dân.
Hồ nước ngọt trước đây là một hồ nhỏ ở cửa ngõ thị xã Sóc Trăng. Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, một quan chức tỉnh Ba Xuyên (tên gọi trước đây của tỉnh Sóc Trăng) là một người Thừa Thiên Huế. Vì nhớ quê nên ông đã cho xây hồ Tịnh Tâm theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm ở Huế.
Đến năm 1982, do nhu cầu trữ nước, người dân Sóc Trăng đã đào thêm một hồ nước ngọt phía sau hồ Tịnh Tâm. Danh xưng hồ Nước Ngọt ra đời như thế bên cạnh cái tên "Đà Lạt 2" do giới học sinh đặt vì khung cảnh thơ mộng thu hút giới trẻ.